CHÚA NHẬT V MÙA CHAY (B) - Nhân sinh quan Tin Mừng: phải chết đi mới sống lại



Phụng vụ Chúa Nhật Thứ V Mùa Chay gần như đưa chúng ta đến sát Mầu nhiệm Tử Nạn-Phục sinh, một Mầu nhiệm trọng đại của đức tin Kitô giáo sắp được cử hành long trọng trong Tuần Thánh sắp tới. Vì lẽ đó mà ngày xưa, phụng vụ đã bắt đầu gọi tên Chúa Nhật và Tuần lễ nầy là “Chịu Nạn” (Dominica Passionis); và cũng chẳng lạ gì khi các Bài đọc và ca kinh được chọn công bố hôm nay chẳng khác nào như “khúc nhạc dạo đầu” trong bản “trường ca Tử Nạn” mà Phụng vụ Tuần Thánh sắp một lần “tưởng-niệm-tái-diễn”. Cuộc Tử nạn của Đức Kitô phải chăng là việc “thực hiện Giao uớc Mới” (BĐ 1) mà phương án “bị treo trên thập giá” (TM) chính là con đường mà Thiên Chúa đã chọn để trở thành qui luật của muôn đời : “Hạt lúa rơi mục nát sẽ kết trái đơm hoa” (TM), cho dù phương án đó, con đường đó ngày xưa đã là một thách đố với Đức Kitô, khi Ngài trong thân phận phàm nhân “đã lớn tiếng kêu van khóc lóc để kêu xin Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (BĐ 2), thì hôm nay cũng luôn là một đòi hỏi gắt gao cho tất cả những ai tin và tiến bước theo Ngài.

Dừng lại để suy niệm đôi điều trong sứ điệp phụng vụ hôm nay đó chính là một cách dấn thân vào “hành trình khổ nạn và phục sinh” của Chúa Kitô trong những ngày đặc biệt nầy.

1. Thiên Chúa Đấng trung thành trong “Giao Ước yêu thương” :

Toàn bộ lịch sử thánh, nếu nhìn trong “lăng kính tình yêu”, có thể được định nghĩa : đó chính là “bức thư tình của Thiên Chúa”. Một bức thư tình mà nội dung chủ yếu đó chính là những hứa hẹn và ước giao, những thề nguyền và tâm sự, những bức xúc khổ tâm khi bị phản bội chối từ hay những lúc nguôi ngoai khi mở lòng khoan dung tha thứ…Và điều mà Thiên Chúa muốn bộc bạch như một mặc khải tối hậu đó chính là : “Thiên Chúa mãi mãi trung thành với Giao ước yêu thương mà Ngài đã ký với “người tình nhân loại”.

Thật vậy, Bài đọc 1 hôm nay cho thấy : trên cảnh hoang tàn của Giê-ru-sa-lem và trong kiếp lưu đày biền biệt của một đời nô lệ tối tăm, lời sứ ngôn Giê-rê-mi-a vang lên như tiếng kèn hy vọng, niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên những bất trung phản bội của dân Người : “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới…Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Chính tình yêu cứu độ của Thiên Chúa mãi mãi là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát. “Cho dù có người mẹ không thương con, thì Ta, Ta không bao giờ quên ngươi”. Chân lý nầy muốn nói với chúng ta rằng : chúng ta không được quyền thất vọng cho dù phải đối diện với bao thảm cảnh cuộc đời, cả cái chết. Bởi vì Thiên Chúa đang có mặt trên mọi nẽo đường và biến cố để thổi vào Thần Khí tác sinh, để gieo vào hạt mầm của sự sống và hồng ân cứu độ. Như lời của Gilbert K. Chesterton : “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”.

2. Ơn cứu độ và qui luật ‘Hạt lúa mì mục nát” :

Dĩ nhiên, để thực hiện đến cùng “giao ước đã ký với loài người”, Thiên Chúa đành chấp nhận thua lỗ khi phải “trao ban Người Con Một”. Và oái ăm hơn nữa, Người Con Một đó lại trả giá cho “giao ước của Cha” bằng chính máu của mình. Bởi vì, chỉ có con đường “giao ước bằng máu” đó, “lề luật của Thiên Chúa mới được ghi khắc vào trái tim và lòng dạ của con người” (BĐ 1), và cũng chỉ với bằng phương thế đó Con Thiên Chúa mới có thể kéo tất cả nhân loại cùng đi lên : “Phần tôi, khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (TM). Xét cho cùng, đó lại là qui luật muôn đời của chương trình cứu độ : muốn vào “Đất Hứa phải ngang qua sa mạc”, muốn tìm được sự sống phải đánh mất, muốn hoan ca phục sinh phải qua mùa Chay tử nạn, muốn có một mùa lúa tốt xinh phải trở nên “hạt lúa mì mục nát”…Và phải chăng, đó chính là “nhân sinh quan của Tin Mừng” : Làm người đúng nghĩa, hiện hữu đích thực đó là “phải chết đi mới sống lại”, phải ngang qua đắng cay thập giá mới tiến vào vinh quang phục sinh.

Hai ngàn năm qua bài học nầy xem ra vẫn còn mới mãi với Giáo Hội và với mỗi người chúng ta. Vẫn còn mới và cần thiết cho một thế giới đã quá “già nua để thèm hưởng thụ mà không muốn chiến đấu”, đã quá mệt mõi để thà chọn dễ dãi để yên thân hơn dấn thân nhọc mệt để chiến thắng anh hùng. Vẫn còn mới và cần thiết cho một Giáo Hội đã quá biếng lười và ích kỷ để thà ở lại trong vỏ bọc tự mãn kiêu căng, trong pháo đài hủ hóa, hơn là can đảm chấp nhận hy sinh, thua thiệt để làm chứng cho sự thật và công lý …

Người Kitô hữu làm sao có chọn lựa nào khác với Đấng cứu chuộc mình khi Ngài “Dẫu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…”. Chính vì thế, những gì chúng ta chưa thực hiện đủ hay đã chối từ trong suốt độ đường Mùa Chay, thì trong những ngày của “Tuần Chịu Nạn” nầy, chúng ta hãy bắt đầu !