BẾN TRE -- Ngày Chúa nhật cuối tháng 8, ngày 26/8/2006, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi lại đi về miền tây. Lần này, tuyến đi cũng như lần trước: từ Bến Tre qua Mỹ Tho rồi lại đi về bằng ngả đường phà Rạch Miễu; thế mà chuyến đi này vẫn có nhiều điều mới mẻ với chúng tôi.

Chúng tôi gồm trưởng nhóm và mười bạn trẻ cùng lên đường. Đánh một chuyến lớn như thế này thì vừa đông, vừa vui, vừa “hao”; nhưng cũng cần phải làm như thế để tình thân thiết của nhóm được triển nở tốt đẹp.

Đường xuống huyện Bình Đại ngày thứ bảy ít người qua lại. Một trường Trung học Cơ sở bên đường thuộc xã Phú Thuận đón tiếp chúng tôi niềm nở và cả hai bên đều phải làm những việc cần thiết cho lần đầu gặp gỡ. Sau đó, một thầy và một cô giáo dẫn chúng tôi đến thăn nhà các em học sinh trước khi tập trung để trao học bổng chiều nay.

Ngôi nhà lá đầu tiên, đi qua cái cầu khỉ nhỏ, dường như là “mô hình” chung của những nhà nghèo ở Bình Đại này: mái lá, cột gỗ, nền đất, miếng vải ngã màu làm màn gió, một ít đồ đạc cũ kỹ và không khí phảng phất một mùi ẩm mốc.

Song mỗi nhà lại một hoàn cảnh có phần khác nhau: một nhà kia nuôi vịt, bị dịch cúm gia cầm, thế là hết vốn phải đi làm mướn đắp đổi qua ngày, có một thằng con trai nó yếu trong người, cứ ngủ ngáp suốt ngày, mặt mày xanh mướt. Nhà khác có đứa con gái học lớp tám, cao nhồng, nó nói nếu hổng có tiền học thì nó nghỉ thôi vì cha nó chết, mẹ nó lấy chồng khác, chị em nó ở với bà ngoại, lấy tiền đâu mà đóng học phí, mua tập vở. Ông hiệu trưởng giới thiệu nhà một em học sinh nọ, cha nó tự vận chết vì bịnh miết rồi không làm ra tiền, còn má nó nuôi hai đứa con thấy mệt quá rồi.

Đi một vòng mười nhà đủ các cấp lớp thì hết thời giờ. Nhà trường đãi cơm trưa đơn sơ thôi nhưng nhờ vậy mà, qua câu chuyện khi dùng cơm, chúng tôi nắm được tình hình nhịp sống của khu vực này. Chúng tôi chột dạ khi nhà trường hy vọng rằng năm học tới, chúng tôi cho…nhiều hơn.

Ở huyện Bình Đại này, người ta làm lúa là chính nhưng số người không có đất đi làm mướn cũng nhiều; đường quê vắng bóng thanh niên chắc là vì họ phải tha phương cầu thực.

Nhà trường tiến hành một buổi lễ trao học bổng rất trịnh trọng trong hội trường với chương trình có phần tuyên bố lý do, lời khuyên học sinh của chính quyền, cảm tưởng của một bạn trẻ Bông Hồng Xanh, lời cảm ơn của một cháu học sinh. Các em học sinh mặc áo trắng trông chỉnh tề nhưng nhìn kỹ thấy các em đen và gầy. Có em học sinh cấp 3 bỗng khóc rưng rức. Hỏi ra mới biết: cha đi làm mướn, má đi mót lúa, tâm tư của em cứ chập chờn hai tiếng “nghỉ học” và không có ai cùng em đến dự buổi trao học bổng hôm nay.

Có bà cụ già mặc áo bà ba tím cùng với thằng cháu trai vác bao dừa xiêm đến thở hổn hển: “Tui có mấy trái dừa mang đến để “phới đòn”(phái đoàn ) uống cho mát “guột”!”. Chúng tôi cảm động đón nhận.

Từ trường trung học đó chúng tôi đi vội về nhà một người giáo dân ở gần chợ Phú Thuận để gặp lại những em học sinh “cũ” đã được nhận học bổng năm ngoái. Một cơn mưa rất lớn đổ ập xuống. Thật là tạ ơn Chúa, nếu lúc nãy đang chụp hình mà mưa tầm tã thế này thì áo quần, tập vở các cháu thế nào nhỉ? Đúng là nếu Chúa không chúc phúc thì việc nhỏ cũng bị “hư bột hư đường” hết trơn!

Chị trưởng nhóm vui mừng ra mặt khi được gặp lại các em học sinh năm ngoái. Trong khi các bạn trẻ soạn từng phần quà học tập, chị gọi từng em đến gần hỏi han:

“ - Con tên là…con phụ quét chợ Phú Thuận cho dì con đó!

- Sao năm nay con mau lớn mà tròn quá dzậy? Tốt lắm, con cứ đi học nghen!”

“ – Con là người chèo ghe bơi nhanh năm ngoái đó phải không?

- Dạ !

- Sao con cứ đòi nghỉ học hoài dzậy? Bây giờ cô cho tiền, cho tập cho luôn hai bộ đồ đó, con mà nghỉ học là phải trả lại hết mấy thứ đó nghen!”

- Dạ”

Một bạn trẻ trong nhóm nói: “ Cô mà đòi lại được con “chết liền” đó! Chị trưởng cười rồi nói nhỏ: “Cháu nào năm ngoái có má bị ung thư dzú, dì của nó cũng chết đâu rồi? Ưu tiên cho anh em nó nghe không!”. Anh của hai thằng bé sinh đôi năm nay học lớp sáu, nó đặt điều kiện với cha má nó là nếu không mua xe đạp thì nó không đi học nữa. Mà ba má nó đi với củi trên sống, bữa đói bữa no thì lấy tiền đâu mà mua xe đạp. Chị trưởng nhóm nhờ ông Năm dắt nó vào lòng chợ mua cái xe đạp mới.

Ông Năm nói: “Thằng này ngon quá hén, cổ mua cho mày xe đạp mà mày nghỉ học là biết tay tao!” Một bạn nói: “Kệ nó chú Năm ơi, cho nó phấn khởi đến trường”. Còn cái thằng bé năm ngoái đến xin năm cuốn tập mà bị ông Năm mắng, cha nó mua ve chai…sao năm nay nó gầy quá! Thôi thì nó tuy nghịch mà chịu đi học là quí lắm rồi!

Các cháu hớn hở ra về. Năm nay, trong phần quà học tập còn có gói bánh bích qui và mấy viên kẹo nữa. Chắc là mấy nhóc thích lắm!

Chúng tôi lại thăm nhà thờ Phú Thuận đang giờ chầu trước thánh lễ. Nhà thờ này không có linh mục nên một tuần chỉ có bốn thánh lễ vào chiều thứ bảy, sáng Chúa nhật, tối thứ hai và sáng thứ ba mà thôi, do một cha ở cách đó 6 km đến dâng lễ. Không có Ban Quí Chức (tức là không có ông biện, ông trùm xứ đạo) chỉ có hai bà sơ dòng Mến Thánh Giá dạy giáo lý và hướng dẫn các em đánh đàn. Ngày lễ, Tết cũng không có chuyện tặng quà người nghèo hay viếng thăm nhau gì hết. Chính vì thế mà khung cảnh nhà thờ tuy sạch đẹp nhưng như còn thiếu một cái gì ấm áp hơn giữa đoàn chiên vài trăm người đó.



Chúng tôi lên đò đi trên quãng sông Cửa Đại để sang Mỹ Tho khi trời đã tối hẳn như bắt đầu một chuyến công tác khác.