294. TRẺ EM BÊN BÃI RÁC PHƯỚC CƠ

Không khí làm việc đang say sưa, bỗng có tiếng la to của mấy đứa nhỏ:

- Xe đến rồi! Xe đến rồi!

Mọi người nhốn nháo và bỏ dở những công việc đang làm, chạy ào tới vây quanh chiếc xe ô-tô chở rác. Xe vừa đổ rác xuống, một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra. Người lớn, trẻ nhỏ chen lấn nhau, có đến 70 người cầm cào bổ xuống một đống rác nhỏ khoảng 5 mét. Chỉ trong thoáng chốc, đống rác đã được phân loại xong.

Anh Út lớn tiếng nói với một cậu bé trong đám đông:

- Mày dẫn anh này đi những nơi nào anh ta muốn.

Cậu bé đến bên tôi cười tươi và tự giới thiệu:

- Cháu tên là Hùng, nhưng mọi người vẫn gọi cháu là Còm. Ở đây, cháu là đứa bé duy nhất biết chữ!

Vừa nói cậu bé vừa nắm chặt tay tôi kéo đi. Bàn chân nhỏ bé không mang dép đi phăm phăm trên những đống rác, cái áo rách toang để hở ra nguyên bộ xương sườn, dáng vẻ hồn nhiên vô tư của cậu bé làm tôi bớt sợ cái mùi hôi tanh ở đây. Cậu bé dẫn tôi đến một chỗ nhặt bịch ni lông, nơi đây tập trung nhiều những anh hùng trẻ tuổi nhất, nhưng cũng là một chỗ làm việc bẩn tưởi và ghê tởm nhất. Những đứa trẻ xúm quanh một đống rác, công việc của các em là phải xé rách các bịch ni lông nhỏ, rũ những thứ rác đựng trong bịch, để lấy bao ni lông. Mỗi lần các em rũ rác ra là một màn ghê tởm chẳng kém gì trong phim kinh dị của Mỹ. Bởi vì những thứ đựng trong các bịch rác ấy là tất cả những gì mà con người thải ra, nào là rác quét nhà, thực phẩm thiu thối, băng vệ sinh phụ nữ, xác chết động vật, bịch nào bịch ấy nhung nhúc ròi bọ, xộc lên mùi hôi thối, tanh tưởi và vô cùng tởm lợm khiến ai thấy cũng phải ói mửa. Vậy mà các em vẫn hằng ngày hằng giờ phải tiếp xúc với môi trường ấy, mà vẫn vui vẻ hồn nhiên. Thấy tôi choáng váng, các em dừng công việc lại để trò truyện. Một cô bé đen nhẻm vừa cười, vừa nói với tôi:

- Khổ lắm chú ơi! Nhưng biết làm sao được. Như thế này chưa đáng sợ đâu, hôm qua cháu rũ đống rác của bệnh viện, toàn là máu mủ, chú mà nhìn thấy thì chắc chết khiếp.

Có những em khác thì la to lên:

- Chú ơi! Bao giờ thì chúng cháu hết khổ? Chúng cháu mù chữ thì có được làm công nhân không?...

*****

Các em cho biết, cuộc sống nơi đây vô cùng khốn khổ. Không có điện, đêm ngủ không mùng mền, nóng thì nhờ gió trời quạt mát, lạnh thì đắp bao tải rách thay mền...

*****

Chia tay với bà con ở bãi rác Phước Cơ, nhưng những ánh mắt khắc khổ và những tiếng kêu ai oán của trẻ thơ nơi đây vẫn canh cánh trong tôi. Màn đêm đã dần buông. Xa xa là quầng sáng của thành phố Vũng Tàu, ở nơi ấy những tòa biệt thự sừng sững vẫn bỏ không. Những bữa tiệc linh đình và xa hoa vẫn ngày đêm diễn ra. (*)

*****

Thật không khác chi câu chuyện Chúa kể cách đây 2000 năm trong Lu-ca 16: 19-31.

Một bên là ông nhà giàu, bên kia là người nghèo tên La-da-rô.

Một bên ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, bên kia, La-da-rô, phủ che người với lớp ghẻ chóc, mụn nhọt đầy mình. Nhưng dưới lớp lụa là gấm vóc kia của ông nhà giàu, phải chăng chỉ có ghẻ lở tâm linh, mụn nhọt tinh thần, nhọt nó ăn đến tận cặp mắt con tim đến độ có mắt mà không thấy, thua cả con chó trong nhà còn thấy được người nghèo trước cổng!

Một bên ông nhà giàu ngày ngày yến tiệc linh đình, bên kia người nghèo La-da-rô thèm được những thứ trên bàn ăn của ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no. Thế mà chẳng được chút gì, ngoại trừ được con chó đến liếm ghẻ chốc của mình! Làm sao mà ăn của rơi của rớt được! Không phải ông nhà giàu không cho ăn, nhưng tại vì ông nhà giàu quá no nê thực phẩm, ham mê yến tiệc đến độ chẳng còn khả năng nghĩ tới người nghèo ngay trước cổng!

Thế rồi hai người cùng chết. Một bên, ông nhà giàu xuống hỏa ngục, còn bên kia, người nghèo La-da-rô được lên thiên đàng.

Để người khác đói ngay trước cổng nhà mà mình chẳng hề biết, quả là trọng tội. Mình dư ăn dư mặc, mà kẻ khác thiếu thốn, mình chẳng màng chia sẻ, đó là trọng tội nghịch với công bằng xã hội.

Đức công chính, đức công bằng xã hội, không phải là mình chỉ ăn ngay ở lành, không ăn cắp, ăn trộm, nhưng còn phải là biết dấn thân lo sao cho mọi người chung quanh, ngay trước cổng, hưởng được những gì họ có quyền hưởng như một con người, quyền đủ ăn để sống, quyền có nhà để ở, quyền trẻ con được học, quyền con trẻ được có cha và mẹ để yêu!

Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình sở hữu cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa (Vatican II, Gaudium et Spes 69: 1).

Năm nay là Năm Thánh, Giáo Hội và ĐTC Gio-an Phao-lô II mời gọi chúng ta bắt tay ngay vào việc: học hỏi, chia sẻ về học thuyết xã hội trong Kinh Thánh và của Giáo Hội, cùng dấn thân phục vụ cho công bằng xã hội, ưu tiên chọn người nghèo, đứng về phía kẻ cô thế cô thân, bên lề xã hội, sao cho thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của công bằng xã hội.

- Cầu nguyện

- Quyết tâm

- Dấn thân

(*): Trích từ bài Những Đứa Trẻ Sống Trên Bãi Rác của tác giả bí danh viết trong Nhóm Bạn Quê Hương, Sàigòn ngày 1-11-2000