HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


PHẦN II: TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH

Bài 12

Tình Yêu Vợ Chồng Tìm Kiếm tính Bất Khả Phân Ly của Hôn Nhân

Tính bất khả phân ly của hôn nhân mang một hiệu năng quan trọng có tính cách hồi cố trên tình yêu vợ chồng. Nhiều người coi đó như là một điều mang tính cách đàn áp và làm nhụt chí, một điều làm gẫy mất đôi cánh của tình yêu khiến cho nó mang nặng mầu sắc cưỡng chế. Họ cho rằng tình yêu sẽ tàn lụi khi biết rằng mối dây sẽ vẫn ràng buộc cho dù tình yêu có bền vững hay nhạt phai. Nhưng nghĩ thế thì sai hoàn toàn. Đối với người yêu chân chính thì ý thức về việc kết hợp bất khả phân ly với người được yêu trong Chúa Kitô, cái ý thức về việc xây dựng một cộng đồng bất khả phân ly một cách khách quan—một cộng đồng mang hiệu lực tính vượt xa mọi nhược điểm và sự chao đảo của kiếp người—chính là ngọn nguồn của một thỏa mãn cao cả nhất. Bởi lẽ người yêu muốn trở nên một với người được yêu, cảm thấy tri ân và hạnh phúc khi thấy sự nên một này có thể được thể hiện tới một mức độ to lớn, vượt lên trên mọi đổi thay của xúc cảm.

Sự Tự Hiến Không Thể Huỷ Bỏ Làm Tình Yêu Vợ Chồng được Trọn Vẹn

Tình yêu vợ chồng bao hàm một ý hướng vượt xa hơn cả sự tự hiến, vốn là cái gì cố hữu nơi tự thân tình yêu. Nó khát khao một cuộc tự hiến khách quan, một lần và mãi mãi, một tự hiến không thể hủy bỏ, vì nó tồn tại độc lập với mọi bất nhẫn chủ quan. Ở đây, ta đang chạm tới cái dư trào sung mãn của tình yêu, tức là cái yếu tố hào hiệp riêng của nó. Một tình yêu dư tràn tương tự như thế cũng thúc ép một số người tự hiến một cách chuyên nhất cho Thiên Chúa, một lần và mãi mãi. Đó là những người muốn tự trói buộc bằng những lời khấn vĩnh cửu ngõ hầu thực hiện cuộc tự hiến này một cách khách quan và bất khả hủy, bởi lẽ, một khi đã được thiết lập, nó sẽ mang hiệu lực độc lập với các ước nguyện và cảm tính của ta. Những người như thế đều cảm nghiệm đuợc khả hữu tính của một tự hiến bất khả hủy như là sự thành toàn riêng biệt của tình yêu mình.

Cũng thế, tính bất khả phân ly của hôn nhân phải được coi như sự thành toàn duy nhất của cái ý hướng loại biệt của tình yêu vợ chồng. Người yêu chân thật thì cảm nghiệm được hiệu lực tính khách quan của sự tự hiến, và sự hoàn tất của một quyết định siêu việt và bất khả hủy đó như là sự thành toàn riêng biệt của tình yêu mình.

Tình Yêu Vợ Chồng đòi hỏi một Tinh Thần Anh Hùng

Hẳn nhiên, quyết định này bao hàm một liều lĩnh lớn; và khi việc lựa chọn của người phối ngẫu được đặt trên một thứ ảo tưởng, thì tính bất khả phân ly của hôn nhân có thể trở thành một thánh giá cho một hay cả hai người phối ngẫu. Thế nhưng, bản chất tình yêu vợ chồng phải là cương nghị, anh hùng, không co ro e ngại liều lĩnh. “Không vào hang hùm sao bắt được cọp?” Không dám liều, cuộc sống con người mất hết những nét vĩ đại và anh hùng. Những lời khấn của tu sĩ không bao hàm một liều lĩnh sao? Nếu ơn gọi biến thành một cơn ảo tưởng, thì bậc tu trì có nguy cơ trở nên một thánh giá nặng nề, một gánh nặng khó mà vác nổi. Chỉ có một tình yêu anh hùng đối với Thiên Chúa mới dám xông vào cuộc liều lĩnh ấy, có khi lại còn khao khát cuộc xông pha hào hiệp ấy nữa.

Hôn nhân chẳng phải là một thứ trưởng giả, một loại bảo hiểm để sống hạnh phúc, giúp cho biết cách tránh né mọi thánh giá khổ đau. Tình yêu nào chẳng mang theo mình cái liều lĩnh là phải chấp nhận khổ đau? Khi đã để con tim ta dính chặt vào ai đó rồi, không phải là ta đang liều mạng chấp nhận đau khổ, qua những bất :hạnh có thể xẩy đến bất cứ lúc nào cho người ta yêu, hoặc qua cuộc vĩnh viễn chia lià khi người yêu đã ra đi hay sao? Liệu ta có kiêng yêu hay không yêu nữa, để ngăn chặn muộn phiền xẩy đến cho ta chăng?

Người nào chỉ nhớ đến việc làm sao để tránh né hết mọi thánh giá thì đã tước đoạt khỏi kìếp người cái nét cao cả và sâu xa của nó. Người ấy sẽ không hiểu được sự từ bỏ chân chính—không bao giờ biết được niềm hạnh phúc sâu xa, chân thực. Cứ mãi loay hoay với tính vị kỷ tầm thường, người ấy không bao giờ có thể làm được điều gì vì quá dè dặt; người ấy sẽ luôn luôn kiếm cách thoái lui.

Cái chết như là chiếc bóng che phủ kiếp người. “Media in vita mortis sumus.” Đừng bao giờ quên rằng ta không sống trong vườn địa đàng, mà do hậu quả của con người sa đoạ, ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những bi thảm, nơi mà hạnh phúc luôn luôn quyện quanh khổ nhục.

Việc Chúa cứu chuộc trần gian không hề làm cho mọi bất hoà phải chấm dứt, hay làm cho mọi khổ đau bị đuổi xa đi, cho dù Ngài đem đến cho đau khổ một ý nghĩa mới bằng cách biến nó trở thành một phương thức để đền tội và hy sinh. Ngài dùng Thánh Giá để biến đổi nó, bởi vì từ trong bóng thánh giá đã tỏa ra những dòng ánh sáng hòa hợp vĩnh cửu.

Vì thế, trong cuộc sống dương gian phù du này, tất cả những gì là vĩ đại và quan trọng đều dính dáng đến liều lĩnh, đều kêu gọi một tính đại đảm thánh, một tinh thần anh hùng dám từ bỏ vô điều kiện. Định luật chi phối mọi sự vĩ đại lớn lao trong ‘trạng thái lữ hành” ( in statu viae) được diễn tả qua những lời Chúa phán thế này: “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9:62).

Hẳn nhiên ta cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định bởi lẽ các quyết định lớn đều mang theo nó những liều lĩnh lớn. Trước khi bước vào hôn nhân, cần ý thức đầy đủ về những bước dứt khoát và lớn lao của nó, cũng như cần tự xét mình một cách sâu xa. Hình thức khách quan của hôn nhân phải tương ứng với ý nghĩa sâu xa nhất của hôn nhân, xét như sự kết hợp tình yêu toàn hảo, và không thể được so sánh như một trường hợp thất bại.

Chính trên nền tảng này mà ta thấy được rõ ràng nét nghèo nàn và ngu muội của một cuộc hôn nhân thử. Hôn nhân thử tự nó mâu thuẫn với bản chất tình yêu vợ chồng. Ai đã vướng vào thứ hôn nhân thử này, sẽ không bào giờ cảm nghiệm được tình yêu vợ chồng.

Hôn nhân là một hiệp thông tình yêu thân mật nhất trong Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu, một cộng đồng thuộc về Ngài và đem lại nguồn thánh hóa cho cả hai vợ chồng. Trong hôn nhân, hai nhân vị sẽ nên một thịt một xương, và được thông phần với Chúa vào cuộc tạo dựng nên một nhân vị mới. Cộng đồng này đã được nâng lên hàng Bí Tích như là một hình ảnh của việc kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.

(còn tiếp)