NGUYỄN THÁI HỢP, O.P.

ĐƯỜNG VÀO THẦN HỌC VỀ TÔN GIÁO


LỜI NÓI ĐẦU

Kitô giáo tự bản chất là một tôn giáo nhập thể và nhập thế, lăn lưng vào đời để biến đổi và cứu vớt cuộc đời từ nền tảng. Công đồng Vatican 2 đã đúc kết một cách ngắn gọn như sau: “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn vạn sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng về Ngài trước mặt loài người qua các tạo vật. Vì muốn khai mở con đường cứu độ cao cả, nên từ đầu Ngài tự mạc khải cho tổ tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, Ngài hứa ban ơn cứu chuộc và đã vực họ dậy trong niềm hy vọng cứu độ. Ngài không ngừng săn sóc nhân loại ngõ hầu ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ trong kiên tâm hành thiện. Khi đến giờ đã định, Ngài gọi Abraham ngõ hầu qua ông, tạo dựng một dân tộc lớn mạnh, một dân tộc mà sau thời các Tổ phụ, Ngài đã dùng Maisen và các ngôn sứ để dạy họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, thẩm phán chí công....

Sau khi nói nhiều lần và nhiều cách thế qua các Ngôn sứ, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử”. Thật vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng chiếu sáng mọi người, đến cư ngụ giữa loài người và mạc khải cho họ những mầu nhiệm về Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu-Kitô, Ngôi Lời mặc xác phàm, được sai đến “như con người cho loài người”, “rao truyền lời của Thiên Chúa” và hoàn thành công cuộc cứu độ mà Chúa Cha đã uỷ thác”[1].

Ngài sinh ra dưới bầu không khi Cựu ước, lớn lên trong vòng lễ giáo Maisen, để rồi cũng sống, làm việc, suy tư, cầu nguyện, rao giảng ơn cứu độ như một người Do thái giữa những người Do thái khác. Ngài hoàn toàn hòa mình với đồng hương và đồng loại như một giọt nước giữa trăm ngàn giọt nước khác.

Đặc biệt trong thời gian xuất thân truyền Đạo, vấn đề thích nghi này đã trở thành một mâu thuẫn căn bản trong mối tương quan căng thẳng giữa Ngài với các đầu mục Do thái. Đối với Đức Kitô, Lời Thiên Chúa là một sứ điệp cứu độ được gởi đến cho con người cụ thể và sống động, trong khi các đầu mục Do Thái lại quan niệm Lời Thiên Chúa như những công thức cứng ngắc đã được truyền lại cho Maisen và phải áp dụng y nguyên cho mọi người, ở mọi thời, mọi nơi. Mâu thuẫn này ngày càng trở nên gay gắt và trầm trọng. Các đầu mục Do thái phản công mạnh mẽ. Họ tìm đủ mọi cách để thủ tiêu Ngài và thực sự cuối cùng họ đã thành công. Đức Kitô đã chết thê thảm trên thập giá! Nhưng họ vẫn không sao ngăn cản được đòi hỏi thích nghi và nhập thế của Tin Mừng.

Liền sau ngày Chúa Thánh thần hiện xuống, các Tông đồ công khai xuất hiện trước dân Israel, dõng dạc tuyên bố sẽ nhất quyết tiếp nối sứ điệp và chương trình của Đức Giêsu. Nhưng phải công nhận rằng, với kiến thức hạn hẹp, đại đa số các vị cũng chỉ biết thể hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong vòm trời và theo nhãn quan Do thái giáo mà thôi. Hơn thế nữa, phái bảo thủ còn nhất quyết chủ trương duy trì Luật cũ. Họ sai người từ Giuđê đến Antiokhia tuyên bố với các tín hữu gốc ngoại giáo rằng “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Maisen, thì anh em không được cứu độ” (Cv 15,1).

Tông đồ Phaolô đã cương quyết đấu tranh không những để bảo vệ sự tự do hào hùng của con cái Chúa, mà trước tiên nhằm đặt nổi giá trị ưu việt của niềm tin và bảo vệ căn tính của Kitô giáo. Ngài thâm tín rằng “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô (…), vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích”[2].

Giáo đoàn Antiokhia quyết định cử Phaolô, Banaba và một vài đại biểu khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục để thảo luận về vấn đề cương yếu này. Sau những cuộc tranh luận gay go, Công đồng đầu tiên của Kitô giáo đã đi đến quyết định: “Thánh thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là không ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, không ăn tiết, thịt loài động vật không cắt tiết và tránh gian dâm”(Cv 15, 28-29). Đây là một bước tiến rất quan trọng để Giáo hội có thể thanh thản đi tới các dân ngoại, mặc dù mới chỉ là một bước rụt rè, chập chững và xiêu vẹo.

Ra khỏi khung cảnh Do thái giáo, sứ điệp Tin Mừng trước tiên được rao giảng cho những người thuộc văn hóa Hy-lạp và La-mã. Nhưng trong giai đoạn đầu, giáo quyền rất dè dặt đối với việc hội nhập với nền văn hóa, phong tục, lễ nghi “ngoại giáo”. Phải đợi một thời gian khá lâu, Tin Mừng mới thật sự hội nhập vào nền văn hóa La-Hy, mới dám sử dụng triết học, ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi của xã hội La-Hy để trình bày sứ điệp cứu độ cho quần chúng chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa này.

Thành quả trên sở dĩ có được là nhờ nỗ lực suy tư và khả năng thích nghi của lớp người tiến bộ như Giustinô, Clêmentê thành Alexandria, Origène, Basiliô, Ambrosiô, Augustinô... Thánh Basiliô, chẳng hạn, công nhận rằng văn chương ngoại giáo cũng có thể giúp tín đồ hiểu rõ Đạo Chúa hơn và ngài khuyên các bạn thanh niên nên bắt chước con ong biết hút lấy những nhị hoa ở các nền văn minh đó.

Nghiên cứu triết học Hy lạp, thánh Clementê thành Alexandria đã khám phá ra “mầm Ngôi Lời” và giá trị khai mở của nó đối với chân lý mạc khải. Ngài mạnh dạn viết: “Chúa là nguyên nhân mọi sự thiện. Có những điều thiện Ngài là nguyên nhân trực tiếp, chẳng hạn như Cựu ước và Tân ước, cũng có những sự thiện qui hướng về đó, như triết học Hy lạp chẳng hạn. Có khi chính triết học cũng là một di sản mà Chúa trực tiếp ban cho người Hy-lạp, trước khi Ngài làm cho tiếng gọi của Ngài vang tới họ, bởi vì triết học đã giáo hóa họ để dẫn đưa họ đến với Đức Kitô. Triết học đóng vai trò chuẩn bị: nó mở lối và dẫn tới điều mà Đức Kitô sẽ hoàn thiện... Đã hẳn, chỉ có một con đường chân lý duy nhất, nhưng tương tự như một dòng sông không bao giờ cạn, trong đó những nguồn nước từ khắp nơi đổ về”.

Con đường thích nghi đó vẫn được tiếp nối bởi các thế hệ Kitô giáo kế tiếp. Khi ánh sáng đức tin bắt đầu ló dạng ở Bắc và Đông Âu, chẳng hạn, các vị thừa sai tiên khởi đã khéo léo dung hòa đức tin Kitô giáo với phong tục và tín ngưỡng địa phương, nhờ vậy công cuộc truyền giáo tiến triển mạnh. Giáo chủ Grêgoriô Cả đã sáng suốt chỉ thị cho các nhà truyền giáo tại Anh quốc phải cố gắng trình bày Đạo Chúa sao cho phù hợp tối đa với tâm thức, luân lý và phong tục địa phương. Ngài cũng khuyên không nên triệt hạ tất cả đền thờ, hủy bỏ những ngày lễ tôn giáo hiện có, mà cố gắng biến đổi thành những nơi thờ phượng Thiên Chúa và những ngày lễ Công giáo.

Tại Đức, thánh Bonifaciô cũng đưa ra nhiều sáng kiến thích nghi táo bạo. Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là sự nghiệp của hai anh em thánh Cyrillô và Methodeo trên cánh đồng truyền giáo tại Đông Âu. Hai vị áp dụng một kế hoạch truyền giáo theo mô hình “hội nhập văn hóa”: chấp nhận những giá trị cổ truyền của dân bản xứ, khởi xướng phong trào văn hóa địa phương, đề cao tinh thần độc lập và tự hào dân tộc. Chính các vị đã sáng chế mẫu tự Slave, rồi sử dụng nó để phiên dịch Tin Mừng, trình bày giáo lý Công giáo và dùng làm ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ.

Trên lãnh vực tư tưởng, các thần học gia đã thành công trong việc xây dựng một nền thần học Kitô giáo, dựa trên những quan niệm căn bản của triết học Hy-lạp. Chúng ta biết rằng ở vào đầu thế kỷ XIII, triết học của Aristote bị cấm dạy tại các Đại học và Học viện Công giáo, vì sợ ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin. Ngay từ năm 1210, mệnh lệnh “cấm thư” được giáo quyền ban hành: Nec libri Aristotelis, nec commenta legantur (triệt để cấm đọc sách của Aristote và những sách giải thích tư tưởng của ông). Tuy nhiên, thánh Albertô, thánh Tôma và những thần học gia tiến bộ không hề chùn bước. Các vị đã sáng suốt sử dụng triết học của Aristote vừa để xây dựng một nền thần học Kytô giáo, vừa có thể trả lời cho những yêu sách tri thức của thời đại. Bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma là một đóng góp to lớn cho nền thần học Kytô giáo, nhưng đồng thời đã gây rất nhiều tranh luận và sóng gió trong Giáo hội thời bấy giờ. Ngày 7 tháng 3 năm 1277, đúng vào lễ giỗ thứ ba của thánh Tôma, Tổng giám mục Paris kết án 219 luận điểm thần học, trong số đó có khoảng 12 luận điểm liên hệ đến tư tưởng thánh Tôma. Tất cả các giáo sư cũng bị “vạ tuyệt thông”, nếu trong thời hạn 7 ngày không trình diện ở tòa Tổng giám mục để “làm tờ tự thú” và ký tên chấp nhận bản án. Tình trạng ngột ngạt này kéo dài gần 50 năm. Mãi đến ngày 18 tháng 6 năm 1323, khi Tôma được phong thánh, những nghi kỵ và tố cáo mới bắt đầu giảm nhẹ. Hai năm sau (1325), Tổng giám mục Paris tuyên bố hủy bỏ bản án năm 1277, chấm dứt hoàn toàn “vụ án tư tưởng” thời danh trong lịch sử Giáo hội[3].

Rất tiếc kể từ đó trở đi, Giáo hội hình như ngày càng đóng khung và mọc rễ trong khung cảnh Tây phương. Vô hình trung Kitô giáo bị đồng hóa với văn hóa Tây phương. Vấn đề thích nghi và hội nhập nếu được đặt ra, thì cũng chỉ giới hạn vào một vài chi tiết phụ thuộc, vô thưởng vô phạt.

Công bằng mà nói, nguyên tắc Nhật bản với người Nhật bản, Trung hoa với người Trung hoa, Việt Nam với người Việt Nam đã được giáo triều đề ra cho các thừa sai đầu tiên đi theo những thuyền buôn của Bồ-Đào-Nha hay Tây-Ban-Nha. Đặc biệt, ngày 10-11-1659, khi cử hai giám mục đầu tiên sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, Bộ Truyền giáo đã chỉ thị rõ rệt:

“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, mà là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng đừng xúc phạm đến những nghi lễ và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý đức tin muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác.

“Có thể nói, tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hơn nữa nếu chư huynh huỷ bỏ những tập tục đó để đem phong tục của quý quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ”[4].

Hơn 340 năm đã trôi qua, nhưng những chỉ dẫn của Huấn dụ nói trên vẫn còn giá trị và vẫn duy trì tính thời sự. Rất nhiều quyết định hội nhập văn hóa của Giáo hội vẫn chỉ là những bản văn chết. Cố gắng thích nghi độc đáo của Mathieu Ricci, chẳng hạn, bị chết yểu. Mà dù sống sót thì cũng rất “khó nuôi” trong bối cảnh của Giáo hội hậu công đồng Tridentinô. Phải thành thực nhìn nhận rằng suốt dọc mấy thế kỷ liền sau Công đồng Tridentinô, vấn đề thích nghi đã bị bỏ quên hay không được thực thi đúng mức. Không ai có thể phủ nhận lòng nhiệt thành, sự tận tụy và tinh thần hy sinh cao độ của các thừa sai ở trong giai đoạn này. Điều đáng buồn là các vị chỉ chú tâm xây dựng một Giáo hội tại Á châu theo khuôn mẫu tiền chế của Tây phương, hơn là kiến tạo một Giáo hội có khả năng sống và diễn tả niềm tin bằng những chất liệu đặc biệt của Á châu.

Về phương diện thần học, các thừa sai thường đánh giá rất tiêu cực các tôn giáo truyền thống của Á châu. Trong “Phép giảng tám ngày”, linh mục Đắc Lộ đã nhận định như sau về đức Phật: “Bên Thiên-trúc-quốc thì có vua, tên là Tinh Phạn, mà đẻ con, dạ thì sáng, song kiêu ngạo lắm. Đã lấy con vua nào gần đấy gả cho, mà sinh đẻ được một con gái đoạn, thì khiến đi ở trên rừng một mình, dẫu vợ cãi mà chẳng cho, vì mình đã quen làm việc dối, như pháp môn phù thủy, mà muốn cho người ta hãi mà khen nó, và lông láo thong dong nói khó cùng ma quỉ. Mà trong nhiều quỉ dạy nó, thì có hai quỉ, tên là Alala và Calala, quen làm thầy nó liên, mà nó thì ngồi giữa hai thầy quỉ ấy, mà dạy nó đầu hết chớ tin gì có Chúa trời, cùng đặt tên nó là Thích-Ca (...). Lại khiến nó thờ bụt, mà lấy mình Thích-ca làm cội rễ bụt ấy, như thể lấy mình là kẻ làm nên trời đất, mà trị đấy”[5].

Thánh Phanxicô Xaviê còn có những nhận định gay gắt và cực đoan hơn về các “tà đạo”. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể coi lối đánh giá tiêu cực này như quan điểm chung của các thừa sai thời đó. Dẫn chứng điển hình là quan điểm thần học trong một số kinh cầu cho “những kẻ thờ bụt thần ma quỷ”. Ngay cả nơi những thừa sai có tinh thần cởi mở như Nobili, Ricci... người ta cũng thấy dấu ấn của những cái nhìn thần học tiêu cực về các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Mãi đến cuối thế kỷ XIX, linh mục Aubry vẫn ngang nhiên viết những câu ngạo mạn như sau: “Văn minh Trung hầu như về mọi phương diện là một sự quái dị, không những phản Kitô giáo mà còn phản nhân loại. Tôn giáo hay những tôn giáo của người Trung hoa đều quái dị, phi lý, đáng chê cười nhất thế gian … Chư tăng là hạng người đê tiện và đáng khinh bỉ, ngu dốt, hư hỏng. Nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng, chưa bao giờ hiện diện ở đó. Trong các chùa chiền và đền đài, người ta vẽ hoặc chạm trổ một vài hình thù ma quỷ hoặc súc vật khủng khiếp, quái dị, hư ảo, nặng nề”[6].

Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX, những biến đổi về khoa học kỹ thuật, nhân chủng học, xã hội học và văn hóa đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho Giáo hội. Công cuộc canh tân và thích nghi, một lần nữa lại được đặt ra một cách khẩn thiết. Nhiều nhà tư tưởng và thần học gia đã cố gắng tìm một hướng đi phù hợp với hoàn cảnh mới, ngõ hầu rút ngắn hố cách biệt giữa Giáo hội với thời đại, nhất là với con người. Có thể nói những văn kiện lớn của Công đồng Vatican II sở dĩ có được là nhờ những tìm kiếm và suy tư khắc khoải của những người như Mercier, J. Lagrange, Teilhard de Chardin, L-J. Lebret, J. Maritain, E. Gilson, D. Chenu, H. de Lubac, K. Rahner, Y. Congar...

Trái với khuynh hướng của nhiều nhà “hộ giáo” ngày xưa thường chỉ nhìn các tôn giáo ngoài Kitô giáo dưới khía cạnh tiêu cực và nhiều khi còn bóp méo cho thêm xấu xa, thảm hại hơn, Công đồng Vatican II khai mở một giai đoạn mới trong tương quan đối với các nền văn hóa và các tôn giáo. Hiến chế mục vụ về “Giáo hội trong thế giới hôm nay” viết: “Giáo hội được sai đến với mọi dân tộc và mọi thời đại. Giáo hội không thiên vị, không liên minh với bất cứ một chủng tộc, một quốc gia, một lối sống riêng biệt nào, cũng không theo phong tục cổ đại hay hiện đại nào hết. Luôn trung thành với truyền thống, đồng thời ý thức sứ mệnh đại đồng của mình, Giáo hội hòa mình với những nền văn hóa khác nhau, do đó Giáo hội làm cho chính mình và các nền văn hóa thêm phong phú”[7].

Khi phân tích những giá trị mà các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã cống hiến cho nhân loại, Tuyên ngôn về “Liên Lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo” khẳng định: "Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng tôn trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng Chân lý, Chân lý chiếu soi cho mọi người (...). Vì thế Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác”[8].

Mặc dù cảm nghiệm tâm linh và vấn đề cứu độ các dân tộc là một đề tài xưa như trái đất, nhưng bọ môn thần học nghiên cứu về các tôn giáo chỉ hình thành vào cuối thập niên 60 và bắt đầu được hệ thống hóa kể từ thập niên 70 của thế kỷ XX, nhờ chiều hướng cởi mở của Vatican II và sự phát triển của phong trào đại kết. Mục đích của bộ môn thần học này là nghiên cứu vai trò cứu độ của các tôn giáo, dưới ánh sáng của Lời Chúa và trong viễn tượng lịch sử cứu độ, theo đó Đức Kitô là Khởi đầu (Alpha) và Chung kết (Omega). Câu hỏi căn bản sẽ là: trong bối cảnh đa phức tôn giáo phải hiểu vai trò “trung gian cứu độ” của Đức Kitô như thế nào? Bên ngoài con đường cứu độ chính thức của Đức Kitô, có còn con đường cứu độ nào khác không? Nếu có, thì đâu là tương quan giữa Ngài với những con đường cứu độ này? Và, như vậy, Đức Kitô sẽ chuyển giao ơn cứu độ cho các tín đồ ngoài Kitô giáo như thế nào?

Đây là một vấn đề rất khó khăn và tế nhị, vì động chạm đến niềm tin và xác tín, mà cho đến nay thần học Công giáo chưa có một giải đáp đồng thuận. Tuyên ngôn “Dominus Jesus” của Thánh bộ Đức tin công nhận: “Về cách thế chuyển giao cho những người ngoài Kitô giáo ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, ân sủng luôn luôn được Đức Kitô trao ban trong Thần khí và trong mối tương quan huyền nhiệm với Giáo hội, Công đồng Vatican II chỉ xác quyết vỏn vẹn rằng Chúa ban ân sủng này "theo những con đường mà chỉ duy Ngài biết thôi”[9]. Theo Tuyên ngôn, trách nhiệm của “thần học là phải tìm cách đào sâu tư tưởng này. Công tác thần học này cần được khuyến khích, bởi vì chắc chắn nó giúp hiểu rõ hơn các chương trình cứu độ của Thiên Chúa và những hình thức thực hiện các chương trình này”[10].

Cuốn sách nhỏ này nằm trong chiều hướng suy tư và kiếm tìm nói trên ngõ hầu hiểu rõ hơn chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Ước muốn khiêm tốn của người viết là giới thiệu một số thông tin và đưa ra một vài nhận định chung quanh vấn đề gai góc và to lớn này. Đây chưa phải là một cuốn sách “thần học về các tôn giáo”, hiểu theo nghĩa chặt của hạn từ, mà chỉ mới là một « nhập môn ».

Trọng tâm của cuốn sách hầu như xoay quanh chủ đề: “Cứu độ, trong viễn tượng đa phức tôn giáo”[11]. Tại sao có hiện tượng đa phức tôn giáo ? Đâu là chương trình cứu độ của Thiên Chúa ? Các tôn giáo ngoài Kitô giáo đóng vai trò nào trong kế hoạch nhiệm mầu này ? Với nhiệm vụ thông tin, người viết cố gắng giới thiệu một số quan điểm thần học chính và dĩ nhiên không nhất thiết đã hoàn toàn đồng ý với tất cả những gì được trình bày trong những trang dưới đây.

Lời cuối cùng là lời cảm ơn đối với tất cả những ai đã cộng tác vào việc hoàn thành tập sách nhỏ này, mà vì nhiều lý do không thể ghi rõ danh tánh. Đặc biệt, xin ghi ơn một người bạn đã đọc bản thảo, một vài người bạn khác ở Columbus (Ohio) và thân nhân tại California đã dành cho người viết một tháng hè thật thoải mái trên đất Mỹ, nhờ đó có thể viết xong tập sách nhỏ này.

Định Hướng Tùng thư (Pháp) đã tái bản lần 1 cuốn sách nhỏ này. Đáng lẽ ra lần tái bản thứ 2 này phải viết thêm một chương về Giáo hội và một chương khác về Cánh chung. Rất tiếc, lúc này người viết đang bận rộn với một số công tác khác, nên chỉ có thể hiệu đính và bổ sung hai ấn bản cũ. Xin thành thật cáo lỗi với độc giả và chân thành cảm ơn tạp chí Dấn Thân, Houston, đã đảm nhận công tác in ấn.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem Vatican 2, Dei Verbum, số 3-4.

[2] Thư gởi giáo đoàn Galát 2,16 và 21. Xin xem thêm Công vụ Tông đồ, 11-15 và Thư gởi giáo đoàn Galát 2, 1-21.

[3] Xin coi Nguyễn Thái Hợp, Tômás de Aquino, teologo comprometido, Perú, 1988; O.-H. Pesh, Thomas d’Aquin. Grandeur et limites de la théologie médievale, Cerf, Paris,1994; P. Torrell, Initiation à saint Thomas d’Aquin, Fribourg-Paris, 1993; E.H. Wéber, Dialogue et dissesions entre Saint Bonaventure et Saint Thomas d’Aquin à Paris (1252-1273), Vrin, Paris, 1974; L’homme en discussion à l’Université de Paris en 1270, Vrin, Paris, 1270; F. van Streenberghen, Histoire de la philosophie, Louvain-Paris, 1964; D. Chenu, Santo Tômás de Aquino y la teología, Madrid, 1962; Introduction à l’étude de Saint Thomas d’Aquin, Paris, 1947.

[4] Bản dịch của Đại Chủng viện Xuân Bích, Huế : Linh mục Nguyệt san, số 43, 7-1965, tr. 435-436. Xin xem nguyên bản trong Henri Chappoulie, Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, 1943, tr. 392-402.

[5] Nguyễn Khắc Xuyên và Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc-Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Tin Việt Văn Đoàn, Sàigòn, 1961, tr.76.

[6] Aubry, Les Chinois chez eux, Paris, 1889, 139-140.

[7] Vataican II, Gaudium et Spes, số 58.

[8] Vatican II, Nostra Aetate, số 2. Chúng tôi lấy lại và triển khai thêm bài “Vấn đề Việt hóa Đạo”, tạp chí Nhà Chúa, số 32, 1973, tr. 91-105.

[9] Vatican II, Ad gentes, số 7.

[10] Tuyên ngôn “Dominus Jesus”, công bố ngày 6-8-2000, số 21.

[11] Xem chẳng hạn J.B Cobb, Christ in a Pluralistic Age, Philadelphia, 1975; J. Hick, God and the Universe of Faiths, St. Martin Press, New York, 1973; God has many Names, Macmillan, London, 1980; J. Hick & P.F., Knitter, The Myth of Christian Uniqueness: Towards a Pluralistic Theology of Religions, Maryknoll, New York, 1987; P.F. Knitter, No Other Name ? A Critical Survey of Christian Attitudes towards the World Religions, New York, 1984; J.Ries, Les chrétiens parmi les religions, Paris, 1987; J. Dupuis, Jésus-Christ à la rencontre des religions, Paris, Desclée, 1989; Vers une théologie chrétienne du pluralisme religieux, Cerf, Paris, 1997; Il Cristianesimo e le religioni. Dallo scontro all’incontro, Queriniana, 2001; Claude Geffré, Le Christianisme au rsique de l’interprétation, Cerf, Paris, 1983; Croire et interpréter, Paris, 2001; J.S. O’Leary, La vérité chrétienne à l’âge du pluralisme religieux, Paris, Cerf, 1994; J.Cl. Basset, Le dialogue interreligieux, Paris, Cerf, 1996; M. Aebischer-Crettol, Vers un oecuménisme interreligieux, Cerf, Paris, 2001.