MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC HỒNG Y SEPE TẠI THÁNH ĐỊA ĐỨC MẸ LAVANG

LAVANG, Việt Nam – Giáo chức ở tỉnh Quảng Trị, miền trung Việt Nam, hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe tại Thánh địa La Vang sẽ mang nhiều thuận lợi cho Trung tâm hành hương toàn quốc này.

Đức Hồng Y Sepe, tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hoá các dân tộc, đã có cuộc thăm viếng thánh địa Đức Mẹ nổi tiếng và rộng lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam, và chủ tế Thánh lễ tại đây để kính Đức Mẹ và cầu nguyện cho 2 Đức Giáo Hoàng là Đức cố Gioan Phaolô II và Đức đương kim Bênêđictô XVI. Đây là một trong những nội dung của 2 ngày thăm và làm việc tại Giáo tỉnh Huế từ ngày 30/11 đến hết ngày 1/12.

Sáng ngày 01/12, gần 7.000 khách hành hương chào đón Đức Hồng Y và tham dự thánh lễ. Cùng đồng tế tại Linh Đài với Đức Hồng Y, có 6 Tổng giám mục và giám mục thuộc Giáo tỉnh miền trung, 79 linh mục và10 phó tế, trong số người tham dự có 75 tiểu chủng sinh, 86 đại chủng sinh và rất đông nam nữ tu sĩ. Thánh địa LaVang nằm trong địa giới của xã Hải Phú huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, cách Hà Nội 600 kilômét về hướng nam.

“Sự kiện này sẽ có âm vang trên trường quốc tế, và Thánh địa LaVang của Việt Nam sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn nữa”, Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, hạt trưởng Giáo hạt Quảng Trị, đã cho biết hôm gần đây trong một cuộc phỏng vấn. Thánh địa thuộc Tổng giáo phận Huế, cách Toà Tổng giám mục ở thành phố Huế 60 kilômét về hướng bắc.

Cha Gioang đã từng quản nhiệm Thánh địa này trong suốt 23 năm (1975-1998), thời kỳ mà được coi là đổi mới về chính trị và rất khó khăn trong việc giữ gìn đất đai và các cơ sở tôn giáo, ngay sau khi Cộng sản giải phóng hoàn toàn đất nước. Trước đó, LaVang thuộc miền nam Việt Nam dưới chế độ Cộng Hoà, nhưng phải gánh chịu thiệt hại rất nặng bởi chiến tranh vì đó là nơi cửa ngõ để Cộng sản từ miền bắc tiến vào giải phóng miền nam.

Vị linh mục 73 tuổi, nói tiếp rằng: “Cuộc thăm viếng này tạo nhiều thuận lợi cho một Trung tâm hành hương toàn quốc vì những nhân vật cao cấp nhất của Giáo triều Rôma và Giáo hội Việt Nam đều có mặt”, đó là Đức Hồng Y Sepe đại diện cho Đức Thánh Cha, Đức cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Nguyễn Văn Hoà đến từ Giáo phận Nha Trang, Đức cha Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam Phêrô Nguyễn Soạn đến từ giáo phận Quy Nhơn, Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể của Huế và các Đức giám mục khác. “Như vậy, danh chấn hoàn cầu về LaVang càng tăng trước mặt dân tộc và chính quyền Việt Nam”, cha Gioang khẳng định.

Cha Gioang đang quản xứ Diên Sanh, ngài cho biết hiện nay LaVang là nơi đang được thế giới quan tâm, bởi vì khi nói đến Giáo hội Việt Nam thì ai cũng biết đến LaVang, “nơi nào đạo danh tiếng thì đời cũng nể trọng”. Ngài cho rằng mối quan hệ giữa chính quyền Việt Nam và Toà Thánh đang “có dấu hiệu lạc quan”. “Giáo hội tại Rôma đang rất kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của chính quyền Việt Nam và Giáo hội Việt Nam rất mong được Đức Thánh Cha đến thăm LaVang”, cha Gioang nói.

Tuy nhiên, vị linh mục bày tỏ một số khó khăn mà Thánh địa LaVang chưa được chính quyền địa phương giải quyết thoả đáng và hợp lý, đó là hơn 23 hécta đất của Thánh địa chưa được sử dụng hết vì chính quyền chưa giải quyết, “trong khi Giáo hội gọi LaVang là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc thì chính quyền địa phương vẫn coi đó là một giáo xứ nhỏ”, cha Gioang nói.

Cha cho biết thêm, hàng ngày có từ hàng trăm đến hàng ngàn người hành hương đến LaVang bằng ôtô hoặc xe máy và kể cả xe đạp, chưa kể những dịp hành hương mà Giáo hội quy định, thế mà nhà nước không xây dựng một ga xe lửa nào tại địa điểm này để phục vụ nhu cầu người dân đi lại, mặc dù trước kia đã có ga xe lửa tại đây rồi. Trong khi đó, con đường bộ thường xuyên có người qua lại từ quốc lộ 1A vào Thánh địa lại bị đường ray xe lửa cắt ngang qua “không rào chắn và rất nguy hiểm”.

Đức giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng của Huế đã đọc một bản phúc trình về Thánh địa La Vang lên Đức Hồng Y và tất cả những người tham dự tại đó, ngài kể sự tích hình thành nên Thánh địa này và những mốc lịch sử quan trọng của một Trung tâm hành hương quốc gia.

Đức cha Hồng nói: “Hơn 23 hécta đất của Thánh địa từ trước đến nay thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, các tài liệu văn bản pháp lý vẫn còn được gìn giữ lại để chứng minh điều này. Nhiều lần Đức Tổng giám mục Huế đã yêu cầu chính quyền trả lại cho Trung tâm Thánh Mẫu LaVang toàn bộ số đất nói trên để đáp ứng nhu cầu tối cần thiết trong các kỳ đại hội hành hương, thế nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được chính quyền giải quyết.”

Ngày 1/5/1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thiết lập Thánh địa LaVang làm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc, điều này lặp lại quyết định trước đó của Hội đồng Giám mục miền nam Việt Nam ngày 13/4/1961.

Bản phúc trình của Đức cha Hồng còn cho biết vào tháng 7-1989, một phái đoàn Toà Thánh do Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đặc sứ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã đến kính viếng Đức Mẹ LaVang, ngài chứng kiến tận mắt những đổ nát tại LaVang bởi chiến tranh, chứng kiến đức tin và lòng sùng mến Đức Mẹ của người Công giáo Việt Nam.

“Đức cố Giáo Hoàng thường nhắc đến Đức Mẹ LaVang trong những dịp đặc biệt như lễ phong thánh cho 117 chân phước tử đạo Việt Nam năm 1988, dịp đại hội giới trẻ thế giới năm 1993 tại Denver, các dịp tiếp kiến Đức Thánh Cha và viếng mộ 2 thánh Tông đồ Phaolô và Phêrô.”

Đức cha Hồng trích dẫn sứ điệp của Đức cố Giáo Hoàng gửi Giáo hội Việt Nam năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại LaVang: “Tại Đền Thánh này, vốn rất được tín hữu Công giáo Việt Nam quý mến, vang lên một sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gửi đến cho con cái Người vào năm 1978 giữa những thống khổ tinh thần và thể xác, khi Mẹ nói: ‘Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đau khổ. Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau, hễ ai đến kêu xin Mẹ nơi đây, sẽ được toại nguyện’. Suốt hai thế kỷ qua, sứ điệp này vẫn luôn luôn hợp thời và đã được sốt sắng đón nhận tại LaVang. Mặc cho những thử thách lớn lao đã đánh dấu giòng lịch sử LaVang, Trung tâm Thánh Mẫu này, nay trở thành Trung tâm Toàn quốc, đã duy trì được những cuộc hành hương liên tục như một truyền thống sinh động”.

Kết thúc bản phúc trình, Đức cha Hồng đọc: Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có ý định mời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Việt Nam vào năm 1998 để chủ toạ Lễ Bế mạc Năm Toàn xá LaVang. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã cho biết điều này khi ngài trả lời phóng viên Hãng Thông tấn Fides ngày 4/3/1999, ngài nói: “Dân chúng Việt Nam cầu mong cho có những liên lạc ngoại giao giữa Toà Thánh và Việt Nam bởi vì điều này sẽ làm cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Việt Nam được dễ dàng hơn. Tôi đã chính thức xin Chính phủ mời Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam, chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện”.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Toà, thư ký văn phòng tại Thánh địa, cho biết sau thánh lễ hôm đó rằng: “Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Trị tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thánh địa để đáp ứng nhu cầu của khách hành hương trong và ngoài nước đến LaVang, nhất là trong những dịp đại hội”.

Người nữ tu 62 tuổi thuộc dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Huế, tin tưởng rằng Mẹ LaVang đang cầu xin Chúa ban ơn an bình cho đất nước Việt Nam, Mẹ cũng đã ban nhiều ơn phúc cho mọi người dân, không phân biệt lương hay giáo. Chị nói chị “tạ ơn Mẹ” vì những thuận lợi gần đây cho Thánh địa như Toà nhà Hành Hương có sức chứa 3000 người, được xây dựng phục vụ khách hành hương như một khách sạn. “Tôi tiếp tục cầu nguyện với Mẹ để chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Sepe sẽ tác động mạnh mẽ và hiệu quả cho Thánh địa LaVang”, nữ tu Toà nói.

Linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu LaVang Giuse Dương Đức Toại cho hôm 11-12 cho hay: “Việc Đức Hồng Y Sepe đến viếng thăm Thánh địa LaVang chứng tỏ rằng Đức Thánh Cha và Toà Thánh rất quan tâm đến Trung tâm hành hương toàn quốc này, và LaVang có vị thế rất quan trọng không chỉ đối với Giáo hội địa phương mà cả Giáo hội hoàn cầu nữa”.

Cha Toại nói thêm rằng: hiện nay Thánh địa LaVang chỉ được phép sử dụng 10 hécta trong tổng số hơn 23 hécta, “Mỗi dịp đại hội, Tổng Giáo phận Huế phải tốn hết 50.000.000 đồng (3.500 Mỹ kim) tiền thuê đất mặt bằng để phục vụ khách hành hương”.

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng Y khuyên các giáo hữu vui vẻ đón nhận với niềm tin yêu và phó thác nơi Chúa và Mẹ những khó khăn đau khổ hằng ngày mà “Chúa gửi đến để thánh hoá bản thân”. Ngài dành một nửa bài giảng của mình để cầu nguyện bộc phát với Mẹ: “Nhiều người còn đang đau khổ trên khắp thế gian, đang phải gánh chịu sự bắt bớ tôn giáo, bất công, kỳ thị và chiến tranh. Xin Mẹ bầu cử và ban cho họ có đủ sức mạnh và lòng can đảm.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh lời cầu nguyện: “Xin Mẹ đoái thương và ban cho chúng con tất cả những ơn mà chúng con cần đến trong chuyến hành hương ở dưới thế này. Đặc biệt, xin Mẹ thương ban hoà bình, sự thịnh vượng về vật chất cũng như tinh thần cho dân tộc Việt Nam dấu yêu này.”

Năm 1798, vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ cấm đạo Công giáo. Một số giáo hữu vùng Quảng Trị chạy trốn vào rừng, họ kêu xin Đức Mẹ cứu giúp che chở trong con cơn bách hại dữ dội này. Trong lúc họ đọc kinh lần hạt thì Đức Mẹ hiện ra ngự xuống trên đám cỏ, gần gốc cây đa, nơi giáo dân đang cầu nguyện để chấn an họ.

Theo Đức cha Hồng, hằng năm có 3 cuộc hành hương truyền thống, và 3 năm một lần đại hội hành hương toàn quốc tại Thánh địa này. Trong tháng 8/2005 vừa qua, dịp đại hội hành hương lần thứ 27, đồng thời cũng là đại hội Thánh Thể toàn quốc, số người hành hương lên đến 500.000 người, họ đứng tắc nghẽn các lối đi, đứng gần khu vực nhà vệ sinh và trên những vũng nước cách xa lễ đài để tham dự các nghi thức phụng vụ trong 3 ngày đại hội.