Chữ quốc ngữ và chữ nôm - Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam (bài 2)

2- Nội-dung cuốn tự-vị

2.1- Phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn

Đáng chú ý là phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn, vì nó cho ta biết thêm về nguồn gốc cuốn tự-vị, lại cho ta thấy soạn-giả đã có hiểu biết nhiều về văn-học Việt-Nam, đồng thời cũng muốn thông những cái biết ấy cho người khác. Trong phần này số trang được ghi theo kiểu viết số Rô-ma. Trong số 46 trang thì trừ 8 trang viết bằng chữ quốc-ngữ ra, các trang khác đều viết bằng tiếng La-tinh cả.

Ngay trong phần dẫn-nhập (tr. I-II), soạn-giả cho biết cuốn tự-vị đã được khởi-công do giám-mục Bá-Đa-Lộc, tức Pierre Pigneaux de Béhaine, là người thạo tiếng Đàng Trong. Ta biết vị này còn thạo cả chữ Hán nữa, và còn soạn một cuốn tự-vị Hán-Việt-La-tinh, hơn 900 trang, được tàng-trữ trong văn-khố Hội Truyền-giáo Nước Ngoài tại Paris, và cũng mới do hội này rọi ảnh cho in ra vào cuối năm 2001[1], và cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (bản chữ nôm có bài tựa bằng chữ Hán, đã được in tại Quảng-đông [2] năm 1774, bản chữ quốc ngữ mẫu-tự La-tinh thì còn trong văn-khố nói trên). Qua bao nhiêu cuộc binh-đao, sau vụ nhà trường đào-tạo chủng sinh Việt-Nam ở Cà-mau bị đốt cháy năm 1778, bản chép tay đã được cứu thoát và đem sang Bengale rồi được tu-bổ và ấn-hành,

Mục-đích của người làm tự-vị này là để giúp cho những người muốn học tiếng Việt, như các nhà truyền-giáo ở Việt-Nam, các thương-gia, các khách du-lịch, các học-sinh Việt-Nam và các học-giả muốn tìm hiểu về văn-chương Việt-Nam.

Nhận xét thứ nhất của soạn-giả là ngôn ngữ nước ta do ngôn-ngữ Trung-hoa mà ra. Lý do là vì cách viết rất giống chữ Hán : một phần thì lấy lại đúng chữ Hán, một phần thì lấy từ chữ Hán mà chế-biến ra. Vì có những cái thay đổi như thế, cho nên người Tàu đọc chữ Việt (chữ nôm) không ra, mà người Việt nói thì họ không hiểu được. Tuy nhiên, soạn giả viết tiếp, chữ Hán được dùng bên Việt-Nam trong các bộ luật và trong các đơn-từ, ai muốn được bổ làm quan thì phải học chữ Hán. Vì thế họ có thể bút-đàm được với người Tàu. Nói tóm lại là người Việt dùng hai thứ ngôn-tự : tiếng nói hằng ngày của người dân và chữ Hán dùng trong giới nhà nho. Soạn-giả đưa ra nhiều ví-dụ để giải thích người Việt dùng chữ Hán, có lúc đổi hẳn nghĩa, có lúc thì đọc trại đi thành ra dăm ba từ ngữ khác. Như thế quả là soạn-giả đã khá hiểu tình trạng tiếng Việt.

Sau những nhận-xét chung, thì trình-bầy tiếng Việt. Bắt đầu là giảng về âm-học, thanh-học và văn-phạm Việt-Nam. Soạn-giả viết thật tỉ-mỉ về các chính-âm, các phụ-âm đầu và phụ-âm cuối, và về cả sáu thanh như tiếng Đàng Ngoài (tr.III-IX). Có điều đáng chú ý là soạn-giả có kể ra hai phụ-âm đầu là bl và ml, trước đây vẫn dùng cho đến đầu thế-kỷ XIX, nhưng trong chính tự-vị thì không dùng đến nữa, mà thay bằng hai phụ-âm tr và l. Còn về văn-phạm thì viết vắn tắt (trang IX-XII) và viết các phần đoạn theo như văn-phạm Âu-châu. Nhưng bù vào đó thì lại có hơn hai chục trang (XIII-XXXIX) về các phụ-từ đặc biệt Việt-Nam, dùng để viết cho câu văn thêm đẹp, hay nói cho đúng ra là để viết cho ra tiếng Việt.

Sau cùng thì có 8 trang (XXXIX-XLVI) dậy rất tỉ-mỉ về cách làm thơ : thơ lục bát, thơ Đường thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn, và về cách làm phú và làm văn tế, với các câu đối, biền ngẫu đúng phép. Những trang này thì viết bằng tiếng Việt, vì thực ra nếu không thông thạo tiếng Việt thì khó mà lãnh hội được. Tất cả đều có những bài mẫu được dịch ra tiếng La-tinh. Độc-giả có thể căn-cứ vào đó mà hiểu được những cái đặc-sắc tế-nhị của tiếng Việt.

2.2- Phần chính

Phần chính của cuốn tự-vị gồm 620 trang, mỗi trang chia ra làm 2 cột. Các chữ trong tự-vị được xếp theo thứ-tự A, B, C của mẫu-tự La-tinh, nhưng mỗi từ-ngữ đều được viết bằng chữ nôm trước, viết theo mẫu-tự La-tinh sau, rồi dịch nghĩa ra tiếng La-tinh. Tiếp sau đó thì chua thêm những kiểu nói bắt đầu bằng chữ đó. Cũng nên chú ý rằng các sách nôm của người công-giáo Việt-Nam trong gần bốn thế-kỷ, đều gọi chữ nôm là quốc-ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu-tự La-tinh là chữ quốc-ngữ.

Cứ theo lý mà xét, thì tự-vị này phải nặng về tiếng Đàng Trong, vì cả hai giám-mục Pigneau (Bá-Đa-Lộc) và Taberd đều đã hoạt-động ở Đàng Trong, và hơn nữa, cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774) viết theo mẫu-tự La-tinh của giám-mục Bá-Đa-Lộc cũng viết theo tiếng Đàng Trong, ví-dụ : nhơn, chứ không viết nhân. Tuy vậy tiếng Đàng Ngoài cũng xuất-hiện khá nhiều trong tự-vị đó, ví-dụ : được thay vì đặng, vào thay vì vô. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.

Ai muốn tra tự-vị theo kiểu Tàu, nghĩa là theo thứ-tự các bộ chữ và theo số nét viết, thì có thể tìm trong những trang 661-712. Đặc biệt nhất là trong những trang 713-719 có một bảng để chỉ cho biết những chữ Hán gồm nhiều bộ phức tạp thì phải tìm theo bộ nào.

Ngoài những từ-ngữ thông thường trong những trang trên đây, lại có 40 trang (621-660) dành cho những từ-ngữ chuyên-môn về thực-vật-học, về cây-cối, hoa quả, rau cỏ ở Đàng Trong (Hortus floridus Cocincinae). Như ta biết, phép phân-loại, dùng trong thực-vật-học, và sau này dùng trong động-vật-học, đã được định-hình do Carl von Linné (1707-1778), đặt tiêu- chuẩn khoa-học để thống-nhất cách chia loại trên loại dưới, chia hạng trên hạng dưới, đồng thời dùng tiếng La-tinh, chứ không dùng từ-ngữ thường-nhật của học-giả các nước khác nhau, để thống-nhất cách gọi tên các loại thảo-mộc. Cho nên chỉ có người am-tường khoa thực-vật-học mới biết nhiều tên bằng tiếng La-tinh như thế. Đây là một truyện tình-cờ : năm 1972 tôi có đưa một cây rau răm cho một giáo-sư đồng-nghiệp, người Bỉ, dạy thực-vật-học ở đại-học Kinshasa (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa-học; sau khi khám nghiệm, ông ta xếp nó vào loại polygonaceae, và gọi tên nó là polygonum (verisimile) odoratum Loureiro; bây giờ tra tự-vị Taberd, xuất-bản năm 1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum. Thế mới biết soạn-giả không phải là những người vô-học. Thiết tưởng các nhà thực-vật-học nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo-mộc bên ta và tên các vị thuốc bắc trong tự-vị đó với các tên dùng trong khoa-học ngày nay xem sao.

Sau cùng còn một phần phụ-lục dành cho những từ-ngữ Hán-Việt (chữ Hán đọc theo dọng Việt), vừa xếp theo thứ-tự của mẫu-tự La-tinh (trang 1-107), vừa xếp theo bộ chữ Hán (trang 108-126). Các trang, như ta thấy, được ghi lại từ 1 đến 126, như là một cuốn sách mới.

Như thế cũng đủ thấy là tự-vị Taberd thật là tiện lợi : tra cứu theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc-ngữ đều được dễ-dàng cả. Dĩ nhiên việc biên soạn này là một công trình rất có phương-pháp, và tốn nhiều công phu. Nếu không tha thiết với tiếng Việt, với chữ nôm, thì chắc không ai làm. Và hơn nữa, nếu không có nhiều người cùng làm chung thì không ai một mình mà làm nổi.

3- Tự-vị và nền quốc-học

3.1- Vấn-đề quốc-học.

Xét cho cùng thì có lẽ nền quốc-học của người Việt đã không phát-triển theo cùng một nhịp với truyền-thống quốc-gia và ý-thức dân-tộc.

Thực vậy, từ mấy nghìn năm nay, tổ-tiên người Việt đã có công-lao lập nên truyền-thống quốc-gia và gây-dựng ý-thức dân-tộc. Truyền-thống và ý-thức ấy thường đi đôi với nhau trong mối tình liên-đới và ý muốn đùm-bọc lấy nhau của người mình : ‘’bầu ơi thương lấy bí cùng.. .’’. Thứ nhất là cùng nhau tranh-đấu với người ngoại-bang để dành lấy cho mình một lãnh-thổ làm đất sống. Thứ hai là thâu góp kỷ-niệm về những người đã có công bảo-vệ và bành-trướng non sông, rồi viết thành quốc-sử, có tính-cách thống-nhất và liên-tục trong thời-gian. Ba là nhìn nhận là của mình tất cả những gì có liên-quan đến môi-trường sinh-hoạt, như đất-đai, sông núi, thổ-sản, thành-quách, đền chùa, thần-linh và các nhân-vật có tiếng : cái ý-định ấy đưa tới việc biên-soạn những sách như Đại Nam Nhất Thống Chí, v.v. Bốn là nhận-định về lối tổ-chức đời sống chung, như hành-chính, tư-pháp, điển-lễ, phong-tục. Về điểm này ta không thiếu gì sách vở. Thiết tưởng ở đây cũng nên kể thêm cách-thức phân-phối ruộng đất và tài sản trong nước. Về thời trước thì có tất cả chừng 16.000 quyển địa-bạ mà học-giả Nguyễn Đình Đầu đang phiên-dịch, chú giải và đã bắt đầu cho xuất-bản. Xem vào đó ta thấy xưa kia ruộng đất đã được phân-loại và phân-phối như thế nào. Ngày nay cách-thức phân-phối tài-sản giữa các công-dân cũng lại là một tiêu-chuẩn để đánh giá mức-độ liên-đới giữa người trong một nước với nhau.

Nhìn vào quá-khứ, ai cũng phải nhận rằng người Việt quả thật là đã sớm có truyền-thống quốc-gia và ý-thức dân-tộc. Nhưng có một điều làm cho nhiều người thắc-mắc và bàn cãi, đó là cái nội-dung của văn-hóa dân-tộc, đó là câu hỏi : quốc-học là cái gì ? bốn nghìn năm văn-hiến là thế nào ?

Thực thế, sau khi tách rời ra khỏi đế-quốc Trung-hoa và định vị-trí mình ở phương nam, người Việt vẫn tiếp-tục dùng chữ Hán trong sách vở về đủ mọi ngành : hành-chính, tư-pháp, quốc-sử, địa-dư, điển-lễ, tế-tự. Ví-dụ, khi Phật-giáo truyền vào nước Tàu, thì kinh-điển, lễ-nghi đều chuyển sang chữ Hán cả; trái lại, khi truyền vào Việt-Nam, thì không những Khổng-giáo, Đạo-giáo, mà cả Phật-giáo, trong suốt mươi mười lăm thế-kỷ, vẫn giữ kinh-điển và lễ-nghi bằng chữ Hán, mà không ai lấy làm lạ, tuy ai cũng biết rằng đọc lên thì người dân không hiểu. Mãi gần đây người ta mới bắt đầu phiên dịch và chú-giải bằng tiếng Việt. Thậm chí khi viết về những sự-kiện riêng của dân Việt, người ta cũng viết bằng chữ Hán và coi đó là lẽ đương-nhiên, ví-dụ như :Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái, v.v. Rồi chính cái ý-thức dân-tộc được Lý Thường Kiệt đưa ra chọi với quân nhà Tống, hình như cũng được tuyên-bố bằng chữ Hán : Nam quốc sơn hà nam đế cư.. . Chẳng lẽ văn-hóa người Việt tất cả chỉ là học lại của người Tàu ? tất cả đều phải nói lên bằng tiếng Tàu mới được ?

3.2-Vấn-đề chữ nôm

Chắc hẳn là vì đã ý-thức được cái thiếu sót ấy cho nên trong nước độc lập thời nhà Trần, hay có lẽ còn sớm hơn nữa, đã có những nhà Nho nghĩ đến việc chế-biến chữ Hán để viết ra tiếng nói của người dân Việt : chữ nôm bắt đầu thành hình, và ngay thời đó đã có những văn-kiện như bài văn-tế cá sấu : ‘’Ngạc-ngư kia hỡi mày có hay...’’. Theo như sử-gia Ngô Sĩ Liên thì người ta bắt đầu làm thơ phú bằng tiếng Việt vào khoảng đầu thế-kỷ XIV. Văn chương chữ nôm không phải là không phong-phú, nhưng các nhà Nho vẫn tiếp-tục làm thơ văn bằng chữ Hán, nhà cầm quyền vẫn ra sắc-lệnh cai-trị dân bằng chữ Hán, viết quốc-sử bằng chữ Hán.

Thực ra ta khó tưởng-tượng ra cái khó khăn của ông cha ta khi đi tìm chữ viết cho dân-tộc. Cũng như người Nhật và người Cao-ly, người Việt dùng rất nhiều từ-ngữ Trung-hoa trong ngôn-ngữ của mình, có lẽ cũng tới ít là 50%, cho nên khó mà bỏ chữ Hán với lối viết tượng-hình đã quen. Tôi không rõ vì sao trong khi tìm chữ viết cho dân-tộc, người Nhật-bản và người Cao-ly đã căn-cứ vào các nét chữ Hán mà sáng chế ra lối viết theo như cách đọc, hoặc là viết thành vần, hoặc là viết thành âm, vừa đơn-giản, vừa đọc lên ngay được. Chính vì không có sáng-kiến như thế cho nên chữ nôm của ta vừa quá lệ-thuộc vào chữ Hán, lại vừa phiền phức hơn chữ Hán. Đã thế, khi dùng chữ Hán, có lúc lấy đúng nghĩa chữ, có lúc chỉ lấy cách đọc nhưng lại hiểu theo nghĩa khác, có lúc lại đọc trại ra làm dăm ba kiểu và hiểu ra dăm ba nghĩa. Giám-mục Taberd trong phần chỉ-dẫn cũng xác-nhận sự-kiện ấy, và có đưa ra ví-dụ chữ lận nghĩa là sẻn-so, mà ta có thể tùy câu văn mà đọc thêm ra nữa là lần, lấn, lẩn, lẫn ! Cho nên người ta có đọc ‘’lẫn’’ chữ nôm, thì cũng không có gì là khó hiểu.

Đứng trong hoàn-cảnh như thế, có những nhà Nho cho rằng ‘’nôm na là cha mách-qué’’. Xét một cách khách-quan, thì cách thức dùng và biến-đổi chữ Hán của người Việt, cũng không hơn không kém gì cách-thức của người Nhật, vì nhiều khi một chữ Hán mà họ đọc ra dăm ba kiểu tùy câu văn, lại đọc ra làm nhiều vần nữa. Chính vì những lý-do đó mà chữ viết của người Nhật và chữ nôm của ta rất khó học, khó hơn cả chữ Hán, Cho nên không dễ gì mà ấn-định cách viết chữ nôm cho có thống nhất, lại vì một lẽ nữa, là người viết chữ nôm thường căn cứ theo tiếng nói địa-phương của mình mà sáng chế (Xin xem Bảng tra chữ nôm thế kỷ 17, Chữ nôm sau thế-kỷ 17 và Bảng tra chữ nôm miền Nam của học giả Vũ Văn Kính). Nay ta dễ hiểu vì sao trong lúc người Tàu có tự-vị Khang-Hi, thì người Việt chưa làm ra được tự-vị chữ nôm, và có lẽ cũng ít người nghĩ đến việc vun-trồng cho tiếng Việt. Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều cũng nói khiêm tốn là để mua vui một vài trống canh mà thôi. Hơn nữa, sau này khi chữ quốc-ngữ được dùng thay chữ nôm thì xem chừng cũng ít ai thương tiếc nó.

3.3-Tự-vị tiếng Việt

Khi các giáo-sĩ Âu-châu vào Việt-Nam truyền giáo, thì họ có đem theo một số sách giáo-lý đã soạn bằng Hán-văn ở Trung-Quốc để cho các nho sĩ đọc. Nhưng họ đã học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt cho dân chúng. Có lẽ vì thế mà giới nho-sĩ cho rằng đó là tả-đạo, giảng cho ‘’ngu phu ngu phụ’’. Chữ nôm khó học, thì họ chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách-qué, như các nho-sĩ chỉ biết chịu phục có người Tàu. Họ thực biết tôn-trọng vốn liếng chữ nôm của ta cũng như họ đề cao kho tàng Hòa-văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn-nghiêm như tôn-giáo, họ đã dùng ngay chữ nôm (như trong các tác-phẩm của Girolamo Maiorica), và người công-giáo tiếp-tục viết, in và dùng sách chữ nôm cho đến giữa thế kỷ XX. Tuy vậy họ cũng tìm cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh để cho người Âu-châu học tiếng Việt cho dễ. Thứ chữ viết ấy được khánh-thành trong sách Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes cho in tại Roma năm 1651. Chính vì ý-thức được rằng ngôn-ngữ là kho-tàng quí-báu của văn-hóa dân Việt, và cũng chính vì muốn dùng tiếng Việt cho đúng nghĩa, cho đúng văn-pháp, cho nên ngay từ thế-kỷ XVII, từ A. de Rhodes trở đi, nhiều giáo-sĩ Âu-châu đã ra công làm tự-vị và viết về ngữ-học Việt-Nam.

Làm tự-vị tức là làm sổ tất cả các từ-ngữ được dùng trong một dân-tộc. Người ta thường căn-cứ vào sách vở của các nhà văn, căn-cứ vào cách ăn nói của người dân, để xác-định các ý-nghĩa khác nhau của từng từ-ngữ. Muốn cho tự-vị thành ra hữu-dụng, thì sau công việc thu-thập tài-liệu như thế, phải tìm ra cách-thức xếp đặt các từ-ngữ cho có thứ-tự, để ai nấy biết cách tra cứu. Các tự-vị do các giáo-sĩ Âu-châu biên soạn đều được xếp đặt theo thứ-tự của các mẫu-tự La-tinh, nhưng cũng có bảng xếp-đặt theo thứ-tự các bộ chữ Hán và theo số các nét chữ. Tự-vị Taberd cũng theo qui-tắc như thế, cho nên muốn tra-cứu chữ quốc-ngữ theo thứ-tự mẫu-tự La-tinh, hay là tra-cứu chữ nôm theo kiểu Tàu (theo bộ chữ và số nét chữ) cũng được cả.

Soạn-giả có thể giới-hạn tự-vị vào những từ-ngữ thông dụng mà thôi. Nhưng tự-vị cũng còn có thể bị giới-hạn, vì soạn-giả chưa sao-lục ra được hết mọi từ-ngữ, hết mọi cách viết chữ nôm đã dùng trong các sách nôm ở Việt-Nam, hay là chưa tìm ra được tất cả các ý-nghĩa của từ-ngữ. Cho nên những người đi sau thường lấy lại của người đi trước, và đôi khi cũng căn-cứ được vào các tác-phẩm đã có, để khám phá thêm được một ít từ-ngữ hay ý-nghĩa mới. Từ-ngữ được viết vào tự-vị tức là được công-nhận. Cũng như các tự-vị khác, tự-vị Taberd đã ghi lấy những từ-ngữ và những chữ viết (chữ nôm) đã dùng trong một thời-kỳ, trong một địa-phương nhất-định. Cái sở-trường và cái sở-đoản của nó là ở chỗ đó,

Xin đan-cử ra đây một vài ví-dụ, gọi là để đề-nghị một vài phương-hướng nghiên-cứu về chữ nôm công-giáo : a) có một số từ ngữ chuyên-môn của công-giáo, như :‘’dòng’’ (hội những người đi tu), ‘’rỗi’’ ( được cứu-độ, được sống muôn đời), ‘’kinh’’ (lời cầu-khấn, ‘’oratio’’,chứ không phải là ‘’sách’’, như thỉnh-thoảng có người hiểu lầm), b) có một số từ-ngữ chuyển-âm từ tiếng La-tinh hay Bồ-đào-nha, như : ‘’vít-vồ’’ (giám-mục, chuyển-âm từ tiếng Bồ-đào-nha ‘’bispo’’, chữ nôm thì dùng hai chữ Hán ‘’viết vô’’, nhưng phải đọc là ‘’vít-vồ’’), ‘’pha-pha’’ (vị giáo-tông ở Roma, cũng gọi là giáo-hoàng, La-tinh và Bồ-đào-nha là ‘’papa’’). c) có những chữ vẫn thông dụng, nhưng lại không có trong tự-vị như ‘’Giê-su’’ là tên vị giáo-tổ (Chữ Hán-Việt là ‘’Gia-tô’’, người Tàu đọc là ‘’Giê-xu’’; viết chữ nôm thì dùng hai chữ ‘’Chi-thu’’, nhưng phải đọc trại đi là ‘’Giê-su’’ thì mới là đúng, chứ không đọc là ‘’Chi-thu’’, như đôi khi có người đọc sai. d) có những chữ nôm mà soạn-giả chưa tìm ra tất cả các cách viết, như : chữ ‘’rỗi’’ (được cứu-độ, ‘’salus’’), thì soạn giả chỉ ghi cách viết chữ ‘’khẩu’’ bên trái chữ ‘’lỗi’’[3], chứ không ghi cách viết chữ ‘’sinh’’ bên trái chữ ‘’lỗi’’[4], v.v.

Nguồn: www.dunglac.net

Còn tiếp