NHÂN CUỘC CHIẾN TRANH LẦN THỨ NĂM GIỮA Ả RẬP VÀ ISRAEL



Đã hơn một tháng qua, thế giới chú tâm theo dõi cuộc chiến tranh lần thứ năm giữa người Ả Rập và Israel đang diễn ra. Cuộc chiến chẳng những gây thiệt hại nhiều mặt cho đôi bên mà còn làm ảnh hưởng sâu xa tới đời sống cho toàn thế giới.

Để giúp cho chính bản thân có sự hiểu biết thời sự từ ngọn nguồn, chúng tôi truy tìm những nét chính về lịch sử và bối cảnh cuộc xung đột của hai dân tộc Israel và Ả Rập tại Palestine. Nhân tiện, chúng tôi xin gửi những gì đã tìm kiếm được tới qúy vị nào cũng đang quan tâm thời sự để cùng chia sẻ. Chúng tôi sẽ cố gắng không đưa ra những phán đoán cá nhân hoặc chọn đứng về phe phái nào, hoặc tôn giáo nào.

Cuộc chiến lần thứ năm giữa người Ả Rập và Israel bắt đầu nổ ra ngày 25 tháng 6 khi quân đội Israel tấn công dải Gaza, lấy lí do vì chiến binh Hamas bắt một binh sĩ Israel. Rồi ngày 12 tháng 7, Israel lại mở mặt trận khác đánh vào mạn Nam nước Lebanon vì nhóm du kích Hezbollah giết chết 8 binh sĩ Israel và bắt đi 2 binh sĩ.

Tin chiến sự xác nhận sự thiệt hại nhân mạng của cả hai bên, dân sự cũng như quân sự, càng ngày càng tăng. Cuối tháng trước, nhân vật thứ hai của nhóm Al- Qaida sau Osama bin Laden là Ayman al-Zawahri lên tiếng kêu gọi thế giới Hồi giáo hiệp nhất đánh kẻ thù của tôn giáo: ‘Toàn thế giới là mặt trận mở ra trước mắt chúng ta…Đây là cuộc thánh chiến (Jihad) vì Thượng đế và sẽ kéo dài đến khi tôn giáo chúng đạt thắng lợi từ Tây Ban Nha tới Iraq. Chúng ta sẽ tấn công khắp mọi nơi…’ (Tây Ban Nha đã bị người Hồi giáo Ả Rập thống trị từ năm 711, buớc sang thế kỉ 16 họ mới bị mất quyền kiểm soát ở đây).

Thât vậy, thế giới đã đặt tên cho vùng Trung Đông là ‘miền đất nổi giận’ bới vì từ sau cuộc đại chiến thứ hai cho tới nay, ít có ngày nào mà miền đất này không xẩy ra chiến tranh, khủng bố, bắt giữ con tin, tàn phá, và bao giờ cũng dính líu với người Ả Rập và người Israel.

Người Ả Rập liên kết với nhau do có chung một ngôn ngữ, một lịch sử và một nền văn hóa. Họ không hoàn toàn có chung một niềm tin. Tại Morocco, Algeria, Tunisia, Libya và ở các nước Trung Đông hầu hết họ là tín đồ Hồi giáo, nhưng cũng có dăm triệu người theo Kitô giáo, như ở tại Ai Cập và Lebanon. Hồi thế kỉ 19, họ nằm dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman, Pháp, Anh. Sang thế kỉ 20, các đế quốc tan rã và nhiều quốc gia giành được độc lập. Giữa hai cuộc đại thế chiến, tân quốc gia Israel ra đời giữa miền đất đa số là các người Ả Rập khiến cho thế giới Ả Rập giận dữ.

HAI DÂN TỘC MỘT ĐẤT NƯỚC

Nguyên do chính gây nên xung đột ở Trung Đông là vấn đề khát vọng hình thành một quốc gia riêng của hai dân tộc Israel và Ả Rập trên mảnh đất Palestine.

Khát vọng này thật khẩn thiết và chính đáng. Bởi vì một dân tộc vô tổ quốc luôn bị coi là công dân hạng hai. Lịch sử đau thương của dân tộc Israel và ngưởi Ả Rập sống trên đất Palestine khiến cho cả hai coi vấn đề lập quốc là mục tiêu hàng đầu và họ sẵn sàng sống chết cho mục tiêu này.

Palestine khởi đầu tên là Canaan có dân tộc Semite sống ở đây; sau bị dân tộc Philistin từ Crete tới chiếm lấy miền ven biển và đặt tên là Palestine. Tiếp theo có một dân tộc thứ ba tới đinh cư ở Canaan, đó là dân tộc Hebrew cũng thuộc dòng Semite.

Lịch sử dân Hebrew bắt đầu 4,000 năm trước với tổ phụ Abraham. Abraham là người thành Ur, xứ Chaldea (nay là Iraq) di cư tới định cư ở đất Canaan. Jehovah phán ‘Ta ban cho ban đất này cho con cháu ngươi’ (Genesis 11:31—12:7). Do đó Abraham trở thành tổ phụ của dân tộc Do Thái. Dòng dõi Abraham nổi bật lên những tên tuổi tiêu biểu nối tiếp nhau như Isaac, Jacob (sau đổi tên là Israel (Genesis 32: 27-29), Joseph (đại quan nước Ai Cập), Moses (đưa dân Do Thái từ Ai Cập về lại Đất Hứa vào năm 1266 trước công nguyên), Joshua (người thật sự chiếm lại được xứ Canaan làm Đất Hứa cho ‘con cái Israel’ tới định cư). Sau khi định cư dân Do Thái mới nghĩ tới việc lập một vị quốc vương và vị quốc vương đầu tiên của dân Do Thái là Saul. Sau Saul đến David, người mở rộng bờ cõi và xây dựng kinh đô Jerusalem. Con David là Salomon, đây là thời vàng son của nước Israel. Khoảng năm 930 trước T.L., Salomon qua đời, đất nước chia đôi: Israel ở miền Bắc, Judea ở miền Nam. Miền Bắc bị Assyria chiếm năm 722 trước T.L., miền Nam bị Babylon chiếm năm 586 trước T.L., thành Jerusalem bị tàn phá, đa số dân chúng bị đầy sang Babylon. Nhờ đại vương Ba Tư là Cyrus, dân Do Thái được trở về cố hương gây dựng lại tổ quốc và sống an lạc được 200 năm (538-333 trước T.L.). Đến thời đại đế Hi Lạp Alexander đánh bại đế quốc Ba Tư thì Israel lại đổi chủ. Sau thời đế quốc Hi Lạp, Israel lại lệ thuộc Syria. bị Syria ngược đãi, dân Israel nổi dậy đánh đuổi người Syria, chiếm lại thành Jerusalem vào năm 164 trước T.L. và sống an bình được một thế kỉ. Năm 63 trước T.L., đế quốc Roma chiếm xứ Judea. Chúa Jesu giáng thế vào đời vua Herod làm vua xứ Judea. Người Roma đặt tên mới cho ‘con cháu Israel’ là Jews có nghĩa là người xứ Judea, tiếng Tầu phiên âm thành là Do Thái. Người Roma cai trị tàn ác khiến người Do Thái khởi nghĩa nhiều lần nhưng bị dập tắt, đền thờ Jerusalem lại bị phá hủy, đổi tên nước Israel thành Palestine như cũ. Người Roma còn xua đuổi hầu hết người Do Thái ra khỏi vùng này. Từ đó dân tộc Do Thái mất nước và phải phiêu bạt khắp tứ phương thiên hạ. Khi đế quốc Roma sụp đổ, Palestine lệ thuộc Byzance, Damas, rồi Thổ Nhĩ Kì. Có một điếu rất lạ lùng là từ ngày dân tộc Do Thái trở thành một dân tộc không có đất nước thì chính xứ Israel cũng trở thành một vùng không có quốc gia. Nghĩa là mặc dù sẽ có nhiều nhóm dân tộc tới xứ này cư ngụ sinh sống nhưng không một dân tộc nào tạo nổi cho mình một quốc gia bền vững.

Người La Mã, người Ba Tư rồi người Ả Rập thay nhau cai trị xứ này, nhưng họ coi Palestine chỉ là một thuộc địa xa xôi không đáng quan tâm khai thác.

Năm 637, người Hồi giáo Ả Rập xâm chiếm Palestine. Họ đối xử tương đối tốt với người Do Thái. Nhưng đoàn quân thánh chiến Kitô giáo từng chiếm đóng nhiếu nơi trên đất Palestine từ năm 1099 tới 1291 và đã truy quét không thương xót người Do Thái.. Sau đó đến thời Palestine bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kì cai trị rất lâu dài: Thời đế quốc Mamluks (1291-1516) và thời đế quốc Ottomans (1517-1917). Quân Thô đối xử thân thiện với Do Thái giáo. Họ còn chứa chấp những tín đồ Do Thái giáo bị Kitô giáo Âu châu bách hại. Vào khoảng năm 1800, có thể nói đa số dân cư của thành Jerusalem là người Do Thái.

Sau thế chiến thứ nhất, vùng đất này thoát khỏi sự thống trị nhiều thế kỉ của đế quốc Thổ do mệnh lệnh của Hội Quốc Liên (the League of Nations) và lại được mang tên Palestine.

Mặc dù vẫn thường xẩy ra những biến cố kì thị chủng tộc cũng như tôn giáo, nhưng nói chung, người Do Thái và người Ả Rập đã sống chung hài hòa với nhau dưới quyền cai trị của đế quốc Thổ.

Tuy nhiên người Do Thái cư ngụ ở các nơi trên thế giới vẫn không ngừng bị khinh miệt, kì thị, khủng bố, xua đuổi và bị sát hại. Nhất là tại những nơi Đức quốc xã nắm quyền thì số phận của người Do Thái cực kì bi thảm. Từ đó càng khiến cho người Do Thái phiêu bạt tìm đủ mọi cách, dù phải liều mạng để trở về cố hương.

Đương nhiên diễn tiến này làm cho người Ả Rập đi từ lo ngại tới tức giận. Cuối cùng việc phải tới đã xẩy ra. Hồi 16 giờ ngày 14 thánh 5 năm 1948 Ben Gourion tuyên bố thành lập quốc gia Do Thái lấy tên cũ là Israel. Lập tức liên quân Ả Rập gồm có Ai Cập, Trasjordanie, Iraq, Syria và Lebanon tấn công Israel từ mọi phía. Đó là cuộc chiến tranh thứ nhất giữa Israel và người Ả Rập. Người Do Thái tuy ít về dân số nhưng vượt trội về tài năng, tổ chức, kỉ luật, tài chánh và một ý thức chiến đấu để tự tồn. Đang khi các nước Ả Rập không muốn có một nước Israel trên bản đồ vùng Trung Đông, và khi có rồi thì muốn xóa tên nhà nước Do Thái đó trên bản đồ. Riêng về người Ả Rập sống trên mảnh đất Palestine thì họ phải chiến đấu để có riêng cho họ một nhà nước và quốc gia ấy phải trải rộng hơn để tương xứng với số dân đông hơn của họ. Nguyện vọng này cho tới nay họ chưa thực hiện đưọc. Và cuối cùng là sự quyết tâm của cả hai bên để chiếm lấy cho mình thành cổ Jerusalem là thành thánh linh thiêng đối với cả hai dân tộc. Vì những lí do kể trên. Có thể nói, cả hai dân tộc luôn luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Những trận chiến vào các năm 1948, 1956, 1967, 1973 và trận chiến hiện đang diễn ra chỉ là những cao điểm của sự thù địch muốn tiêu diệt nhau vẫn hằng chất chứa âm ỉ sâu xa trong lòng của cả hai dân tộc mà thôi.

HÃY KHÓC LÊN HỠI THÂN PHẬN DÂN TỘC ISRAEL

Một dân tộc bị nạn ngoại xâm hoặc bị nạn mất nước rồi bị lưu đầy phiêu bạt thì luôn luôn phải chịu những nỗi thống khổ đắng cay vô bờ bến. Huống chi trường hợp dân tộc Do Thái đã phải chịu cả hai nạn ấy, vừa liên tục bị nạn ngoại xâm vừa bị cảnh phiêu bạt tứ tán khắp nơi, cho nên nỗi thống khổ của dân tộc này chồng chất không bút nào tả xiết.

Hai lần bị phiêu bạt tứ phương:

Lần thứ nhất: Ngay từ năm 722 trước T.L., dân tộc Do Thái đã bị lưu đầy. Thời đó dân tộc Do Thái chia ra 2 tiểu quốc. Tiểu quốc phương Bắc là Israel bị Assyria xâm lăng và đấy hàng ngàn người Do Thái đi Trung Á. Tiều quốc phương Nam là Judea cũng bị Babylon tiêu diệt và bắt đi hàng vạn tù nhân Do Thái. Từ nơi lưu đầy người Do Thái đã than khóc: Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Sion…(Thánh Vịnh 137).

Lần thứ hai: Dưới ách đô hộ của người Roma, dân Do Thái đã liên tục nổi dậy. Năm 70, quân đội Roma đốt phá tan tành thành Jerusalem và xua đuổi người Do Thái ra khỏi xứ sở của họ. Một phần tản mác khắp vùng Tiểu Á, một phần đi châu Âu, Bắc Phi, Ethiopia. Chỉ còn một số rất nhỏ ở lại được và chung sống với người Ả Rập.

Thân phận kẻ lưu đầy

Ban đầu ở các nơi, người Do Thái sống riêng rẽ, giữ tôn giáo riêng cho nên tuy có bị đối xử phân biệt nhưng chưa đến nỗi bị hà hiếp quá đáng.

Thời Trung cổ, tương đối được an thân.

Tại các nước Hồi giáo: Khoảng hơn 1 triệu người Do Thái sống tại các nước Hồi giáo. Số phận không quá bi đát. Ở Ba Tư, người Do Thái bị coi là tiện dân, hễ đụng tay vào đâu là cái đó bị coi là dơ bẩn; không được mở cửa hàng buôn bán; phải sống trong những mellahs là khu dành riêng cho người Do Thái. Ở Marốc, người Do Thái bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, không được pháp luật che chở. Ở Yemen, người Do Thái không được nói lớn tiếng trước người khác; phải đứng dậy trước mặt người Hồi giáo; không được động vào ai; không được buôn bán cùng thứ hàng hoá với người bản xứ; cấm mặc đồ màu lợt; không được mang vũ khí; không được ra khỏi khu Do Thái trước khi mặt trời mọc.

Tóm lại, người Do Thái sống ở các nước Ả Rập tuy có bị phân biệt đối xử, nhưng không đến nỗi quá đáng và cũng mới chỉ bị kì thị vì lí do kinh tế, lí do xã hội, chứ chưa phải là vì lí do tôn giáo như ở Âu châu.

Tại các nước Âu châu: Từ khi có những chiến dịch Thập Tự Quân, ở Âu châu, người Do Thái bắt đầu bị xua đuổi tàn sát thê thảm. Trong cuốn Naissance d’Israel (Gallimard, 1857), tác giả Chaim Weizmann (tổng thống đầu tiên của Israel) đã liệt kê những biến cố đàn áp lớn mà dân tộc của ông đã phải chịu:

1138: Bọn Alhomade tàn sát người Do Thái ở Tây Ban Nha .

1182-1198 vua Philippe Auguste lưu đầy ‘bọn Do Thái.’

1189: Thập Tự chinh lần thứ ba. Người Do Thaí ở Anh bị tàn sát.

1215: Giáo chủ Innocent III bắt người Do Thái phải đeo một cái bánh xe nhỏ trước ngực.

1254: Vua St Louis lưu đầy người Do Thái.

1290: Người Do Thái bị nước Anh trục xuất.

1330-1338: Người Do Thái bị tàn sát ở Đức.

1348: Nhân có nạn bệnh dịch hạch hoành hành ở Âu châu, người ta đổ tôi cho người Do Thái và tàn sát họ.

1391: Người Do Thái bị tàn sát ở Seville và bắt buộc cải giáo ở Tây Ban Nha.

1394: Vua Charles VI lại lưu đấy người Do Thái.

1421: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Vienne.

1492: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha.

1495: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Lithuanie.

1498: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha.

1516: Thành lập ghetto đầu tiên ở Venise.

1563-1656: Người Do Thái bị tàn sát ở Ukraine, Đức, Ba Lan và Áo.

1679: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Vienne.

1740: Người Do Thái ở Prague bị lưu đấy.

1768: Nhiều vụ pogrom xẩy ra ở Ukraine.

1827: Nga hoàng Nicolas I bắt trẻ em Do Thái cải giáo.

1866: Nhiều vụ pogrom xẩy ra ở Roumanie.

1883: Nhiều vụ pogrom xẩy ra ở Nga.

1891: Người Do Thái bị trục xuất khỏi Moscou.

1894: Vụ án Dreyfus.

1903: Một vụ pogrom xẩy ra ở Kichinev )Roumanie).

1905: Nga thua Nhật. Cách mạng nổi lên ở Nga. Người ta đổ mọi tội lên đầu người Do Thái. Nhiều vụ pogrom xẩy ra vào thánh 10.

1919-1921: nhiều vụ pogrom xẩy ra ở Nga.

Ngay từ năm 1096, trước khi gia nhập Thập Tự quân đi giải phóng mộ của Chúa, người Âu châu đã từng rủ nhau tới tàn sát ngưòi Do Thái vì tội người Do Thái đã giết Chúa! Thật vậy, suốt 10 thế kỉ, người Do Thái ở các nước Âu châu đã chịu nhiều thống khổ: bị cấm làm nhiều nghề, phải đóng thuế rất nặng, có khi bị tịch thu tài sản, bị xua đuổi, bắt phải cải giáo, nhiều nơi bị bắt phải tập trung sống trong ghetto là khu dành riêng cho người Do Thái, nhiều nơi bị nạn pogrom (tiếng Nga, có nghĩa là bạo hành, phá hủy) tức là lấy một cái cớ nào đó rồi người ta kéo tới khu Do Thái đốt phá, chém giết bừa bãi. Kết quả những cơn bách hại không tiêu diệt được tinh thần người Do Thái, trái lại, càng làm cho họ đoàn kết hơn, kiên vững hơn trong tinh thần và trong đức tin tôn giáo.

Nạn kì thị chủng tộc:

Nguời Do Thái đã chịu quá nhiều đau khổ bên Âu châu kể từ thời Trung cổ, nhưng những đau khổ ấy chưa thấm tháp vào đâu so với những gì họ phải chịu trong thời Đức quốc xã do Hitler lãnh đạo lên nắm quyền tại Âu châu từ 1933 cho tới khi đại chiến thế giới lần thứ hai chấm dứt vào năm 1945. Cuộc bách hại lần này có tính toán kĩ lưỡng hơn, có kế hoạch quy mô và ‘khoa học’ hơn cho nên người Do Thái phải chịu sự tổn thất, nhất là về nhân mạng, vô cùng kủng khiếp.

Để chuẩn bị chiến dịch tàn sát người Do Thái, Đức quốc xã đưa ra một lí thuyết kì thị chủng tộc. Tìm cách chứng minh ‘khoa học’ rằng chỉ có giống da trắng Âu châu là thượng đẳng… Giống Do Thái có máu xảo quyệt, ti tiện, keo kiệt, hay phản trắc (đổ tội giết Chúa!), không chịu sống hoà đồng, hay phản loạn (đổ tội ông tổ Cộng sản Karl Marx là người Do Thái).

Thực hiện chiến dịch: Khởi đầu là những biện pháp kềm kẹp như cấm nhiều nghề, cấm vào rạp hát, cấm vào thư viện hay viện bảo tàng, cấm mướn người làm công, phải đính ngôi sao David lên áo… Sau đó tới đợt cướp hết tài sản của người Do Thái rồi tống cổ họ ra khỏi xứ. Những vĩ nhân cỡ Eistein, Freud, Stephan Weig… đều phải đào thoát đi Hoa Kì hoặc Anh quốc.

Cao điểm chiến dịch là lệnh truy nã bắt bớ tập trung tất cả mọi người Do Thái tại Đức cũng như tại các nước Đức quốc xã đang chiếm giữ, dù là đã lai đến mấy đời. Khi đã bị bắt tập trung, người Do Thái bị coi như không còn là người: gia đình bị phân tán, chịu bạo hành, đói khát, rách rưới, giá lạnh, mắng chửi…

Tàn ác nhất là chủ trương sát hại hết, sát hại tập thể người Do Thái. Bọn Đức quốc xã như không còn nhân tính, chúng coi mạng người Do Thái không bằng mạng một con vật. Tên mật vụ (SS.) Gebauer có cái ‘thú’ bóp cổ hoặc dìm nước trẻ em cho đến chết. Có tên nắm hai chân em bé, đưa lên cao và xé toạc ra. Tên khác tung một bé lên trời rối nhắm bắn. Tên Heinen thì xếp hàng một các nạn nhân để bắn ‘trổ tài’. Tên tướng Frank Jaekeln ‘lập thành tích’ trong 48 ngày giết chết 30,000 người Do Thái. Tận cùng của sự tàn ác là các trại tập trung kèm theo lò sát sinh tập thể, sản phẩm của trí tuệ, của khoa học. Nguyên trại Maidenneck đã giết 750,000 người; trại Chelmno giết 1 triệu người. Còn nhiều trại tập trung và lò sát sinh khác như: Dachau, Buchenwald, Mauthausen, Oranienbourg, Bliziny, Fossenberg, Natgweiler, Ravensbruck. Nhưng không đâu khủng khiếp bằng tại Aushwitz. Trại này đã giết chết 3 triệu người Do Thái. Khi Đức quốc xã thua trận, bọn họ đã để lại những núi giày, những phòng kính đeo mắt, những kho tóc, những kho răng vàng… mà bọn họ đã thu từ những nạn nhân bị sát hại trong các lò sát sinh.

Sang năm 1944, Đức quốc xã nhắm chừng sẽ thua trận, sẽ bị người Do Thái trả thù, cho nên chúng đã chuyển 20,000 người Do Thái thuộc thành phần trí thức từ Tiêp Khắc về trại Birkeneau để thủ tiêu. Tại đây còn nhiều đợt sát hại kế tiếp. Cuối cùng trại Birkeneau đã giết chết 1,900,000 người Do Thái: gần 1 triệu người Do Thái Ba Lan, 50 ngàn người Do Thái Đức, 100 ngàn người Do Thái Hòa Lan, 100 ngàn người Do Thái Pháp và 200 ngàn người Do Thái Hung.

Tổng kết con số người Do Thái bị Đức quốc xã sát hại lên tới 6 triệu người. Những người sống sót nhờ chạy thoát sang Anh hoặc sang Hoa Kì và các quốc gia khác không bị Đức chiếm đóng. Một số rút vào các bưng biền kháng chiến. Chỉ một số nhỏ ở lại còn sống sót nhờ được những người hảo tâm che dấu. Trường hợp em Ann Frank cũng được bạn cứu giúp và đã để lại cuốn nhật kí nổi tiếng của em.

Kết thúc chiến tranh, năm 1946, tòa án quốc tế ở Nuremberg đã gọi tội ác sát hại người Do Thái của bọn Đức quốc xã là tội diệt chủng. Lịch sử nhân loại bị một chương đen tối nhất, đẫm máu kẻ vô tội nhất. Công lao hun đúc tinh thần của bao triết gia, bao văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ…lừng danh Âu châu sao lại đưa tới kết quả chính người Âu châu đã phạm tội ác tấy trời như thế này. Thêm vào đó, chính những tên tội phạm và cả những kẻ a dua cộng tác đều là người Âu châu từng chịu ảnh hưởng văn hóa Kitô giáo lâu đời!

Ngay Mai: Khát vọng hồi hương lập quốc và bàn tay lông lá của người Anh.