Đọc sách: Từ Các-Mác đến Giêsu Kitô (From Karl Marx To Jesus Christ)
Thân tặng những người cộng sản chân chính
Đó là tên (dịch tiếng Việt) của một cuốn sách, tác giả là ông Ignace Lepp. Cuốn sách viết tiếng Pháp có tên là Itinéraire de Karl Marx à Jesus Christ, và được dịch ra tiếng Anh dưới tên From Karl Marx to Jesus Christ. Trong cuốn sách ấy, tác giả kể lại đời mình và những lý do làm tác giả tham gia phong trào cộng sản thế giới, để rồi sau đó trở thành tín đồ, rồi Linh Mục của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo.
Bị thu hút bởi phong trào cộng sản
Ignace sinh trong một gia đình giàu có, trưởng giả. Giai cấp này sống trong một thế giới riêng biệt, với những phong tục, tập quán, tư tưởng và truyền thống của họ : ăn mặc sang trọng, nói năng lễ độ, cư xử hòa nhã, lịch thiệp. Giai cấp này khinh bỉ giới thợ thuyền mà họ cho là một bọn thất học, thô lỗ, cộc cằn thiếu tư cách làm người, và đáng sống trong cảnh bần hàn. Cũng như mọi người khác trong cùng giai cấp, Ignace cho dân lao động là một hạng người hạ lưu và không bao giờ nghĩ đến chuyên tiếp xúc hay quen biết họ.
Một hôm tình cờ Ignace đọc được cuốn tiểu thuyết Người Mẹ của Marxim Gorky trong đó tác giả mô tả đời sống cơ cực, lầm than của dân lao động Nga làm việc trong các nhà máy kỹ nghệ hồi đầu thế kỷ 20. Từ sáng sớm đến tối mịt, họ làm việc nặng nhọc. Đến giờ bãi việc, họ lầm lũi ra về như một đàn kiến, áo quần dơ bẩn, mặt mày và tay chân lem luốc. Về nhà, họ không kịp thay quần áo, mà chắc cũng không có áo quần để thay. Mệt quá, họ chỉ biết uống vodka, ăn qua loa vài mẩu bánh mì rồi lăn ra ngủ. Rồi vừa sáng tinh sương, còi nhà máy rú lên, họ lại tuôn ra khỏi nhà, lũ lượt kéo đến nhà máy tiếp tục làm việc, sự mệt nhọc hiện rõ trên nét mặt.
Gorky không những đã tả hết những nổi nhọc nhằn, đời sống lam lũ của giới thợ thuyền, và bằng một nhận xét sắc bén ông cho thấy đời sống cơ cực của những người này chính là hậu quả của sư bóc lột của giới chủ nhân, sống xa hoa trên mồ hôi và sự khổ cực của dân lao động. Lần đầu tiên Ignace biết được chi tiết đời sống của hạng người mà bấy lâu cậu vẫn thường khinh rẻ và chỉ nhìn thấy từ xa. Và cũng nhờ cuốn sách đó mà cậu biết rằng chính giai cấp tư sản đã bần cùng hóa dân lao động.
Trong cuốn tiểu thuyết, phần lớn thợ thuyền đều mệt mỏi và an phận với đời sống nhọc nhằn của mình. Tuy nhiên, cũng có một vài người cương quyết đứng lên phản đối sự bóc lột của giới chủ nhân. Họ tổ chức những cuộc biểu tình, phát truyền đơn, hô hào thợ thuyền tranh đấu cho quyền lợi của mình. Khi họ bị đày sang Tây Bá Lợi Á (Siberia) thì mẹ (vì vậy cuốn sách có tên là Người Mẹ) của một người trong nhóm đó đứng ra tiếp tục hoạt động thay con mình.
Sau khi đọc thêm một vài cuốn nói về đời sống cùng khốn của dân lao động, như những tác phẩm của Anatole France, Victor Hugo, Tolstoi, v.v., Ignacce cương quyết từ bỏ giai cấp của mình để hoạt động cho giới cần lao. Cậu bị thu hút bởi những hứa hẹn của phong trào cộng sản thế giới : tạo nên một xã hội không có giai cấp, không phân chia ranh giới quốc gia, trong đó mọi người được sống bình đẳng, không bị bóc lột và áp chế. Mặc dù không được đọc nhiều về chủ nghĩa mác-xít, hay chính vì thiếu am tường về chủ nghĩa này mà cậu thâm tin vào nó một cách cuồng tín. Từ đó, đối với cậu, tất cả những tín điều của thuyết duy vật biện chứng đều là những chân lý tuyệt đối, hợp với khoa học, mặc dù cậu biết rất ít về khoa học, vì khi đi học cậu chuyên về văn chương.
Cậu được thu nhận vào một tiểu tổ Thanh Niên Cộng Sản lúc vừa 15 tuổi. Trong thời gian này, Ignace đã đi phát truyền đơn, dán bích chương, dự những cuộc biểu tình, mít tinh và diễn thuyết nhân các ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười và Lễ Lao Động.
Việc cậu lên diễn đàn phát biểu trong một buổi lễ lao động đã được báo chí trong thành phố tường thuật chi tiết. Hay được tin này, gia đình cậu đã rất tức giận và buộc cậu phải từ bỏ phong trào nếu không sẽ cắt mọi yểm trợ tài chánh. Nhất quyết theo đuổi lý tưỏng của mình, cậu bỏ nhà ra đi, không mang theo một tý gì, ngoài bộ quần áo đang mặc và ít tiền túi. Lang thang ngoài công viên một vài hôm và tiêu hết tiền túi để mua bánh mì, cậu đành thú thật tình cảnh mình với các đồng chí trong tiểu tổ. Cậu đã rất ngạc nhiên thấy những người này sốt sắng quyên góp tiền để mua thực phẩm, tìm chỗ trú ngụ cho cậu. Các cô gái cũng giúp cậu giặt giũ quần áo, và khi biết cậu chỉ có một bộ quần áo đang mặc trên người họ liền quyên tiền sắm thêm áo quần khác cho cậu. Cậu rất cảm động vì biết họ là giới thợ thuyền, sống triền miên trong cảnh thiếu thốn. Những người bạn giàu sang của cậu trước kia chắc cũng không tử tế bằng.
Ít lâu sau, để tránh sự can thiệp của gia đình, theo lời khuyên của các đảng viên cộng sản lớn tuổi, cậu sang ở một thành phố khác và trở lại nhà trường học xong cấp trung học. Ở đó cậu cũng được một tờ báo cộng sản nhận vào làm biên tập và thông tín viên. Tuy sống trong cảnh thiếu thốn, nhưng còn bận tâm vì sinh kế, cậu bắt đầu viết sách báo, ghi tên vào đại học và học thêm vài ngôn ngữ khác. Vì có trình độ học vấn khá và biết nhiều thứ tiếng, cậu được cất nhấc vào nhiều chức vụ quan trọng trong đảng, như cầm đầu tổ chức tuyên truyền khích động trong một vùng, tổng bí thư một hội trí thức cách mạng quốc tế. Những hội này, tuy có nhiều hội viên không phải là đảng viên cộng sản nhưng bao giờ cũng có những đảng viên cộng sản chi phối, và chức tổng bí thư bao giờ cũng do một đảng viên nắm giữ, hoạt động theo chỉ thị của điện Cẩm Linh. Ngoài những mục tiêu của hội, các đảng viên cộng sản còn có mục đích bành trướng ảnh hưởng của đảng với các hội viên không cộng sản nữa.
Sau đó Ignace được cử đi hầu hết các quốc gia Âu châu để tuyên tuyền cho chủ nghĩa cộng sản và giúp thành lập những tiểu tổ địa phương. Trong giai đoạn này, cậu theo học nhiều lớp do các giáo sư cộng sản giảng dạy và đọc nhiều sách về lý thuyết cộng sản. Một trong những điểm chính mà cậu học được là lý thuyết cộng sản không chấp nhận cải thiện đời sống của giới công nhân trong chế độ tư bản, cho rằng sự cải thiện đó chỉ làm chậm sự toàn thắng tất yếu của cách mạng vô sản. Đảng cộng sản rất thù ghét những người theo chủ nghĩa xã hội, mà họ cho là phản bội giai cấp công nhân. Họ cho rằng công nhân trong các nước tư bản càng nghèo khổ chừng nào thì càng dễ lôi cuốn họ vào phong trào cách mạng vô sản. Vì vậy họ chống lại những chương trình cải cách lao động, và nhiều khi còn tìm cách phá rối những chương trình ấy nữa.
Trong lúc hoạt động cho phong trào cộng sản trong các nước độc tài và bảo thủ, Ignace bị bắt nhiều lần. Lần cuối cùng ông bị bắt ở Đức, lúc đó Hitler đã lên cầm quyền. Ông bị kết án tử hình, nhưng lúc sắp bị đem ra pháp trường thì ông được cứu thoát và được bí mật đưa sang Nga.
Vỡ mộng
Vui mừng được đến nước cầm đầu phong trào cộng sản thế giới, ông xin ở lại Nga để phục vụ cho cách mạng. Ông rất được trọng vọng và được giao phó công tác đi diễn thuyết và được bổ làm giáo sư triết học (triết học cộng sản, lẽ cố nhiên) ở nhiều trường đại học. Nhờ chức vụ đó, ông được đi hầu hết khắp nước Nga và tiếp xúc với mọi giới. Kinh nghiệm này đã làm ông vỡ mộng một cách ê chề.
Cái thiên đường vô sản ở Nga mà phong trào cộng sản quốc tế thường khoe khoang với thế giới bên ngoài thật ra là một nhà tù khổng lồ, trong đó mọi người, tù nhân cũng như cai ngục, đều sống trong lo âu và sợ hãi. Mỗi lời nói, hành vi và thái độ đều được cân nhắc kỹ lưỡng xem có phù hợp với đường lối của đảng không (mà đường lối thì thay đổi rất bất thường) vì mỗi sơ suất, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dẫn đến tù đày. Diễn giả và giáo sư bao giờ cũng phải chứng minh rằng học thuyết Mác là học thuyết duy nhất đúng tuyệt đối. Mọi học thuyết, tư tưởng, triết học khác trong quá khứ, hiện tại hay tương lai đều sai lầm. Họ cũng phải trích dẫn một vài lời vàng ngọc của Lenin và Stalin để chứng tỏ sự tôn sùng. Đối với những giáo sư triết học, tìm một vài tư tưởng của Stalin để ca ngợi không lấy gì làm khó khăn. Nhưng với các giáo sư khoa học, truy tìm một ý tưởng của hai lãnh tụ này cho phù hợp với môn mình dạy là cả một cực hình trí tuệ.
Các cai ngục của thiên đường đó (nghĩa là lực lượng cảnh sát và công an) cũng không thoải mái gì hơn. Họ phải luôn luôn tỏ ra đắc lực và có tinh thần cảnh giác cao. Họ phải tìm cho ra những kẻ chống đối đảng, những kẻ xét lại chủ nghĩa, hay những kẻ đã mất tin tưởng vào cách mạng. Nếu tìm không ra những người này thì họ phải lập kế, gài bãy để bắt những người lọt vào bãy để chứng tỏ sự đắc lực của mình.
Vì được xem là một lý thuyết gia lỗi lạc của chế độ nên đi đâu Ignace cũng được đón tiếp nồng hậu. Điều này khiến ông càng thất vọng hơn nữa. Trong khi, vì chính sách kinh tế khắc nghiệt của Stalin, dân chúng Nga sống trong cảnh đói rách bần cùng thì giới lãnh đạo cộng sản sống một cuộc đời vương giả. Họ chiếm cứ những biệt thự sang trọng và những nhà nghỉ mát của giới quý tộc và chủ nhân thời Nga hoàng. Các bữa tiệc của họ đầy cao lương mỹ vị, rượu volka và caviar không bao giờ thiếu. Các "mệnh phụ phu nhân" cũng khoe khoang áo quần, nữ trang với nhau như giới tư sản trong các xã hội tư bản. Những gia đình quyền quý này cũng có kẻ hầu người hạ mà họ sai bảo và đối xử còn trịch thượng hơn các chủ nhân tư bản Tây Âu. Khi bàn đến giới lao động thì giai cấp chủ nhân mới này tỏ ra khinh miệt ra mặt mà họ cho là ngu dốt đần độn và không có ý thức cách mạng.
Chàng Ignace, bây giờ đã trưởng thành (25 tuổi) mới nhận thức được rằng xã hội Xô Viết thực chất chỉ là một xã hội phân chia giai cấp, trong đó giai cấp công nhân, thay vì được giải phóng khỏi mọi áp bức như đảng cộng sản rêu rao với thế giới bên ngoài, thực ra bị bóc lột tối đa, và tất cả mọi người, có lẽ chỉ trừ Stalin, đều sống trong sự sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau kể cả bạn bè thân nhất hay vợ chồng, con cái.
Ignace hoàn toàn thất vọng với chế độ Xô Viết, mà chàng cho là đã phản bội lý tưởng cách mạng. Chàng thấy mình không thể nào tiếp tục sống trong bầu không khí ngột ngạt, đầy nghi kỵ và lo lắng như vậy được nữa. Chỉ trích sự sai lầm của chế độ không còn được đặt ra nữa vì Ignace biết sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có thể nguy hiểm cho tính mệnh của mình. Chàng cũng không thể xin ra khỏi đảng hay xin ra nước ngoài, vì làm như vậy người ta có thể buột cậu tội phản đảng, hay nguy hơn nữa, bị nghi là gián điệp của các nước tư bản trà trộn ngay từ đầu để lũng đoạn cách mạng. Với một cáo trạng như vậy, cái chết chắc như cầm trong tay.
May thay trong thời gian đó cánh cửa của thiên đường Xô Viết không khép kín như sau này, nhiều người vẫn được phép thư từ với bạn hữu nước ngoài. Dịp may hiếm có đó đã xảy ra khi một "Hội nghị về Hòa bình thế giới" được tổ chức ở Luân đôn, Ignace đã vận động để được mời dự. Với giấy mời trong tay, chàng xin xuất cảnh và rất ngạc nhiên khi được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên chàng chỉ thấy an toàn khi ra khỏi biên giới Liên Bang Xô Viết.
Ban đầu chàng cho rằng Stalin đã phản bội chủ nghĩa Mác và lợi dụng chiêu bài cách mạng vô sản để lập một chế độ độc tài khát máu. Về sau chàng ý thức được rằng chính nhà độc tài đỏ đã hành động đúng với ý thức hệ duy vật biện chứng. Trong ý thức hệ đó, con người không có một giá trị nào cả. Con người chỉ là một thành phần để phục vụ cho tập thể, và có thể bị thanh toán khi không còn hữu ích hay bị nghi ngờ cản trở bước tiến của cách mạng. Vì vậy mà Stalin không ngần ngại thủ tiêu hàng triệu người, kể cả những đồng chí thân thiết, khi thấy chính sách của mình bị chỉ trích, chống đối hay không được thi hành nghiêm chỉnh. Những cá nhân bị nghi ngờ là không tuyệt đối trung thành với chế độ cũng bị hy sinh để cách mạng được an toàn. Thuyết duy vật biện chứng cũng phủ nhận lương tâm cá nhân. Theo thuyết này, chỉ lương tâm chung của tập thể là có thật, mà lương tâm này là sản phẩm của trình độ kỹ thuật và kinh tế và biến đổi tùy giai đoạn. Không có ý thức thiện ác phổ quát. Như Lenin đã nói "cái gì có lợi cho cách mạng là hợp đạo đức, cái gì hại cho cách mạng là trái với đạo đức". Vì vậy mà những người theo chủ nghĩa Mác-Lê không từ bỏ một hành động nào, dù tàn ác đến đâu, nếu nghĩ rằng hành động đó có lợi cho sự tồn tại của họ.
Khi trở về lại Tây Âu, Ignace rất chán nản. Lý tưởng mà chàng hăng say phục vụ trong mười mấy năm trời thật ra chỉ là môt sai lầm khổng lồ. Đem thử nghiệm vào một quốc gia, lý thuyết này chỉ đem lại cho nhân dân lao động xứ đó một xã hội đầy bất công, áp bức, thù hận và tạo ra một chế độ độc tài cực kỳ tàn ác. Thất vọng chua cay đó đã làm Ignace mất hết tin tưởng vào cuộc sống mà chàng cho là vô nghĩa. Để lấp khoảng trống trong tâm hồn, chàng đã chìm đắm vào những bê tha trụy lạc. Nhưng ngay sau những cuộc chời bời trác táng đó chàng lại càng chán nản hơn. Có lần chàng đã nghĩ đến tự tử, và đã dự định nhiều lần nhưng không đủ can đảm tự kết liễu đời mình.
Lý tưởng huyền diệu
Một hôm đi chơi về khuya, Ignace tình cờ thấy trên cái bàn của phòng khách, nơi chàng ở trọ, một cuốn sách có nhan đề Quo Vadis ? (Thầy Đi Đâu ?). Vì khó ngủ, chàng tò mò mở sách ra đọc. Đó là một cuốn tiểu thuyết tả lại cảnh những người Ki-tô hữu đầu tiên bị bách hại dưới thời Neron. Lần đầu tiên, sau khi thất vọng về chế độ cộng sản Xô Viết, Ignace đọc cuốn sách này một cách say mê, chàng đã đọc thẳng một mạch cho đến sáng. Chàng thấy những nạn nhân của cuộc bách hại này chỉ vì theo đuổi một lý tưởng mà họ cho là cao đẹp đã chịu để cọp và sư tử xé xác ăn tươi nuốt sống mình trong các đấu trường còn hơn là chối bỏ niềm tin đó.
Để tìm hiểu thêm những lý do gì mà những tín đồ Thiên Chúa giáo này đã dám liều chết đến như vậy, chàng tìm đọc thêm những sách khác nói về tôn giáo này. Những sách tả về đời sống của các cộng đồng Thiên Chúa giáo đầu tiên làm chàng thích thú. Chàng thấy họ sống một đời sống đúng như lý tưởng mà chàng thường ấp ủ : chia sẻ của cải cho nhau, thương yêu nhau như anh em môt nhà. Chàng tự hỏi không biết các cộng đồng Thiên Chúa giáo tiên khởi có sống thật như vậy không, hay đó chỉ là những tài liệu tuyên truyền như các chế độ cộng sản thường làm. Chàng tìm đọc thêm nhiều sách khác của nhiều tác giả khác, có người theo Thiên Chúa giáo, có người vô thần. Nội dung những sách đó có khác nhau về chi tiết, nhưng đại cương thì rất giống nhau. Tất cả đều nói lên sự yêu mến, việc chia sẻ của cải cho nhau trong các cộng đồng đó là hợp lẽ phải. Chàng thấy lối sống đó hợp với lý tưởng mà chàng hằng mơ ước, một xã hội cộng sản chân chính không dựa trên hận thù và đấu tranh mà dựa trên tình yêu thương vô điều kiện.
Tất cả những sách vở chàng đọc được về lối sống của các cộng đồng nói trên đều dẫn đến lời giảng của một người : Giêsu (Jesus) ở thành Nazareth, và một nguồn tài liệu: các sách Phúc Âm (Bible). Ignace cảm thấy bị lôi cuốn vào những lời giảng dạy tuyệt vời của Giêsu. Bài giảng trên núi và các dụ ngôn không những rất thi vị, mà còn chứa một học thuyết huyền diệu. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho Ignace chính là con người Giêsu, một người rất mực giản dị và nhân hậu với tất cả những người cùng khổ. Giêsu sống hoàn toàn bình đẳng không những với các môn đệ mà với những người nghèo khó nhất. Cách Giêsu đối xử với những người tội lỗi như bà Marie ở Magdala và những người thâu thuế thật khác xa với các phương pháp mà công an và cảnh sát ở Liên Bang Sô Viết đối xử với công dân của họ.
Sau khi đọc kỹ sách Phúc âm và nhiều sách khác, Ignace cho rằng những điều viết về Giêsu là có thật.
Với một tính tình hiếu động, chàng nhất quyết dâng hiến trọn vẹn đời mình cho lý tưởng mới cũng như trước kia chàng đã từng hăng say hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản. Ignace đã xin rửa tội theo đạo Công giáo và xin được làm linh mục để phục vụ mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, quốc gia hay chủng tộc trong một tình yêu tuyệt đối.
Nguồn: www.thongluan.org