Phỏng vấn Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican Về Giáo Triều Rôma
VATICAN -- Nhân dịp kỷ niệm một năm Đức Bênêđictô XVI được bầu làm Giáo hoàng, Ông Francis Rooney, Đại sứ Hoa kỳ tại Vatican đã trả lời giới truyền thông một số câu hỏi liên hệ sau đây.
H- Ông có nhận xét gì sau 6 tháng đảm nhiệm vai trò Đại sứ Hoa kỳ tại Vatican?
Tôi nghe đồn thổi nhiều về Giáo triều Rôma như khép kín, bí mật, đôi khi chống lại người Mỹ. Tôi không cảm thấy như vậy. Tôi nhận ra rằng họ là những Giáo sĩ tốt lành, làm việc rất chuyên cần và năng động đối với các vấn đề nhiều khi rất phức tạp... Kiến thức sâu rộng của những người làm việc tại Bộ Ngoại Giao Vatican về các vấn đề toàn cầu khác nhau rất đáng thán phục. Họ là những người thông hiểu cặn kẽ các sự việc liên hệ ảnh hưởng tới mỗi quốc gia họ đặc tránh, như các chuyên gia trong Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ. Thật là rất có ấn tượng.
H- Nói chung, Ông nhận thấy ĐGH Bênêđictô XVI có thiện cảm với Hoa kỳ?
Rất thiện cảm, và rất hiểu biết. Trong lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi nói về di dân, và tôi nói đó là vấn đề rất quan trọng cho Hoa kỳ. ĐGH nói rằng bạn có một truyền thống vĩ đại về hòa nhập.
H- ĐGH hy vọng đất nước Hoa kỳ tiếp tục mở cửa cho người di cư?
Đúng vậy. Ngài xem đó như một vấn đề phức tạp, quan trọng cho Hoa kỳ nhưng cũng quan trọng đối với Giáo hội. Dịp Hội nghị Hồng y vừa qua, khi tôi gặp Đức Hồng y Roger Mahony, Tổng Giám mục Los Angeles, tôi khuyến khích ngài nói về di dân, và nói lên các điều tốt về Tổng thống Bush. Tổng thống Bush rất gần quan điểm với các Thượng Nghị sĩ McCain và Kennedy, là những người đang nỗ lực làm một số điều hữu ích liên quan tới việc tôn trọng nhân quyền và làm tăng thêm giá trị lao động của những công nhân di cư.
H- Ông có một đối thoại mới nào với Tòa Thánh về việc khi nào có thể sử dụng quân sự một cách hợp lý đối với khủng bố?
Không. Đề tài không được nêu lên. Tôi không thấy có lý do để đặt thành vấn đề lúc này. Khi nói về Iran, Tòa Thánh rất rõ ràng trong việc ủng hộ các nước nỗ lực làm việc nhằm tránh sản xuất vũ khí nguyên tử. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng nếu xảy ra một trận chiến tranh tại Iran, đó sẽ là một việc kinh hoàng… Chúng ta khuyến khích Vatican tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ cho Iran thấy rằng cả thế giới một lòng chống việc Iran trang bị bom nguyên tử.
H- Ông có nghe bất cứ lời nói nào của Tòa Thánh là ‘Xin đ ừng dùng vũ lực tại Iran?’
Không có.
H- Ông nhấn mạnh về tự do tôn giáo. ĐGH Bênêđictô XVI dường như lên tiếng mạnh mẽ hơn ĐTC Gioan Phaolô II về việc này, đặc biệt với các nước Hồi giáo. Có người tán thành, có người lo lắng sẽ trở thành một vấn nạn. Ông thấy thế nào?
Tôi nghĩ rằng Giáo hội Công giáo có tiếng nói rất rõ ràng và mạnh mẽ về tự do tôn giáo, và đó là con đường hai chiều không thể thay thế. Tôi chưa từng nghe biết có sự bất đồng nào từ chính phủ Hoa kỳ về lập trường này. Chúng tôi hoàn toàn yểm trợ cho sự tự do tôn giáo khắp nơi trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc đó, bạn phải đặt thành vấn đề khi Nhà Nước Saudi Arabia nói rằng ‘Không thể có bất cứ nhà thờ nào’ tại Saudi Arabia… Tôi tin rằng Bà Rice, Tổng Trưởng Ngoại Giao Hoa kỳ đã bắt đầu một tiến trình cho sự việc liên hệ, và Tổng thống Bush nhiều lần đề cập tới một Iraq tự do cũng chính là khởi điểm tự do dân chủ cho toàn vùng. Tất cả đều chung theo chiều hướng này.
H- Ông đồng ý rằng ĐGH Bênêđictô có đường lối vững vàng hơn về tự do tôn giáo?
Tin chắc như thế. Tôi nghĩ sẽ cương nghị hơn. Rõ ràng hơn. Đặt trên nền tảng giáo lý đức tin. Cũng chú trọng làm việc chung (với Hồi giáo) trong các lãnh vực ngoài tín lý, mà theo tôi là một điều thông minh khôn khéo. Khó có thể giận ghét nhau trong khi cùng nhau làm việc xây dựng chung cho ngôi nhà tình thương (như Habitat for Humanity house…). Còn có các vấn đề về sự sống, lãnh vực mà Giáo hội Công giáo cùng quan điểm với Hồi giáo tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
H- Liên hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc thì sao?
Theo sự hiểu biết rất gần đây của tôi, thì mọi người đều cảm nhận được có một sự tiến bộ liên hệ tốt đẹp. Vatican không kỳ vọng nhiều từ Trung Quốc. Tòa Thánh biết ơn Tổng thống Hoa kỳ tiếp tục thúc giục Trung Quốc mở rộng tự do tôn giáo, và về một danh sách các tù nhân lương tâm. Có ảnh hưởng đối với Trung Quốc…
H- Có những phê bình là để Trung Quốc dễ dãi với nền kinh tế thế giới, mà quên đi những vi phạm nhân quyền của họ, vì đó là một thị trường to lớn; như vậy quốc tế thả lỏng cho Trung Quốc không theo một qui luật chung của các nước khác?
Tôi không hoàn toàn đồng ý. Chúng ta thấy nhiều phản ứng thuận lợi khi Tổng thống Bush thăm viếng Trung Quốc lần vừa qua. Tổng thống kêu gọi mở rộng tự do tôn giáo, và nhận được nhiều phản ứng rất khích lệ. Nhưng cũng đúng, Trung Quốc lúc thế này, lúc thế khác… Nhiều người tại Tòa Thánh có tin tưởng hơn, và họ tiếp tục làm việc cho một sự liên hệ gần gũi nhiều hơn giữa ‘giáo hội quốc doanh’ và ‘giáo hội hầm trú’. Tòa Thánh mong muốn nhà nước mở rộng để giáo hội tự do thu nhận số các chủng sinh, điều mà hiện nay nhà nước còn kiểm soát.
H- Sau khi Liên Bang Sôviết sụp đổ, hình như Tòa Thánh muốn ủng hộ một Liên Hiệp Âu Châu mạnh đủ để cân bằng cán cân với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nô nức lúc đầu của một số người như bị nguội dần vì sự thờ ơ với nguồn gốc văn minh Kitô của Âu Châu. Hiện nay, hình như đa phần Hoa kỳ vẫn là một đồng minh tốt nhất của Kitô giáo. Ông nhận xét thế nào?
Đây đúng là điều tôi đã đề cập tới. Trước hết, Tòa Thánh hiểu sâu sắc và biết ơn Hoa kỳ -- đức tin của chúng ta, số người tham gia sống đạo, truyền thống tự do tôn giáo của chúng ta… Đó là sự thật hiển nhiên cho thấy những yếu tố tích cực. Vatican và Hoa kỳ có một số lập trường khác nhau như về vai trò Liên Hiệp Quốc, hoặc việc cấm vận Cuba; nhưng trên các vấn đề quan trọng về hướng tiến tốt đẹp cho nhân loại, về sự sống con người, về vai trò tôn giáo trên thế giới, về cách thức xây dựng gia đình, và một thế giới nào để lại cho các thế hệ mai sau…, thì Tòa Thánh Vatican và Hoa kỳ không thể đòi hỏi để có một đồng minh nào tốt hơn!