Tiến sĩ George Weigel là sử gia và là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Against the Politics of Grievance”, nghĩa là “Chống lại chính trị bất bình”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Thật không may, đúng lúc chính trị bất bình dường như đang cạn kiệt ở cánh tả Mỹ, thì nó lại nổi lên với sự trả thù ở cánh hữu Mỹ. Những khẩu hiệu như “chúng ta đã bị lừa” - làm méo mó hồ sơ về kiến trúc an ninh gìn giữ hòa bình thành công nhất từng được tạo ra là NATO, và tạo ra vỏ bọc cho thuế quan có thể phá hủy động cơ tăng trưởng kinh tế thành công nhất thế giới – là những ví dụ nổi bật minh họa cho một chính trị bất bình mới, là mặt trái của sự thức tỉnh. Và dưới hình thức đám đông cuồng loạn trên các phương tiện truyền thông xã hội, chính trị bất bình cánh hữu ngày càng giống một cách đáng báo động với thứ văn hóa triệt hạ của cánh tả.
Không phải tất cả những nỗi bất bình đều là không có thật. Một số là có thật, và chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải giải quyết và khắc phục chúng. Nhưng chính trị bất bình chắc chắn sẽ dẫn đến sự tan rã của các cộng đồng chính trị—hoặc, cũng thâm độc không kém, nó khiến cho việc hình thành các cộng đồng chính trị trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Tại sao người dân Palestine không thể hình thành và duy trì một cộng đồng chính trị tự quản có khả năng tạo ra hòa bình? Thưa, bởi vì như người bạn của tôi, nhà Ả Rập học Fouad Ajami quá cố, đã nói vào năm 2001, “Một bóng tối, một mùa đông dài, đã giáng xuống người Ả Rập... những người đã buông thả bản thân cho những mối hận thù độc ác nhất của họ.” Và vì thế, “Không có gì phát triển ở giữa một trật tự chính trị độc đoán và những người dân thường xuyên quan hệ với những kẻ độc tài.”
Tại sao Trung Quốc lại tìm kiếm bá quyền toàn cầu thay vì đưa dân số năng động, sáng tạo của mình vào một trật tự thế giới hòa bình, thịnh vượng? Thưa, một phần câu trả lời nằm ở những con quỷ Maoist cá nhân của Tập Cận Bình. Những con quỷ đó lại lợi dụng sự bất bình mà Tập và các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc khác gọi là “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc. Do đó, nền chính trị dựa trên sự bất bình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tạo ra một hệ thống kiểm soát xã hội tinh vi về mặt công nghệ kết hợp với sự xâm lược quốc tế. Trong khi đó, bên kia eo biển Đài Loan, nền dân chủ đầu tiên trong năm nghìn năm văn minh Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, một phần vì người dân không đắm chìm trong sự bất bình vô tận.
Rồi đến Nga. Cuộc chiến của Vladimir Putin chống lại phương Tây được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông ta vào Ukraine. Tuy nhiên, trước và trong sự thách thức đó đối với mọi công pháp quốc tế liên quan đến các vấn đề thế giới, Putin đã phát động các hình thức chiến tranh hỗn hợp, từ đầu độc không gian thông tin toàn cầu bằng những lời nói dối đến cắt đứt cáp thông tin liên lạc ở Biển Baltic, cho đến ám sát những đối thủ chính trị tìm nơi ẩn náu ở phương Tây. Tất cả những điều đó đã được biện minh dựa trên những bất bình trong lịch sử của Nga, thường được gói ghém trong những câu như “Chúng tôi không được tôn trọng”, cùng với niềm tin kỳ lạ của trùm KGB Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô - một trong những chế độ chuyên chế tồi tệ nhất trong lịch sử loài người – lại được hắn ta coi là thảm họa địa chính trị lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ 20.
Hãy đối chiếu những ví dụ về chính trị dựa trên sự bất bình và thường gây chết người này với những phi công Tuskegee - những phi công người Mỹ da đen chiến đấu trong thế chiến thứ Hai trong phi đoàn không quân chiến đấu 332 và phi đoàn không quân ném bom số 477.
Từ lâu, tôi đã nuôi dưỡng lòng kính trọng sâu sắc đối với những phi công quân sự người Mỹ gốc Phi đầu tiên này, những người đã vượt qua hàng thế kỷ định kiến và phân biệt chủng tộc để trở thành những phi công chiến đấu thành công trong Thế chiến thứ hai. Bất kỳ ai đã xem các bộ phim The Tuskegee Airmen và Red Tails đều không thể không kinh hoàng trước những gì những người đàn ông anh hùng này phải chịu đựng để phục vụ đất nước trong Không quân Hoa Kỳ. Họ đã chiến thắng, không phải thông qua chính trị bất bình, mà bằng cách tuân theo phương châm “Vươn lên trên” - không phải ám chỉ việc bay những chiếc P-51 của họ phía trên những chiếc B-17 mà họ bảo vệ khỏi Không quân Đức, mà là vượt lên trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vô nghĩa, là điều đã gây hại cho những kẻ phân biệt chủng tộc ít nhất là cũng nhiều như nó đã gây hại cho các nạn nhân của định kiến này.
Đời sống công cộng của người Mỹ ngày nay sẽ được cải thiện đáng kể nếu những người nghiện chính trị bất bình, thức tỉnh và MAGA, áp dụng khẩu hiệu của những phi công Tuskegee trong Red Tails: “Không có gì là khó khăn. Mọi thứ đều là thử thách. Vượt qua nghịch cảnh để đến với các vì sao.”
Nguyên tắc cốt lõi của học thuyết xã hội Công Giáo về sự đoàn kết dạy chúng ta rằng một nền dân chủ tự quản chỉ có thể được duy trì bằng ý thức chung về tình bạn công dân và trách nhiệm chung—là kiểu mà người Mỹ thể hiện khi, trên khắp quang phổ chính trị từ MAGA đến woke, họ đã nhanh chóng giúp đỡ những người hàng xóm của mình khi cơn bão Helene tàn phá miền tây Bắc Carolina. Sẽ rất hữu ích nếu các viên chức công của chúng ta kêu gọi tinh thần đó, thay vì xúi giục con quỷ bất bình, trong việc tập hợp sự ủng hộ cho các chính sách mà họ muốn đề xuất.
Source:First Things