Hoang địa là vùng đất hoang, nếu không khai thác không thể trồng trọt được. Muốn trồng ngũ cốc, hoa mầu cần phải khai hoang. Khó nhất, vất vả nhất là khai hoang. Nó đòi hỏi công sức, thời gian lẫn tài chánh bởi thởi gian khai hoang không có gì để thu hoạch. Ngoài việc đốn cây, nhổ cỏ, nhặt gai, đôi khi còn phải lượm đá lởm chởm rải rác khắp nơi. Ngoài ra còn phải diệt côn trùng sâu rầy trong đất. Khai hoang còn gặp phải rắn độc, cẩn trọng với bò cạp. Ngoài ra còn phải lập rào cản ngăn chặn thú hoang đến tàn phá mùa màng. Trong nông nghiệp khai hoang là công việc vất vả nhất, nhưng trời cũng công bằng, sau khi khai hoang thì vụ đầu tiên lại là vụ thu hoạch tốt đẹp nhất bởi đất mới còn nhiều mầu mỡ. Khai hoang thường mất nhiều năm bởi cỏ dại rụng hột xuống đất nằm chờ cơ hội thuận tiện sẽ mọc lên. Do đó, thời gian nhổ cỏ tận gốc rễ tốn rất nhiều công sức, vất vả. Cỏ dại luôn mọc tốt hơn, mạnh hơn là ngũ cốc, hoa mầu bởi đó là vùng đất chúng được sinh ra, lớn lên, thích hợp với điều kiện khí hậu, màu đất, chất phèn. Ngũ cốc, hoa mầu mới được mang đến gieo trồng nên cần thời gian để làm quen với phong thổ mới nên mọc yếu hơn cỏ dại.

Thánh Gioan Tiền Hô dùng hình ảnh hoang địa để nói đến tâm hồn khô cằn, sỏi đá; một tâm hồn hoang phế nhiều năm, hiếm hoi trong việc cầu nguyện, lơ là trong việc đón nhận ơn Chúa, từ chối đón nhận ơn thứ tha. Một tâm hồn bị đam mê, dục vọng biến thành đồi gai, cỏ dại; một tâm hồn bị vật chất bào mòn biến thành thung lũng chất chứa cặn bã, bãi rác xã hội. Đồi gai thường khô cằn bởi đỉnh đồi không tích trữ nước, nước mưa tuôn xuống bị chảy xuống chân đồi, thung lũng. Thánh Gioan dùng hình ảnh đồi cao nói lên tính kiêu ngạo, kiêu căng, tự phục của tâm hồn hoang phế. Trái lại, thung lũng lại là chỗ chứa chất dơ bẩn, bụi rác, cành khô, cỏ chết do nước tuông xuống từ đồi cao. Thung lũng tâm hồn được ví như là vũng lầy tâm lí. Một tâm hồn không có niềm vui, luôn buồn sầu, sống trong lo âu, sợ sệt, buồn nản. Đức Kitô kêu gọi môn đệ sống vui vẻ, hạnh phúc, ngay cả khi phải đối phó với phong ba, bão táp cuộc đời, sấm gầm, sóng thét của ngày tận thế, Kitô hữu cũng cần sống trong tin yêu, cậy trông vào tình yêu Chúa.

'Người ta sợ đến hồn xiêu, phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu... Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu rỗi' Lc 21: 26-28

Thánh Gioan kêu gọi bạt đồi cao, lấp thung lũng. Một tâm hồn xấu xa, bẩn thỉu, nhơ nhuốc như thế vẫn được Chúa đón nhận nếu tâm hồn đó đến xin ơn hoán cải. Thánh Giao cho biết ơn Chúa mạnh hơn tất cả mọi nhơ nhuốc trên đời; ơn Chúa tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi; ơn Chúa diệt hết mọi thứ cỏ dại, gai góc; ơn Chúa đổ tràn, lấp đầy mọi thung lũng, hầm hố sâu hoắm; ơn Chúa hoán cải mọi con tim sỏi đá; ơn Chúa hàn gắn, chữa lành mọi vết thương gây nên bởi lối sống bê tha, sa đọa; ơn Chúa thanh tẩy, biến đổi con tim khô cằn thành con tim biết yêu thương, nhậy cảm trước đau khổ của đồng loại.

Khó tìm được hình ảnh thích hợp diễn tả tình trạng một tấm lòng. Có thể ví cõi lòng người như li nước. Li nước ngày đêm bị bốc hơi. Để cho li nước luôn đầy tràn, mỗi ngày cần châm thêm nước. Nước bốc hơi đi, không khí lấn chiếm. Tâm hồn người công chính cũng như li nước, tràn đầy ơn Chúa, cám dỗ trong cuộc sống, đam mê, yếu đuối trước thử thách, nhẹ dạ với lời ngọt ngào dễ làm ta bị lung lay. Hàng ngày cần liên kết với Chúa qua cầu nguyện, nhận thêm ơn Chúa, nếu không tham lam, dục vọng sẽ đến chiếm lấy. Nước sạch mấy cũng chứa ít nhiều vi khuẩn; cõi lòng con người luôn có mầm mống dục vọng, vẩn đục đam mê, trần thế. Khi tâm linh mạnh, đam mê, dục vọng yếu; khi tâm linh yếu, đam mê, dục vọng mạnh. Ân sủng Chúa tăng sức mạnh tâm linh.

TiengChuong.org