HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press

Manchester, New Hampshire, 1991

Mỗi mùa Giáng Sinh đến, ta hội mừng và cử hành mầu nhiệm Chúa Hài Đồng sinh xuống trần gian cứu độ nhân loại. Ta cũng đồng thời chiêm ngưỡng khung cảnh thánh gia thất ấm cúng trong hạnh phúc yêu thương. Hạnh phúc gia đình tưởng đơn giản nhưng lại không dễ đạt được. Nếu cứ hai cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị để cho cứ hai đứa trẻ (nếu được sinh ra) thì có một đứa trước khi đi ngủ không thể nói “Good Night” với cha của mình, thì chẳng lẽ hôn nhân thủy chung và gia đình hạnh phúc sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ thôi sao? Không, hạnh phúc gia đình phải có thật, và hôn nhân thủy chung phải là điều khả thi. Nhưng đâu là bản chất của hôn nhân dẫn đến một gia đình hạnh phúc? Dietrich von Hildebrand, qua tác phẩm của ông “Marriage: the Mystery of Faithful Love” nêu lên cho ta điều cốt lõi kiến tạo nên niềm hạnh phúc cho hôn nhân và gia đình, đó là tình yêu thủy chung chân chính. Xin chuyển dịch tác phẩm này để giới thiệu cùng bạn đọc.

Đôi dòng về tác giả:

Hitler sợ ông và Đức Giáo Hoàng Piô XII gọi ông là “Tiến Sĩ Hội Thánh của thế kỷ XX.” Suốt sáu thập niên, Dietrich von Hildebrand--triết gia, nhà viết sách thiêng liêng, và chiến sĩ chống Đức Quốc Xã-đã lãnh đạo các nhóm triết gia, tôn giáo và chính giới, giảng thuyết khắp Âu Châu và Mỹ Châu, đã xuất bản hơn 30 đầu sách và rất nhiều trang báo. Ảnh hưởng của ông lan rộng và vang dội cho mãi đến hôm nay.

Mặc dù là một tư tưởng gia sâu sắc và độc sáng về nhiều lãnh vực của con người, tuy nhiên, trong các giáo trình và tác phẩm, ông tự nhiên tránh né những suy tư thái quá và những lý thuyết rối rắm. Thay vào đó, ông cố tìm cách soi sáng bản chất và ý nghĩa của các yếu tố ‘thường ngày’ của hiện hữu con người, những yếu tố dễ bị hiểu sai lạc và được giả định quá thường xuyên.

Do đó, phần lớn triết lý của von Hildebrand đều liên quan đến nhân vị con người, đời sống đạo đức và tình cảm nội tâm, và các mối tương quan giữa nhân vị và thế giới nơi con người sinh sống.

Thân thế của von Hildebrand đã khiến ông trở thành người duy nhất có đủ tư cách để luận bàn về các đề tài ấy. Ông sinh tại Florence năm 1889, là con một điêu khắc gia thời danh tại Đức, Adolf von Hildebrand. Vào thời điểm ấy, gia trang của von Hildebrand trở thành một trung tâm văn hoá và nghệ thuật, được rất nhiều nghệ nhân và nhạc sĩ lừng danh lui tới. Việc sớm tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng này đã khiến chàng thanh niên Dietrich càng thêm yêu đời hơn.

Sống tại Florence, bao bọc chung quanh von Hildebrand là vẻ đẹp--vẻ đẹp tự nhiên quyến rũ của vùng đồng quê Florence cũng như vẻ đẹp phong phú của kho tàng nghệ thuật vốn là gia sản của Florence từ thời Phục Hưng. Thấu nhập vào bầu không khí Florentine này là một tinh thần Công Giáo ăn sâu vào nghệ thuật, kiến trúc, và đời thường của con người. Những tháng năm niên thiếu tại Florence đã nhóm lên trong von Hildebrand một tình yêu đam mê dành cho chân, thiện, mỹ, và Kitô giáo.

Lớn lên, ông say sưa triết học, là đệ tử của những triết gia bậc thầy thời thượng bán thế kỷ 20 tại Đức, trong đó có Edmund Husserl, Max Scheler, và Adolf Reinach. Trở lại đạo công giáo năm 1914, von Hildebrand dậy triết nhiều năm tại Đại Học Munich.

Tuy nhiên, khi Thế Chiến I chấm dứt chưa được bao lâu, Đức Quốc Xã (ĐQX) bắt đầu đe doạ miền nam nước Đức vốn rất thân gần với von Hildebrand. Với đôi mắt tinh tường, ông nhận ra ngay mầm mống tội ác của chủ thuyết này. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, ông đã phi bác mạnh mẽ chủ thuyết ĐQX qua những bài viết và những buổi diễn thuyết trên khắp nước Đức và trên toàn cõi Âu Châu.

Không muốn tiếp tục sống trong một đất nước bị thống trị bởi kẻ tội đồ, von Hildebrand đành đoạn rời xa quê hương Đức Quốc để sang nước Áo, nơi ông tiếp tục dậy triết học (tại Đại Học Vienna). Để chống lại ĐQX tích cực hơn, ông thành lập và xuất bản một tờ nhật báo hàng đầu chỉ nhằm chống ĐQX, mang tên Christliche Standestaat.

Điều này khiến cả Heinrich Himmler và Adolf Hitler nổi giận, nên ra tay bịt miệng von Hildebrand và đóng cửa tờ nhật báo chống phát xít của ông. Họ ra lệnh ám sát ông ngay tại Áo Quốc. Tuy nhiên, von Hildebrand may mắn thoát hiểm trong gang tấc, và nhờ tấm thông hành Thụy Sĩ, ông đã thoát khỏi gọng kềm ĐQX ngay lúc đất nước ông rơi vào tay chế độ độc tài.

Điều rất đáng nói là ngay giữa lúc đấu tranh sống chết chống lại ĐQX, ông vẫn giữ vững nếp sống thiêng liêng sâu xa của mình, và cố xoay sở để viết tác phẩm quan trọng nhất chính trong giai đoạn này, đó là tác phẩm “Transformation in Christ” (Biến Đổi trong Chúa Kitô) một tác phẩm thiêng liêng cổ điển được đánh giá rất cao.

Chạy trốn khỏi Áo Quốc, ông bị theo dõi liên tục tại nhiều quốc gia, sau cùng đặt chân đến bờ biển nước Mỹ năm 1940 sau khi đã qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Ba Tây.

Đến Nữu Ước không một đồng xu dính túi, ông được mướn làm giáo sư giảng dậy tại Đại Học Fordham cho đến khi hưu trí. Phần lớn các tác phẩm lừng danh nhất của ông được viết vào thời kỳ này và sau khi về hưu. Ông qua đời năm 1977 tại New Rochelle, Nữu Ước.

Von Hildebrand nổi tiếng ở trí thông minh sắc bén, nét độc sáng hiếm hoi, quan điểm sâu xa, đức đại đảm, chiều sâu nội tâm phong phú, cũng như tình yêu nồng nàn hướng đến chân thiện mỹ. Những đức tính này khiến cho Dietrich von Hildebrand trở thành một trong những triết gia lớn nhất và một trong những nhà hiền triết thời danh nhất thế kỷ XX.

Dẫn nhập của Alice von Hildebrand, hiền nội tác gỉa

“Tình yêu là thiên đàng; hôn nhân là địa ngục,” đó là câu Lord Byron đã viết cách đây cả 150 năm. Khi viết câu này, ông không lường được tầm ảnh hưởng của nó lớn lao như thế nào cho mãi đến hôm nay.

Trong xã hội ngày nay, vẻ đẹp và sự lớn lao của tình yêu hôn nhân đã trở thành tối tăm đến độ nhiều người nhìn hôn nhân y như một cõi ngục tù: một thứ quy ước có tính pháp lý thật dễ nản, bởi nó đe doạ tình yêu và hủy diệt tự do.

Chồng tôi, Dietrich von Hildebrand, thì ngược hẳn lại. Ngay cả trước khi trở lại đạo Công giáo rất lâu, ông đã xác tín rằng cộng đồng tình yêu trong hôn nhân là một trong những nguồn mạch sâu xa nhất của hạnh phúc con người.

Ông nhìn thấy sự lớn lao và vẻ đẹp nơi sự kết hợp vợ chồng trong hôn nhân--tượng trưng bằng sự kết hợp thể lý mà, một cách nhiệm mầu, đã dẫn đến sự tạo thành một hữu thể nhân sinh mới. Ông nhìn nhận rằng, tự bản chất, tình yêu hướng về cõi vô biên và mở ra cánh cửa vĩnh cửu. Do đó, một người biết yêu chân thành thì sẽ ràng buộc mình mãi mãi gắn chặt với người mình yêu-đó chính là món quà mà hôn nhân cống hiến cho người ấy.

Ngược lại, tình yêu không cam kết thì sẽ phản bội chính bản chất của tình yêu. Kẻ nào không chịu cam kết (hoặc phá đổ một cam kết để khai mào một tương giao khác) thì tự dối mình, vì lẫn lộn hứng thú của điều mới mẻ với hạnh phúc chân chính.

Cái chủ nghĩa chủ bại về tình cảm kiểu này, vốn rất tiêu biểu cho thời đại chúng ta, chính là một triệu chứng của sự thiếu trưởng thành nghiêm trọng về mặt cảm xúc, điều làm suy yếu chính nền tảng xã hội. Một phần nguyên nhân là vì hiểu sai về tự do. Nhiều người phê phán hôn nhân vì họ không ý thức được rằng một người thực sự tự do khi họ thong dong tự trói buộc mình với một người khác trong hôn nhân.

Những người phê phán hôn nhân như thế đều không hề thấy được tính liên tục, nhất là sự thủy chung, là nét đặc trưng cốt yếu của một nhân cách thực sự trưởng thành: nghĩa là ta vẫn chọn sống trung thành với điều mình đã nhìn thấy, cho dù sau này thị lực có bị giảm thiểu hoặc nhòe nhạt đi.

Trong vấn đề tình yêu và hôn nhân, “địa ngục” không đến từ “trung tín”, mà đến từ sự thiếu tín trung, điều làm con người tưởng là thong dong, nhưng kỳ thực là đơn độc: bởi bị sập vào cái bẫy của độc đoán nông cạn và tính chủ quan ngột ngạt.

Quả vậy, trái với ý tưởng của Lord Byron và niềm tin bình dân, hôn nhân là người bạn và người bảo vệ cho tình yêu giữa nam và nữ. Hôn nhân đem cho tình yêu một cấu trúc, một nơi nương náu, một bầu không khí mà chỉ trong đó tình yêu mới lớn lên được.

Hôn nhân dậy cho đôi vợ chồng lòng khiêm nhường và khiến họ thừa nhận rằng nhân vị con người là một người yêu rất nghèo khổ. Dù mong mỏi yêu thương và được thương yêu biết mấy chăng nữa, ta cứ vẫn mãi thiếu thốn và cần giúp đỡ liên tục. Ta phải tự trói buộc mình qua những lời thề linh thánh để sự trói buộc ấy đem cho tình yêu sức mạnh

cần thiết hầu đương đầu với cả một đại dương sóng cả dập vùi của thân phận con người.

Bởi lẽ chẳng có tình yêu nào thoát khỏi những thời khắc khó khăn. Thế nhưng, như Kierkegaard nhận xét thích đáng, do bởi dính dáng đến ý chí, cam kết, bổn phận và trách nhiệm, hôn nhân thúc dục vợ chồng phấn đấu để bảo vệ món quà qúy giá là tình yêu của mình. Nó đem cho họ niềm tin tưởng ngời sáng là, với ơn Chúa giúp, họ sẽ vượt qua được những khó khăn để vươn lên chiến thắng. Nhờ đó, khi thêm yếu tố mô thể vào trong yếu tố chất thể của tình yêu, hôn nhân bảo đảm cho tương lai của tình yêu và bảo vệ nó khỏi những chước cám dỗ lúc nào cũng bủa vây kiếp người.

Trong một tương giao thiếu cam kết, thì chỉ cần chút ít trở ngại, chút ít khó khăn chẳng đáng gì, người ta cũng sẽ vin vào đó như là lý do chính đáng để chia tay nhau. Thật là đáng tiếc, con người lúc nào cũng bon chen để vượt hơn người khác, trong khi đó lại rất hờ hững hoặc hoàn toàn không có tham vọng chinh phục bản thân. Thà rẫy bỏ một tương giao còn hơn là phấn đấu chống lại điều mà Kierkegaard gọi là “sự mỏi mệt thường có thói quen đi theo sau một ước nguyện thành đạt.”

Hôn nhân kêu mời đôi vợ chồng phấn đấu chống lại bản thân để mưu cầu lợi ích cho người yêu. Đó là lý do ngày nay người ta không còn có thói quen thắng vượt bản thân nữa. Người ta không còn muốn đạt đến chiến thắng lớn lao nhất, đó là chiến thắng chính bản thân mình.

Một lần nữa, cũng theo Kierkegaard, loại bỏ hôn nhân chính là “tự buông thả.” Chỉ những kẻ hèn nhát mới phỉ báng hôn nhân. Họ đào ngũ, chấp nhận bại trận ngay cả khi cuộc chiến chưa bùng nổ. Chỉ có hôn nhân mới có thể cứu đưọc tình yêu nam nữ và đặt nó vượt trên những bất tất của cuộc thăng trầm hàng ngày. Thiếu sợi dây ràng buộc này, chẳng còn lý do gì nữa để mà mơ ước biến đổi những thê lương của đời sống hàng ngày trở thành một khúc ca đầy thơ mộng.

(còn tiếp)