Vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu: LIÊN MINH THÁNH. (bài 2)

LTS: Khi viết về đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các ký giả cũng như các sử gia đều nhắc đến phần đóng góp của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Đông Âu. Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi: Đức Cố Giáo Hoàng đã góp phần thế nào trong biến cố chính trị vĩ đại này, thì quả thực, không mấy ai có câu trả lời chính xác và đầy đủ.

Hiện nay, người ta chưa thấy một tác phẩm đặc khảo nào về vấn đề nêu trên. Do vậy, vai trò của ĐGH Gioan Phaolô II trong việc làm sụp đổ chế độ cộng sản vẫn là một đề tài hấp dẫn cho những ai muốn viết luận án về Sử Học hay Chính Trị Học.

Trong khi đi tìm tài liệu về vấn đề này, chúng tôi gặp được bài báo có tựa đề Holy Alliance (Liên Minh Thánh) của tác giả Carl Bernstein, đăng trên tuần báo Time, số xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 24 tháng 2 năm 1992, nghĩa là sau khi chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ được 1 năm, tức năm 1991. Chúng tôi dịch bài báo này để cống hiến qúy bạn đọc, nhưng thiết tưởng cũng cần đặt một câu hỏi là liệu các tài liệu lịch sử và sự kiện trong bài báo này có hoàn toàn chính xác không? Chúng tôi không đủ tài liệu trả lời câu hỏi này, chỉ biết Time là một tuần báo có uy tín vào loại hàng đầu của Hoa Kỳ.


(Loạt bài này khởi đăng từ thứ Hai 14/11 đến thứ Tư 16/11/05)

MỘT NHÓM CÔNG GIÁO

Một nhóm những nhân vật trong chính quyền Mỹ tham gia trong vụ Ba Lan gồm những người Công Giáo đạo đức như Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo William Casey, Richard Allen, William Clark, Alexander Haig, Vernon Walters và William Wilson. Ông William Wilson là đại sứ đầu tiên của TT Reagan bên cạnh Tòa Thánh Vatican. Tất cả những người này coi mối liên hệ ngoại giao giữa Washington-Vatican là một Liên Minh Thánh: gồm sức mạnh tinh thần và những giáo huấn của Giáo Hội kết hợp với chủ thuyết cương quyết chống cộng sản và khái niệm dân chủ của Hoa Kỳ.

Ông Richard Allen
Tuy nhiên, công tác này có lẽ không thành công, nếu không có sự hỗ trợ hoàn toàn của TT Reagan là người tin tưởng nồng nhiệt vào cả lợi ích lẫn những áp dụng thực tế trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Washington và Vatican. Tổng Thống Reagan nói: “Một trong những mục tiêu đầu tiên là thừa nhận Vatican là một quốc gia và kết hợp quốc gia ấy làm đồng minh” (trước đây Hoa Kỳ và Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức- ghi chú của người dịch)

Theo Đô Đốc John Poindexter, phụ tá quân sự trong ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, thì khi quân luật được ban hành ở Ba Lan, TT Reagan đã tin ngay rằng cộng sản đã tính toán sai lầm nghiêm trọng: “Cho Công Đoàn Đoàn Kết công khai hoạt động trong 16 tháng rồi đi đàn áp. Chính quyền Ba Lan chỉ tự tách mình ra khỏi nhân dân bằng việc cố làm tê liệt phong trào lao động và quan trọng hơn là lôi kéo giáo hội có sức mạnh vào cuộc xung đột với chế độ Ba Lan.”

TT Reagan nói: “Tôi không tin rằng điều này (quyết định áp đặt quân luật đề đập nát Công Đoàn Đoàn Kết) có thể tồn tại vì lịch sử Ba Lan vì khía cạnh tôn giáo và còn nhiều khía cạnh nữa”. Còn Đức Hồng Y Cassaroli thì nói: “Có một sự trùng hợp về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Vatican.”

Đa số những sự trợ giúp cho Công Đoàn Đoàn Kết hay đối phó với chính quyền Ba Lan và Sô Viết đều do TT Reagan, ông Casey, và ông Clark quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến với ĐGH Gioan Phaolô II. Ông Richard Pipes, một học giả bảo thủ sinh trưởng ở Ba Lan, cầm đầu văn phòng đặc trách Sô Viết và Đông Âu trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết: “TT Reagan biết rõ mọi chuyện, kể cả các hoạt động bí mật”. Ông nhắc lại lời Tổng Thống “Không phải nhân dân, mà chính hệ thống Sô Viết là điều xấu xa và chúng ta, bằng mọi cách, phải làm thế nào giúp đỡ dân chúng và Công Đoàn Đoàn Kết tranh đấu cho tự do.” Ông nói thêm: “Những người như ông Haig, Bộ Trưởng Thương Mại Malchom Baldridge và James Baker (lúc đó là chánh văn phòng tòa Bạch Ốc sau này là Bộ Trưởng Ngoại Giao thời TT Bush cha - ghi chú của người dịch) đều cho điều TT Reagan nói là không thực tế. Còn ông George Bush (tức ông Bush Cha, lúc đó là Phó TT cho ông Reagan - ghi chú của người dịch) cứ ngồi yên, không nói lời nào. Tôi (lời ông Pipes) thường ngồi sau ông và không bao giờ biết ý kiến của ông thế nào. Riêng TT Reagan thì biết rất rõ những gì là nguy hiểm sẽ xảy ra”

Ông William Casey, Giám Đốc Cơ Quan Trung Ương Tình Báo
Theo sự đánh giá chung, ngay trong những ngày đầu khi Ba Lan vừa ban hành quân luật, ông Casey đã nhảy ngay vào vòng chiến trong lúc mọi người còn đang mu mơ. Giống như trường hợp Trung Mỹ, ông Casey là kiến trúc sư chính trong các chính sách đối với Ba Lan. Trong khi đó, ông Pipes và các viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo các đề nghị trừng phạt. Ông Pipes nói: “Mục tiêu chính là làm kiệt quệ Sô Viết để người dân trong nước đổ tội cho là vì ban hành quân luật”. Ông cũng nói thêm: “Những biện pháp trừng phạt được tiến hành song song với những hoạt động của ban Công Tác Đặc Biệt, một chi ngành của CIA thi hành các hoạt động bí mật, với mục tiêu đầu tiên là giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết được tồn tại bằng việc cung cấp tài chánh và dụng cụ truyền tin.”

Một trong những viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chỉ huy nỗ lực hạn chế ảnh hưởng hệ thống dẫn khí đốt của Nga cho biết: “Giáo Hội cố gắng kiểm soát toàn bộ tình hình” Viên chức này nói tiếp: “ Họ (Giáo Hội) đã nỗ lực một cách có hiệu quả, tạo ra được các tình huống khiến Sô Viết không áp dụng được những đe dọa nguy hiểm, trong khi đó, cho phép chúng ta (Hoa Kỳ) xiết chặt các biện pháp chế tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Và gần như họ là bộ phận theo dõi những đàn áp của chính phủ để xem nó diễn tiến như thế nào, áp bức ấy có được nới lỏng hay ngày càng tệ hại và chúng ta phải đối phó ra sao.”

Ông William Clark- Cố Vấn An Ninh
Đối với các cuộc đàm thoại của TT Reagan về tình hình Ba Lan, Ông Clark cho biết, các cuộc đàm thoại ấy rất ngắn gọn. Ông nói: “Tôi không nghĩ là giữa tôi và TT. Reagan có cuộc đàm thoại nào riêng tư mà kéo dài được hơn ba phút để đi sâu vào một vấn đề. Có lẽ điều đó làm ông (ký giả viêt bài báo này) ngạc nhiên lắm. Chúng tôi có mật mã thông tin riêng. Trong vấn đề Ba Lan, tôi biết TT Reagan muốn thực hiện đến đâu và đường lối đó có thể dẫn đến những vấn đề gì. TT Reagan, ông Casey và tôi thường xuyên bàn luận về những hoạt động bí mật ở Ba Lan: như ai đang làm việc gì, ở đâu, tại sao, diễn biến tình thế thế nào, và cơ hội thành công ra sao.”

Theo ông Clark, chính ông và ông Casey hàng ngày báo cáo ngắn gọn về tin tình báo cho TT Reagan biết. Bản báo cáo tóm lược tin của CIA, bổ túc thêm những phân tích về các hoạt động bí mật ở Ba Lan.

Về phía Đức Giáo Hoàng, Ngài và những vị phụ tá gặp gỡ các giới chức Hoa Kỳ để lượng định tình hình và kết quả các hoạt động của Mỹ, sau đó gửi kết quả thẩm định bằng thư hay báo cáo miệng cho TT Reagan.

Còn ông Casey, trong hầu hết các chuyến sang Âu Châu hay Trung Đông, đều ghé Rome trước để gặp gỡ ĐGH và trao đổi tin tức. Nhưng, việc thực hiện những sứ vụ chính giữa Washington và Rome đều do ông Walters đảm trách. Ông nguyên là Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), đã từng công tác đắc lực với ông Casey.

Ông Vernon Walters - Phụ Tá Giám Đốc CIA
Theo nguồn tin của Vatican, ông Walters đã gặp ĐGH đến hơn chục lần. Ông Wilson nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican cho biết ông Walters có sứ vụ đưa tin tức qua lại giữa ĐGH và TT Reagan và sự hiện diện của ông tại Vatican được giữ bí mật. Nội dung các buổi nói chuyện không chỉ xoay quanh vấn đề Ba Lan mà còn đề cập cả đến vấn đề Trung Mỹ Châu hay vụ con tin bị giam giữ ở Lebanon.

Trong những năm dưới thời Reagan, những hoạt động bí mật của Mỹ (Bao gồm những hoạt động ở Afghanistan, Nicaragua, và Angola) thường là sự trợ giúp phương tiện cho những lực lượng nổi dậy như súng ống, lính đánh thuê, cố vấn quân sự hay chất nổ. Nhưng tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng, TT Reagan, và ông Casey theo một chiến thuật trái ngược hẳn. Một chuyên gia phân tích cho biết: “Điều ba vị nói trên làm là để cho các lực lượng tự nhiên tại chỗ đóng vai trò chủ yếu, còn các vị ấy không để lại một dấu tích gì trên các biến cố này”.

Sự hợp tác giữa ông Reagan và Casey có điểm nổi bật là hoạt động được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Hoạt động đó giản dị so với những hoạt động khác của CIA. Một trong những người từng cộng tác với ông Casey, nhưng không thích ông ta lắm đã phát biểu rằng: “Giả dụ như ông Casey có mặt ở đây bây giờ thì có lẽ ông ấy sẽ nở mấy nụ cười. Vào năm 1991, TT Reagan và ông Casey đã thiết lập được một trật tự thế giới mới mà hai ông mong muốn” (Ông Casey chết trước khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Nga và các nước Đông Âu ghi chú của người dịch)

NHỮNG CHỈ THỊ MẬT

Vào năm 1982, ba tuần lễ trước khi gặp ĐGH Gioan Phaolô II, TT Reagan ký một một chỉ thị mật về an ninh quốc gia mang số NSDD 32. Theo chỉ thị này, TT cho phép áp dụng hàng loạt biện pháp mật từ kinh tế đến ngoại giao nhằm hoá giải nỗ lực của Liên Bang Sô Viết đang thống trị ở Đông Âu. Về phương diện thực tế, thì hoạt động bí mật quan trọng nhất được diễn ra trong nội địa Ba Lan, và mục tiêu chính của chỉ thị NSDD 32 là làm lung lay chính quyền Ba Lan qua các hoạt động như tuyên truyền và trợ giúp Tổ Chức Công Đoàn Đoàn Kết, cổ vũ nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và quyền của Giáo Hội Công Giáo, áp lực kinh tế và cô lập ngoại giao đối với chế độ cộng sản. Tài liệu trong chỉ thị này cũng nói đến nhu cầu phải bảo vệ các nỗ lực cải cách tự do dân chủ trên khắp đế quốc Liên Sô. Chỉ thị cũng kêu gọi gia tăng tuyên truyền bằng các hoạt động phát thanh bí mật ở Đông Âu. Những biện pháp này, theo giới chức phụ tá của TT Reagan cũng như các người bất đồng chính kiến ở Đông Âu tin rằng nó rất hữu hiệu, gạt bỏ được khái niệm cho rằng Sô Viết là bách chiến bách thắng.

Ông Henry Hyde, Dân Biểu của đảng Cộng Hòa, thành viên của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện trong thời gian 1985 đến 1990 đã lượng định những hoạt động bí mật của chính quyền Reagan, đưa ra nhận xét: “Ở Ba Lan, chúng tôi đã làm tất cả những gì mà chúng tôi đã áp dụng ở các quốc gia khác để lật đổ chế độ cộng sản đồng thời củng cố sức mạnh cho lực lượng chống đối chế độ ấy. Chúng tôi cung cấp đồ tiếp liệu, trợ giúp kỹ thuật, trợ giúp các tờ báo bí mật, phát thanh, tuyên truyền, tài chánh, trợ giúp tổ chức và cố vấn. Và từ Ba Lan, chúng tôi giúp tổ chức những lực lượng chống đối trong các quốc gia cộng sản khác ở Âu Châu”.

Trong số những người đóng vai trò cố vấn trong vấn đề này có ông Zbigniew Brezinski, sinh trưởng ở Ba Lan, là Cố Vấn An Ninh Cho Tổng Thống Jimmy Carter. Ông tuyên bố: ‘Tôi rất quen biết ông Casey. Ông ta rất uyển chuyển, có đầu óc sáng tạo, không câu nệ hành chánh, cái gì cần làm là phải làm. Để duy trì các nỗ lực bí mật, phải cần tiếp tế, cần hệ thống v.v... và chính vì vậy mà Công Đoàn Đoàn Kết đã không bị nghiền nát”.

Về các tin tình báo quân sự, tin Hoa Kỳ giá trị hơn tin của Vatican, nhưng vấn đề lượng định tình hình chính trị thì tin của Giáo Hội hơn hẳn tin của Hoa Kỳ. Và vấn đề am hiểu dân chúng và liên lạc với lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết thì Giáo Hội có một vị thế không ai so bì được. Đức Hồng Y Silvestrini lúc bấy giờ là Tổng Trưởng Ngoại Giao giải thích: “Tin tức của chúng tôi về Ba Lan rất có cơ sở vì các Đức Giám Mục thường xuyên liên lạc với Tòa Thánh và với Công Đoàn Đoàn Kết. Họ thông báo cho chúng tôi biết ai đang bị bắt, về các hoạt động và nhu cầu của của các nhóm Công Đoàn Đoàn Kết, về thái độ chính quyền cũng như chúng tôi biết các người nằm trong chính quyền nhưng đang phản lại chính quyền Ba Lan”. Tất cả những tin tức đó đều gửi cho TT Reagan hay ông Casey biết.

Một giới chức thân cận với ĐGH nói: Nếu có nghiên cứu tình hình Công Đoàn Đoàn Kết thì qúy ông sẽ thấy Công Đoàn đã đã hành xử một cách rất khôn khéo, không thái quá trong những giờ phút nghiêm trọng vì họ được Giáo Hội hướng dẫn. Vâng, cũng có lúc chúng tôi đã kìm hãm Công Đoàn Đoàn Kết. Nhưng Ba Lan là một trái bom có thể nổ ngay trong trái tim chế độ cộng sản, mà các nước chung quanh là Liên Bang Sô Viết, Tiệp Khắc, Đông Đức. Áp bức quá trái bom sẽ nổ”

CÀ PHÊ CAPUCCINO CỦA ÔNG CASEY.

Đức TGM Pio Laghi - Khâm Sứ Tòa Thánh tại Washington
Trong khi đó, tại Washington một đường giây liên lạc tay ba được phát triển giữa ông Casey, ông Clark và Đức TGM Pio Laghi (về sau là Hồng Y, ghi chú của người dịch). Ông Clark kể lại rằng: “ Mỗi khi có tình hình nghiêm trọng, ông Casey và tôi thường ghé tư thất của TGM Pio Laghi vào sáng sớm để thu thập những nhận định và nghe lời khuyến cáo. Chúng tôi uống cà phê ăn sáng với nhau trong khi bàn luận những việc đang được thi hành ở Ba Lan. Tôi thường xuyên nói chuyện bằng điện thoại với Đức Khâm Sứ vì Ngài luôn luôn liên lạc với ĐGH”.

Còn Đức TGM Pio Laghi nói: “Hai ông ấy thích uống cà phê Capuccino lắm (Đức TGM là người Ý và cà phê Capuccino là của Ý rất nổi tiếng - ghi chú của người dịch) Thỉnh thoảng chúng tôi bàn đến vấn đề Trung Mỹ hay lập trường của Giáo Hội về vấn đề hạn chế sinh sản, nhưng hầu hết các câu chuyện tập trung vào vấn đề Ba Lan.”

Ông Robert McFarlane - Phụ Tá của ông Casey
Ông Robert McFarlane từng là phụ tá cho ông Clark và ông Casey, sau này là Cố Vấn An Ninh của TT Reagan kể lại: Hầu hết mọi việc ở Ba Lan được thi hành không phải theo con đường của Bộ Ngoại Giáo mà thông qua ông Casey và ông Clark. Tôi biết hai ông ấy gặp gỡ Đức Khâm Sứ Pio Laghi trước khi Đức Khâm Sứ gặp Tổng Thống. Ông Clark không bao giờ nói với tôi về nội dung câu chuyện giữa ông ấy với Đức TGM Pio Laghi.

Đức TGM Pio Laghi đã gặp gỡ TT Reagan ít nhất là 6 lần. Mỗi khi vào Tòa Bạch Ốc để gặp TT hay ông Clark, Đức Khâm Sứ đều đi vào cổng ở phía Tây Nam để tránh các ký giả. Đức TGM Pio Laghi nói:” Có mối liên hệ thân mật như vậy, nhưng tôi đã không vượt qua lằn mức giới hạn, vai trò chính của tôi là dàn xếp các cuộc gặp gỡ giữa ông đại sứ Walters và Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha biết rõ dân tộc của Ngài. Đây là một tình thế rất phức tạp - làm sao cứ đòi hỏi nhân quyền, tự do tôn giáo và giữ cho Công Đoàn Đoàn Kết tồn tại mà không khiêu khích nhà cầm quyền cộng sản hơn nữa. Tôi vẫn nói với ông Vernon Walters rằng “Hãy nghe Đức Thánh Cha”. Đến nay chúng tôi đã có 2000 năm kinh nghiệm.”

Ông William Casey mặc dầu bị chỉ trích nhiều trong thời gian ông làm Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA), nhưng trong vấn đề Ba Lan, không ai chỉ trích ông. Dân biểu Edward Derwinski, nói được tiếng Ba Lan, một chuyên gia về vấn đề Đông Âu thường cố vấn cho chính quyền cũng như thường gặp gỡ ông Casey đã phát biểu rằng;: “Cơ bản mà nói, ông ta âm thầm xác tín rằng cộng sản không thể tiếp tục giữ mãi nhiều nơi được, nhất là ở Ba Lan. Ông ta cũng tin rằng hệ thống cộng sản đang đổ vỡ và tất phải sụp đổ bằng cách này hay cách khác - và Ba Lan sẽ là sức mạnh dẫn tới việc đổ vỡ hàng loạt. Ông yêu cầu Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ phải chú tâm vào Đông Âu. Trong khi đó, người bên ngoài không chú ý tới Đông Âu mà lại chú ý đến những câu chuyện gây nhiều tranh cãi, những câu chuyện gây ồn ào như vấn đề Nicaragua và El Salvador”.

Tại Ba Lan, ông Casey tiến hành một loại hoạt vụ cổ điển mà ông đã từng biết. Hoạt vụ đó ông đã áp dụng trong những
Ông Alexander Haig - Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ
ngày ông phục vụ ở Văn Phòng Sở Chiến Thuật thời Thế Chiến II, hay trong những năm đầu tiên của ông ở Cơ Quan Tình Báo Trung Ương, và khi các nền dân chủ của Tây Âu mới tái xuất hiện sau Thế Chiến II.

Những viên chức phụ tá cho ông Casey kể rằng chính nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey mà các đơn vị của đảng Xã Hội Quốc Tế được thành lập nhân danh Công Đoàn Đoàn Kết - giống y như các đảng Dân Chủ Xã Hội ở Tây Âu đã được CIA dùng làm dụng cụ cho chính sách hoa Kỳ trong việc nặn ra các chính phủ chống cộng sau thế chiến II. Bây giờ mục tiêu của ông Casey ở Ba Lan cũng vậy, là thành lập đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, bao gồm giáo hội và đại đa số đảng viên là người Công Giáo trong Công Đoàn Đoàn Kết để làm thành một lực lượng chủ yếu trong thời Ba Lan hậu cộng sản.

Nhờ các cuộc tiếp xúc của ông Casey với các lãnh tụ của đảng Xã Hội Quốc Tế, kể cả các viên chức chính quyền có khuynh hướng xã hội như Pháp, Thụy Điển, mà ông Casey có thể bảo đảm được việc chuyên chở đồ vật giúp cho Ba Lan có thể qua đường bộ hay đường thủy để vào Ba Lan. Ông Brezinski cho biết: “Đây không phải là vụ tiêu pha số tiền khổng lồ mà là đưa ra một sứ điệp và chống đối : gồm sách, dụng cụ truyền tin, phương tiện tuyên truyền, mực và máy móc in báo”.

(Còn tiếp)

Ngày mai: Tìm Nhãn Hiệu Công Đoàn