HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG (5)



Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


Bài 5

Tình Yêu Vợ Chồng Chỉ Khả Hữu Giữa một Người Nam và một Người Nữ

Hơn nữa, nét đặc trưng của tình yêu vợ chồng được đánh dấu bởi sự kiện là tình yêu này chỉ có thể hiện hữu giữa người nam và người nữ, chứ không phải giữa những người đồng phái, như trường hợp tình bạn, tình cha mẹ, tình con cái.

Tuy nhiên, thật sai lầm nếu giản lược nét đặc trưng này vào lãnh vực dục tính và cho rằng tình yêu vợ chồng chẳng qua chỉ là tình bạn cộng thêm tương giao tính dục, hiểu là khác phái. Thật là hết sức nông cạn nếu bảo rằng sự phân biệt nam nữ chỉ dựa trên sự khác biệt thuần túy sinh vật học. Thực ra sự phân biệt nam nữ cho thấy hai loại nhân vị thiêng liêng của nhân loại bổ túc cho nhau.

Hẳn nhiên, nam hay nữ thì cũng chỉ có một nhiệm vụ là “được tái sinh trong Chúa Kitô,” và sống thánh thiện để tôn vinh Thiên Chúa. Thế nhưng, nam nữ tượng trưng cho hai thể loại khác biệt trong nhân loại, mỗi bên đều mang ý nghĩa tùy theo dự định của Thiên Chúa, cũng như tùy theo gía trị đặc biệt của mỗi bên (giá trị này tách biệt với chức năng sinh sản).

Thử lấy tỉ dụ các thánh nam và các thánh nữ để xem các ngài, tùy theo mỗi người, đã thể hiện cái ‘unum necessarium’ (việc duy nhất cần làm) như thế nào, cũng như các ngài đã hoàn thành, một cách lý tưởng, cái ý nghĩa của bản tính là nam hay là nữ của các ngài. Nhìn lên Mẹ Maria, là thụ tạo giống Thiên Chúa nhất (trong các loài thụ tạo), ta không thể hình dung Mẹ là gì khác ngoài hình ảnh một phụ nữ, và với tư cách là Nữ Vương các Thánh nam cùng các Thánh nữ, Mẹ rất là ‘phụ nữ ‘ nói đúng theo nghĩa cao sang nhất của từ ngữ.

Đối với loài người, sự khác biệt này tượng trưng cho hai cách biểu hiện của nhân vị, tương tự như các dòng tu, nếu có thể sánh ví như thế, bởi vì các dòng tu, tuy đồng nhất với nhau về mục tiêu, vẫn tượng trưng cho các phương cách khác nhau trên đường “noi gương Chúa Giêsu.” Hai thể loại nam nữ này, có cùng chung một khả năng độc nhất là ‘bổ túc cho nhau.’ Ý nghĩa của người này đối với người kia là một cái gì khá độc nhất. Người này được tạo dựng đặc biệt dành cho người kia. Chỉ thuần túy với tư cách là nhân vị thiêng liêng, họ có thể tạo nên một nhất thể, trong đó họ bổ túc lẫn cho nhau. Tình yêu hôn nhân, vốn bao hàm quà tặng tự hiến là chính nhân vị mình, có đặc tính rõ rệt là hai kẻ phối ngẫu tạo thành một cặp, một đôi, một hiệp thông Tôi-Em, trong đó toàn thể nhân cách của người được yêu được nắm bắt một cách nhiệm mầu như một nhất thể, cho dù có những trở ngại bên ngoài—tình yêu ấy chỉ có thể hiện hữu giữa hai thể loại nhân vị thiêng liêng, tức là nam và nữ, bởi lẽ chỉ ở giữa họ mới tìm thấy được tính chất bổ túc này.

Yêu Đương Không Phải Là Mê Cuồng

Yêu đương, mà nhiều người khinh miệt cho là mê cuồng, thực ra tự thân cấu thành chop đỉnh của việc nắm bắt thiêng liêng trọn vẹn nhân vị người được yêu, trong đó, sự quyến rũ của người kia hoàn toàn được khai mở, và niềm hoan lạc tràn đầy của cộng đoàn Tôi-Em được thể hiện.

Quả thế, yêu đương không hề đáng khinh miệt, không hề là hậu quả sự Sa đoạ của loài người, mà trong trật tự tự nhiên—như Platô đã chứng minh một cách thú vị trong tác phẩm Phaedrus của ông rằng: yêu đương cấu thành cái trạng thái thực sự thức tỉnh duy nhất, trạng thái trong đó ta bẻ gẫy gọng cùm của biếng nhác, và ngưng kéo lê bản thân mình một cách đần độn qua dòng đời. Ta trở thành đúng y như hình ảnh tương giao với Chúa Kitô: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi, và tôi trọn vẹn thuộc về chàng. Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ” (Dc 2:16). Vì thế, yêu đương được tán tụng như là một hình tượng của mối tương giao cao cả nhất đối với Con Thiên Chúa.

Tình Yêu Vợ Chồng Không Là Ảo Tưởng

Xin chớ có ai cho rằng tình yêu chỉ là một cơn ảo tưởng, một thoáng say sưa vội qua, và chỉ dựa trên những phẩm chất ngoại tại của người kia. Bởi lẽ có tình yêu nông cạn và cũng có tình yêu đậm sâu, cũng như có tình bạn nông cạn và tình bạn đậm sâu.

Tuy nhiên, sự khả hữu của tính nông cạn nói chung này không hề đối kháng với yêu đương hay với tình bạn. Sự kiện một người sai lầm không hề chứng minh điều gì đi ngược lại với sự bộc lộ tính tình của người được yêu, mà như ta đã thấy, được bao hàm trong trạng thái yêu đương. Trong đời sống cầu nguyện, ta dễ đạt đến sự hiểu biết về linh hồn và mối tương giao với Thiên Chúa, tuy vậy, ai dám phủ nhận việc lừa dối không hề xẩy ra?

Tình Yêu Không Là Dục Vọng

Trên hết, yêu đương thực sự, ngay cả trong hình thức nông cạn, cũng không hề được nhầm lẫn với dục vọng. Yêu đương luôn luôn bao hàm thái độ tôn trọng và hào hiệp đối với người yêu, một yếu tố của lòng khiêm nhường, sự mềm mại của linh hồn, sự cứng cỏi của bản ngã. Người thực sự đang yêu thì trở nên mềm mỏng và thanh khiết. Ngay cả khi tình yêu chỉ có tính cách nông nổi và dựa trên các phẩm chất ngoại tại của người yêu, thì các phẩm chất này, vốn thay thế cho, và tượng trưng cho vẻ đẹp và sự thiện hảo của toàn thể nhân cách, cũng nâng cao tâm hồn người yêu lên đến một tình trạng có thể vượt thắng sự nặng nề ích kỷ và biếng nhác của mình. Yêu đương không dính dáng gì đến sự say sưa nhục cảm thuần túy, cũng không liên quan gì đến thói quyến rũ ma quái và sự lôi kéo nhục cảm của một Don Juan.

Bản chất của tình yêu, kể cả tình yêu vợ chồng, là tính cách bền lâu và độc chiếm. Ai bảo rằng: “Hiện tại thì tôi yêu nàng/chàng, nhưng không biết mai sau có yêu nàng/chàng nữa chăng” thì thực sự chưa yêu. Ngay cả khi trong thực tế một người bị nhầm lẫn và tình yêu người ấy chắp cánh bay đi chăng nữa, yêu đương (như tình yêu vợ chồng) vẫn rõ ràng cho thấy tính cách bền lâu và độc chiếm.

Yêu Đương là Một Yếu Tố của Tình Yêu Vợ Chồng

Ta sẽ có dịp trở lại yếu tố lâu bền và độc chiếm trong tình yêu vợ chồng. Giờ đây, ta chỉ chứng minh rằng yêu đương chính là một yếu tố của tình yêu vợ chồng. Điều này không có nghĩa là nó phải giữ mãi cùng một mức độ, bao lâu tình yêu vợ chồng còn tồn tại, nhưng yêu đương phải được tái hiện thực hóa vào những thời điểm nhất định nào đó. Một cách mặc nhiên, tình yêu vợ chồng phải luôn luôn mang khả hữu tính này và cho thấy nét đặc trưng này. Chẳng cần vạch ra làm gì sự khác biệt lớn giữa yêu đương, vốn chỉ tạo nên chóp đỉnh của tình yêu vợ chồng đậm sâu này, và yêu đương xuất hiện như một hiện tượng độc lập; cũng chẳng cần nói đến chức năng bình thường của nó là biểu hiện sự hiện thực hóa tròn đầy của tình yêu vợ chồng.

Tình yêu vợ chồng không hề là một mớ tình bạn và nhục cảm, ngược lại, đặc trưng của nó, như đã nói, vốn khiến nó khác hẳn với các thứ tình yêu khác, thực sự giống như một chiếc cầu dẫn đến lãnh vực dục tính và chỉ duy mình nó mới làm cho sự phối hợp của hai người thành khả hữu. Có cái gì đó xung khắc trong cái mớ tình bạn và nhục cảm ấy. Nó giống như tình trạng các yếu tố hỗn tạp nằm cạnh nhau, và lãnh vực nhục cảm không thể nào thánh hoá được bởi một cấu kết bất đồng kiểu đó.

Chỉ trong tình yêu vợ chồng—nơi người nam và người nữ phối hợp với nhau trong một hiệp thông duy nhất, nơi họ tự hiến cho nhau trong ý nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ, và thuộc về nhau trong sự thấu quyện tối hậu của linh hồn họ với nhau—mà mối tương giao với lãnh vực nhục cảm mới trở thành khả niệm. Chỉ trong trật tự này mà ý nghĩa cao cả của lãnh vực dục tính mới được thể hiện trong sự phối hợp của hai hữu thể trong cuộc phối hợp thiêng liêng--nhục cảm hoàn toàn, đúng theo ngôn từ của Chúa Kitô Đấng Cứu Thế: “Và cả hai đã nên một thịt một xương.” (Mt 19: 5)

(còn tiếp)

Nguyễn Kim Ngân