Tầm Quan Trọng của Việc Sùng Kính Trái Tim Cực Thánh Chúa



Lược Trích Bài Phỏng Vấn Với Giám Đốc Tông Đồ Cầu Nguyện Tại Ý Quốc

ROME (Zenit.org).- Với ngày lễ Kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu vào ngày 23 tháng 6 vừa qua, cũng là ngày đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ban hành ra Thông Điệp “Haurietis Aquas” của Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII về sự sùng kính dành cho Trái Tim Cực Thánh Chúa.

Đức Thánh Cha Biển Đức 16, nhân dịp này, cũng đã viết một lá thư gởi cho Cha Peter Hans Kolvenback, vị Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tên.

Trái tim cực thánh Chúa Giêsu
Trong bài phỏng vấn với hãng tin Zenit, Cha Massimo Taggi, giám đốc quốc gia của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện (Apostleship of Prayer) tại Ý Quốc, về sự sùng kính dành cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu như là một phương cách hữu hiệu để chống lại sự trần tục hóa.

Hỏi (H): Thưa Cha, đâu là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sùng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu trong thời đại ngày nay?

Cha Taggi (T): Thưa, trong một thế giới, vốn một mặt được điểm tô bởi những khía cạnh tích cực diệu kỳ, cả về khoa học lẫn kỷ thuật, ở cấp độ văn hóa lẫn xã hội cùng với một mong ước mạnh mẽ cho hòa bình, công lý và tình đoàn kết; thì mặt khác, nó trông có vẽ như quá sức mơ hồ và rối rắm, với sự khủng hoảng về các giá trị, vốn chỉ biết chú tâm vào những giá trị vật chất hư ảo không thôi, thì việc sùng kính vào Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu giúp đưa ra một dấu chỉ nền tảng để nắm bắt một dung mạo thật sự của Thiên Chúa và ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống.

Nếu một nhà tư tưởng người Pháp nói một cách rất hay rằng: “chất lượng của cuộc sống tùy thuộc vào chất lượng của tình cảm,” hay một sự trở lại của con tim – vốn được hiểu theo nghĩa của Thánh Kinh, như là trung tâm điểm của người đó, vốn là nơi mà mọi suy nghĩ, mọi quyết định và mọi tình cảm tìm thấy được điểm tồn tại chung quát của chúng – và cụ thể chính là vào Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, thì đó chính là con đường cao quý để “thu lấy niềm vui từ dòng suối vô tận của việc cứu rỗi.”

Như Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã từng nói trong Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Ngài: “Bất kỳ ai muốn trao ban tình yêu cũng phải đón nhận vào tình yêu như là một ơn huệ. Như Thiên Chúa đã nói với chúng ta rằng, một người có thể trở nên nguồn mà các dòng suối sự sống được tuôn đổ. Tuy nhiên để trở nên một nguồn suối như vậy, người đó phải liên tục uống từ nguồn nguyên thủy, chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà từ trái tim bị đâm thấu tuôn đổ ra tình yêu của Thiên Chúa.”

(H) Thưa Cha, tại sao sự sùng kính này đã bị mất đi trong suốt hơn 30 năm qua?

(T): Thưa, thực ra nó chưa mất hẳn hoàn toàn. Thậm chí sau thời gian công đồng diễn ra, việc sùng kính vào Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục tồn tại, đặc biệt ở cấp độ thắc mắc tìm hiểu thông thường và việc thực hiện lòng sùng kính được lan rộng ra hơn, như việc cầu nguyện hằng ngày, được Hội Tông Đồ Cầu Nguyện cổ võ, những giờ sùng kính vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, vân vân..

Cùng lúc đó, đúng là việc sùng kính này đã bị chất vấn và xem nhẹ bởi những lời chỉ trích rằng việc sùng kính đó chưa đúng, hay với giả định cho rằng nó đã bị suy yếu đi sau Công Đồng Chung Vaticăn II vì rằng không có chổ cho những kiểu sùng kính như vậy.

Lý do thật sự của việc khủng hoảng mà chẳng có ai biết được một cách đúng đắn và tường tận đó là việc sùng kính này không phải là một sự sùng kính đơn sơ, tầm thường, mà đó là một sự sùng kính thuộc về tâm linh, một sự sùng kính mà nền tảng của nó, như Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã viết trong thông điệp của Ngài gởi cho Cha Kolvenbach vào ngày 15 tháng 5 vừa qua, cũng tồn tại rất lâu đời như chính đạo Kitô Giáo vậy.

(H): Thưa Cha, tại sao và bằng cách nào để cho kỷ niệm 50 năm ngày ban hành ra bức Thông Điệp “Haurietis Aquas” của Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII được cử hành?

(T): Thưa, chúng tôi đã quyết định tổ chức ra một cuộc hội nghị quốc gia của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ban hành ra bức Thông Điệp “Haurietis Aquas” là vì hai lý do: lý do thứ nhất chính là: bởi vì bức thông điệp đó chính là một văn kiện rất quan trọng, vốn đề cập một cách đầy đủ và sâu sa về việc sùng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, cũng như đề cập tới những chống đối vốn lúc đó đang được đưa ra và đưa ra câu trả lời có tính tiên quyết; lý do thứ hai chính là vì chúng ta tin rằng thế giới ngày hôm nay cần phải có một nhu cầu tái khám phá mới về Thiên Chúa chính là tình yêu, một tình yêu xúc động thật sự chứ không phải một thứ tình yêu ủy mị quá nghiêng về mặt tình cảm, và tình yêu đó chính là một phần nền tảng của mối quan hệ đích thực với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; rằng một thái độ nhân từ, được chấp nhận và trao đi, lại chính là nền tảng của nền hòa bình thật sự tại mọi cấp độ, từ gia đình đến mọi mối quan hệ thuộc cấp quốc tế và chủng tộc, như đã được nhận thấy rất rõ qua những giảng dạy của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị và giờ đây là của Đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được thành lập tại Vals, gần Le Puy bên Pháp Quốc vào ngày 3 tháng 12 năm 1844, dựa theo sáng kiến của Linh Mục Dòng Tên là Cha Xaview Gautrelet. Hoạt động của Hội bắt đầu như là một đề nghị về đời sống tâm linh dành cho một nhóm chủng sinh của Dòng Tên, và chẳng bao lâu nó được lan truyền một cách nhanh chóng, giống như sự loang lỗ rất nhanh của một vết dầu vậy, đến tất cả mọi giai tầng khác nhau trong Giáo Hội.

Sự phát triển rộng lớn này được thúc đẩy bởi một linh mục Dòng Tên khác là Cha Henry Ramiere, đến nổi vào cuối thế kỷ thứ 19, Hội được làn rộng ra khắp trong và ngoài Châu Âu, tới hơn 35,000 trung tâm cầu nguyện địa phương gồm các giáo xứ và các học viện tôn giáo, với hơn 13 triệu thành viên đăng ký vào việc sùng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu trên khắp thế giới.

Chẳng bao lâu các Cha Dòng Barnabite đem giới thiệu nó tại Ý Quốc. Đặc biệt là tại Naples, nó được lan rộng thông qua công trình của Á Thánh Caterina Volpicelli. Tinh thần chính của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được hiện thể thông qua việc hiến dâng từng ngày về những cảm nghiệm riêng của con người trong sự hiệp thông với sự hy sinh của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, và theo những ý chỉ đặc biệt mà Đức Thánh Cha dành ra mỗi tháng ở cấp giáo hội hoàn vũ; tinh thần của việc ăn năn chuộc tội, vốn được biểu lộ bằng những hành động cụ thể ở cấp độ xã hội; và với những hành động thánh hiến: cá nhân, gia đình, vân vân… cho Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, như là một cách diễn tả cụ thể của việc thánh hiến trong phép rửa tội.

Đối với những thành viên đăng ký vào Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, thì theo ước tính từ những nguồn tin cậy thì hiện nay Hội Tông Đồ Cầu Nguyện đã có ít nhất là 50 triệu thành viên trên khắp các lục địa.

Muốn tìm hiểu thêm chi tiết về Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, xin mời Quý Vị vào thăm trang Web của Hội tại địa chỉ: http://www.apostlesofprayer.org