HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG BÀI 3

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press

Manchester, New Hampshire, 1991


Mỗi mùa Giáng Sinh đến, ta hội mừng và cử hành mầu nhiệm Chúa Hài Đồng sinh xuống trần gian cứu độ nhân loại. Ta cũng đồng thời chiêm ngưỡng khung cảnh thánh gia thất ấm cúng trong hạnh phúc yêu thương. Hạnh phúc gia đình tưởng đơn giản nhưng lại không dễ đạt được. Nếu cứ hai cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị để cho cứ hai đứa trẻ (nếu được sinh ra) thì có một đứa trước khi đi ngủ không thể nói “Good Night” với cha của mình, thì chẳng lẽ hôn nhân thủy chung và gia đình hạnh phúc sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ thôi sao? Không, hạnh phúc gia đình phải có thật, và hôn nhân thủy chung phải là điều khả thi. Nhưng đâu là bản chất của hôn nhân dẫn đến một gia đình hạnh phúc? Dietrich von Hildebrand, qua tác phẩm của ông “Marriage: the Mystery of Faithful Love” nêu lên cho ta điều cốt lõi kiến tạo nên niềm hạnh phúc cho hôn nhân và gia đình, đó là tình yêu thủy chung chân chính. Xin chuyển dịch tác phẩm này để giới thiệu cùng bạn đọc.

LỜI MỞ ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

Thời đại chúng ta có một đặc điểm là bài bác chủ nghĩa nhân vị. Điều này dần dà biến thành một thứ bệnh mù loà trước bản chất và phẩm giá của nhân vị duy linh. Việc bài bác chủ nghĩa nhân vị tự bộc lộ chính yếu qua một chủ nghĩa triệt để duy tập thể cũng như qua các hình thức khác nhau của chủ nghĩa duy vật. Trong số này, có lẽ nguy hiểm nhất phải kể đến chủ nghĩa duy vật sinh học, vốn cho rằng con người chỉ là một con vật được phát triển cao hơn, và toàn thể nhân cách của nó đều bị chi phối bởi các yếu tố thuần túy sinh lý. Đời sống con người chỉ được nhìn nhận và cứu xét duy nhất qua lăng kính sinh học, bởi vì các nguyên lý sinh học chính là thước đo qua đó mọi hành động của con người được đánh giá và phân định.

Trong một ý thức hệ như thế, thiết tưởng điều quan trọng hơn cả là nhấn mạnh lại một lần nữa về ý nghĩa linh thiêng của hôn nhân-và không chỉ giải thích cái mục đích tiên khởi của nó là sinh sản, mà còn lý giải cái ý nghĩa tiên khởi của nó như là sự phối hợp thân mật giữa hai nhân vị trong tình yêu hỗ tương.

“Magna res est amor!” Yêu là một điều lớn lao. Cho dù trực tiếp ám chỉ tình yêu Thiên Chúa, câu nói thời danh này của Chân Phước Thomas à Kempis có thể áp dụng cho tất cả mọi tình yêu chân chính và nhất là cho tình yêu vợ chồng. Tại nhiều quốc gia, người ta đã bắt đầu thấu hiểu điều này, và các thần học gia luân lý đang nhấn mạnh đến vai trò của tình yêu trong hôn nhân, một vai trò trước đây đã bị đánh giá thấp. Khi nhấn mạnh đến mục đích tiên khởi của hôn nhân, tức sinh sản, một số tài liệu thần học đã bỏ quên ý nghĩa tiên khởi của hôn nhân, vốn là tình yêu. Phong trào do Tu Sĩ Violet khởi xướng tại Pháp đã góp phần lớn lao trong việc thấu hiểu sâu xa hơn về hôn nhân, nhờ việc xuất bản các loại sách báo quan trọng khác nhau, tổ chức các cuộc hội thảo và tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng. Nhiều sách xuất bản tại Đức Quốc cũng cho thấy một trào lưu tương tự. Các tác phẩm viết bằng Anh Ngữ của LM John Martindale, S.J., và của LM T.G.Wayne, O.P.,

cũng đưa ra một quan niệm về hôn nhân không hoàn toàn để cho quan điểm sinh sản lấn lướt. Trên hết, luân thư của ĐGH Piô XI, “De Casti Connubì” (Thanh Khiết Vợ Chồng), có nói đến một đoạn Giáo Lý Công Giáo trong đó tình yêu vợ chồng được coi là ý nghĩa tối hậu của hôn nhân.

Tác phẩm này nguyên bản đã đượcviết bằng Đức Ngữ trước khi có các phong trào vừa kể, vốn cũng nhắm đến việc đào sâu hơn nữa ý nghĩa hôn nhân Kitô giáo. Có lẽ được phép nói rằng ảnh hưởng của nó, nhất là các ấn bản Ý ngữ và Pháp ngữ, đã có công nhấn mạnh đến vai trò của tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo.

Khác với tác phẩm “Bênh vực đức thanh tịnh”, tập sách này chỉ đề cập đến hôn nhân và gửi đến cho toàn thể công chúng. Giả như tập sách này trong ấn bản Anh ngữ có đóng góp được phần nào cho việc đào sâu hơn ý thức về chiều cao, chiều sâu, và chiều rộng của hôn nhân thâu tóm nơi Chúa Kitô-là “mầu nhiệm thật là cao cả” (Eph 5: 32) theo như lời thánh Tông Đồ--thì coi như tập sách này đã đạt được mục tiêu của nó.

Tôi xin tỏ lòng tri ân đối với các bạn: Tiến Sĩ Emmanuel Chapman và Ô. Daniel Sullivan đã giúp phiên dịch tập sách nhỏ này.

PHẦN MỘT

TÌNH YÊU và HÔN NHÂN

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh.và hiến mình vì Hội Thánh” (Eph 5:25)

Sự lớn lao và cao cả của hôn nhân, một trong những cuộc phối hợp gần gũi nhất và tối hậu nhất, được Chúa Kitô nâng lên địa vị của một Bí Tích, được mạc khải rõ rệt trong lời huấn dụ của thánh Phaolô khi ngài so sánh tình yêu hôn nhân với tình yêu mà Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đã dành cho Hội Thánh Người. (Eph 5: 25-27)

Sự Lớn Lao của Hôn Nhân

Không một thiện hảo tự nhiên nào của con người đã được đề cao đến thế trong Tân Ước. Không một thiện hảo nào khác đã được chọn trở thành một trong bẩy Bí Tích. Không một điều gì khác có được vinh dự tham gia trực tiếp vào Vương Quốc của Thiên Chúa. Điều này tự nó cho thấy giá trị quý báu vô hạn gắn liền với hôn nhân trong lãnh vực tự nhiên, cũng như sự phong phú và và cao cả mà nó khai mở ra. Trước khi khảo sát bản chất, ý nghĩa, và vẻ đẹp của hôn nhân Kitô giáo (mà Thánh Phaolô gọi là “một mầu nhiệm cao cả trong Chúa Kitô và Hội Thánh” (Eph 5: 32), ta cần khảo sát yếu tính và ý nghĩa của hôn nhân trong lãnh vực tự nhiên, và nét đặc trưng biệt loại của nó so với tất cả các hình thức kết bạn và kết đoàn khác.

Chỉ nhờ thế ta mới thấu hiểu đuợc điều đã được Chúa Giêsu Kitô nồng nhiệt xưng tụng và do đó giải tỏa được các ngộ nhận về bản chất hôn nhân vốn rất thường thấy.

Một vài đoạn Kinh Thánh đề cao hôn nhân bằng cách dùng nó như một hình ảnh của mối tương quan giữa Thiên Chúa và linh hồn. Một cách bất toàn, mối tương quan này tiên báo hình ảnh của mô thức hoàn hảo, y như Cựu Ước tiên báo Tân Ước vậy. Qủa thế, Chúa Kitô tự cho mình là lang quân của linh hồn, còn sách Diễm Ca trình bầy cuộc phối hợp của Chúa Kitô và linh hồn dưới hình thức một cuộc đính hôn.

Tình Yêu là Cốt Lõi của Hôn Nhân

Tại sao Kinh Thánh lại chọn mối tương quan đặc biệt này như một hình ảnh? Bởi vì hôn nhân là sự phối hợp gần gũi nhất và thân mật nhất trong các phối hợp trần thế, trong đó, hơn bất cứ cuộc phối hợp nào, một nhân vị tự hiến cho một nhân vi khác, không dè giữ. Cùng lúc ấy, nhân vị kia, với toàn thể nhân cách mình, trở thành đối tượng của tình yêu, và tình yêu hỗ tương này, bằng một phương cách đặc biệt, trở thành chủ điểm, tức cốt lõi, của tương quan ấy.

Tình yêu cũng là cốt lõi sâu nhất của mối tương quan giữa linh hồn và Thiên Chúa. Hẳn nhiên, ta phải tôn thờ và vâng phục vị Hoàng Đế Vinh Quang vĩnh cửu, là vẻ huy hoàng của Nguồn Sáng Vô Biên. Người là Chúa ta. Bổn phận nơi trần thế của ta là phụng sự Người trong mọi sự, không dè giữ. Thế nhưng, Người đã hỏi Phêrô đến ba lần: “Này anh Simon, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Jn 21: 15) Giới răn trọng nhất chứa đựng hết mọi Lề Luật và lời dậy của các Ngôn Sứ chẳng phải là thế này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” sao? (Mc 12:30)

Hôn nhân được chọn làm hình ảnh sự phối hợp hoàn hảo giữa linh hồn và Chúa Kitô, bởi vì trong hôn nhân, trọng tâm và cốt lõi chính là tình yêu. Không một kiểu kết đoàn trần thế nào khác lại được xây dựng, một cách độc chiếm, trong chính bản chất của nó, bằng tình yêu hỗ tương cả.

Trong tình bằng hữu chẳng hạn, sự cộng thông tư tưởng hoặc các lợi ích thiêng liêng và kinh nghiệm chung đóng một vai trò trọng yếu. Trong mối tương quan cha-con, thì sự săn sóc và dưỡng dục đóng vai trò then chốt. Tận cội nguồn của tương quan con-cha, là lòng biết ơn và vâng phục của người con đáp lại sự che chở và chăm sóc của người cha.

Hẳn nhiên, các tương giao gia đình cũng chỉ có thể được biến đổi qua tình yêu và được thấm nhuần bởi tình yêu mà thôi. Nhưng cho dù các tương giao ấy chỉ có thể khai mở ra ý nghĩa chân thực của chúng dựa trên nền tảng của tình yêu và nhân danh tình yêu, yếu tính và nguyên lý độc tôn của các tương giao ấy vẫn không phải là tình yêu hỗ tương.

Nói một cách chủ quan, tình yêu không đi vào trong yếu tính của các tương giao vừa nói một cách độc tôn như trong trường hợp của hôn nhân. Tính cách khách quan của các tương giao ấy không được xây dựng trên tình yêu bằng cùng một cách thức, cũng không được thiết lập trên tình yêu trong cùng một tầm mức.

Trái lại, trong hôn nhân, cái thái độ nền tảng và chủ quan cũng như cái lý lẽ khách quan của mối tương giao, một tương giao còn nhằm phục vụ việc sinh sản các hữu thể nhân linh mới, chính thực là tình yêu hỗ tương.

Hôn nhân là sự phối hợp kỳ diệu của hai nhân vị trong tình yêu và bởi tình yêu. Trong phần sau, ta sẽ nhận thấy nơi hôn nhân bí tích, tình yêu này được nâng cao lên thành một hiệp thông của tình yêu và sự sống trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Nhưng điều này giả định một tình yêu hỗ tương độc nhất, và chính ở nơi đây mà đôi hôn phối vinh danh Chúa Giêsu Kitô.

Tình yêu là ý nghĩa tiên khởi của hôn nhân, còn việc sinh ra các hữu thể con người chính là cùng đích tiên khởi của nó. Chức năng xã hội của hôn nhân và tầm quan trọng của nó đối với quốc gia chỉ là một cái gì thứ yếu và phụ thuộc. Ta sẽ hiểu thấu đáo hơn, nếu tạm gác qua một bên địa vị bí tích của hôn nhân, để chỉ nhìn nó như một hiệp thông tự nhiên, và tập chú vào các nét đặc trưng của tình yêu vợ chồng.

(còn tiếp)