CHUYẾN VIẾNG THĂM QUÊ HƯƠNG CỦA ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI

Chuyến viếng thăm mục vụ tại vùng Bavaria, nước Đức, quê hương của ĐGH Bênêđictô XVI, trong những ngày đầu tháng 9, 2006, đã bị nhiều cơ quan truyền thông thế tục lợi dụng để tiếp tục khai thác bằng cách “nhai lại” điệp khúc bi quan về tình trạng Đạo Công Giáo sa sút tại Âu Châu, đặc biệt tại nước Đức, quê hương của ĐGH, đồng thời cũng tô đậm và phóng đại việc giáo dân càng ngày càng ít đến nhà thờ, lôi kéo theo giới trẻ không còn nghĩ tới cuộc sống tận hiến nữa, bị cuộc sống vật chất cuốn hút đi mất! Đây là cơ hội thuận lợi cho một số cơ quan truyền thông đưa ra những con số thống kê bi quan về tình hình của Giáo Hội Công Giáo trong thế giới ngày nay. Loại tin tức này xem ra dễ câu khách hơn.

Nhà báo nổi tiếng tên Peter Seawald, một người Công Giáo đã bỏ đạo, trong một cuộc phỏng vấn ĐGH Bênêđictô XVI năm 1996, in thành sách “Muối Cho Đời”, lúc đó ngài còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, đã đặt vấn đề nhức nhối này cách nay đúng 10 năm, và ngài đã trả lời như sau: “Tôi không bao giờ mơ chuyện xoay chuyển bánh xe lịch sử. Ngay cả Chúa của chúng tôi cũng đã phải kết thúc cuộc đời trên thập giá thì làm sao con đường của Chúa có thể mau dẫn đến những thành công trước mắt được. Theo tôi, đấy là điều rất quan trọng. Các môn đồ đã hỏi Chúa: Làm sao vậy, tại sao chẳng có gì tiến triển cả? Ngài đã trả lời họ với dụ ngôn hạt cải, với nắm men trong bột và những dụ ngôn khác, và Ngài đã nói, ‘Chúa không dùng thống kê để cân đo đong đếm việc của Ngài. Kết quả của hạt cải và men bột tuy lúc này anh em chưa thấy nhưng sẽ rất quan trọng và quyết định. Như vậy, hãy bỏ ra ngoài những thành công về lượng. Bởi chúng tôi cũng đâu phải là một cửa hàng cần có sổ sách tính toán và chính sách hay để bán được thêm hàng. Nhưng chúng tôi thi hành một tác vụ, tác vụ đó cuối cùng chúng tôi lại đặt để vào trong tay Chúa. Nhưng mặt khác việc làm của chúng tôi cũng không phải là công toi. Những đóm lửa đức tin đây đó đã bùng lên trong giới trẻ khắp Năm Châu.”

Giới truyền thông bám sát ĐGH trong chuyến trở về Đức của ngài, nhưng chỉ tìm những sơ hở và những phản ứng tiêu cực của những người bất mãn để loan tin giật gân hay in đậm nét trên báo những hàng tít đập vào mắt khơi dậy tính hiếu kỳ của người đọc. Điển hình là họ phổ biến chỉ lời trích dẫn mà thôi rút ra từ bài thuyết trình dài của ĐGH đọc trước một cử tọa chọn lọc gồm toàn những triết gia, các nhà thần học, giáo sư và sinh viên tại Đại Học Regensburg, Đức Quốc. Lời được trích dẫn của một đại đế uyên bác tên Manuel Paleologos Đệ II trong bài viết của Giáo sư Theodore Khoury (Muenster), đặt vấn đề với một học giả xứ Ba-Tây, Trung Đông, như sau, “Hãy chỉ cho tôi xem những gì mới mẻ mà Muhammad đã mang lại, mà ở đó người ta chỉ thấy toàn những điều độc ác và phi nhân mà thôi, thí dụ như ông ta ra lệnh dùng gươm để truyền bá niềm tin mà ông đã rao giảng.”

Hãng Thông Tấn BBC News viết tiếp trong bản tóm lược như sau: “Vị hoàng đế ấy, sau khi tuyên bố mạnh bạo như vậy, tiếp tục giải thích từng chi tiết những l‎ý do tại sao truyền đạo bằng bạo lực là một điều hết sức vô lý. Bạo lực không thích hợp với bản tính Thiên Chúa và bản chất của linh hồn. Vị hoàng đế nói, “Thiên Chúa không hài lòng khi thấy máu đổ – và việc hành động không hợp l‎ý cũng trái nghịch với bản tính Thiên Chúa. Đức Tin do linh hồn mà có, chứ không do thể xác. Bất cứ kẻ nào muốn hướng dẫn ai tin theo mình cần phải có khả năng nói chuyện khéo léo và l‎ý luận thích hợp, mà không cần bạo lực và hăm dọa.”

Khi trích dẫn lời nói của vị hoàng đế Manuel Paleologos II, ĐGH Bênêđictô XVI gợi ‎ý khuyến khích các giáo sĩ Hồi Giáo can đảm đối thoại và thẳng thắn trình bày giáo huấn và sách Koran của Hồi Giáo chân chính để đả phá những ‎ý nghĩ không đúng đắn đối với Hồi Giáo phát sinh từ thời Trung Cổ và đặc biệt sau biến cố 911 tại Hoa Kỳ năm 2001 và khắp thế giới ngày nay với những vụ tín đồ Hồi Giáo bị một số giáo sĩ và chính trị gia cơ hội xuyên tạc Kinh Coran, khích động ôm bom tự sát giết hại dân lành vô tội xảy ra hằng ngày tại Iraq, Afghanistan, Palestine, và thỉnh thoảng tại vài nướcTây Phương. Trong cuộc phỏng vấn dành cho một nhật báo Ý, Đức Hồng Y Paul Poupard, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn và Văn Hóa đã lên tiếng phàn nàn anh chị em Hồi Giáo đã phản ứng dựa theo các tường thuật bóp méo của giới truyền thông. Theo ĐHY Paul Poupard, nếu đọc cẩn thận bài thuyết trình của ĐGH người ta có thể nhận ra rằng ĐGH “đã gởi đến những người Hồi Giáo một cánh tay nối dài” trong trận tuyến chống lại chủ nghĩa thế tục đang lan tràn khắp thế giới.

Trong Thánh Lễ tại Munich ngày 10-9-2006, ĐGH đã nói, “Thái độ hoài nghi không phải là lòng khoan dung và sự cởi mở văn hóa mà các dân tộc trên thế giới đang tìm kiếm và tất cả chúng ta mong muốn! Lòng khoan dung mà chúng ta rất cần bao gồm việc kính sợ Thiên Chúa – đó là tôn trọng những gì mà kẻ khác cho là linh thiêng. Sự tôn trọng như thế đòi hỏi chúng ta một lần nữa phải học hỏi sự kính sợ Thiên Chúa. Ý thức tôn trọng này có thể được tái sinh trong thế giới Tây Phương, nếu Thiên Chúa lại hiện diện cho chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ ai. Sự gia nhập đạo theo kiểu áp đặt này trái với Kitô giáo. Niềm tin chỉ phát triển trong sự tự do.”

ĐGH nói tiếp, “Thế giới cần Thiên Chúa. Chúng ta cần Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa nào? Trong bài đọc Tiên Tri Isaia, vị tiên tri nói về một dân tộc chịu đau khổ vì bị áp bức như sau: “Đấng sẽ đến để báo thù.” Chúng ta có thể nghĩ một cách dễ dàng rằng dân chúng lúc đó mường tượng sự báo thù ấy như thế nào rồi. Nhưng chính nhà tiên tri được mặc khải về một thực tế khác hẳn với tầm hiểu biết của loài người, đó là lòng nhân từ của Thiên Chúa có khả năng chữa lành. Lời mặc khải cho Tiên Tri Isaia mang một ý nghĩa thâm sâu phải được tìm thấy trong Đấng đã chịu chết trên thánh giá: đó là trong Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. Sự “báo thù” của Chúa là thánh giá: là sự chối bỏ bạo lực và là một “tình yêu thương cho đến cùng.” Đây là Thiên Chúa mà chúng ta cần. Chúng ta luôn luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với các tôn giáo và văn hóa khác, một sự kính trọng sâu xa đối với niềm tin của họ, khi chúng ta công bố một cách minh bạch và không nhân nhượng rằng Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng chính sự đau khổ của mình; chính Chúa đề cao lòng thương xót trước quyền lực của độc ác, hầu tội ác có thể bị giới hạn và bị khắc phục. Bây giờ chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện cầu của chúng ta để xin Chúa ở lại với chúng ta và giúp chúng ta trở nên những chứng nhân đáng tin cậy của Chúa.”

Giáo Hội Hoàn Vũ tiếp tục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng chu toàn sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian và mỗi khi tôn kính Thánh Thể toàn thể Giáo Hội luôn luôn xin Chúa gìn giữ ĐGH, “đừng trao người cho ác tâm quân thù”, nhưng sẵn sàng phó thác mọi sự cho Chúa Quan Phòng cùng chấp nhận Thánh Ý của Chúa.