Vài cảm nghĩ sau khi tham dự kỉ niệm 40 năm Lễ Thành Hôn tại một giáo xứ ven đô



Ở một giáo phận, thường thì có bao nhiêu nhà thờ là có bấy nhiêu cha xứ, bấy nhiêu ông chánh trương. Mỗi nơi một vẻ, mỗi chỗ một cách. Vừa qua, tôi được mời tham dự lễ mừng kỷ niệm lễ thành hôn của gia đình một ông chánh trương. Tất cả những gì diễn ra trong tiệc mừng để lại trong lòng tôi một hình ảnh đẹp.

Đó là nét đẹp cha xứ đơn sơ, ông trùm hiền hòa tại một nhà thờ nhỏ, khu vực cuối quận Bình Thạnh. Khi chọn một người giáo dân đại diện cho cộng đoàn giáo xứ, người ta thường chọn người có uy tín, đạo đức, có sức khỏe và nhất là có thời gian, một chút điều kiện vật chất để thuận tiện trong việc phục vụ. Nhưng ông trùm mà tôi nói ở đây có đến mười hai người con, nhà thuộc mức “hằng ngày dùng đủ”, các con một nửa tạm ổn định, một nửa còn bấp bênh… Thế mà, dưới mắt tôi, ông sống đúng vị trí mà Chúa đặt để cho một ông trùm họ đạo: quấn quýt bên nhà thờ, thân thiện với cha xứ, cư xử chan hòa với cộng đoàn.

Trong thánh lễ tôi thấy ánh mắt của ông ánh lên niềm hân hoan hạnh phúc; còn bà thì vui tươi, mặt đượm nỗi lo toan muôn thuở của người phụ nữ trên chặng đường gia đình.Tại sao tôi lại nhìn thấy rõ nét đẹp của một ông trùm họ đạo như thế?

Câu chuyện là thế này: Một ngày nọ, người ta phát hiện ra tiếng rên khóc trong một con hẻm đầy rác, một người đàn ông xanh xao gầy yếu, run rẩy. Ông chánh trương biết được, hô hào một vài người đến moi hết rác, ân cần sắp xếp và để một cái giường ở cuối con hẻm, đặt người đàn ông bất hạnh nằm tại đó. Sau đó, ông trùm vận động cho nhiều người chung tay chăm sóc và nuôi nấng ông ta. Được ông trùm đôn đốc, các bà các chị nay đến cho gói này mai mang quả nọ; mỗi tuần lại đến dọn dẹp, tắm rửa cho ông ta một lần. Còn cha xứ thì đến thăm hàng tuần. Người đàn ông bất hạnh tỉnh dần, ông cảm động vì nhận ra mình vẫn còn được sống như một con người. Vài tháng sau ông xin gia nhập đạo dù đôi chân không đi được, sống cô quạnh với đống thức ăn để trên góc giường và một lu nước; song đôi mắt ông ta như sáng hơn, lòng ông như vui hơn vì có người thăm nom, an ủi. Khi có người đến thăm, cho quà, ông thường làm dấu thánh giá để tỏ lòng biết ơn.

Được sự cố vấn của ông trùm, tôi cùng vài bạn trẻ đến lợp mái tôn lạnh, sửa lại nền nhà để ông ta không sợ trời mưa, bớt khô khốc khi trời nắng gắt. Nhờ làm việc này mà tôi hiểu được ông chánh trương tánh tình điềm đạm, hoạt bát, tế nhị trong công việc, biết trân trọng người khốn cùng. Chúng tôi còn được biết người đàn ông bất hạnh kia là một người lỗi hẹn trong đời hôn nhân: khi còn trẻ ông làm thợ sơn nước và kiếm được khá nhiều tiền nhưng ông lại đèo bồng có đến ba bà vợ. Khi hết tiền, những bà vợ và những đứa con nghĩ rằng chăm sóc ông là bỗn phận của người khác, người này đùn đẩy cho người kia, “cha chung” thì khóc để làm gì!

Dự thánh lễ mà thỉnh thoảng hình ảnh tương phản giữa hai người đàn ông (ông trùm xứ đạo và ông thợ sơn nước) chập chờn trong đầu tôi. Gia đình là tế bào của xã hội, là cộng đoàn nhỏ trong hội thánh. Những ai sống đúng, sống tốt trong ơn gọi gia đình quả là đáng khâm phục. Lòng chung thủy quý như vàng, sang như bạc, khó kiếm như kim cương hay dễ tìm như chim trong rừng, như cá dưới sông? Hẳn là chặng đường bốn mươi năm sống đời hôn nhân của ông bà chánh trương có nhiều loại gai góc, có hoa thơm trái sầu, nếu có thể đem lên bàn cân thì quả ngọt và trái đắng bên nào nhiền hơn? Chắc chắn là phải có chịu đựng, cố gắng, kiên nhẫn pha lẫn sự lo lắng, bôn ba… Có nhiều người biện minh rằng nếu sự chịu đựng nhau vượt quá giới hạn nơi mỗi người thì tốt nhất nên giải tán cái tổ ấm gia đình mang bầu khí hỏa ngục kia đi để thoải mái cho từng thành viên… hưng không! Không được phá vỡ mà phải cải tạo lại nếu cái tổ ấm đó có vấn đề! Cho dẫu bất kỳ sự hàn gắn nào cũng để lại vết sẹo lồi lõm nhiều ít tùy theo vết thương; như thế còn hơn là lỗi hẹn trong hôn nhân. Lỗi hẹn trong hôn nhân là lỗi hẹn cả cuộc đời. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng những cặp vợ chồng ngày xưa ràng buộc với nhau vì đời sống còn chưa tiến bộ; còn ngày nay chẳng ai ràng buộc ai được. Người Kitô hữu nếu nghĩ như thế là đi vào con đường cụt, mà phải ràng buộc nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa ban tặng, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chắc chắn người ta không phải trả giá cho hành vi của mình.

Bữa tiệc mừng diễn ra trong hội trường bé của giáo xứ nhỏ nên có phần ồn ào, nóng nực nhưng bầu khí vẫn vui tươi, chan hòa yêu thương vì đây là bữa tiệc của một gia đình hạnh phúc thiết đãi. Một gia đình không lỗi hẹn trong tình yêu.