Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo

Christopher Dawson đã xác định bối cảnh lịch sử-văn hóa rộng lớn mà Công Giáo phải đối diện trong thế giới hiện đại. Nhưng có một khía cạnh có tính cách bản vị hơn đối với bối cảnh đó mà nhiều tác giả Công Giáo bắt đầu khám phá để đáp ứng—và thường là một chiều kích bản thân cấp bách. Ví dụ, trong cuốn tiểu thuyết The Girls of Slender Means [Những Cô gái Ít Phương tiện] của Muriel Spark, một trong các nhân vật—bị bối rối bởi cuộc sống hiện đại giống như nhiều người ở thế kỷ 20—thú nhận rằng mọi việc đã đi đến hồi gay cấn đến mức anh ta “không bao giờ quyết định được giữa tự tử và một hành động quyết liệt không kém được gọi là Cha D'Arcy.” (1) Martin D'Arcy, S.J., là một linh mục ngoài đời thực ở Nhà thờ Farm Street, London, người đã hướng dẫn một số người Anh nổi tiếng, bao gồm cả Evelyn Waugh, vào Giáo Hội. Không phải tất cả bọn họ đều tuyệt vọng như vậy. Nhưng Spark - bản thân cô là một người trở lại đạo - đã ghi nhận một điều gì đó trong xã hội thế tục hóa của nước Anh hiện đại, ngay bên bờ vực của cuộc cách mạng văn hóa thập niên 1960, mà chúng ta cũng đã thấy ở phần đầu của tập sách này trong hiệp ước cùng tự sát của Jacques và Raïssa Maritain: với sự biến mất của Thiên Chúa, ít nhất một số trái tim và khối óc nhạy cảm hơn, ngay cả ở các quốc gia thuộc tầng lớp trung lưu, khá giả, vững chắc, cảm nhận được rằng sự lựa chọn thay thế rõ ràng nhất đã xuất hiện giữa tất cả sự giàu có và nhàn hạ và “ văn hóa”—đối với bất cứ ai muốn sống một cuộc đời chân chính và có ý nghĩa.

Ở Anh, một cuộc phục hưng văn học Công Giáo đã bắt đầu từ rất lâu trước Thế Chiến thứ nhất, nghĩa là, nó đã được tiến hành tốt trước trận đầu tiên trong hai trận đại hồng thủy làm lung lay niềm tin thống trị của phương Tây vào sự tiến bộ và tính hợp lý của Phong trào ánh sáng trong thế kỷ XX. Nước Anh đã sớm bắt đầu hướng tới sự hồi sinh này với những nhân vật tầm cỡ thế giới thực sự như John Henry Newman và một trong những học trò của ông, nhà thơ vĩ đại Gerard Manley Hopkins (Hopkins mất năm 1889; những bài thơ của ông đã được viết trước đó, nhưng mãi sau này mới được xuất bản, chiến tranh thế giới thứ nhất và trở thành một cột mốc trong thơ Anh thế kỷ XX). Matthew Arnold, có lẽ là nhà bình luận không theo Kitô giáo vĩ đại nhất về văn hóa ở Anh thế kỷ 19, đã viết một bài thơ nổi tiếng "Dover Beach [Bãi biển Dover]” (1867) rằng ông nghĩ rằng mình đã nghe thấy “tiếng gầm đang lui dần” của đại dương đức tin. Và trong một số khía cạnh, tất nhiên, điều đó đã được chứng minh là đúng. Nhưng đồng thời, sự rút lui đó cũng tạo ra một dòng chảy ngược trong thế kỷ tiếp theo, một làn sóng thực sự của văn học Công Giáo vĩ đại và các đồ tạo tác văn hóa Công Giáo khác bằng tiếng Anh: một vòng cung rộng bao gồm hầu hết những người trở lại đạo trải dài từ Newman và Hopkins đến Oscar Wilde, Robert Hugh Benson (con trai của một tổng giám mục Canterbury), E. I. Watkin, Ronald Knox, Maurice Baring, và G. K. Chesterton đến một thế hệ khác ở Graham Greene, Evelyn Waugh, Alec Guinness, Muriel Spark, Siegfried Sassoon, Edith Sitwell, Malcolm Muggeridge, và người có ảnh hưởng hoàn cầu nhất: J. R. R. Tolkien.

Những đặc điểm nào của thế kỷ 19 đã khiến nhiều bộ óc lỗi lạc ở Anh hướng về Giáo Hội Công Giáo? Đó không phải là nghèo đói hay áp bức chính trị. Sự giàu có bắt đầu tăng lên cho tất cả mọi người với tốc độ chưa từng có, và sự tham gia dân chủ tự do bắt đầu lan rộng. Các phong trào cách mạng khác nhau tụ tập xung quanh Marx - người đã viết Das Kapital [Tư Bản] ở London - đã sai lầm khi tin rằng họ đã chứng minh một cách khoa học rằng chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ tư sản sẽ truất quyền sở hữu của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ở khắp mọi nơi, người nghèo bắt đầu được hưởng sự giàu có và tự do hơn, với những thiếu sót rõ ràng và sự gián đoạn xã hội. Các nhà làm việc và tai họa đô thị của Dickens chỉ là các hiện tượng nhất thời. Nhưng bất cứ ai có đầu óc tâm linh đều có thể dự đoán - và nhiều người đã làm như vậy trong thế kỷ 19 - rằng sự giàu có và tự do như vậy là trống rỗng sâu xa và cuối cùng không thể thỏa mãn trái tim con người. Thật vậy, một trong những điểm hấp dẫn của chủ nghĩa Mác trong thế kỷ 20 là, vượt lên trên cả những giả định duy vật của nó và bất chấp những tội ác và thất bại lịch sử to lớn của nó, nó cung cấp một sự thay thế biểu kiến cho ý nghĩa và sự nhiệt tình trước đây gắn liền với đức tin tôn giáo.

Sự thất bại, như người ta vào thời điểm đó đã thấy và các giáo hoàng sau này sẽ nhấn mạnh, là một thất bại của nhân học, theo nghĩa là một lý tưởng xã hội, khi chỉ coi sự thịnh vượng vật chất và tự do bản thân như một cùng đích, đã tạo ra một ý tưởng cắt xén về con người. Theo các tiêu chuẩn duy tự nhiên của thế kỷ 19, con người ở thời đại đó và trong những năm sau đó lẽ ra phải ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng nhân bản hơn nhờ các điều kiện vật chất và xã hội phù hợp hơn với bản chất con người. Cuốn tiểu thuyết phản không tưởng [dystopian] Lord of the World [Chúa Thế Giới] (1907) của Robert Hugh Benson đã dự đoán một cách xuất sắc những cách mà chủ nghĩa duy vật và tâm lý học sẽ khiến con người rơi vào một thế giới “duy nhân bản” dứt khoát. Và đó là trước hai cuộc thế chiến, bom nguyên tử, Shoah [Diệt chủng], và sự thao thức không ngừng của người dân ở những quốc gia thịnh vượng nhất và tự do nhất được biết đến trong lịch sử đã chấm dứt ảo tưởng đó cho tất cả mọi người có mắt để nhìn. Nhưng khía cạnh có tính bản thân hơn của vấn đề đã rõ ràng với Matthew Arnold, người đã viết trong “Dover Beach” [Bãi biển Dover]:

“Này, tình yêu, chúng ta hãy chân thật
Với nhau! cho thế giới, mà dường như
Đang nằm trước chúng ta như một vùng đất của những giấc mơ,
Quá đa dạng, quá đẹp, quá mới,
Thực sự không có niềm vui, tình yêu, cũng như ánh sáng,
Cả sự chắc chắn, hòa bình, giúp đỡ nỗi đau cũng không;

Và chúng ta ở đây như trên một đồng bằng tăm tối
Bị cuốn theo những báo động bối rối của cuộc đấu tranh và trốn chạy,
Nơi những đội quân ngu dốt đụng độ vào ban đêm.”


Điều này đặt một gánh nặng lên tình yêu giữa nam và nữ - một gánh nặng thường tỏ ra không thể chịu nổi, đặc biệt là khi chính nền văn hóa bắt đầu mỏng đi trong một thế giới với các chiều kích vị san phẳng. Arnold cũng lập luận nổi tiếng trong Culture and Anarchy [Văn hóa và Vô chính phủ] (1869) rằng văn hóa có thể hoạt động như một sự thay thế cho tôn giáo. Nhưng trong thời đại duy vật chất, điều đó không bền vững hay đáng tin cậy hơn tình yêu lãng mạn. Trong thế kỷ 21, nhiều hình thức của chủ nghĩa duy tự nhiên vẫn khẳng định hạnh phúc tối thượng dựa trên của cải vật chất và xã hội, nhưng chúng phải tạo ra một lý lẽ bênh vực gián tiếp hơn. Những chủ trương trực tiếp trong quá khứ về “sự tiến bộ”—một tương lai hòa bình, sung túc và tình liên đới duy nhân bản thế tục—ngày nay chỉ hữu ích cho các thí sinh cuộc thi sắc đẹp và các chính trị gia với những cử tri có đầu óc rất đơn giản.

Tuy nhiên, tại sao lại quay lưng lại với vùng đất hoang vu này để hướng tới Công Giáo? Ở nước Anh thế kỷ 19, không thể chối cãi rằng Newman là một nhà văn thuộc hàng cao cấp nhất trong văn xuôi của ông và đôi khi đạt đến hàng cao cấp đó ngay cả trong vần thơ của ngài (“The Pillar of the Cloud” [Cột mây] và các đoạn trích từ “Dream of Gerontius” [Giấc mơ của Gerontius] của ngài thường xuyên xuất hiện trong các tuyển tập thơ thế tục thời Victoria—và nhà soạn nhạc Công Giáo người Anh Edward Elgar đã biến “Gerontius” thành một tác phẩm hợp xướng được nhiều người ngưỡng mộ). Newman và Phong trào Oxford trong Anh giáo, trên cơ sở lịch sử xác đáng, đã lập luận, như ngài đã nói một cách nổi tiếng, rằng “đi sâu vào lịch sử là không còn là Thệ Phản nữa.” Ngài đã có ảnh hưởng lớn đến khuôn mạo trí thức của Giáo hội ở các quốc gia nói tiếng Anh và xa hơn thế. Nhưng Newman cũng đưa ra lập trường đặc biệt của người Anh đối với cả sự suy giảm đức tin lẫn sự suy giảm nội dung của Kitô giáo. Như ngài đã bày tỏ trong “Biglietto Speech” [Diễn văn Biglietto] khi được tấn phong Hồng Y:

Trong ba mươi, bốn mươi, năm mươi năm, tôi đã hết sức chống lại tinh thần của Chủ nghĩa Cấp tiến [Liberalism] trong tôn giáo. Chưa bao giờ Thánh Giáo Hội cần những nhà vô địch chống lại nó nhiều hơn bây giờ, khi, than ôi! đó là một sai lầm tràn lan trên toàn trái đất giống như một cái bẫy; và trong dịp trọng đại này, khi, đối với một người ở vị trí của tôi, điều tự nhiên là nhìn ra thế giới, nhìn vào Thánh Giáo Hội như ở trong chính nó, và vào tương lai của Giáo Hội, tôi hy vọng, nếu tôi tiếp tục phản đối nó điều mà tôi đã thực hiện rất thường xuyên, sẽ không bị coi là lạc lõng.

Chủ nghĩa cấp tiến trong tôn giáo là học thuyết cho rằng không có chân lý tích cực trong tôn giáo, nhưng tín ngưỡng này cũng tốt như tín ngưỡng khác, và đây là giáo huấn đang ngày càng trở nên thực chất và mạnh mẽ. Nó bất nhất với bất cứ sự công nhận nào của bất cứ tôn giáo nào, như là đúng sự thật. Nó dạy rằng tất cả đều phải được khoan dung, vì tất cả đều là vấn đề quan điểm. Tôn giáo mạc khải không phải là một sự thật, mà là một tình cảm và một hương vị; không phải là sự thật khách quan, không phải là điều lạ lùng; và mỗi cá nhân có quyền làm cho nó nói đúng những gì ý thích riêng của họ mong muốn. Sự sùng kính không nhất thiết phải dựa trên đức tin. Người ta có thể đi Nhà thờ Tin lành và Nhà thờ Công Giáo, có thể nhận được điều tốt từ cả hai và không thuộc về bên nào. Họ có thể là anh chị em với nhau trong các suy nghĩ và cảm xúc tâm linh mà không hề có bất cứ quan điểm chung nào về tín lý hoặc nhận thấy sự cần thiết của chúng. Do đó, vì tôn giáo có tính đặc thù bản thân và là một sở hữu riêng tư, nên chúng ta nhất thiết phải làm ngơ nó trong sự giao tiếp giữa con người với con người. Nếu một người đàn ông theo một tôn giáo mới vào mỗi buổi sáng, điều đó có liên quan gì đến bạn? Thật là xấc xược khi nghĩ về tôn giáo của một người giống như nghĩ về nguồn thu nhập hoặc cách quản lý gia đình của họ. Tôn giáo không hề có nghĩa là mối ràng buộc của xã hội. (2)

Ronald Knox, một người trở lại đạo (người cũng đã từ một mục sư Anh giáo trở thành linh mục Công Giáo và sau khi được giúp đỡ đến với Giáo hội nhờ đọc Chesterton, đã giúp Chesterton trong những bước cuối cùng của ông đến với Giáo hội), đã viết một cách xuất sắc về việc trở lại đạo của mình trong tác phẩm A Spiritual Aeneid (Truyện Aeneas Tâm linh]. Nhưng cái nhìn sâu sắc thiết yếu của ngài, giống như của nhiều người Anh trở lại đạo có cùng chí hướng khác, có thể được thoáng thấy trong một vài câu thơ châm biếm từ bài thơ của ngài về sự nhạt nhẽo của Anh giáo, "Absolute and Abitofhell".

“Khi, trên ngai vàng của mình tại Lambeth, Salômôn
Lẩm bẩm khó chịu, ‘Phải làm gì đó,’
Khi Lịch sự dịu dàng, muốn hãm đà Nhiệt tình cuồng tín,
Sửa, ‘Tôi tin,’ thành ‘Người ta cảm thấy.’”


Sự dè dặt ít nói và mơ hồ của người Anh về các vấn đề tôn giáo đã khiến nhiều người tìm đến những điều chắc chắn về tín lý lúc bấy giờ vẫn còn rõ ràng của Rôma.

Tuy nhiên, sự phục hưng của Công Giáo ở Anh không rõ ràng liên quan đến sự phục hưng của chủ thuyết Tôma hay bất cứ trào lưu trí thức đúng nghĩa nào khác trong Công Giáo. Nước Anh đã sản sinh ra những người theo học thuyết Tôma lỗi lạc như Vincent McNabb, Victor White, Gerald Vann, Thomas Gilby, Kenelm Foster, Aidan Nichols, và nhiều người khác. Và các tu sĩ Đa Minh người Anh, đặc biệt ở nhà Blackfriars, đã thực hiện một công việc có giá trị trong việc xuất bản một bản dịch có chú thích về Thánh Tôma. Nhưng có lẽ do xu hướng thực dụng của người Anh đặt thực tiễn lên trên lý thuyết—cũng như việc Newman ưa thích các Giáo phụ thời sơ khai hơn là Thánh Tôma—việc trở lại đạo và ảnh hưởng của Công Giáo ít phát xuất từ các kênh trí thức thuần túy mà nhiều hơn từ cách tiếp cận văn hóa chung. Hai nhân vật thống trị - theo những cách hoàn toàn khác nhau - những năm đầu tiên của thế kỷ 20 trong nền văn hóa Công Giáo Anh (và tiếp tục gây ảnh hưởng lớn cho đến thế kỷ 21) là Hilaire Belloc và G. K. Chesterton. Mặc dù xét về khía cạnh văn học một cách nghiêm ngặt, họ không được xếp hạng nhất vì nhiều lý do, cả hai đều thực hiện những trước tác hộ giáo vui nhộn trong nhiều cuốn sách mà một thế kỷ sau người ta vẫn còn đọc. Cả hai đều thể hiện sự hài hước, tinh thần phấn chấn và nhiều tài năng trong văn xuôi và thi ca. Thật vậy, những câu thơ hài hước của họ có thể là những điều hay nhất (từ quan điểm văn học thuần túy) từng làm được. Nhưng sự nổi tiếng của Chester-belloc—một thuật ngữ được đặt ra bởi George Bernard Shaw, một người bạn mặc dù có những bất đồng gay gắt với cả hai nhân vật Công Giáo, chỉ vì đánh giá cao thực tế là họ đã tham gia vào các mục đích chung—dựa trên sức mạnh và sự khéo léo của họ trong khoa biện hộ Kitô giáo và bình luận văn hóa rộng rãi.

Kỳ sau: Tiến sĩ Công Giáo Johnson