CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A :

Mt 16,21-27
Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.




MẤT ĐỂ ĐƯỢC

1. Chớ hóa thành Xa-tan cản lối

Trang Tin Mừng hôm nay nối tiếp Chúa nhật tuần trước. Nhân danh nhóm Tông đồ, Phê-rô đã công nhận Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a hay “Ki-tô”. Và lúc đó ông được tuyên bố là “có phúc” vì đã được Thiên Chúa thương “mạc khải” như vậy. Rồi Đức Giê-su giao cho ông sứ mạng làm Đá tảng trên đó Người sẽ xây Giáo hội mình ! Nhưng khi kết thúc lời hứa vĩ đại này, Đức Giê-su đã bảo các môn đồ “chớ nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô”. Tại sao buộc giữ bí mật như thế? Phần tiếp trình thuật, mà chúng ta suy niệm hôm nay, sẽ cho thấy đó là Phê-rô lẫn bạn bè ông đã quan niệm lệch lạc về thân thế lẫn sứ mạng Đức Giê-su… và cần phải được điều chỉnh.

Đức Giê-su nói cho môn đệ biết Người sẽ “phải đi” Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ, theo ý định mầu nhiệm của Cha, kế hoạch khôn dò của Thiên Chúa. Người biết các biến cố đau thương sắp xảy tới không thoát ra khỏi chủ quyền tối thượng của Cha. Vâng ý Cha là khẳng định chính Thiên Chúa sẽ có tiếng nói sau cùng, chứ không phải là sự dữ đang nghiền nát chúng ta trong hiện tại. Loan báo cuộc Khổ nạn của mình ba lần (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19), Đức Giê-su như thế đã sống từng tuần một với tư tưởng về cái chết. Lúc đó Người khoảng 30 tuổi. Sứ vụ của Người, dẫu quan trọng đến đâu, cũng sắp kết thúc một cách dữ dằn. Dưới mắt loài người, đó là thất bại, là chấm dứt tất cả. Đâu cần phải là thầy bói mới biết trước một vài cái “hạn” không thể tránh. Đức Giê-su đã thấy các giới chức mỗi lúc thêm căm ghét mình và dân chúng tuần tự bỏ đi cả. Người phân tích rất kỹ sự chống đối ấy, vốn phát triển và lan khắp Giê-ru-sa-lem : “kỳ mục, thượng tế và kinh sư…”, mọi thân hào nhân sĩ lãnh đạo. Thế mà bây giờ Người cố ý đi lên đó.

Phê-rô can gián lập tức. Nhưng ông liền bị kết án là “tên cám dỗ”: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy!” Mới được phong lên giáo hoàng, Phê-rô bị giáng ngay thành quỷ dữ. Đúng như lời Napoléon: “Vinh quang và ô nhục chỉ cách nhau có một bước”. Hay nói theo kiểu Việt Nam: “Lên voi xuống chó” ngay liền. Qua phản ứng này của Đức Giê-su, ta đoán ra Người đã cảm thấy trong chính xác thịt mình mối ghê tởm khủng khiếp như ta trước tất cả những gì trái ngược với bản năng, với các khao khát triển nở nơi con người. Cái mà Phê-rô đề nghị, tức thoát khỏi thập giá, Đức Giê-su cũng cảm thấy ước muốn. “Nếu có thể được thì xin cất chén này xa khỏi con”. Cảnh hấp hối (hay chiến đấu) ở vườn Ghet-sê-ma-ni không phải là một biến cố thoáng qua đơn lẻ: lắm phen trong đời mình, Đức Giê-su đã cảm thấy gớm ghét đau khổ… và đã từng bị cám dỗ bất tuân các ý định khôn dò của Cha: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội… Người đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết… Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 4,15; 5,7-8). Ở đây, Đức Giê-su đã thấy vâng phục khó khăn như thế nào. Câu đáp xem ra tàn nhẫn của Người cho thấy cám dỗ mạnh biết bao nhiêu.

Nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng được vì không ngớt ngước con mắt linh hồn lên Thiên Chúa: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Thiên Chúa thấy mọi sự khác với chúng ta. Trong các hoàn cảnh bắt buộc phải sống, chúng ta được mời gọi vượt quá “quan điểm con người” để chấp nhận “quan điểm Thiên Chúa “. Thời đại của chúng ta, hơn bao giờ hết, đang bị cám dỗ “giản lược” chính các vấn đề đức tin thành những cách thế suy tư kiểu con người. Hết thảy những gì vượt quá lý trí con người không dễ được chấp nhận. Nếu thế, sẽ đi đến chỗ cấm Thiên Chúa là Thiên Chúa! Người phải nên như chúng ta, phải khuôn theo tư tưởng của chúng ta… Nhưng lúc đó ta sẽ chỉ có một Thiên Chúa theo kích cỡ mình và hình ảnh mình… một Thiên Chúa do ta phát minh sáng tạo!

2. Một nên như môn đệ bước theo.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Tất cả não trạng hiện thời bao quanh ta và thấm nhiễm các phản ứng của ta, đều đề cao triển nở, lạc thú, tự do, sáng tạo, hưởng thụ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sồng sộc nó thì theo sau!” Đức Giê-su đưa ra một lôgích (lý luận) hoàn toàn khác. Lôgích của thập giá! Lôgích của tình yêu! Hoàn toàn trái ngược với hết thảy những gì thế gian đề nghị: “Phải từ bỏ chính mình”. Không thể yêu thật nếu không có bỏ mình. Và chỉ cần gợi lên một vài hoàn cảnh đau thương trong đó tình yêu gặp nguy cơ, thì sẽ hiểu yêu không phải dễ: tha thứ cho một kẻ thù, can đảm “bênh vực Chúa Giê-su” trong môi trường chống tôn giáo, lên tiếng đòi công lý cho những ai bị chà đạp nhân quyền, dạn dĩ công bố sự thật, trung thành yêu mến người phối ngẫu, tiếp tục phục vụ đám trẻ xem ra chế nhạo bạn, duy trì ý thức chia sẻ đang khi tất cả đều khuyến khích ta tích lũy hay tiêu pha cho mình, vẫn làm ăn lương thiện khi các quy luật kinh tế hay chính trị trở nên luật rừng trong đó người yếu bị kẻ mạnh đè bẹp. Muốn yêu thực, phải chấp nhận trả giá.

Như Phê-rô lúc ấy, chúng ta cũng bị cám dỗ “mài nhẵn” Tin Mừng, muốn Tin Mừng là đường thay vì là muối. Có lắm người, đặc biệt là giới trẻ, bị bản thân Đức Giê-su thu hút; họ phóng chiếu vào Người tất cả mọi giấc mơ của họ về tình huynh đệ, công bằng, tự do… Nhưng này Đức Giê-su yêu cầu họ “từ bỏ bản thân để theo Người”, cùng Người leo núi cao theo bước Người hướng dẫn. Người đi trước và sẽ bỏ mình hoàn toàn. Người lặp lại với họ mỗi Thánh lễ “phải thí mạng và đổ máu”… Thế là chẳng còn mấy ai muốn theo Người nữa.

Nhưng “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ý kiến ngược đời của Đức Giê-su là đó: phải “mất” để “được”. Một công thức điên rồ, vốn sẽ chỉ sáng tỏ thật trong cuộc Phục sinh. Vì bất chấp vẻ bên ngoài, đây không phải là thái độ khổ dục hay bệnh hoạn: Đức Giê-su đâu có đòi chúng ta phải thích khổ đau hay từ bỏ… Người gợi ý cho chúng ta yêu mến đến cùng, sống thật viên mãn, đạt được điều chủ yếu. Và gợi ý của Đức Giê-su, bất chấp dáng vẻ bên ngoài, chẳng có gì phi nhân cả: “Con có yêu Ta đến độ bỏ mình được không? Nếu không, đừng nói với Ta về tình yêu, tình yêu nhân loại lẫn tình yêu Thiên Chúa !” Tình yêu, sự thật và hy sinh là ba cái chẳng bao giờ rời nhau cả. Không, Đức Giê-su đâu có lỗi thời. Người không ngừng nói với thế giới cái mà thế giới cần hơn cả. Vì đây là chuyện thành công, thành công trọn vẹn và dứt khoát. Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu nhiều đau khổ, bị giết chết nhưng sẽ… phục sinh ở đó ngày thứ ba. Chính chiến thắng ở cuối con đường chông gai này.

Đây là điều đã được ba Thánh tử đạo Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839), Nicôla Bùi Đức Thể (1792-1839) và Đôminicô Đinh Đạt (1803-1839) hiểu rõ và thể hiện trong đời mình. Hồi ấy (5-1838), tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh ra tay bắt đạo rất dữ. Một hôm, ông tổ chức đại tiệc chiêu đãi mọi binh sĩ Công Giáo. Tiệc tàn, ông cho mời hết thảy vào dinh, có bày sẵn những dụng cụ tra tấn, để thử lòng họ. Tiếc thay trong số 500 người, chỉ có 15 anh em trung kiên và tức khắc họ bị tống giam vào ngục. Mấy ngày tiếp, sau những trận đòn chí tử, chỉ còn lại 9, rồi 5, cuối cùng còn 3 ông Huy, Thể, Đạt. Tuy nhiên, khi quan cho tập trung kỳ mục làng Hạ Linh, Kiên Trung, Phú Nhai đến và đánh đập họ trước mặt các ông, cả ba thấy động lòng nên cũng bước qua Thánh giá, bỏ cuộc.

Thế nhưng ba người lính được tự do trở về lại thấy lương tâm cắn rứt. Việc bỏ đạo của những kẻ cuối cùng trong đám binh sĩ trở thành tin buồn lớn lao cho tập thể tín hữu đã hy sinh và cầu nguyện mỗi ngày cho họ. Thế là sau khi xưng tội, ba ông lên tỉnh xưng đạo lần nữa. Quan Tổng đốc chỉ ra lệnh đánh đòn và đuổi khỏi dinh, không tiếp. Quyết tuyên xưng đức tin, cả ba viết một lá đơn cho vua, rồi vào Huế để dâng trình. Ông Đạt bận việc quân nên chỉ ông Huy và Thể khăn gói vào kinh đô. Theo thủ tục, ba ông đến nộp đơn ở tòa Tam Pháp. Các quan nhận đơn nhưng chẳng trình lên vua. Sau lá đơn thứ hai mà vẫn không động tĩnh, hai ông tính đến một kế hoạch táo bạo. Nhân dịp Minh Mạng ngự giá đi dạo trong thành phố, hai vị đón đường để trình đơn thẳng lên vua. Đọc xong, vua nổi giận truyền tống giam cả hai vị. Bị tra khảo đánh đập, hai chứng nhân vẫn một lòng. Sau đó quan cho bày trước mặt hai ông mười nén vàng, một tượng Chúa chịu nạn và một thanh gươm rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Hai ông bày tỏ ý muốn chọn gươm.

Ngày 13-6-1839, lính điệu 2 chứng nhân ra cửa Thuận An thi hành án lệnh. Chèo thuyền ra khơi, họ chặt đầu các vị rồi bổ thân làm 4, ném xuống biển. Phần ông Đinh Đạt, sau khi hay tin 2 bạn đã bị hành hình, cũng từ giã bà con lên tỉnh xưng đạo. Tổng đốc bảo ông: “Hai bạn ngươi vì cuồng tín không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn hồn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con”. Ông thưa: “Tôi đã chịu lắm cực hình vì đức tin, nay xin sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc lớn, nay quan cứ chém tôi làm 8 khúc cũng được”. Biết có đe dọa cũng bất thành, quan liền lập án gởi về kinh xin xử giảo.