HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG (4)



Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


Bài 4

Các Điểm Đặc Trưng của Tình Yêu Vợ Chồng

Một sai lầm rất thường thấy, ngay trong giới Công giáo, đó là cho rằng tình yêu vợ chồng khác biệt với tình yêu bè bạn hay tình yêu cha mẹ với con cái chỉ duy ở chỗ nó gắn liền với lãnh vực nhục cảm.

Trái với quan niệm trên, tình yêu vợ chồng, phải nói là độc lập với nhục cảm tính, tự thân tạo thành một thứ tình yêu hoàn toàn mới. Đó là một tự hiến hỗ tương mang tính chất độc đáo, vốn là nét đặc trưng biệt loại của kiểu tình yêu này.

Tình Yêu Vợ Chồng Bao Hàm Tự Hiến Hỗ Tương

Hẳn nhiên, trong bất kỳ một tình yêu nào, đều có sự tự hiến, cách này hay cách khác, nhưng ở đây, việc tự hiến mang tính chất toàn diện và tối hậu, nói theo đúng từ ngữ. Không chỉ nguyên trái tim, mà toàn thể nhân cách được trao ban cho người khác. Khi một người nam và nữ yêu nhau, họ tự hiến cho nhau ngay vào thời điểm tình yêu họ chớm nở.

Người nam muốn thuộc về người nữ, và muốn người nữ thuộc trọn về mình; cũng vậy, người nữ muốn thuộc về người nam, và muốn người nam thuộc trọn về mình.

Mọi tình yêu hẳn đều ao ước một tính hỗ tương không hề mang bóng dáng của ích kỷ; nhưng trong tình yêu vợ chồng, có một niềm khát vọng, không chỉ để đáp lại một tình cảm nói chung, mà còn hướng đến tình yêu duy nhất, qua đó, người được yêu thuộc về người yêu bằng một cách thức hoàn toàn độc chiếm, cũng như đến lượt chính người yêu lại muốn thuộc về người được yêu.

Tình yêu này hướng về một phối hợp duy nhất và phần nào còn có thể nói là cấu thành nên nó nữa: một hiệp thong nơi đó hai người tạo nên một phối hợp gần gũi vốn chỉ có thể hiện hữu ở giữa họ. Tình yêu vợ chồng tạo thành một tương giao trong đó ánh nhìn của người này thì chỉ quy chiếu về người kia mà thôi.

Tình Yêu Vợ Chồng: Mối Tương Giao Tôi-Em Sâu Xa Nhất

Tương giao giữa hai nhân vị được hiện thực hóa duới hai hình thức thật khác xa nhau: hai nhân vị có thể được kết hợp qua một lợi ích chung, bằng cách cùng nhau đối đầu với một cái gì đó ở bên ngoài mình. Với nhau, họ có thể có cùng một thái độ trước một con người hay một sự vật: họ có thể cùng khóc lóc, cùng vui cười, cùng nhau quyết định, và cùng nhau cảm tạ.

Có thể gọi đây là một tương giao ‘chúng ta,’ nơi đó hai kẻ phối ngẫu vẫn ở cạnh nhau, vẫn đi bên nhau, có khi còn tay trong tay nữa.

Nhưng hai nhân vị cũng có thể đối diện với nhau, đụng chạm đến nhau, nhìn nhau đắm đuối, hòa hợp linh hồn với nhau một cách nhiệm mầu. Họ ý thức về nhau, người này biến người kia thành đối tượng chiêm ngưỡng và đáp trả của mình, người này thấu nhập vào người kia bằng tâm linh. Đây chính là tương giao Tôi-Em, trong đó hai kẻ phối ngẫu không ở cạnh nhau, mà diện đối diện.

Trong tất cả mọi hiệp thông trần thế, tình yêu vợ chồng là hình thức rõ nét nhất của một tương giao Tôi-Em. Kẻ được yêu trở thành đối tượng tư tưởng, tình cảm, ý muốn, hy vọng và hoài bão của ta. Nàng/chàng trở thành trung tâm đời sống ta. Người có trái tim chứa chất tình yêu vợ chồng này sẽ không chỉ sống với người yêu mà còn sống cho người yêu nữa. Hẳn nhiên, một tương giao Tôi-Em như thế, trong hình thức tinh ròng nhất của nó, chỉ hiện hữu giữa linh hồn con người với Chàng Rể Thiên Quốc là Chúa Giêsu. Rốt cục, ta phải sống chỉ vì Người mà thôi, và trong hôn nhân, hai vợ chồng sống chung với nhau vì Chúa. Nhưng trong lãnh vực thụ tạo, tình yêu vợ chồng có nghĩa là sống cho nhau. Sánh với mọi tương giao nhân loại khác, hai người phối ngẫu sống trong một hiệp thông Tôi-Em nhất định.

Tình Yêu Vợ Chồng Bao Hàm Một Quyết Định

Việc tự trao hiến này, vốn là nét đặc trưng biệt loại của tình yêu vợ chồng (khác với tình bạn hay bất kỳ tình yêu nào khác) cũng được mạc khải trong tính cách quyết liệt của các từ ngữ “Anh/Em yêu Em/Anh.”

Không phải lúc nào cũng dễ bảo rằng một người nào đó ta biết rất rõ và ta rất thích lại cùng một lúc đươc coi như là một người bạn, và cũng đôi khi cũng khó mà trả lời “Có” hay “Không” đối với câu hỏi liệu xem ta có yêu ai chăng. Nhưng giữa tình yêu theo nghĩa vợ chồng và các hình thái yêu đương khác, có một khác biệt lớn đến độ câu hỏi liệu ta có yêu ai chăng theo nghĩa này có thể trả lời dứt khoát rằng “có” hay “không.”

Tình yêu này bao hàm một quyết định dứt khoát. Nhờ tình yêu này, ta cương quyết chọn lựa một người nào đó. Câu nói “Anh/Em yêu Em/Anh” mang nét đặc trưng của quyết định này. Có thêm gì vào chăng nữa, tỉ như bảo rằng “Anh/Em yêu Em/Anh nhiều lắm” hay “Anh/Em yêu Em/Anh vô vàn” thì cũng chỉ làm giảm nhẹ sức mạnh của câu nói mà thôi. Thay vì gia tăng sức mạnh, nó lại làm yếu đi cái ý nghĩa của câu tuyên bố đơn giản “Anh/Em yêu Em/Anh.”

Tình Yêu Vợ Chồng Mạc Khải Toàn Thể Hữu Thể Ngườì Được Yêu

Tình yêu có thể nẩy nở bất chợt, có khi còn đạt tới mức chín muồi ngay từ “phút đầu gặp nhau” của hai người. Sự kiện này cho thấy nét đối kháng tiêu biểu giữa tình yêu vợ chồng và tình yêu khác. Trong tình yêu vợ chồng, nhân cách người được yêu được mạc khải ngay lập tức như một nhất thể toàn diện. Đôi mắt ta có thể thấu nhập người khác sâu xa hơn nhiều so với bình thường khi ánh mắt ta bị phân tán bởi vô số những vật thể vặt vãnh và bị mờ khuất bởi bầu không khí xám đục hàng ngày. Điều này không hề vượt khỏi bình diện ngoại tại. Trong tình yêu siêu nhiên đối với tha nhân, ta thấu nhập ngay vào cái yếu tính sâu thẳm nhất và huyền diệu nhất của người khác, trong đó, qua tất cả mọi bất toàn, ti tiện, kiêu căng, và tầm thường, người ấy vẫn phản ảnh Thiên Chúa. Cũng thế, trong tình yêu vợ chồng tự nhiên, cá tính chân thực của người phối ngẫu được tỏ lộ cách huyền nhiệm. Cái ý nghĩa sâu xa, bí mật vốn thấu nhập mọi kỹ năng và tài khéo, toàn thể nhịp điệu của hữ u thể người ấy, được bộc lộ chỉ trong một lần qua tất cả mọi bất toàn của người ấy. Ta có thể hiểu được cái kế hoạch mà Thiên Chúa đã dự sẵn khi tạo dựng cá tính riêng biệt này, y như trong tình yêu dành cho đồng loại, ta hiểu được ý nghĩa chung của một nhân vị tự do, linh thiêng, được Thiên Chúa tạo dựng mô phỏng theo hình ảnh của chính Ngài trong một cá nhân riêng rẽ.

Hẳn nhiên, mọi tình yêu đều bao hàm một hiểu biết sâu xa hơn về người khác, một thấu suốt đậm đà hơn về hữu thể chân thực của người ấy, tuy lóe sáng, nhưng vẫn bất toàn qua nhiều lớp màng che và yếu đuối. Không có gì sai lầm hơn là bảo rằng “Tình yêu thì mù quáng.” Tình yêu thực ra đem lại ánh sáng cho ta, bầy tỏ cho ta ngay cả những lỗi lầm của người khác trong trọn vẹn tầm mức của nó và vì đó khiến cho ta đau khổ dằn vặt. Thế nhưng, tình yêu vợ chồng mạc khải cho ta, một cách trực giác, toàn thể hữu thể người khác một cách nhất quán, sáng chói và nhiệm mầu. Nó không chỉ bộc lộ cho ta những nét cá biệt đáng khen mà thôi, nhưng còn cả dáng vẻ lôi cuốn đặc biệt của cá tính người ấy xét như một toàn thể, thấu nhập mọi sự và đặc trưng hóa yếu tính hữu thế người ấy--một vẻ lôi cuốn chỉ có thể hiểu được hoàn toàn bởi chính nhân vị mang tính chất bổ xung, và chỉ có trọn vẹn ý nghĩa cho người ấy mà thôi.

(còn tiếp)

Nguyễn Kim Ngân