Chữ quốc ngữ và chữ nôm - Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam (bài 3)

4- Vấn đề quốc ngữ

4.1- Trở lại vấn-đề chữ quốc-ngữ

Ai cũng biết rằng tiếng ta khác tiếng Tàu, và khi người xưa dùng hai chữ (nho !) ‘’quốc-âm’’, hay là ‘’quốc-ngữ’’[5] là có ý nói đó là tiếng ta chứ không phải là tiếng Tàu, nhưng lại là tiếng ta viết theo các bộ chữ Hán. Còn cách viết tiếng ta theo mẫu-tự La-tinh thì xưa không có tên gì đặc-biệt. Các giáo-sĩ tạo ra nó là tạo ra cho họ dùng, để họ ghi được lấy dọng nói của ta để học cho dễ, cũng như họ đã làm như thế với tiếng Tàu và tiếng Nhật. Nhưng đồng thời họ vẫn học cho kỳ được chữ Hán, chữ Nhật, chữ Nôm, khó mấy họ cũng chịu khó học. Chứ họ chẳng có quyền lực gì để thay đổi chữ viết của dân tộc nào cả; họ cũng không hề có tham vọng thay đổi gì cả.

Ở nước ta, chữ Nôm và chữ viết theo mẫu-tự La-tinh đều là hai lối viết lên dọng nói của tiếng ta, vì thế cùng là viết quốc-ngữ cả. Nhưng chỉ vì một biến cố lịch-sử không có ở Tàu ở Nhật, mà tình-trạng thay đổi như ta thấy ngày nay. Số là sau khi chính phủ bảo-hộ và thuộc-địa bãi bỏ chữ Hán và lấy tiếng Pháp thay vào đó làm ngôn-ngữ hành-chính và văn-hóa, lấy ngôn-ngữ của người bảo-hộ mới để thay cho chữ viết của người đô-hộ cũ, thì chữ Hán không còn phải là con đường tiến-thân ở Việt-Nam nữa[6]. Chữ Nôm vì quá tùy-thuộc vào chữ Hán, lại trước đó cũng chẳng được trọng-dụng như chữ Hán, cho nên cũng theo đó mà lu mờ đi[7], cho nên chỉ còn có lối viết theo mẫu-tự La-tinh là được gọi là quốc-ngữ mà thôi. Đã thế vào đầu thế-kỷ XX lại có một số sĩ-phu có tên tuổi đứng ra cổ-võ cho chữ quốc-ngữ ấy, vì thấy nó tiện lợi và dễ học hơn chữ Nôm[8]. Và họ đã thành công. Ngày nay là gần một thế kỷ sau đó, chúng ta đã quá quen dùng chữ quốc-ngữ rồi, văn-chương của tiền-nhân hầu hết cũng đã chuyển sang chữ quốc-ngữ, rồi các sáng tác văn-học, khoa-học, thư-tín và giấy tờ hành-chính đều viết bằng chữ quốc-ngữ cả. Cho nên có lẽ không còn ai chủ-trương phải trở về chữ Nôm nữa : nó thật là thần-tình, nhưng vẫn còn nhiều khuyết-điểm và chưa được ấn-định cho chính-xác.

Thế nhưng vẫn có người muốn gây ra vấn-đề. Thực vậy, có một vài học-giả Việt-Nam đã tung ra quan-niệm là các giáo-sĩ Tây-phương đã dùng cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh, với dự-định đen tối là làm cho người Việt mất gốc (gốc Hán hay gốc Nôm ?) đi, để rồi truyền-giáo cho dễ[9]. Quan-niệm đó tuy không có bằng chứng gì cả, nhưng đã được một số người coi như là có uy-tín, cho nên chép lại mà không phê-bình thực hư. Thiết tưởng nếu ai biết đến tự-vị Taberd, tự-vị Huỳnh Tịnh Của, và các sách chữ nôm, chữ Hán của người công-giáo dùng từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế-kỷ XX (có hàng trăm cuốn như thế trong văn-khố Hội Truyền Giáo Nước Ngoài tại Paris, và trong các xứ đạo ở Việt-Nam), thì chắc sẽ ăn nói đắn-đo dè-dặt hơn. Ngoài ra thì ai cũng biết là việc truyền giáo được dễ-dàng hay là bị khó khăn thì là vì nhiều lý-do khác, chứ không phải là vì sách viết bằng chữ nôm hay là chữ quốc ngữ theo mẫu-tự La-tinh[10].

4.2- Giả-sử không có chữ quốc-ngữ

Vì không tránh được cái thắc mắc trên đây, cho nên ta cứ tạm giả-sử như là không có chữ quốc-ngữ, hay ít ra là giả-sử chữ quốc-ngữ không được chính-quyền nào chọn làm chữ viết chính-thức. Như thế chắc hẳn là tình-trạng văn-hóa nước ta phải khác bây giờ nhiều. Phải chăng như thế là có cơ-hội tiến-bộ hơn ? Hay là vẫn đứng ỳ lại như cũ ? Nhưng nếu cứ đứng ỳ lại như thế thì rất có thể là dần dần sẽ đi đến chỗ khủng hoảng, và cuối cùng thì phải quyết-định cho rõ một trong hai ngả : một là Hán-hoá người Việt, làm cho họ dần dần thành ra người Tàu, hai là cải-cách và ấn-định chữ Nôm làm chữ nước ta. Ngả trước thì chắc không ai muốn, mà ngả sau thì chưa ai làm.

Tiến-bộ hơn ? Chưa chắc ! Vì lấy động-lực nào mà tiến ? Và tiến theo hướng nào ? Tuy rằng ta nằm trong văn-hóa Tàu, và thường chỉ chịu phục có người Tàu đã đô-hộ mình trước, nhưng chỉ có một số tối thiểu là nhà Nho biết chữ Hán, lại cũng không có phương-tiện để trao đổi tư-tưởng rộng rãi với người Tàu người Nhật[11]. Với cái tầm mắt hạn hẹp như thế, vua tôi nhà Nguyễn lại còn tâng bốc nhau, cho rằng thơ chữ Hán của mình xướng họa với nhau trong lúc trà dư tửu hậu lại còn hay hơn cả thơ người Tàu[12]. Muốn Tàu hơn cả Tàu, trong khi người Tàu và người Nhật đang muốn canh-tân, phái người sang Tây để học lấy cái sở-trường của bên đó, trong khi những bản điều-trần của Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân nước nhà thì lại bị coi khinh.

Ở đây tôi chỉ muốn nói đến đề-nghị của Nguyễn Trường Tộ về chữ viết của nước ta. Lập-trường của ông được trình bày rõ ràng trong điều thứ 4, khoản thứ 5 của Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp), về việc dùng quốc-âm[13]. Có một điều đáng chú ý, mà sử gia Trương Bá Cần đã nêu lên, là : ‘’Nguyễn Trường Tộ là người công giáo. Ông thừa biết rằng chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La tinh, được sử dụng phổ biến trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18, là một mẫu tự đơn giản và dễ học hơn ‘’chữ Hán quốc âm’’ nhiều. Nhưng ông đã không đề nghị lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết cho cả nước. Có lẽ ông đã giải thích điều đó khi ông nói : ‘’Chả lẽ nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao ? Vì ta dùng chữ Nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt ’’. Nguyễn Trường Tộ cũng đã không nói gì đến chữ Nôm là một thứ Quốc âm được thành hình từ thời Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) thế kỷ thứ 8, và phát triển với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. .. Chữ Nôm cũng được sử dụng rộng rãi trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18. ..Chữ Nôm nói đúng ra cũng còn phức tạp’’[14].

Sau khi nêu ra cái tai hại của lối học khoa cử và lối văn chương chơi chữ[15], Nguyễn Trường Tộ đề nghị dùng ‘’chữ Hán quốc âm ‘’, đại khái như sau : ‘’ Tôi tính quốc âm ta ước chừng hơn một vạn tiếng, trong đó chỉ có lối ba ngàn tiếng không thể viết như chữ Hán. Trường hợp đó ta dùng những chữ Hán tương tự rồi thêm hiệp vần vào một bên mà thôi. Đó gọi là ‘’chữ Hán quốc âm’’ (...) Như vậy người học sau này chỉ học mặt chữ thôi, không phải tốn nhiều công phu học cái tiếng chẳng phải Hán chẳng phải ta’’[16]. Về cái tiện lợi của chữ Hán quốc âm, ông giải thích : ‘’Nay ta không có chữ viết riêng mà chỉ dùng chữ nho để viết thay. Về phát âm đã không theo đúng giọng Trung Quốc cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta. Người mới học phải thuộc mặt chữ bằng mắt lại phải vận dụng trí nhớ để nhớ những phát âm lạ tai. Âm vận của thứ chữ này chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe cũng như vịt nghe sấm mà thôi. Thế có phải phí hơn một nửa công phu trí óc không ? Nay nếu học sách quốc âm, học sinh ở nhà đọc đàn bà con nít nghe cũng hiểu, như vậy tuy không đi học mà cũng học được. Hơn nữa nếu dùng quốc âm thì lúc nhỏ đã có cha mẹ dạy, lớn lên đi học chỉ học nét viết mà thôi. Thế có phải giảm bớt được một nửa công phu không ?’’[17].

Đề nghị cụ thể của Nguyễn Trường Tộ là như sau : ‘’Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng (...) Còn các nhà văn ai muốn dùng chữ Hán theo âm nho tùy ý nhưng trong công việc làm thì phải dùng thứ chữ Triều đình đã ban hành. (...) Bây giờ ta cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm, không cần học nghĩa, thế cũng vẫn dùng chữ Hán có gì mà không được ? Thí dụ như chữ ‘’Thực phạn’’ thì đọc là ‘’ăn cơm’’, hoặc viết chữ ‘’ăn cơm’’ thay chữ ‘’Thực phạn’’.’’[18].

Thiết tưởng không cần dài dòng về vấn đề đó, vì tuy đề nghị có lý sự rõ ràng, nhưng những người được đọc thì lại không muốn theo, và dù có người muốn theo, nhưng cũng chưa ai làm cả. Rất có thể là đề nghị đó cũng chỉ là ‘’mách qué’’ đối với những người trọng Nho như vua tôi nhà Nguyễn. Tuy thế thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng cách-thức đó đã sinh ra ‘’chữ Hán quốc âm’’ của người Nhật-bản : thí dụ họ viết chữ ‘’nhân’’ (người) rồi đọc ra tiếng Nhật là ‘’hito’’ hay đọc theo âm Hán là ‘’jin’’, viết chữ ‘’mộc’’ (cây) rồi đọc ra tiếng Nhật là ‘’ki’’ hay đọc theo âm Hán là ‘’moku’’.

Nay ta biết như thế là rất tốn công, nhưng ta cũng tạm giả-sử là đề nghị của Nguyễn Trường Tộ được thực hiện. Nhưng như thế cũng vẫn còn nhiều cái khó-khăn. Thực vậy, cả chữ Hán quốc âm lẫn chữ Nôm đều là thứ chữ viết không có cách ghi âm vận theo cách đọc, như chữ viết của người Cao-ly hay của người Nhật-bản (hiragana, katakana), cho nên khi làm tự-vị ta chỉ có thể xếp thứ-tự theo các bộ chữ Hán. Nhưng nếu ta muốn biết tiếng đọc thế này phải viết làm sao, thì vấn đề thật là nan giải. Cái khó khăn này thì ngày nay ta giải quyết được một cách dễ dàng nhờ cách viết chữ quốc ngữ theo mẫu-tự La-tinh.

43- Chữ quốc-ngữ và chữ Nôm

Chữ Nôm và chữ quốc-ngữ là hai lối viết tiếng Việt, một lối theo mẫu người Tàu, một lối theo mẫu người Tây. Thực ra cũng không phải người Tây sáng chế ra lối viết theo mẫu-tự như thế, nhưng họ cũng là học lại của người miền Trung-Đông thời Thượng-cổ. Và hiện nay cũng có nhiều dân-tộc trên thế-giới dùng lối viết theo mẫu-tự.

Chữ Nôm đã ‘’vang bóng một thời’’, nó kết tinh nỗ-lực của ông cha ta trong mươi thế-kỷ để thiết-lập một nền văn-hóa Việt-Nam có bản-sắc riêng, tuy có chịu ảnh-hưởng của văn-hóa người Hán tộc, lại muốn có vốn để ‘’đi ăn riêng’’, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Chữ quốc-ngữ là do ảnh-hưởng của người Âu-châu, nhưng đã giúp cho người mình thực-hiện được cái ý muốn độc lập đó.

Ngày nay ta không dùng chữ Nôm trong đời sống thường nhật, và cũng không thấy có dấu nào nói lên rằng dân ta muốn trở lại dùng chữ Nôm, vì thực ra cũng có nhiều cái bất tiện, lại tốn công, tốn của, tốn thì giờ. Tuy vậy đó vẫn là kho tàng văn-hóa không thể bỏ qua, mà trái lại cần được bảo-tồn. Đó là chương-trình của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm và của cơ-quan ‘’Vietnamese Nôm Preservation Foundation’’. Trong việc sưu tầm sách vở chữ Nôm thời xưa, xem chừng còn ít người biết và để ý đến số sách Nôm do người công-giáo đã biên soạn trong hơn ba thế-kỷ. Điểm quan-trọng của số sách này là ở chỗ nó cho ta biết khi bắt đầu tiếp-xúc với tư-tưởng người Âu, thì các ý-niệm và quan-niệm của Tây phương được chuyển sang tiếng Việt như thế nào.

Như đã nói trên đây, tự-vị Taberd, cũng như tự-vị của Pigneaux de Béhaine, có cái sáng-kiến hay của nó, là vừa có đối chiếu chữ quốc ngữ với chữ Nôm, vừa có cách thức thuận tiện để chuyển từ loại chữ này sang loại chữ kia. Vì xếp theo thứ-tự các mẫu-tự Latinh, nên ta biết đọc thế này thì phải viết làm sao. Ngược lại, muốn biết chữ viết thế này phải đọc làm sao, thì đã có bảng xếp các chữ theo các bộ chữ Hán. Cho nên từ sau đó các tự-vị chữ Nôm đều tiếp nhận cái sáng-kiến ấy.

Tự-vị Taberd đã góp phần vào việc định hình cho chữ quốc-ngữ ta dùng bây giờ, và còn giúp ta trong việc nghiên-cứu chữ Nôm. Cho nên nó đáng được một chỗ đứng trong lịch-sử phát-triển văn-hóa Việt-Nam.

----------------------------------------------------------------

Lambersart, ngày 03/06/2004

[1] Vocaburarium Annamitico-Latinum par Mgr Pierre Pigneaux de Béhaine, membre des Missions Étrangères de Paris, évêque d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine, Cambodge et Ciampa. Sách được giới-thiệu như sau : ‘’Cuốn tự-vị viết tay này dầy 729 trang, khổ A3, là sách đầu tiên trong lịch-sử Việt-Nam trình-bầy cả hai lối chữ, chữ Nôm và chữ quốc ngữ viết theo mẫu-tự La-tinh, và dịch sang tiếng La-tinh. Sách được biên soạn trong những năm 1772 và 1773, do Pierre Pigneaux de Béhaine, trong khi phải lưu đày tại Pondichéry, với sự giúp đỡ của tám người Đàng Trong’’.

[2] Tỉnh-lỵ của tỉnh Quảng-đông là thành-phố Quảng-châu. Nhưng người Âu-châu trước đây có thói quen, khi nói đến tỉnh Quảng-đông hay là nói đến thành phố Quảng-châu, thì đều dùng một chữ ‘’Canton’’.

[3] Theo như cách viết của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) trong Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774).

[4] Theo cách viết trong sách Phép dòng chị em mến câu rút (= thập-tự-giá) Đức Chúa Giê-su (1869).

[5] Như trong sách giáo-lý của Bá Đa Lộc dẫn trên đây.

[6] Như ông Tú Xương tự trào : ‘’Nào có làm chi cái chữ Nho, Ông nghè ông cống cũng nằm co, Ước gì đi học làm thày phán, Tối rượu sâm-banh sáng sữa bò‘’.

[7] Thực ra chữ Nôm vẫn còn được dùng, song song với chữ quốc-ngữ, trong sách vở người công-giáo, và cả trong một số giấy tờ hành chính trong thời bảo-hộ, như giấy giá-thú, giấy khai-sinh, cho đến giữa thế-kỷ XX.

[8] Như đã nói trước đây, chữ Nôm không viết lên cách đọc chính xác, cho nên một chữ, như chữ ‘’lận’’ có thể đọc thành năm dọng, rồi một tiếng nói lên có thể viết thành dăm ba chữ, hơn nữa lại cũng chưa có uy-quyền nào ấn-định cách viết cho có thống nhất trong nước.

[9] Về điểm này, xin đọc lời phân trần đầy đủ và đáo lý của Hồng Nhuệ trong sách Công trình nghiên cứu tiếng Việt của một người Thụy sĩ ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài, Onufre Borgès 1614-1664 (Góp í với Roland Jacques về công trình nghiên cứu tiếng Việt của mấy người Bồ tiên phong cho tới 1650), Paris, 1996, Chương 1, về ‘’Sự việc chữ quốc ngữ theo ông Lê Thành Khội’’, trang 9-21.

[10] Lại có học-giả cho rằng chữ nôm do người Công giáo viết không phải là chữ nôm đích-thực. Xin thưa hai điều : một là : phải có cơ-quan nào, như hàn-lâm-viện hay là nhà cầm quyền chính-thức ấn-định trước đã thì mới nói được cái gì là đích-thực; hai là : trừ ra một số chữ mới thì người Công giáo dùng chữ nôm như người đương thời, cho nên nếu phải loại trừ tất cả những chữ do họ dùng, thì cũng phải loại tất cả những chữ ghi trong tự-vị Taberd, nghĩa là hầu hết thi văn chữ nôm trong văn chương Việt-Nam.

[11] Theo như sử-gia Nhật-bản Yoshiharu Tsuboi (Bình Tỉnh Thiện Minh), trong sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885), (bản dịch từ Pháp văn do Nguyễn Đình Đầu, TP Hồ Chí Minh, 1990) có ý kiến rằng người Việt-Nam, trái hẳn lại với người Nhật (không bị người Hán đô-hộ), đã bám quá chặt vào văn-hóa Trung-hoa, cho nên thiếu tự-do cởi mở đối với thế giới bên ngoài.

[12] ‘’Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường’’ (tôi tiếc là không còn nhớ ai đã thốt ra hai câu như thế).

[13] Xem : Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - Con người và di-thảo, Nhà XB TP Hồ Chí Minh, 1988, tr 254-257. Cũng xem lời bàn của tác-giả TBC, tr 77-78.

[14] Sách đã dẫn, tr 77. Về cái phức tạp của chữ Nôm, xin xem chú giải số 7 trước đây.

[15] ‘’Ngày nay nước ta những kẻ thông minh lanh lợi đều đua nhau học chữ, không lập công dựng nghiệp nhân lúc thanh niên cường tráng, mà chỉ vùi đầu đèn sách hết năm này sang năm khác. Phải chăng họ muốn trở thành người Trung quốc ? Thế mà đem nói với người Tàu, người Tàu chẳng nghe, nói với dân ngu, dân ngu chẳng hiểu. Một tờ trát đưa xuống, kẻ hiểu thế này, người hiểu thế khác. Một chữ trong luật, kẻ nói tội nhẹ, người nói tội nặng. Đơn từ án lịnh thì bọn thầy kiện và quan tòa quỷ quyệt lật ngược lật xuôi. Sự tình khai báo trong dân gian thì tráo trở thiên biến vạn hóa. Công việc chất chồng phần nhiều bị bóp tròn bóp méo không tả rõ được sự thực. Thông cáo yết thị của nhà nước truyền xuống phải qua người biết chữ đọc và dịch lại cho dân, nhưng phần nhiều viện dẫn thất thiệt, giảng nghĩa không rõ khiến dân thường không hiểu hết, ý chí của triều đình bị xuyên tạc. Thậm chí có người viết cái gì cho ai bằng quốc âm thì bị khinh thường. Làm thầy thuốc mà xem quốc ngữ thì bị cho là tầm thưòng. Nói tiếng mẹ đẻ mà không xen chữ nho vào thì bị cho là quê mùa. Ngoài ra lại còn có một thứ văn từ chuyên dùng những chữ hiểm hóc cầu kỳ cốt để cho người đọc không hiểu, nghe không ra. Thế mới cho là kỳ diệu tuyệt vời. Phải làm sao cho nhiều tay cao kiến hay chữ, giảng giải bắt bẻ đến nỗi một chữ ra hàng trăm nghĩa, ý tưởng lập lờ nước đôi không tài nào quyết dịnh được, thế mới là tay cự phách trong làng văn !’’ (Sách đã dẫn, tr 255).

[16] Sđd, tr 256.

[17] Sđd, tr 255.

[18] Sđd, tr 256.

Nguồn: dunglac.net