CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Tin Mừng: Lc 1, 26-38

“Bà sẽ thụ thai và sinh một con trai.”


Anh chị em thân mến.

Một lời nói bày tỏ tất cả tâm tình mến yêu, tôn kính và khiêm tốn, một lời nói có sức đem lại cho nhân loại một niềm hy vọng và vui mừng, không hy vọng và vui mừng sao được khi mà cả nhân loại đang chìm đắm trong đau thương do tội lỗi thống trị, không hy vọng và vui mừng sao được, khi mà, chỉ một lời xin vâng rất ngắn gọn mà khiêm tốn, đã làm cho cửa trời đóng bít từ thuở tạo thiên lập địa lập tức mở ra, tuôn tràn ân sủng xuống cho nhân loại, ân sủng đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người –Đức Chúa Giê-su.

Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng đồng công cứu chuộc loài người, Đấng đã mở đường cho Thiên Chúa có lối đi qua trần gian, Mẹ mở đường không phải như thánh Gioan Tiền Hô đã trở thành tiếng loa vang trong hoang địa kêu gọi mọi tấm lòng thống hối chờ đón Đấng Mê-si-a, nhưng Mẹ mở đường bằng chính tâm hồn mình mở rộng đón nhận trước lời đề nghị quá ư ngặt nghèo với lời hứa giữ mình đồng trinh của mình, Mẹ đã mở đường cho Chúa bằng hai tiếng Xin Vâng đầy khiêm tốn, đơn sơ và đầy phó thác, Mẹ đã mở đường cho Chúa bằng thái độ chấp nhận quyền năng của Thiên Chúa mà không một chút phàn nàn kêu ca... Tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a là tiếng hoan ca âm thầm trong cung lòng Mẹ, và trong mọi tâm hồn người công chính mong mỏi chờ Chúa đến, là ánh sao mở đường cho nhân loại bước đi, là tiếng hét kinh hoàng của tội lỗi, là niềm vui và hy vọng cho chúng nhân.

Như vậy, Đức Mẹ Ma-ri-a đã hoàn toàn hy sinh cái tôi của mình để mở đường cho Con Thiên Chúa xuống làm người.

Ngày hôm nay, hầu như tất cả mọi người Ki-tô hữu trên thế giới đều hiểu rất rõ giá trị hai tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a, hiểu rất rõ là việc làm của lý trí, nhưng đối với quả tim thì hình như rất ít người hiểu rõ giá trị của hai tiếng xin vâng ấy. Có rất nhiều người Ki-tô hữu cứ mỗi lúc đến ngày lễ kỹ niệm gì đó của Đức Mẹ, liền hát thật to thật vang lên bài hát “Xin Vâng”, nhất là trong ngày lễ Giáng Sinh, nhưng trong cuộc sống của họ thì tiếng xin vâng của họ rất tương phản với tiếng xin vâng mà họ ca tụng Đức Mẹ Ma-ri-a. Họ xin vâng theo kiểu: tôi là mẹ của Chúa nên tôi xin vâng, có nghĩa là nếu công việc ấy hợp với tôi, có lợi cho tôi nên tôi xin vâng, còn nếu không thì xin miễn bàn...

Với những thái độ ấy, họ đã đóng bít cửa tâm hồn của mình và chưa học được nơi Đức Mẹ hai chữ xin vâng chân thật để mở đường cho Con Thiên Chúa làm người trong mỗi một tâm hồn của con người, hơn thế nữa họ đã làm một bức tường kiên cố ngăn chận giữa Thiên Chúa và những con người thiện tâm.

Cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa làm người bằng chính sự khiêm tốn của chính mình: khiêm tốn trong phục vụ, khiêm tốn trong lời nói, khiêm tốn trong cuộc sống đời thường; cùng với Đức Mẹ, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa giáng trần bằng sự hy sinh của mỗi người: hy sinh trong cách sống, hy sinh trong phục vụ, hy sinh trong cuộc sống đời thường của mình.

Cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa đến bằng đời sống vui tươi của mình: vui tươi trong lo âu, vui tươi khi bị hiểu lầm, vui tươi khi bị khinh chê, vui tươi khi bị mắng vốn. Bởi vì chính Đức Mẹ Ma-ri-a đã dùng tất cả những điều ấy để mở đường cho Thiên Chúa làm người trong hai tiếng Xin Vâng của Mẹ.

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật IV Mùa Vọng mời gọi mỗi một người Ki-tô sống noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a trong chính bổn phận của mình, bổn phận của tôi là linh mục, tiếng xin vâng của tôi chắc chắn sẽ khác hẳn với tiếng xin vâng của giáo hữu, bởi vì hơn ai hết tôi chính là Đức Mẹ Ma-ri-a thứ hai đã làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, nên tôi cần phải khiêm tốn thẳm sâu để đền đáp ơn trọng mà Thiên Chúa đã ban cho tôi đó là thiên chức linh mục; do đó, mà không những trong khi tế lễ trên bàn thờ, mà ngay cả trong cuộc sống đời thường, tôi cần phải khiêm tốn trong cung cách ăn ở của tôi, để tiếng xin vâng của tôi trở thành công cụ phát quang, mở đường cho Chúa đến trong mọi tâm hồn tín hữu.

Tôi là một nữ tu của Chúa, tôi hiểu rất rõ tiếng xin vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a cho nên tôi đã trở thành nữ tu để noi gương Mẹ, đi phục vụ người anh em chị em của tôi, do đó mà tiếng xin vâng của tôi phải cùng cung điệu với tiếng xin vâng đầy khiêm tốn của Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi nếu tôi không khiêm tốn thì tôi sẽ trở thành một tảng đá lớn cản đường không cho mọi người đến cùng Chúa, và tất cả những gì tôi làm gọi là phục vụ ấy, sẽ trở nên giả hình trước mặt nhân loại.

Chúa nhật IV mùa vọng, là tiếng đáp xin vâng của mỗi người tín hữu, hối thúc Thiên Chúa mau đến để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sa tan và tội lỗi.

Với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta cùng mở đường cho Chúa bằng hai tiếng xin vâng trong mỗi giây phút của cuộc đời mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info