HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


Bài 6

Đa Thê Hoàn Toàn Trái Nghịch Với Tình Yêu Vợ Chồng

Đôi khi có người cho rằng đa thê bị cấm đoán chỉ do bởi một luật tích cực của Thiên Chúa, và đơn thê không nhất thiết phát xuất từ bản chất của hôn nhân, cũng không bị đòi buộc bởi luân lý tự nhiên. Quan niệm như thế là sai lầm hoàn toàn. Không chỉ hôn nhân, mà chính tình yêu vợ chồng tự nó đã loại bỏ đa thê. Tình yêu vợ chồng, tự bản chất, chỉ nhắm đến một người duy nhất mà thôi. Nét đặc trưng của việc tự hiến hoàn toàn, hỗ tương, và cái xu hướng độc chiếm về người yêu, cũng như sự kiện hai người phối ngẫu tạo thành một đôi lứa, tất cả tự thân đều loại trừ khả hữu tính của thứ tình yêu hướng chiều về nhiều đối tượng cùng một lúc. Có hai người bạn trong cùng một lúc thì chẳng hề trái nghịch với nguyên tắc về tình bằng hữu và cũng không tạo thành một điều bất xứng. Nhưng một người nam không thể yêu hai người phụ nữ theo kiểu vợ chồng được. Toàn thể giá trị của mối tương giao sẽ bị tan vỡ ngay. Nói một cách xác đáng, điều đó không thể có được.

Tính Độc Chiếm Vợ Chồng Khác với Việc Chiếm Hữu

Hơn thế nữa, nếu từ việc chiếm hữu ích kỷ nói chung của con người mà diễn dịch ra tính độc chiếm căn cốt của tình yêu vợ chồng thì thật sai lầm. Chủ nhân của hậu cung chỉ coi phụ nữ như vật sở hữu của mình tất sẽ không muốn một ai can dự vào. Đây hiển nhiên là một chiếm hữu thuần túy ích kỷ. Nhưng chủ nhân hậu cung này không hề có chút mảy may khái niệm về tình yêu vợ chồng đích thực.

Tính độc chiếm trong tình yêu vợ chồng là kết quả của ý thức rằng tình yêu duy nhất này chỉ có thể hiện hữu giữa hai hữu thể, ít là trong thời gian tình yêu này kéo dài, và sự phối hợp kỳ diệu này sẽ bị tiêu hủy và phá bỏ ngay khi một trong hai người xé lẻ tình yêu vợ chồng để dành cho một người khác nữa.

Tính độc chiếm này áp dụng cho chính người yêu cũng như người được yêu, bởi lẽ sự bất trung của người này sẽ gây ra sự nhờm tởm nơi người kia, đồng thời cũng sẽ làm tan rã sự phối hợp.

Hôn Nhân Còn Hơn Cả Tình Yêu Vợ Chồng nữa

Nhưng tình yêu vợ chồng vẫn chưa phải là hôn nhân, mặc dầu nó đã tiên liệu ý nghĩa hôn nhân. Hôn nhân là một thực thể trong trật tự khách quan vốn chỉ được cấu thành bởi một hành vi trang trọng và gỉa định một hành vi mô thức của ý chí: hai người tự hiến cho nhau một cách minh thị, hoàn toàn hàng phục cho đến mãn đời.

Hôn nhân hoàn toàn được hiện thực hóa khi cả hai người, do chính hành vi này, hoàn tất sự hàng phục trong sự phối hợp thể xác. Hôn nhân là một hiệp thông có tính hiệu lực khách quan bao gồm cả hai người. Một khi đã được kiến tạo, nó sẽ tồn tại mãi như thế, bất chấp các tình cảm hoặc thái độ của hai người, cho dù nó áp đặt trên họ những bổn phận loại biệt.

Sự hiện diện của tình yêu vợ chồng giữa hai người làm cho hôn nhân trở thành điều đáng ao ước và đem lại ý nghĩa cho nó, nhưng tự thân không cấu thành sự ràng buộc khách quan này.

Bởi vì giữa muôn vàn kinh nghiệm của con người (tỉ như tình yêu, kính trọng, hay niềm vui), có một thứ kinh nghiệm không đơn thuần là một hành vi nội tại đối với một người khác, nhưng còn tạo được một thực thể khách quan độc lập với con người. Tỉ như trường hợp của lời hứa: một lời hứa thì tạo nên bổn phận cho người này, nhưng cũng đồng thời tạo ra quyền lợi cho người kia khi đòi hỏi lời hứa phải được giữ trọn. Lệnh truyền của một kẻ bề trên thì tạo ra một bổn phận cho người bề dưới phải thi hành. Lời xá giải của linh mục nhân danh Chúa tạo ra sự vô hiệu cho tội lỗi chúng ta. Một số các phán quyết của chính quyền hợp pháp của tiểu bang chẳng hạn, có thể trở thành luật, và cứ như thế.

Hôn Nhân Tạo Ra một Ràng Buộc Khách Quan

Cũng thế, hành vi tự ý hàng phục của người này dành cho người kia với ý hướng hình thành một phối hợp tình yêu lâu bền và thân mật, thì tạo ra một ràng buộc khách quan, mà một khi đã được thiết lập, sẽ được rút ra khỏi lãnh vực quyết định độc tài của mọi người trong cuộc.

Sau này ta sẽ thấy hành vi trang trọng này của hôn nhân còn đạt tới một tầm quan trọng và uy quyền cao cả hơn, nếu nó được ý thức chu toàn trong Chúa Kitô, và nếu, một cách nào đó, nó chứa đựng sự thánh hiến cả hai người cho Chúa Kitô.

Kiểu nói ‘hôn nhân--khế ước’ không phải là cách dùng từ chính xác, bởi vì hôn nhân khác biệt một cách căn cơ với bất kỳ một khế ước thật sự nào. Ngoài tính hỗ tương ra, nếu nó có giống với khế ước thì nó cũng không hơn gì một lời hứa hay một hành vi tương tự như thế.

Nhờ hành vi này, sự phối hợp đáng ao ước trong tình yêu vợ chồng trở thành hiện thực một cách khách quan theo ý nghĩa trọn vẹn nhất, và không một hiệp thông tình yêu trần thế nào có thể trở thành khách quan hơn thế được. Bây giờ thì hai người đã hoàn toàn thuộc trọn về nhau. Một sợi dây ràng buộc khách quan nối kết họ lại: họ không còn là hai, mà là một.

Hôn Nhân Xuất Phát từ Một Quyết Định Tự Do

Một quyết định ngoại thường thì cố hữu nơi hành vi hôn nhân. Không giống như tình yêu vợ chồng, nó không tự nó ‘nhẩy bổ’ vào hữu thể, mà nó là một hành vi tự do y như một hành vi của ý chí (theo nghĩa hẹp). Cũng như lời khấn của tu sĩ, nó đánh dấu sự khởi đầu của một ‘status’ (trạng thái). Một đổi thay lớn lao bất chợt xuất hiện. Một tạo thành kết nụ rồi đơm bông, làm nên những đòi hỏi cao nhất cho cả hai người.

Hôn Nhân Độc Chiếm và Bất Khả Hồi

Tính cách quyết định của hôn nhân, mà dựa trên sức mạnh của nó, một thay đổi đã xẩy ra khiến nó văng xa khỏi tầm ảnh hưởng của ta, cũng mang một loại suy đầy phẩm chất trong sự hàng phục của thể xác. Sự phối hợp thể lý của vợ chồng tạo nên một thân mật tối hậu cho họ đến độ, tự bản chất, đó là một hàng phục có hiệu lực một lần cho tất cả. Đây không phải là một thân mật chóng qua, không tạo nên một tương giao khách quan nào. Nó bao gồm một quyết định dứt khoát đúng nghĩa nhất. Đó đúng là một hàng phục người này dành cho người kia, và bao hàm, một cách cốt yếu, cùng một tính độc chiếm được tìm thấy trong tình yêu vợ chồng.

Ngay tự bản chất và ngay từ đầu, hành vi này chỉ có thể được thực hiện với một người mà thôi, đúng như lời Chúa Kitô đã nói: “Họ sẽ nên một thịt, một xương.” (Mt 19: 5) Nó kết thành một sợi dây dịu mềm vô biên, gần gũi sâu xa, bền vững lâu dài, bao hàm sự hàng phục triệt để, đến độ nó không thể được lặp lại với một người nào khác, bao lâu người mình đã hoàn toàn tự hiến cho, vẫn còn sống. Tất cả các yếu tố này đều được chứa chất trong sự phối hợp sâu xa nhất này.

Thế nhưng sự phối hợp này chỉ trở thành hiện thực trọn vẹn khi nó theo sau hôn nhân như một kết luận long trọng. Do đó, bất kỳ một lạm dụng nào về sự hàng phục tối hậu và thân mật nhất này đều đáng nhờm tởm hết. Đây đúng là cách hạ giảm và xúc phạm đối với sự phối hợp nhắm đến việc thể hiện tối hậu sự hiệp thông tình yêu vốn sẽ trở thành khách quan qua hôn nhân.

(còn tiếp)