1. Ukraine phá hủy hàng loạt hệ thống phòng không của Nga trong các cuộc tấn công chính xác

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Destroys Series of Russian Air-Defense Systems in Precision Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 01 Tháng Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong một vài ngày qua, Ukraine đã tích cực loại bỏ một số hệ thống phòng không của Nga khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi tấn công vào các bệ phóng hỏa tiễn của Nga và củng cố các tài sản phòng không của Ukraine.

Cơ quan an ninh SBU của Kyiv hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, cho biết họ đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Nga tại các địa điểm trên bán đảo Crimea bị Nga tạm chiếm và trong tỉnh Belgorod, bao gồm 4 hệ thống hỏa tiễn đất đối không Tor-M2 tiên tiến của Nga, 3 hệ thống bánh lốp tầm ngắn Pantsir-S1 và một hệ thống tầm trung Buk.

“Không phải pháo hoa. Đó là sự phá hủy các hệ thống phòng không của Nga”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong một tuyên bố hôm Thứ Hai.

Ukraine đã liên tục tấn công vào các hệ thống phòng không tiên tiến của Mạc Tư Khoa và những đánh giá gần đây cho thấy Kyiv có thể đang tập trung vào các mối đe dọa có thể gây ra cho các phi đội chiến đấu cơ F-16 mới của nước này từ hệ thống phòng không của Nga.

Ukraine dự kiến sẽ đưa các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất này gia nhập lực lượng không quân của mình trong những tuần tới, mặc dù mốc thời gian chính xác vẫn còn mơ hồ và có thể thay đổi kể từ khi các đồng minh phương Tây của Kyiv cam kết cung cấp máy bay này vào năm ngoái.

Đầu tháng này, quân đội Ukraine cho biết họ đã tấn công các bộ phận của hệ thống phòng không tiên tiến của Nga ở Crimea. Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự, gọi tắt là HUR của Ukraine, nói với truyền thông Ukraine rằng Nga đã đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không S-500 “thử nghiệm” ở Crimea. Các báo cáo trong tuần này cho thấy Nga vừa đưa một hệ thống S-500 đến mũi Chauda trên bán đảo đã bị nổ tung khi lực lượng không quân Ukraine phóng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tấn công.

Hôm Chúa Nhật, chính phủ Ukraine cho biết quân đội của họ đã phá hủy hai hệ thống phòng không của Nga trong 24 giờ trước đó, nâng tổng số tổn thất của Nga đối với các loại vũ khí như vậy kể từ tháng 2 năm 2022 lên 873.

Đoạn phim được SBU và Bộ Quốc phòng Kyiv chia sẻ cuối tuần qua dường như cho thấy một máy bay điều khiển từ xa cánh cố định của Ukraine đã tấn công một trong các hệ thống Tor-M2 của Nga, sau đó là một đoạn clip quay cảnh một cuộc tấn công vào hệ thống Pantsir-S1. Pantsir-S1 được NATO gọi là hệ thống SA-22 hoặc Greyhound.

Đoạn video sau đó xuất hiện cho thấy một số cuộc tấn công khác vào hệ thống phòng không.

Hôm thứ Bảy, các quan chức Ukraine cho biết một cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào thị trấn Vilniansk, ở vùng Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine, đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em và hơn 30 người khác bị thương.

Đề cập đến cuộc tấn công, Tổng thống Zelenskiy cho biết “các thành phố và cộng đồng của đất nước phải hứng chịu hàng ngày những cuộc tấn công như vậy của Nga khi người Nga tiếp tục thất bại trên chiến trường”, đồng thời nói thêm: “Có nhiều cách để vượt qua nó”.

Kyiv cần phải “tiêu diệt các bệ phóng hỏa tiễn của Nga, tấn công tầm xa và tăng số lượng hệ thống phòng không hiện đại ở Ukraine”, ông Zelenskiy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

2. Vì sao tàu ngầm Nga phóng ngư lôi vào nhau ở 'Hồ NATO'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Why Russian Submarines Torpedoed Each Other in 'NATO Lake'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, hai tàu ngầm Nga đã đối đầu với nhau trong một cuộc tấn công ở Biển Baltic, nơi NATO tiến hành các cuộc tập trận quân sự của riêng mình vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa liên minh và Mạc Tư Khoa.

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO do cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Putin có nghĩa là vùng nước này bị bao quanh bởi các thành viên liên minh, khiến nó có biệt danh là “Hồ NATO”.

Nằm giữa nhóm thành viên NATO này là vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga, nơi Hạm đội Baltic của Nga đặt trụ sở chính, khiến nơi này trở thành tiền tuyến trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào giữa Mạc Tư Khoa và liên minh.

Theo các phương tiện truyền thông Phần Lan, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã tấn công vào nhau. Cho đến nay vẫn chưa rõ điều gì đã xảy ra và tổn thất của Nga như thế nào. Trong khu vực Kaliningrad, gần đây xảy ra nhiều trường hợp nhiễu và bị đánh chặn GPS, không biết đó có phải là lý do dẫn đến sự việc hay không.

Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tass giải thích rằng sau cuộc diễn tập chống tàu ngầm, đã được Bộ Quốc Phòng Nga chính thức công bố, các tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk và Dmitrov đã tiến hành thêm một cuộc đọ sức huấn luyện. Họ cho biết thủy thủ đoàn của Novorossiysk “đã thực hiện một cuộc tấn công bằng ngư lôi” bằng cách sử dụng đạn không có đầu đạn vào chiếc Dmitrov.

Tass cũng nói rằng các tàu ngầm cũng đang thực hành các thao tác chiến đấu, chẳng hạn như né tránh các cuộc tấn công của đối phương và phát hiện, theo dõi và phóng ngư lôi chống lại tàu ngầm đối phương. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Tờ The National Interest đưa tin rằng Nga vẫn còn 65 chiếc tàu ngầm lớp Kilo đang phục vụ. Tờ báo này nói thêm rằng tốc độ 20 hải lý một giờ của tàu ngầm này là “hơi chậm” và không giống như tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động vô thời hạn, tàu ngầm lớp Kilo có tầm hoạt động khoảng 8.600 dặm hay 13840 km.

Trong khi các tàu này được coi là kém hơn các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Novorossiysk được trang bị sonar tiên tiến và có thể mang theo vũ khí, bao gồm cả hỏa tiễn hành trình Kalibr, có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Nga dường như đang dựa nhiều hơn vào hạm đội tàu ngầm của mình để khoe khoang sức mạnh. Gần đây, nước này đã triển khai một đội tàu bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan tới Cuba, nơi nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Caribe trong vùng biển quốc tế gần bờ biển Hoa Kỳ.

Tàu Kazan được trang bị hỏa tiễn siêu thanh Zircon và để đáp trả, NATO đã triển khai máy bay chống ngầm P-8 Poseidon để theo dõi hoạt động của tàu.

Cuộc tập trận Baltic của Nga diễn ra trong một tuần khi NATO tiến hành các cuộc tập trận quân sự Baltops, với thành viên mới nhất của liên minh là Thụy Điển, lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận. Cuộc tập trận của NATO kết thúc hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, bao gồm quét mìn trên biển, phát hiện tàu ngầm, đổ bộ và cách ứng phó với thương vong hàng loạt. Diễn biến này xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, DC, bắt đầu từ ngày 9 tháng 7.

Cuộc tập trận diễn ra sau thông báo của Đan Mạch rằng nước này có thể hạn chế sự di chuyển của các tàu chở dầu trong “hạm đội bóng tối” của Nga, vốn vận chuyển dầu của Nga để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng tuổi tác của chúng khiến chúng trở thành rủi ro về môi trường.

Trong khi đó, một số thành viên NATO đã phản ứng mạnh mẽ trước một sắc lệnh trên trang web của chính phủ Nga, sau đó bị xóa, đề xuất thay đổi biên giới trên biển của Nga ở phía đông Biển Baltic.

3. QUÁI THÚ KHỔNG LỒ. Nga lên kế hoạch chế tạo siêu Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ 100.000 tấn 'Storm II' tấn công phương Tây… nhưng giấc mơ của Putin có thể KHÔNG BAO GIỜ nhìn thấy ánh sáng

Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “BIG BEAST Russia planning massive 100,000-ton supercarrier ‘Storm II’ to take on West…but Putin’s dream may NEVER see light of day”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

VLADIMIR Putin đang mơ ước chế tạo một siêu Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ nặng 100.000 tấn nhằm cạnh tranh với phương Tây. Siêu Hàng Không Mẫu Hạm được tường trình sẽ phóng chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Nga

Andrey Belousov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cùng với Phó đô đốc đã nghỉ hưu của Putin, Vladimir Pepelayev, khoe khoang kế hoạch của Nga một lần nữa phô diễn sức mạnh quân sự của mình.

Andrey Belousov đã giao cho Cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân Nga Pepelyaev nhiệm vụ phát triển Hàng Không Mẫu Hạm đầy triển vọng tại Viện nghiên cứu Krylov.

Belousov tiết lộ rằng con tàu tương lai sẽ có lượng giãn nước từ 70.000 đến 90.000 tấn và sẽ chạy bằng lò phản ứng hạt nhân.

Hàng Không Mẫu Hạm khổng lồ cũng có khả năng phóng các chiến đấu cơ tàng hình - Su-57.

Ông nói với RIA: “Hàng Không Mẫu Hạm đầy hứa hẹn của chúng ta chắc chắn phải có lượng giãn nước từ 70 đến 90 ngàn tấn, nhưng điều quan trọng nhất không phải là lượng giãn nước, không phải máy bay điều khiển từ xa mà là máy bay.

“Ngày nay, chúng ta có Su-33 và MiG-29K/Cube. Trong tương lai, Hàng Không Mẫu Hạm của chúng ta sẽ được trang bị Su-57”.

Pepelyaev nói thêm rằng Nga sẽ cần ít nhất 4 Hàng Không Mẫu Hạm như vậy để bắt kịp phương Tây. Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga nhận định mỉa mai rằng các tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga đều bắt đầu công việc của mình với những đề án rất lớn, hy vọng tên tuổi họ sẽ được lưu danh trong lịch sử, nhưng thực tế hơn, qua những đề án rất lớn như thế, họ sẽ thu được những khoản tiền khổng lồ.

Hạm đội của Nga tụt hậu so với các đối thủ vì Mỹ và Trung Quốc đều đã hạ thủy các Hàng Không Mẫu Hạm gây ấn tượng mạnh của riêng mình.

Nhưng dự án đầy tham vọng này có thể không bao giờ thành công sau khi những nỗ lực trước đó đã thất bại thảm hại.

Thiết kế cuối cùng của Hàng Không Mẫu Hạm mang tên Storm dự kiến sẽ được khởi công trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2030.

Tuy nhiên, dự án trị giá 5 tỷ Mỹ Kim này không có tiến triển đáng kể nào kể từ khi được giới thiệu vào năm 2017.

Chi phí đáng kinh ngạc để chế tạo một Hàng Không Mẫu Hạm tầm cỡ như thế tỏ ra là một gánh nặng không thể chịu nổi đối với nền kinh tế Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Gần một nửa Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa hoặc hỏa tiễn của Ukraine kể từ khi bạo chúa Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Hàng Không Mẫu Hạm duy nhất của Putin, Đô đốc Kuznetsov, cũng có lịch sử rắc rối khi gặp phải nhiều vụ hỏa hoạn và tai nạn chết người trong suốt vòng đời 30 năm của nó.

Con tàu đã được sửa chữa lớn kể từ năm 2017 khi nó được triển khai trong các cuộc tấn công dã man của nhà độc tài vào Syria.

Pepelayev cho biết: “Nếu chúng tôi tin vào các cơ quan truyền thông mở, con tàu sẽ hoàn thành việc sửa chữa và hiện đại hóa trong năm nay.

“Rất có thể, các hệ thống giám sát, kiểm soát hàng không, hệ thống tự vệ và năng lượng điện sẽ được hiện đại hóa.

“Rõ ràng, hệ thống hỏa tiễn tấn công sẽ không bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho hàng không trên boong. Đúng hơn là nó sẽ được hiện đại hóa.”

Tuy nhiên, thật bẽ mặt cho Putin, ảo tưởng của ông về việc có một hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm có thể là điều xa vời.

Chuyên gia hải quân HI Sutton trước đây đã nói với The Sun rằng Đô đốc Kuznetsov có thể không bao giờ nhìn thấy ánh sáng, khiến sức mạnh hải quân Nga chỉ còn là quá khứ.

“Với những thách thức tài chính của Nga, việc hoàn thành công việc và đưa nó trở lại phục vụ quân ngũ có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

“Và ngay cả nếu Hàng Không Mẫu Hạm Đô đốc Kuznetsov có thể được phục hồi, thì công việc cũng đã chậm trễ rất nhiều so với những gì đáng lẽ phải có.

“Có một dấu hỏi nghiêm trọng về khả năng tiếp tục duy trì các chiến hạm lớn nhất của Nga.

“Đây là vấn đề tự hào dân tộc, nhưng chúng ngày càng lỗi thời, như vụ chìm tàu Moskva đã cho thấy.”

“Vì vậy, đây có thể là dấu chấm hết cho siêu hạm đội thời Chiến tranh Lạnh của Nga. Hạm đội mặt nước tương lai của Nga trông nhỏ hơn và được tạo thành từ các tàu nhỏ hơn”.

4. Liên Hiệp Âu Châu áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Belarus, thực hiện các biện pháp chống lẩn tránh

Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu tuyên bố Liên minh Âu Châu đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus vào ngày 29 Tháng Sáu do nước này dính líu đến cuộc chiến của Nga chống Ukraine.

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết: “Các biện pháp toàn diện này nhằm mục đích tăng cường một số biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với Nga, và do đó giải quyết vấn đề lách luật xuất phát từ mức độ hội nhập cao hiện có giữa nền kinh tế Nga và Belarus”.

Belarus là đồng minh chủ chốt của Mạc Tư Khoa và ủng hộ hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine, mặc dù nước này không trực tiếp đưa lực lượng của mình tham gia chiến sự.

Liên Hiệp Âu Châu hôm 24 Tháng Sáu đã đưa ra vòng trừng phạt thứ 14 đối với Nga, nhằm giải quyết việc lách các biện pháp hiện có và hạn chế hơn nữa lợi nhuận từ ngành năng lượng của Nga.

Hai ngày sau, các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu cũng đồng ý về gói trừng phạt mới nhắm vào Belarus.

Theo Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu, các hạn chế mới đối với Belarus nhằm vào các lỗ hổng thương mại, dịch vụ, vận tải và chống gian lận.

Liên Hiệp Âu Châu mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với hàng hóa và công nghệ có công dụng kép và tiên tiến. Hội đồng cũng đưa ra các hạn chế đối với hàng hóa có thể nâng cao năng lực công nghiệp của Belarus, cũng như hàng hóa xa xỉ, liên quan đến hàng hải và công nghệ.

Liên Hiệp Âu Châu áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Belarus. Hội đồng cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp vàng và kim cương từ Belarus, cũng như khí heli, than đá và các sản phẩm khoáng sản, bao gồm cả dầu thô.

Một số dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực kiến trúc, kỹ thuật, tư vấn công nghệ thông tin, kinh doanh và quản lý, cùng những dịch vụ khác, sẽ bị cấm đối với chính phủ, cơ quan công quyền, các tập đoàn hoặc cơ quan của nước này.

Liên Hiệp Âu Châu cũng mở rộng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trong lãnh thổ của mình bằng các phương tiện giao thông ghi danh tại Belarus.

“Quyết định hôm nay yêu cầu các nhà xuất khẩu Liên Hiệp Âu Châu phải đưa vào hợp đồng tương lai của họ cái gọi là 'điều khoản cấm Belarus', qua đó họ cấm tái xuất khẩu sang Belarus hoặc tái xuất khẩu để sử dụng ở Belarus các hàng hóa và công nghệ nhạy cảm, đặc biệt là các khí tài chiến tranh,” tuyên bố cho biết.

Liên Hiệp Âu Châu cấm quá cảnh qua Belarus hàng hóa và công nghệ có công dụng kép hoặc hàng hóa có thể đóng góp cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Các công ty Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ được yêu cầu bảo đảm rằng các công ty con ở nước thứ ba của họ không tham gia vào “các hoạt động dẫn đến kết quả mà các lệnh trừng phạt muốn ngăn chặn”.

5. Bản đồ tiết lộ cuộc tấn công của Ukraine vào 30 máy bay Nga trong năm nay

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Map Reveals Ukrainian Strikes on 30 Russian Aircraft This Year”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Theo lực lượng vũ trang Ukraine, hơn 30 máy bay Nga đã bị hư hại hoặc phá hủy trong năm nay và công bố bản đồ cho thấy nơi xảy ra cuộc tấn công.

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là Stratcom, cho biết trên Telegram rằng đồ họa của họ lần đầu tiên cho thấy các địa điểm tấn công vào chiến đấu cơ của Nga ở tiền tuyến.

“Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục tiêu diệt hiệu quả chiến đấu cơ của Nga, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí phương Tây”, StratCom cho biết trong bài đăng trước khi liệt kê các máy bay mà họ cho biết đã bị tấn công.

Bản đồ của tổ chức này cho thấy hầu hết các cuộc tấn công xảy ra ở miền đông Ukraine bị tạm chiếm, về phía mặt trận phía nam giáp khu vực Zaporizhzhia và Crimea. Nó cũng cho thấy các cuộc tấn công trên Biển Azov và hai cuộc tấn công ở Nga.

StratCom cho biết các máy bay bị bắn hạ bao gồm 9 chiếc Sukhoi Su-25, một chiếc Su-57, một chiếc Su-35, một chiếc Su-35S, khoảng 13 chiếc Su-34 và hai chiếc MiG-31.

StratCom cũng cho biết các lực lượng phòng không Ukraine đã tấn công hai máy bay cảnh báo và điều khiển sớm Beriev A-50, một máy bay ném bom động cơ phản lực Ilyushin Il-22M11 và một máy bay ném bom tấn công hàng hải và chiến lược tầm xa Tupolev Tu-22M3.

StratCom nhận xét rằng: “Một số máy bay bị hư hỏng nhưng có thể quay trở lại phi trường để sửa chữa lâu dài và nói thêm rằng trong một số trường hợp, không thể xác định một cách đáng tin cậy các mô hình của máy bay bị phá hủy”.

Vào tháng 2, các quan chức Nga cho biết một chiếc A-50 đã bị bắn rơi, và Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, cho biết rằng vào tháng 5, hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Ukraine đã phá hủy hai chiếc MiG-31 ở Crimea trong một cuộc tấn công bằng ATACMS.

Vào tháng 2 và tháng 3, các quan chức Ukraine đã báo cáo về việc nhiều máy bay Su-34 bị bắn rơi, mặc dù ISW cho biết họ không thể xác minh độc lập những tuyên bố này. Các quan chức Ukraine cho biết vào tháng 5, Lữ đoàn cơ giới số 110 của nước này đã bắn rơi một số máy bay phản lực Su-25 của Nga ở khu vực Donetsk.

ISW cho biết trong một đánh giá ngày 28 tháng 6 rằng hàng loạt máy bay Nga bị bắn rơi, đặc biệt là A-50 và Il-22. Điều này đã cản trở hoạt động hàng không của Nga trên bầu trời Ukraine.”

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh của mình tăng cường năng lực phòng không và chiến đấu cơ tiên tiến, chẳng hạn như F-16, một lô sẽ được giao vào mùa hè này.

6. Kuleba gặp Bộ trưởng Armenia khi Yerevan rời khỏi Mạc Tư Khoa

Hôm Thứ Bẩy, 29 Tháng Sáu, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã gặp Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan bên lề Diễn đàn Dubrovnik ở Croatia.

Điều này xảy ra khi Yerevan đang tìm cách tách mình ra khỏi Nga và liên tục cáo buộc Mạc Tư Khoa là đối tác không đáng tin cậy.

Kuleba và Mirzoyan đã thảo luận về tình hình an ninh ở Âu Châu và Nam Caucasus. Theo Ngoại trưởng Kuleba, cả hai cũng tập trung vào các cách thế để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương và hợp tác quốc tế giữa hai quốc gia, “đặc biệt là trong bối cảnh Ukraine sẽ trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu trong tương lai”.

Bộ trưởng nói: “Tôi cảm ơn Armenia vì đã tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên ở Thụy Sĩ và đã thông báo với người đồng cấp của tôi về công việc tiếp theo nhằm thực hiện công thức hòa bình trên con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine”.

Armenia từ lâu đã dựa vào Nga như một đồng minh chính trong khu vực.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga từ chối hành động trong các cuộc xung đột giữa Nagorno-Karabakh, một thực thể được Armenia hậu thuẫn trên lãnh thổ Azeri được quốc tế công nhận. Nagorno-Karabakh đã được tái hòa nhập vào Azerbaijan sau chiến thắng cuối cùng của nước này vào năm 2023.

Sau đó, Yerevan liên tục đe dọa rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự do Nga đứng đầu.

Vào tháng 3, Mirzoyan tiết lộ rằng nước này đang xem xét việc ghi danh làm thành viên của Liên minh Âu Châu, nhằm tăng cường quan hệ với phương Tây.

Armenia phần lớn đã kiềm chế không tham gia vào cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine. Nước này đã chuyển lô viện trợ nhân đạo đầu tiên cho Ukraine vào tháng 9 năm 2023.

7. Zelenskiy: Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường chống lại Ukraine trong tuần này

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã sử dụng hơn 800 quả bom dẫn đường chống lại Ukraine chỉ trong tuần này. Ông cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

Bom dẫn đường trên không là loại vũ khí được dẫn đường chính xác, có tầm bắn ngắn hơn hỏa tiễn nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều. Các loại vũ khí này được phóng từ máy bay trong lãnh thổ Nga, ngoài tầm bắn của phòng không Ukraine.

Thương vong dân sự do các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không thường được báo cáo ở các khu vực gần biên giới Nga, chẳng hạn như các tỉnh Kharkiv, Donetsk và Sumy.

“Ukraine cần các lực lượng và phương tiện cần thiết để tiêu diệt những phương tiện mang những quả bom này, đặc biệt là chiến đấu cơ ném bom của Nga”, ông Zelenskiy nói.

Ông nói: “Các cuộc tấn công tầm xa và hệ thống phòng không hiện đại là cơ sở để ngăn chặn cuộc khủng bố hàng ngày của Nga”, đồng thời ông cảm ơn “tất cả các đối tác hiểu được điều này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov ngày 25 Tháng Năm cho biết Nga đã thả gần 10.000 quả bom dẫn đường xuống Ukraine kể từ đầu năm 2024.

8. DTEK cho biết 90% công suất sản xuất năng lượng của công ty bị mất do tấn công của Nga

Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, đã mất gần 90% công suất sản xuất năng lượng do các cuộc tấn công của Nga, Giám đốc Ildar Saliieev cho biết hôm Chúa Nhật, 30 Tháng Sáu.

Salieiev cho biết Nga đã tấn công các nhà máy nhiệt điện DTEK hơn 180 lần, gây thiệt hại ít nhất 350 triệu Mỹ Kim.

“Chỉ riêng năm nay, chúng tôi sẽ chi gần 100 triệu Mỹ Kim từ quỹ của mình để sửa chữa các nhà máy nhiệt điện. Các chuyên gia của chúng tôi đang tìm kiếm thiết bị dự phòng trên toàn thế giới có thể mua, mang về và lắp đặt ở Ukraine,” ông nói thêm.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong một cuộc tấn công mới nhằm vào mạng lưới năng lượng.

Do hậu quả của các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine bắt đầu thực hiện cắt điện luân phiên vào ngày 15 tháng 5.

Theo nhà điều hành năng lượng nhà nước Ukrenergo, người Ukraine sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài hàng ngày cho đến cuối tháng 7 do việc sửa chữa theo lịch trình tại các nhà máy điện hạt nhân.

Việc khôi phục các nhà máy nhiệt điện bị phá hủy sẽ mất “nhiều năm chứ không chỉ vài tháng”.

“Vấn đề chủ yếu là thời gian và sự sẵn có của các thiết bị cần thiết. Các đơn đặt hàng sản xuất thiết bị đã được đặt tại các cơ sở sản xuất trên khắp các châu lục”, Saliieev cho biết.

Ông cũng mô tả thiệt hại từ các cuộc tấn công của Nga là “rất lớn” và nói thêm rằng công việc khôi phục vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ.

Giám đốc điều hành của công ty cho biết, bất chấp thiệt hại nghiêm trọng, tất cả các cơ sở của DTEK sẽ được khôi phục “sớm hay muộn”.

Theo Trường Kinh tế Kyiv, trong cuộc xâm lược toàn diện, hơn 18 Giga Watt công suất phát điện đã bị mất do sự xâm lược của Nga, bao gồm cả việc chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Các nhà máy thủy điện Kakhovka và Dnipro cũng như các nhà máy nhiệt điện Zmiiv và Trypillia đều bị phá hủy hoàn toàn.

Kể từ đầu năm 2024, Nga đã tiến hành 8 cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn.