CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 23,1-12

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời: Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.


ĐẠI DIỆN ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA

Nữ văn sĩ Công Giáo người Mỹ Flannery O’Connor (1925-1964) có kể câu chuyện cảm động về một cặp vợ chồng mang tên Parker và Ruth như sau. Ruth thường xuyên càu nhàu thói khô khan đạo nghĩa của chồng, đồng thời tỏ ra không ưa những vết xâm trên mình anh. Ngày nọ, trong nỗ lực cải thiện mối liên hệ với vợ, Parker quyết định xâm hình Chúa Giê-su to tướng trên lưng mình. Khi anh trở về nhà giơ lưng cho Ruth xem, nàng làm lơ như chẳng nhận ra gì cả. Parker liền nói : “Em có biết ai đây không? Chính Người, Chúa đó!” Ruth gầm lên dữ tợn : “Chúa nào mà giống thế ! Có ai thấy được mặt Người đâu”. Parker lầu bầu: “Ôi ! Nhưng đây chỉ là một hình ảnh”. Ruth thét lên : “Đồ thờ ngẫu tượng !” Nói đoạn nàng chộp ngay chiếc chổi quất tàn bạo lên lưng Parker. Parker lặng lẽ ngồi đó để cho vợ mình quất, mãi đến khi anh hầu như mất hết cảm giác và có những đường lằn to lớn in lên chiếc lưng xâm hình Chúa Giê-su. Đoạn anh lảo đảo đứng lên và bị xô ra cửa. Dựa người vào một cây hồ đào, Parker khóc như đứa con nít. Anh khóc không phải vì trận đòn man rợ mà chính là vì nhận thấy mình không còn cách nào làm đẹp lòng mụ vợ luôn tự mãn về sự công chính của mụ ta.

1. Đừng giả hình kiêu căng như Pha-ri-sêu (Biệt phái).

Bản văn này, đề cập đến thói kiêu căng tự mãn và phản diện của nó là khiêm tốn phục vụ, thuộc một trong số những cuộc tranh luận dữ dội giữa Đức Giê-su với giáo quyền Giê-ru-sa-lem. Cuộc Khổ nạn đến gần, và ta biết thái độ từ khước của thân hào nhân sĩ thủ đô đã là một trong những nguyên nhân khiến Đức Giê-su phải chết. Tuy nhiên, điều đó chẳng muốn nói rằng mọi thành viên Pha-ri-sêu (Biệt phái) đều đã đáng lên án cả. Và nhất là điều đó không được nuôi dưỡng một cuộc luận chiến chống Do-thái. Vì dù sao, chúng ta vẫn nhận thấy trong câu đầu tiên của Người, Đức Giê-su khuyên “Hãy làm, hãy giữ những gì các kinh sư và các người Pha-ri-sêu dạy”: thành thử Người thừa nhận họ là đại diện của Thiên Chúa, có thẩm quyền trong việc giảng dạy Lề luật Mô-sê. Đức Giê-su chẳng phê bình giáo lý và các nguyên tắc của họ : Người buộc ta áp dụng các nguyên tắc này ! Nhưng dẫu công nhận lý tưởng rất đòi hỏi của Biệt phái, Người vẫn trách họ ở chỗ không đem nó ra thực thi. Thành thử hết sức vô lý khi đoạt lấy tư tưởng của Đức Giê-su để biện minh cho thái độ “lơ là” trên phương diện hành đạo. Ta vẫn còn nghe lối tự bào chữa dễ dãi này: “Tôi không đi lễ, vì Ki-tô hữu chả tốt hơn những người khác… đó toàn là Biệt phái cả!” Phần Đức Giê-su, Người không chỉ trích Biệt phái vì đã “quá đỗi thực hành” nhưng vì “không thực hành đủ” lý tưởng của họ.

“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”. Chúng ta gặp lại ở đây một trong những nét nổi bật của Đức Giê-su : bênh vực kẻ bé mọn, nghèo hèn, yếu đuối. Các kinh sư đều là những nhà thông thái. Thời nay thiên hạ sẽ gọi họ là bậc trí thức, chuyên gia Thánh Kinh. Pha-ri-sêu thì đúng ra là những kẻ sốt sắng nhiệt thành. Ngày nay thiên hạ sẽ gọi họ là những chiến sĩ, những người dấn thân trong việc biến đổi xã hội. Nguy cơ lớn lao của hạng thông thái và quảng đại, đó là trở nên rất đòi hỏi đối với tha nhân… nhưng lại áp dụng bề ngoài các đại nguyên tắc mình dạy dỗ, thay vì tự kiểm điểm đời sống. Cải tạo người khác bao giờ cũng dễ hơn cải hóa chính mình. Tân linh mục ngày chịu chức được vị chủ phong nhắc nhở : “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”.

“Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài”. Đây là những hộp nhỏ chứa đựng các bản văn KT mà người ta dùng dây cột vào trán hay vào cổ tay : một cách nhớ lại lời Thiên Chúa (x. Xh 13,9-16; Đnl 6,8; 11,18). Các tua áo (đính thêm vào gấu áo) cũng là một cách nhắc mình đừng quên các giới răn (x. Ds 15,37tt; Đnl 22,12). Các tập tục này gần giống thói quen mang trên người huy chương, vòng cổ, nhẫn vàng hiện tại. Đức Giê-su không kết án chính các tập tục đó. Người cũng từng mang tua áo như ai (x. Mt 9,20; 14,36). Nhưng ở đây Người tấn công thói hư vinh tôn giáo : khoe các việc đạo đức của mình. Người ta tìm cách để được chú ý, muốn mình nên nổi bật. Chạy theo vinh quang danh dự, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, phô trương những thứ phù phiếm… là thói xấu của mọi thời. Và thời nào có cách nấy.

2. Hãy khiêm tốn phục vụ xứng môn đồ.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy…” Kiểu nói này cho thấy Đức Giê-su, hơn các Biệt phái đương thời, nhắm môn đồ mình thật sự. Thay vì luôn áp dụng Tin Mừng cho người khác, kết án những nhà giảng thuyết “nói mà không làm… đặt gánh nặng trên vai giáo hữu…” chẳng hạn, ở đây chúng ta được nhắc nhớ trở lại với chính mình : “Phần anh em, chớ bắt thiên hạ cho mình những danh tước, đặc quyền, lợi lộc”. “Vì anh em chỉ có một Thầy…”. Đức Giê-su kết án tham vọng của chúng ta muốn có danh vị là người nắm giữ giáo thuyết đúng đắn. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giảng dạy chân lý tuyệt đối thôi. Phần chúng ta thì chỉ hãy cố gắng tiến đến đó ngần nào có thể. “Còn tất cả anh em là anh em với nhau!” : công thức vắn gọn, đòi hỏi sự bình đẳng sâu xa giữa mọi Ki-tô hữu. Một lần nữa, tôi phải áp dụng cho mình các lời này : tôi đang có khuynh hướng muốn thống trị ai? có khuynh hướng muốn khinh bỉ, phê phán người nào?

“Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời”. Mỗi lần truyền dạy chúng ta những thái độ thuộc lãnh vực luân lý (làm điều này… tránh điều kia), Đức Giê-su bao giờ cũng lấy những xác tín làm nền tảng cho cái thái độ ấy. Ở đây, đòi hỏi bình đẳng huynh đệ bắt nguồn từ việc chúng ta lệ thuộc Cha trên trời. Đức Giê-su không đòi chúng ta loại bỏ mọi tôn ti, quyền bính, mọi chức phận cha thầy, chẳng bảo chúng ta gọi những bậc sinh thành hay giáo dục bằng danh hiệu “đồng chí thân sinh”, “đồng chí giáo sư”, đâu cấm các môn đệ thi hành thừa tác vụ đại diện TC, dạy bảo huấn luyện tín hữu ! Người chỉ yêu cầu là không một phẩm trật, một quyền bính, một chức phận nào được chiếm chỗ TC, không ai được phép giành lấy một quyền hành chỉ thuộc về Người và Cha thiên quốc, chẳng “thế phẩm” chi được thay chân Đấng “duy nhất” cứu rỗi được con người. Vâng, việc gặp gỡ tình yêu của Cha trên trời thật quan trọng đối với Đức Giê-su đến độ Người coi mọi màn chắn, thế phẩm đều gây nên những thiệt hại lớn lao.

Lời cảnh giác trên còn được lặp lại dưới hình thức khác : “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô”. Qua các công thức này, chúng ta khám phá ra chính bản chất của việc giáo dục. “Ông thầy” đích thực không phải là người lôi kéo đến mình, nhưng là người dẫn tới chân lý. Nhà giáo dục Ki-tô giáo, theo một nghĩa còn sâu xa hơn, chỉ dạy dỗ thành công thật sự khi đã có thể dẫn học trò đến chỗ liên hệ trực tiếp với Đức Giê-su. Trách nhiệm kinh khủng nhưng tuyệt vời của cha mẹ, nhà giáo và linh mục là một ngày nào đó khiến môn sinh quên mình là “thầy”, vì chúng đã tìm được vị Thầy duy nhất đáng học tập. Cuối cùng, một nền giáo lý chỉ thực sự đạt đích nếu dẫn học viên đến chỗ tự mình cầu nguyện, tự mình gặp gỡ Thiên Chúa. Nhà giáo dục phải luôn nhớ mình có bổn phận thi hành chức năng với tinh thần phục vụ; đó mới là đại diện đích thực của Thiên Chúa và mới là sự cao cả của mình : “Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm đầy tớ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.