50 NĂM TRẠI ĐỊNH CƯ AN HIỆP, BẾN TRE

Giới thiệu: Chúng tôi vừa nhận được tập kỉ yếu Họ Đạo An Hiệp Mừng Kỷ Niệm 50 Năm từ Việt Nam gửi sang. Tập kỉ yếu dầy 40 trang, chia ra 2 phần. Phần 1 là sơ lược lịch sử hình thành và phát triển; sơ lược về tình hình nhân sự: các linh mục tu sĩ đã về phục vụ tại đây, các linh mục tu sĩ xuất thân từ đây, các giáo dân ưu tú được bầu chọn phục vụ trong các Hội đồng mục vụ xưa nay. Phần 2 là những bài thánh ca chọn lọc cho Thánh lễ tạ ơn. Chúng tôi sẽ gửi tới qúy độc giả nguyên văn phần 1 của tập kỉ yếu họ đạo An Hiệp, Bến Tre để khắp nơi xa gần cùng ‘thông công’ và tỏ tình anh em một nhà trong Giáo Hội. Ước mong chúng tôi sẽ còn được giới thiệu tới độc giả nhiều tập kỉ yếu khác nữa.

Họ đạo An Hiệp chính là trại định cư An Hiệp của đồng bào miền Bắc di cư, thành lập từ 1955. Trại nằm sát tỉnh lộ 884, thuộc ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa). Tập kỉ yếu chú trọng về sinh hoạt tôn giáo của họ đạo, song trong đó cũng cho độc giả thấy đại cương lịch sử thành lập và những thành quả tốt đẹp của một trại định cư điển hình,thuộc loại nhỏ trong số gần 300 trăm trại định cư (tính đến ngày 30/10/1955 là 255 trại, tới ngày 10/11/1956 là 286 trại).

Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, ngót một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Một số đồng bào di cư là giáo dân gốc giáo phận Phát Diệm đã theo linh mục Phạm Bá Nha đi định cư tại Đốc Vàng, Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang). Sau một thời gian ngắn, thấy không thích hợp, linh mục Phạm Bá Nha đã đưa đồng bào về lập trại định cư tại An Hiệp, tỉnh Bến Tre tức là họ đạo An Hiệp ngày nay. Khi mới di chuyển về đây, đồng bào dựng lên những túp lều tranh vách đất để tạm trú. Sau đó, được Phủ Tổng Ủy Di Cư yểm trợ, linh mục Phạm Bá Nha và các cộng sự viên đắc lực là các ông Nguyễn Thượng Chất, Nguyễn Đình Phùng đã thiết lập họa đồ xây dựng trại định cư tọa lạc trên thửa đất ven lộ rộng 10 hecta. Từ họa đồ thiết kế đã xây dựng được một trang trại kiểu mẫu, vuông vức, hài hoà. Phần dân cư nằm sát và song song với tỉnh lộ là các dẫy nhà gỗ cây dầu, cách nhau bằng những kênh dẫn nước nhỏ. Chung quanh và ở chính giữa trại là những con lộ rộng rãi hai bên trồng dừa rất đẹp mắt. Phần bên trong của trại: nằm chính giữa là giáo đường; nhìn từ tỉnh lộ vào, bên phải là trường học, trường dậy nghề, bên trái là nhà riêng của các linh mục và tu sĩ. Ngay từ đầu trại có thầy giáo Toàn và y tá Lương đều là Phật tử. Đồng bào An Hiệp hầu hết vốn là nông dân, tới đây, họ khai hoang và canh tác khu đồng sình lầy, lau lác nằm giữa trại và ‘rừng dừa’ Tường Đa. Nghĩa trang của trại đặt trên cánh đồng này, cách khu dân cư khoảng 1 cây số.

Sau khi việc xây dựng trại định cư hoàn tất, linh mục Phạm Bá Nha trở về thuần túy lo việc đạo, đồng bào trại định cư An Hiệp thuộc quyền quản trị của xã ấp địa phương. Về phương diện tôn giáo, trại định cư An Hiệp trở thành một họ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long. Nói chung miền đất này của tỉnh Bến Tre (Kiến Hoà) tương đối nghèo, cho nên đời sống vật chất của đồng bào An Hiệp cũng đạm bạc, nhưng bù lại nơi đây vẫn giữ được nền nếp đạo đức tốt đẹp, mọi người sống trong an hoà, hiệp nhất. Tất cả những thành quả tốt đẹp trên đây đã khiến cho An Hiệp được bầu chọn là Xã Văn Hoá của tỉnh Bến Tre hiện nay. Mỗi khi có phái đoàn khách nước ngoài tới tỉnh Bến tre, muốn đi thăm một xã ấp, chính quyền tỉnh thường hướng dẫn đoàn tới thăm họ đạo An Hiệp thuộc ấp Thuận Điền, xã An Hiệp.

Ngày 28 tháng 2 năm 1975, linh mục Phạm Bá Nha qua đời tại họ đạo do ông có công sáng lập. Đồng bào trong họ đạo, già trẻ lớn bé, đều đội khăn tang khóc thương ông, nhớ ơn ông, coi ông như vị cha già khả kính đã đẫn dắt họ ngay từ khi mới chân ướt chân ráo di cư từ Bắc vô Nam. Họ đạo đã an táng vị cha già của họ ngay cạnh giáo đường để hàng ngày sớm tối khi tới giáo đường cầu kinh, giáo dân còn thấy vị Cha già như vẫn còn đâu đây, chưa nỡ rời bỏ con cái.

Rồi từ nơi xa xôi hẻo lánh này, có những người con An Hiệp đã ra đi, đã thành đạt trong nhiều lãnh vực và tuy cách xa nhưng vẫn mãi mãi nhớ về An Hiệp nhỏ bé nhưng muôn vàn mến thương với bao kỉ niệm không phai mờ. (Trần Vinh giới thiệu)


HỌ ĐẠO AN HIỆP MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1955-2005)

A.Lược sử hình thành và phát triển

1. Tình hình chung: Họ đạo An Hiệp thuộc hạt Bình Đại (hạt là đơn vị tôn giáo) giáo phận Vĩnh Long, tọa lạc gần cầu An Hiệp trên tỉnh lộ 884 thuộc ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre.

Họ đạo hiện nay gồm có 1 linh mục, 6 nữ tu, 8 quý chức, 1550 giáo dân trong 310 hộ. Giáo dân đa phần sống về nghề nông. Nghề phụ: dệt chiếu, chăn nuôi và buôn bán.

2. Hình thành và phát triển: Họ đạo An Hiệp được thành lập 50 năm qua, một thời gian không thể nói là ngắn, nhưng cũng chưa quá dài trong lịch sử của một họ đạo. Thế nhưng có thể nói họ đạo An Hiệp đã trưởng thành, trưởng thành trong gian nan, và thử thách. Kỷ niệm 50 năm cũng là dịp để mọi người nhìn lại mình trong quá khứ. Đồng thời có những định hướng lâu dài cho việc tiếp tục phát triển họ đạo trong giai đoạn mới.

Vào năm 1955, một số giáo dân khoảng 1300 người di cư thuộc gốc xứ Phúc Hải, Hiếu Thuận, Phúc Nhạc, Như Sơn, Quân Triêm... cùng với cha cố Antôn Phạm Bá Nha từ Đốc Vàng, Long Xuyên (điểm dừng chân khi mới từ miền Bắc vào) đến định cư trên miền đất này. Nơi đây là một cánh đồng hoang vu, lau sậy um tùm, cảnh vật vắng vẻ không một bóng người qua lại, khiến những người mới đến cảm thấy hoang mang, lo lắng và sợ sệt. Nhưng cha già cố Antôn cùng các cộng sự viên lược thảo kế hoạch động viên bà con giáo dân khẩn trương khởi công: phát cỏ, đốn cây, san lấp mặt bằng, đào ao, đắp nền nhà, phân chia đất làm khu thánh đường, nhà xứ, nhà trường, khu dân cư trên diện tích 10 hecta.

Địa danh An Hiệp đã được đặt cho tên gọi của họ đạo để bầy tỏ lòng biết ơn của Cha cố Antôn cũng như của giáo dân đối với vùng đất đã cưu mang mình. Ngoài ý nghĩa cao đẹp trên, Ngài còn muốn nhắc nhớ con chiên bổn đạo phải biết sống An hoà, Hiệp nhất với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau trong tình thương của Chúa Kitô.

Năm 1958, sau khi cất truờng học, nhà ở cho bà con giáo dân xong, Cha cố Antôn mới lo cất nhà thờ họ đạo An Hiệp, vì hoàn cảnh lúc ấy nhà thờ chỉ được xây dựng bằng những vật liệu thô sơ cây tre lá mà thôi.

Năm 1970 Cha cố Antôn cho xây lại nhà thờ, nhà trường khang trang bằng vật liệu bán kiên cố. Riêng khu nhà xứ vẫn giữ nguyên hình: nhà cây đơn sơ như thuở nào.. Năn 1998, nhà thờ, trường học, nhà xứ xuống cấp trầm trọng. Cha Phêrô Phạm Văn Thuyết, phụ trách họ đạo An Hiệp, dưới sự hỗ trợ của cha sở Phaolô Khổng Đức Ý, đã tôn tạo lại nhà thờ, trường học, nhà xứ khang trang như ngày nay.

B. Về Nhân Sự

1.Các linh mục phục vụ họ đạo:

Trước hết phải nói đến các linh mục đã phục vụ họ đạo. Họ đạo không thể tồn tại, phát triển nếu không có sự hiện diện, hướng dẫn chăm sóc của các linh mục.

a/ Cha cố Antôn Phạm Bá Nha (phục vụ họ đạo từ năm 1955 đến 1975): Ngài là vị sáng lập họ đạo, cả đời linh mục ngài đều dành cho con chiên bổn đạo. Hai mươi năm gắn bó với họ đạo, ngài luôn luôn hòa mình với mọi người, chăm lo việc tông đồ, luôn quan tâm và giúp đỡ những người nghèo khổ không phân biệt lương giáo. Ngài đặc biệt quan tâm và lo cho giới trẻ được học hành đến nơi, đến chốn: khi mới lập trại là ngài đã lo mở trường học từ mẫu giáo đến tiểu học. Năm 1959, ngài mở thêm trường trung học bán công Bác ái tại thị xã Bến Tre từ đệ 1 đến đệ 2 cấp, hầu giúp các học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục học đi lên. Các học sinh họ đạo An Hiệp đa số được miễm giảm học phí. Ngài sống đời sống vô cùng giản dị: từ nơi ở, chỗ làm việc đến cách ăn mặc đều đơn sơ mộc mạc khiến nhiều người mến phục. Ngài thật xứng đáng là một vị chủ chăn gương mẫu theo gương Chúa Kitô biết ‘hiến mạng sống mình vì đoàn chiên’.

Thật ra, cha chẳng cần được tôn vinh qua những dòng chữ giấy mực hôm nay nhân ngày kỷ niệm 50 năm thành lập họ đạo mà cha đã gầy dựng, vì những dòng chữ được viết bằng con tim, khối óc của trăm vạn người thương cha cùng với những giọt nước mắt mặn nồng khóc thương cha đã quá đủ để tôn vinh cha. Vậy đúng hơn là những gì viết đây là để viết và nói cho chúng con, cho đàn em chúng con, cho con cháu chúng con và mọi người mãi mãi nhớ công ơn trời bể của cha và luôn nhớ rằng mình có một người cha chung, rất đáng kính yêu, một người cha yêu họ đạo, yêu mọi người đến hơi thở cuối cùng. Vậy để đền đáp phần nào công ơn của cha cố Antôn, thiết tưởng, một cách cụ thể nhất là thực thi lời trối của cha: ‘Các con hãy yêu thương và tha thứ cho nhau’.

Ngay sau những ngày đau đớn nhiều bệnh tật ngài đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 28/2/1975. Nay thấm thoát đã được 30 năm nhưng ngài vẫn như luôn đang sống trong lòng mọi người dân An Hiệp.

b/ Cha Giuse Nguyễn Văn Bút: Sinh năm 1930. Thụ phong linh mục ngày 23/3/1958. Được bổ nhiệm làm cha phó họ đạo An Hiệp từ năm 1955 đến 1961. Sau đó được thuyên chuyển đi nơi khác.

Năm 1974 cha cố Antôn lâm bện nặng, Đức Giám mục lại bổ nhiệm ngài về phụ giúp, săn sóc cho cha cố Antôn. Tháng 4/1975, ngài được bổ nhiệm làm cha sở An Hiệp thay cha cố Antôn đã từ trần. (Hai năm sau ngày 30/4/1975, linh mục Nguyễn Văn Bút bị bắt vì tội tình nghi ‘biết có bổn đạo hoạt động chống cách mạng mà không tố cáo’, án tù cải tạo 18 năm, sau xử lại còn tù 16 năm. Người giới thiệu ghi chú).

Cuối năm 1992, vì sức khỏe kém ngài xin về ở nhà hưu dưỡng Phát Diệm, Xóm Mới. Hiện nay ngài đang phục vụ ở giáo xứ Vườn Xoài, TP HCM.

Trong thời gian ngài ở họ đạo An Hiệp, ngài luôn luôn quan tâm đến giới trẻ với châm ngôn: ‘Tre già măng mọc’, thường xuyên động viên, nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Đặc biệt ngài có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng, nên hội Legio Mariae được ngài hướng dẫn một cách chu đáo, làm cho tinh thần đạo đức và lòng tôn kính Đức Mẹ của họ đạo ngày càng thêm sốt sáng và ơn kêu gọi ngày càng tăng. Trong tương lai họ đạo An Hiệp sẽ có nhiều ‘măng mọc’ nối tiếp. Đó cũng là nhờ công lao hun đúc của cha Giuse Nguyễn Văn Bút và cũng nhờ hồng phúc của cha cố Antôn.

c/ Cha Phanxicô Xavier Dương Văn Mỹ (phục vụ họ đạo 1959 - 1970): Thụ phong linh mục ngày 7/3/1959. Ngày 29/7/1959 được Đức Giám Mục giáo phận Vĩnh Long bổ nhiệm phụ tá cha Antôn Phạm Bá Nha. Ngày 1/8/1959 được giao trách nhiệm làm giám đốc trường trung học bán công Bác Ái đệ I và đệ II cấp do cha cố Antôn sáng lập, cha Trần Văn Kiệm làm hiệu trưởng.

Mặc dù năm 1959 ngài mới chính thức là cha phó họ đạo An Hiệp, nhưng ngay từ đầu năm 1955 khi còn học ở Đại Chủng Viện, ngài đã thường xuyên liên hệ cha cố Antôn và họ đạo để phát lương thực, quần áo, mùng mền cho bà con mới đến. Đồng thời, liên hệ với các nơi nhận trợ cấp theo tiêu chuẩn và các ngân khoản để xây dựng trường học, nhà ở cho bà con giáo dân.

Trong thời gian cha ở An Hiệp, ngoài việc nhận trợ cấp phát cho bà con, ngài còn lo cho tương lai giới trẻ sau này có nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, bằng cách mở các lớp sửa chữa máy nổ miễn phí cho các học viên trong họ đạo. Cha Phanxicô đã có công rất lớn trong việc lo đời sống cho bà con giáo dân, công ơn của ngài rất đáng trân trọng ghi nhớ.

d/ Cha Phêrô Phạm Công Chính: Khi là thầy giúp xứ, đã giúp họ đạo được một năm. Thầy rất hăng say, năng nổ trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Sau khi chịu chức linh mục 1971, ngài lại được về tiếp tục phục vụ An Hiệp, cho đến năm 1972. Vào năm này cha cố Antôn cho xây lại nhà thờ, cha Phêrô Phạm Công Chính đã góp nhiều công sức trong việc xây dựng, ngoài việc đôn đốc công việc, ngài còn đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc mua vật liệu để xây cất nhà Chúa. Ngài đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban qúy chức và bà con giáo dân nên việc xây cất nhà thờ đã hoàn thành một cách tốt đẹp và sớm hơn dự định. Họ đạo luôn ghi nhớ công lao của cha.

e/ Cha Phêrô Phạm Hoàng Bá: ngài là linh mục dòng Donbosco. Từ năm 1975 ngài về An Hiệp để phụ giúp cha Giuse Nguyễn Văn Bút cho đến năm 1978. Trong thời gian ngài ở An Hiệp, ngài tích cực phụ giúp cha sở Giuse, phục vụ cho họ đạo, đặc biệt, ngài đã khởi động được phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, giúp các thanh thiếu niên trau dồi thêm kiến thức về nhạc lý, kỹ thuật thể dục thể thao nhất là phát huy tinh thần tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, biết sống tự lập, biết sống khiêm nhu và nhẫn nại để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Riêng ban Thánh ca, ngài đã dành nhiều thời giờ để tập luyện giúp ca đoàn phát triển mạnh mẽ về nhân sự cũng như trình độ. Thật đáng trân trọng tài năng của cha.

f/ Cha Phaolô Khổng Đức Ý: Ngày 21/12/1988 cha Phêrô Phạm Văn Thuyết được phong chức linh mục tại nhà thờ An Hiệp và Đức Giám Mục đã bổ nhiệm cha Phaolô kiêm nhiệm chánh sở An Hiệp (lúc đó cha đang là chánh sở Thành Triệu).

Trong thời gian này, từng bước ngài đã hướng dẫn cha phụ trách Phêrô Phạm Văn Thuyết và động viên bà con giáo dân cố gắng chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và Tổ quốc. Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới khu dân cư sống tốt đời đẹp đạo.

Nhìn lại bối cảnh của họ đạo An Hiệp từ 1979 - 1988 phải nhìn nhận rằng cha Phaolô là vị cứu tinh của họ đạo trong những năm tháng đen tối nhất của lịch sử họ đạo: 9 năm họ đạo vắng bóng chủ chăn. Trong thời gian này, tuy ngài chưa được phụ trách họ đạo, nhưng hàng năm ngài được phép đến cử hành Thánh lễ vào những dịp: Tết Nguyên Đán, Lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, và khi họ đạo có người qua đời. Vào những dịp sinh hoạt tôn giáo, ngài thường xuyên nhắc nhở, bà con hãy vững tin vào tình thương của Chúa, an tâm lao động sản xuất, kiên trì bám trụ cùng nhau xây dựng họ đạo, xây dựng quê hương giầu đẹp. Sống theo tinh thần trong thư chung của Hội đồng Giám Mục VN năm 1980: ‘xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô trong lòng dân tộc, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, quyết tâm gắn bó với vận mệnh quê hương thân yêu, dấn thân phục vụ xã hội, thể hiện nếp sống đúc tin phù hợp với truyền thống dân tộc với châm ngôn: kính Chúa yêu nước, tốt đời đẹp đạo’. Họ đạo An Hiệp được như ngày hôm nay là nhờ ở sự hướng dẫn khôn ngoan, tài đức của cha sở Phaolô cùng với sự hy sinh, lòng nhiệt thành và óc sáng tạo tuyệt vời của cha sở Phêrô Phạm Văn Thuyết, cùng với sự cộng tác tích cực của Ban qúy chức và bà con giáo dân trong mọi công tác.

g/ Cha Phêrô Phạm Văn Thuyết: Sinh năm 1955, là con cái của họ đạo.

Từ năm 1980 - 1988 được Đức Giám Mục sai về giúp họ đạo An Hiệp. Lúc ấy, họ đạo không có linh mục nên ngài đã gặp không ít khó khăn trong nhiệm vụ hằng ngày, nhưng với lòng kiên trì, nhẫn nại, khiêm nhu và vâng lời ngài đã vượt qua mọi thử thách.

Ngày 21/12/1988 ngài được phong chức linh mục tại nhà thờ An Hiệp do ĐGM Giacôbê Nguyễn Văn Mầu giáo phận Vĩnh Long chủ phong và giao nhiệm vụ phụ trách họ đạo An Hiệp cho đến nay.

Với 25 năm phục vụ họ đạo nơi quê nhà: 8 năm là thầy giúp xứ, 14 năm với vai trò là cha phụ trách họ đạo, 3 năm trong chức vụ cha sở.

Trong suốt thời gian nêu trên, ngài đã hy sinh hết mình để phục sự Thiên Chúa, phục vụ họ đạo: ngoài việc chính yếu lo phần rỗi cho giáo dân theo bổn phận, lo việc mở mang nước Chúa, cứu rỗi các linh hồn và tôn vinh Chúa trong khu vực trách nhiệm, ngài còn lo đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của giáo dân, từ những công trình xây dựng hệ thống nước sạch cung cấp nước hằng ngày cho bà con 24/24h trên 300 hộ với giá nước ‘tự cung tự cấp’ 1300đ/1m cộng 200đ cho việc thu rác sinh hoạt hằng ngày trong khu vực họ đạo. Kể ra một hệ thống cấp nước tinh khiết khá hiện đại cung cấp nước uống hằng ngày chẳng những cho bà con giáo dân mà còn cho cả các hộ xung quanh họ đạo với giá 100đ/1lít. Về mùa nước mặn 150đ/lít vì nước phải mua lại tư vùng nước ngọt về xử lý.

Rồi đến việc tôn tạo nhà thờ, nhà trường, nhà xứ, bêtông hóa giao thông trong khu vực họ đạo, đến công việc chỉnh trang lại khu đất thánh họ đạo. Trong mọi công trình ngài không hề kêu gọi bà con giáo dân trong họ đạo đóng góp vì họ đạo quá nghèo. Ngài lo vận động anh em bạn bè, các nhà hảo tâm giúp đỡ. Đặc biệt ngài luôn luôn tiên phong tham gia các công trình xây dựng này, không phải là chỉ huy chỉ tay 5 ngón mà ngài đã thực sự cùng với mọi người để làm với nghệ thuật tuyệt vời ‘hãy làm cho ra làm’. Vì thế các công trình đều làm trước thời gian dự định, và tiết kiệm được nhân công, đỡ tốn vật liệu mà vẫn bảo đảm đươọc chất lượng cao.

Ngài còn luôn luôn quan tâm đến giới trẻ, phong trào thiếu nhi đã được phát triển từ năm 1989 với danh hiệu Thiếu Nhi Chữ Thập Đỏ và vẫn sinh hoạt đều đặn đến nay. Ngài đã đặt vấn đề phát triển văn hóa của họ đạo lên hàng đầu, ngài thường xuyên vận động các gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho các con em học hành đến nơi đến chốn. Và ngài thường nói với các em học sinh rằng: ‘ Họ đạo mình nghèo, muốn cho họ đạo mình thoát cảnh nghèo, chỉ có con đường duy nhất là các em phải chịu khó học hành’. Và hằng năm, vào đầu mỗi năm học mới, ngài tổ chức phát thưởng cho các em học sinh xuất sắc nhất, các em học sinh nghèo hiếu học và những em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nhờ sự động viên của cha, các bậc phụ huynh đã có quan tâm đến việc học của con em mình. Ban khuyến học của họ đạo cũng đã được hình thành góp phần khuyến khích các em phấn đấu trong việc học hành để cố gắng vươn lên. Nhìn chung việc học của các con em trong họ đạo đã có những dấu hiệu đáng phấn khởi. Nhìn vào bảng thống kê của họ đạo trong thời gian qua đến nay đã có đến cả trăm em tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, trong đó: 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 3 giảng viên đại học, 2 bác sĩ, 2 dược sĩ, 12 kỹ sư và khá nhiều giáo viên.

Chẳng những thế ngài còn thường xuyên động viên bà con giáo dân tích cực hưởng ứng phong trào ‘thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư’, thực hiện chỉ thị 200 của thủ tướng chính phủ và vệ sinh môi trường nước sạch. Kết quả 100% các gia đình trong họ đạo được công nhận là gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã văn hóa An Hiệp. Nhà thờ An Hiệp được công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa đầu tiên trong tỉnh vào ngày 1/5/2000.

Vào cuối năm 2002, ngài được ĐGM Tôma Nguyễn Văn Tân giáo phận Vĩnh Long bổ nhiệm làm cha sở họ đạo An Hiệp, đỡ phần trách nhiệm với cha sở Phaolô Khổng Đức Ý đã hỗ trợ trên 14 năm qua. Với chức vụ mới ngài vẫn tiếp tục mở mang họ đạo, nhờ vậy họ đạo An Hiệp ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, góp phần giữ vững danh hiệu xã văn hóa An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Họ đạo An Hiệp hiện diện trên mảnh đất An Hiệp đã được 50 năm. Trong 50 năm họ đạo đã cống hiến cho xã hội những ngưòi con tài đức, đóng góp cho quê hương rất nhiều công sức để xây dựng cuộc sống thịnh vượng, quê hương giầu đẹp. Tạo công ăn việc làm cho bà con trong họ đạo và các vùng lân cận hàng ngàn lao động, qua các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng dừa của công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình nằm trong khu vực họ đạo. Qua các ngành nghề truyền thống lâu đời như nghề dệt chiếu nội địa, chiếu xuất khẩu, kết thảm dừa, thảm lục bình...Mà hầu hết các gia đình trong họ đạo đang tham gia sản xuất. Hằng năm họ đạo sản xuất hàng chục triệu đôi chiếu và thảm bán khắp nơi trong nước và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Và nơi đây đã dâng hiến cho giáo hội 8 linh mục, 2 đại chủng sinh, 2 dự tu, 29 tu sĩ nam nữ.

Mặc dù họ đạo có thời gian 9 năm không có linh mục phụ trách, nhưng luôn luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu trong nhà thờ và hằng ngày hai buổi sáng chiều bà con đến nhà thờ cầu kinh, tham dự Thánh lễ. Đây là một đặc ân Chúa dành cho họ đạo An Hiệp.

Song song với công việc xây dựng và phát triển họ đạo, các công tác mục vụ được tiến hành đều đặn. Họ đạo có 6 ca đoàn: ca đoàn chung của họ đạo, ca đoàn gia trưởng, ca đoàn hiền mẫu, ca đoàn giới trẻ và hai ca đoàn thiếu nhi nam và thiếu nhi nữ. Mỗi ca đoàn phụ trách hát lễ một ngày trong tuần. Từ năm 1989 đến nay hầu hết ngày nào cũng có Thánh lễ ở họ đạo, ngoài việc tham dự Thánh lễ, vào mỗi chiều thứ ba còn có giờ chầu Thánh Thể, tối thứ tư đọc kinh trước tượng đài Thánh Gia và tối thứ sáu đầu tháng có giờ chầu Thánh Thể. Đặc biệt năm 2005, Năm Thánh Thể các giờ chầu thứ sáu hàng tuần có rước Thánh Thể đến từng lô để chầu một giờ. Sau giờ chầu, có rước Thánh Thể đến từng nhà trong lô để ban phép lành.

Vào năm 2003, năm Thánh hóa Gia đình ngoài việc mời các cha về giảng nói về ý nghĩa về sự quan trọng của năm Thánh hóa Gia đình. Họ đạo còn tổ chức kiệu Đức Mẹ đến từng gia đình trong họ đạo và ở lại một ngày để các gia đình tôn vinh, chiêm ngắm và cầu xin với Đức Mẹ Nữ Vương gia đình.

Mặt khác, 50 năm qua các cha đã rửa tội cho 2252 người tại họ đạo trong đó có 250 tân tòng. Đã có 368 đôi hôn phối được cử hành tại nhà thờ này. Họ đạo đã tổ chức 3 lần Lễ tạ ơn hôn phối từ những đôi mới thành hôn đến các cụ ông cụ bà đã chung sống với nhau lâu năm. Mỗi đợt tổ chức có trên 200 gia đình tham dự. Trong 50 năm qua cũng đã có 315 tín hữu qua đời được chôn cất tại Đất thánh An Hiệp.

(Ngay mai : Các thầy về giúp họ đạo An Hiệp)