1. Tòa Bạch Ốc bác bỏ tin giả của Nga về thành phố Bakhmut

Không có xác nhận nào khẳng định người Nga được đã nắm quyền kiểm soát thành phố Bakhmut của Ukraine ở vùng Donetsk, nhưng có bằng chứng cho thấy Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục bảo vệ thành phố và giao tranh ác liệt đang diễn ra ở đó.

“Tôi không thể xác nhận thông tin báo chí đưa tin rằng người Nga đã chiếm tòa nhà hành chính. Điều tôi có thể xác nhận là người Ukraine vẫn đang chiến đấu hết mình vì Bakhmut,” Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã mô tả tình hình như trên hôm thứ Hai trong bối cảnh có những tin giả gần đây của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng giao tranh ác liệt đang diễn ra ở đó và thành phố chưa rơi vào tay quân Nga.

Đồng thời, Kirby lưu ý rằng người Nga đang cố gắng đạt được chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Theo ông, họ chỉ đơn giản là đẩy những tân binh vào hỏa lực của quân Ukraine, “cho ngay vào cối xay thịt”. Ngoài ra, đại diện Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng việc bảo vệ thành phố rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với người Ukraine.

Như đã đưa tin, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, nói rằng quân đội Nga đang mất dần sức mạnh và cố gắng che đậy bằng những thông tin giả mạo về việc “đánh chiếm” thành phố Bakhmut.

2. Lực lượng Nga 'còn rất xa' mới chiếm được Bakhmut

Ukraine cho biết các lực lượng Nga còn “rất xa” mới chiếm được thị trấn Bakhmut phía đông và giao tranh đã nổ ra xung quanh tòa nhà hành chính thành phố, nơi nhóm lính đánh thuê Wagner tuyên bố đã giương cao lá cờ Nga.

Serhiy Cherevatiy, phát ngôn viên của bộ chỉ huy quân sự miền đông, nói với Reuters qua điện thoại: “Bakhmut là của Ukraine, và họ chưa chiếm được bất cứ thứ gì và còn rất xa mới làm được điều đó”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đêm qua giao tranh ở Bakhmut là “đặc biệt nóng”.

“Tôi biết ơn những chiến binh của chúng ta đang chiến đấu gần Avdiivka, Maryinka, gần Bakhmut… Đặc biệt là Bakhmut! Hôm nay ở đó đặc biệt nóng!” ông nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình mà không giải thích thêm.

Bình luận của ông được đưa ra khi người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, cho biết quân đội của ông ta đã cắm cờ Nga trên tòa nhà hành chính của thành phố.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào từ các quan chức Ukraine rằng Bakhmut đã rơi vào tay Nga và Prigozhin trước đó đã đưa ra tuyên bố quá sớm về tiến trình quân sự của Wagner tại thành phố này.

Các lực lượng Nga trong nhiều tháng đã cố gắng bao vây và chiếm Bakhmut, một thị trấn có 70.000 dân trước cuộc xâm lược của Nga hơn một năm trước.

3. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tới Yahidne ở miền bắc Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tới Yahidne ở miền bắc Ukraine, nơi gần 400 cư dân bị giam giữ trong tầng hầm của một trường học dưới sự xâm lược của Nga trong 27 ngày trước khi họ được tự do một năm trước. Zelenskiy cho biết 11 người đã chết trong thời gian này.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck và Tổng thư ký Hội đồng Âu Châu Marija Pejčinović Burić đã tham gia chuyến thăm ngôi làng ở vùng Chernihiv. Zelenskiy cảm ơn Habeck và Burić đã tham dự.

Ông nòi rằng: “Điều quan trọng là phải nhìn thấy điều này và ở trong những tầng hầm này để hiểu nên giúp đỡ Ukraine hay tiếp tục nghĩ cách nói chuyện với Nga.”

Ông nói quân đội Nga và giới lãnh đạo đất nước, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này. Ông nói thêm:

“Sau khi chứng kiến tất cả những điều này, tôi có thể ước rằng tổng thống Nga sẽ dành những ngày còn lại của mình trong tầng hầm với một cái xô để đi vệ sinh.”

4. Blogger người Nga bị giết Vladlen Tatarsky là mục tiêu dễ dàng cho nhiều đối phương của anh ta

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư, đại diện của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là SBU, đã cho biết thêm chi tiết về Vladlen Tatarsky, người vừa bị giết tại một quán cà phê ở thành phố St. Petersburg của Nga hôm Chúa Nhật 2 Tháng Tư.

Như chúng tôi đã đưa tin, có 30 người bị thương trong vụ nổ hôm Chúa Nhật tại một quán cà phê ở St. Petersburg. Người duy nhất thiệt mạng trong vụ nổ là blogger quân sự Nga Vladlen Tatarsky.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết một người phụ nữ đẹp đã tặng Tatarsky một bức tượng nhỏ trước vụ nổ. Anh ta ngây ngất trong hào quang anh hùng, mân mê bức tượng, và khi cẩn thận gói lại thì bức tượng nổ tung giết chết anh ta.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã xác định người phụ nữ đẹp này là Darya Trepova, 26 tuổi. Cô ta đã bị FSB bắt giam. Cho đến nay, Darya Trepova phủ nhận tất cả các cáo buộc của FSB. Một số người có mặt tại hiện trường cũng cho rằng căn cứ vào hình ảnh được FSB đưa ra, có thể Darya Trepova không phải là thủ phạm.

SBU cho biết Ukraine không liên quan đến vụ giết blogger quân sự Nga Vladlen Tatarsky. Ông nhận xét rằng, số blogger quân sự Nga lên đến vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn, giết đến bao giờ cho hết. Tuy nhiên, theo đánh giá của SBU, có nhiều người Nga có thể muốn giết Vladlen Tatarsky, và anh ta là một mục tiêu khá dễ dàng.

Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, khét tiếng vì ủng hộ kịch liệt cuộc xâm lược Ukraine. Anh ta thường xuyên kêu gọi Nga tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực và ủng hộ bạo lực cực đoan bao gồm tội ác chiến tranh. “Chúng ta sẽ đánh bại tất cả mọi người, chúng ta sẽ giết tất cả mọi người, chúng ta sẽ cướp bóc bất cứ ai mà chúng ta cần, và mọi thứ sẽ diễn ra theo ý muốn của chúng ta,” anh ta nói vào năm ngoái trước máy quay sau một buổi lễ ở Điện Cẩm Linh xác nhận việc “sáp nhập” bốn tỉnh của Ukraine vào Nga.

Theo hồ sơ của cảnh sát quốc gia Ukraine, Tatarsky là người Ukraine gốc Nga, chào đời tại Ukraine. Anh ta từng là công nhân mỏ than ở miền đông Ukraine, Fomin bị kết tội cướp ngân hàng và đang thụ án tù ở miền đông Ukraine khi các lực lượng ủy nhiệm của Nga phát động cuộc chiến chống lại chính phủ. Fomin trốn khỏi nơi giam giữ và gia nhập lực lượng do Nga hậu thuẫn. Sau đó, anh ta trở thành một blogger và chuyển đến Mạc Tư Khoa vài năm trước khi Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Sau khi chiến tranh bắt đầu, anh tuyên bố đã gia nhập một tiểu đoàn tình nguyện và chiến đấu ở Mariupol.

Khi bắt đầu chiến tranh, anh ta trở thành thành viên của một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm các blogger quân sự, những người đã lên tiếng ủng hộ cuộc xung đột, thường xuyên đăng các bản cập nhật trích dẫn quân đội ở tiền tuyến hoặc đưa tin sốt dẻo về các cuộc tấn công tiềm năng hoặc các quyết định chính trị lớn chẳng hạn như lệnh động viên bán phần.

Đồng thời, họ cũng là một trong những nhà phê bình gay gắt nhất đối với nỗ lực quân sự của Nga, lên án những người đứng đầu quân đội là kém hiệu quả và lười biếng, đồng thời không quan tâm đến tính mạng của binh lính Nga được cử ra trận.

Các bài đăng của họ trên Telegram đã trở thành một lựa chọn thay thế phổ biến cho các phương tiện truyền thông nhà nước. Tuyên bố cung cấp tin tức chưa được lọc từ tiền tuyến, họ thường đưa ra một đường lối hung hăng, và nói với người Nga rằng đất nước này quá do dự và nên huy động cho cuộc chiến tổng lực chống lại Ukraine và phương Tây.

Tatarsky đặc biệt liên tục kêu gọi truy tố các tướng lĩnh: vì những cuộc rút lui lớn khỏi các thành phố bao gồm Kherson vào năm ngoái, hoặc những nỗ lực không hiệu quả trong việc huấn luyện và trang bị cho binh lính được huy động. Và anh ta đã liên kết với những người chỉ trích giới lãnh đạo quân sự khác.

“Chúng ta đổ máu để làm gì? Tại sao Zelenskiy có thể bình tĩnh đến Kherson? Tatarsky đã hỏi trong một bài đăng video vào năm ngoái, kêu gọi một vụ ám sát nhằm vào tổng thống Ukraine sau sự rút lui của Nga.

“Hoặc là chúng ta tiến hành một cuộc chiến toàn diện hoặc là… chúng ta sẽ không thành công.”

Trong cộng đồng nhỏ những người viết blog ủng hộ chiến tranh, Tatarsky đã bị chế giễu vì phóng đại nghĩa vụ quân sự của mình. Anh ta có mối thù với Igor Girkin, cựu thủ lĩnh của các chiến binh do Nga hậu thuẫn, người cũng chỉ trích nỗ lực quân sự.

Quan trọng nhất, anh ta là một mục tiêu dễ tấn công - một người có thể nhìn thấy khuôn mặt của cuộc chiến nhưng lại thiếu sự bảo vệ mà một quan chức chính phủ hoặc quân nhân có được. Sự kiện mà anh ta đang phát biểu đã được công khai và người phụ nữ bị buộc tội mang bom đến sự kiện thậm chí còn được cho là đã nói đùa với anh ta về việc liệu cô ta có mang theo một thiết bị nổ giấu bên trong tượng bán thân của một người lính hay không. Ngay sau đó, bức tượng phát nổ.

Tatyana Stanovaya, người sáng lập R Politik, một công ty phân tích chính trị, viết: “Các sự kiện đã cho thấy những người tích cực ủng hộ chiến tranh này dễ bị tổn thương như thế nào. “Tôi không nghĩ rằng sẽ có phản ứng lớn từ chính phủ: như kinh nghiệm cho thấy, Điện Cẩm Linh sẽ cố gắng biến những tình huống này thành thông lệ.”

Cô nói thêm: “Chúng ta đang phải đối mặt với việc các cuộc tấn công khủng bố diễn ra thường xuyên, mà chắc chắn sẽ trở thành một trong những yếu tố dẫn đến bất ổn chính trị nội bộ.”

5. Video mới công bố khoảnh khắc vụ nổ khiến blogger người Nga thiệt mạng

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế, những người mà cô ấy nói đã không bày tỏ “sự đồng cảm cơ bản của con người” sau cái chết của blogger Tatarsky, một người cuồng nhiệt cổ vũ cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

Tuy nhiên, thực tế là truyền thông nhà nước và các cơ quan độc lập ở Nga cũng không bày tỏ “sự đồng cảm cơ bản của con người” sau cái chết của blogger Tatarsky khi mô tả biến cố này.

Trong một video mới được công bố cho thấy những khoảnh khắc dẫn đến vụ nổ giết chết Vladen Tartovsky trong một quán cà phê ở St Petersburg vào Chúa Nhật, người ta có thể nghe thấy những lời châm biếm nhắm vào người quá cố.

Tatarsky chết khi một vụ nổ xé toạc quán cà phê nơi anh ta xuất hiện với tư cách là khách của một nhóm ủng hộ chiến tranh có tên là Cyber Front Z. Các báo cáo trước đó của truyền thông Nga cho rằng Tatarsky có thể đã bị giết bởi một thiết bị giấu trong một bức tượng nhỏ mà một người phụ nữ đưa cho anh ta trước vụ nổ

Đoạn video cho thấy Tartovsky mân mê bức tượng được người đẹp tặng rất lâu, ngây ngất trong hào quang của một anh hùng, trước khi cẩn thận đặt bức tượng vào một chiếc hộp sau khi đưa micrô cho một người đàn ông khác.

Anh ta đặt bức tượng nhỏ trở lại hộp và sau đó bọc nó bằng thứ có vẻ như là giấy gói. Khi anh ta ấn tờ giấy xuống, một tiếng nổ xảy ra.

Người nói trong video than thở rằng Tartovsky mân mê bức tượng quá lâu đủ để người phụ nữ có cơ hội thoát ra ngoài. Nếu anh ta không cầm bức tượng lâu như thế, có thể anh ta chỉ bị thương.

6. Phần Lan chính thức gia nhập NATO vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư

Quan điểm của NATO đối với nỗ lực xin gia nhập của Ukraine “vẫn không thay đổi” và đó là “Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, trọng tâm chính hiện nay là “bảo đảm rằng Ukraine chiếm ưu thế trong cuộc chiến với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở Âu Châu”, ông nói. Vì vậy, bước đầu tiên và cấp bách nhất là các đồng minh của Kyiv phải duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ quân sự, sát thương, phi sát thương và kinh tế cho Ukraine.

Tổng Thư Ký NATO cho biết liên minh cũng đang xem xét làm thế nào để có thể phát triển mối quan hệ chính trị với Ukraine, và làm thế nào để có thể mở rộng công việc của mình đối với những cải cách dài hạn hơn trong việc xây dựng thể chế.

Điều cực kỳ quan trọng là tiếp tục chứng minh rằng cánh cửa của Nato vẫn mở, như chúng ta sẽ làm vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư, khi Phần Lan trở thành thành viên đầy đủ. Hy vọng rằng chúng ta sẽ làm như vậy khi hoàn tất quá trình gia nhập của Thụy Điển trong tương lai gần.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, đã phát biểu như trên tại một cuộc họp báo sau thông báo rằng Phần Lan sẽ chính thức gia nhập liên minh quân sự vào ngày thứ Ba 4 Tháng Tư.

Ông nói: Phần Lan gia nhập NATO “sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho toàn bộ NATO”.

Về chủ đề Thụy Điển – quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc với Phần Lan vào tháng 5 năm ngoái nhưng vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản đề nghị gia nhập NATO – ông Stoltenberg cho biết việc gia nhập của Phần Lan “cũng tốt cho Thụy Điển”. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục làm việc để hoàn thiện quá trình gia nhập của Thụy Điển.

7. Ba Lan giao lô máy bay phản lực MiG-29 đầu tiên cho Ukraine

Marcin Przydacz, người đứng đầu chính sách quốc tế của Văn phòng Tổng thống Ba Lan, cho biết Ba Lan đã chuyển giao lô máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô đầu tiên cho Ukraine.

Przydacz, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Ba Lan RMF hôm nay, cho biết:

Theo thông tin của tôi, quá trình này đã được hoàn thành, tức là việc chuyển phần đầu tiên này. Tất nhiên, sẽ có những cuộc thảo luận về khả năng hỗ trợ thêm.

Ông không nói rõ có bao nhiêu máy bay phản lực đã được chuyển đi. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tháng trước cho biết Warsaw sẽ bàn giao 4 chiếc MiG-29 đầu tiên cho Ukraine. Duda đã nói vào thời điểm đó:

Chúng tôi vẫn còn hàng tá máy bay loại này. Chúng tôi nhận được chúng vào đầu những năm 1990 từ quân đội Đông Đức. Đây là những năm cuối cùng hoạt động phù hợp với khả năng kỹ thuật của chúng nhưng nói chung là chúng vẫn hoạt động tốt.

Kyiv đã kêu gọi các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận và phản công hiệu quả hơn trước các lực lượng Nga trên lãnh thổ của mình. Cho đến nay, chỉ có Ba Lan và Slovakia, là những quốc gia chấp thuận chuyển giao 13 máy bay phản lực MiG-29, đã đáp lại lời kêu gọi đó.

Zelenskiy sẽ đi cùng vợ, Olena Zelenska, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Warsaw kể từ cuộc xâm lược của Nga 13 tháng trước. Ông đã tổ chức một số cuộc họp về các việc cần làm trong nước khi đi công tác nước ngoài.

Chuyến thăm sẽ bắt đầu bằng một cuộc gặp chính thức tại lâu đài hoàng gia giữa Zelenskiy và Duda, dự kiến hai bên sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh, chính trị khu vực và hợp tác kinh tế, cũng như việc vận chuyển ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác của Ukraine qua Ba Lan.

Theo văn phòng của tổng thống Duda, các cuộc đàm phán sẽ được theo sau bởi một cuộc họp với công chúng. Ông Zelenskiy dự kiến cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki về an ninh khu vực, tình hình ở mặt trận và hợp tác song phương, bao gồm cả tình hình tại các cửa khẩu biên giới và vấn đề ngũ cốc của Ukraine, theo Michal Dworczyk, trợ lý của ông Morawiecki.

8. Ukraine cần F-16 vì ưu thế trên không của Nga

Nga áp đảo Ukraine về không quân từ 5 đến 6 lần nên Ukraine cần máy bay F-16 đa năng có thể tấn công các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước.

Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, đã cho biết như trên Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 4 tháng Tư.

“Nga đông hơn chúng ta về số lượng, từ 5 đến 6 lần. Đây là nhóm mà ngày nay được đặt tại 40 sân bay xung quanh Ukraine và ở Crimea bị xâm lược. Ngoài ra, về mặt công nghệ, chúng tốt hơn nhiều lần. Họ đã tiến hành hiện đại hóa sâu máy bay Su-27, ngày nay là Su-30, ngoài ra còn có biến thể Su-35, cũng như máy bay ném bom chiến đấu Su-34, và thứ mà những chiếc máy bay này khai hỏa là một loại vũ khí mới.”

Ihnat cho biết thêm rằng Liên bang Nga phóng khoảng 10 quả bom dẫn đường qua Ukraine hầu như mỗi ngày mà không đi vào khu vực được bảo vệ bởi hệ thống phòng không của Ukraine.

Phát ngôn nhân lưu ý rằng những chiếc MiG-29 mà Ukraine nhận được từ Slovakia và Ba Lan, cải thiện khả năng của Lực lượng Không quân nhưng chúng đã lỗi thời về mặt kỹ thuật, yếu hơn về mặt công nghệ. Phát ngôn nhân nhấn mạnh Ukraine rất cần những chiếc F-16 đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa.

“F-16, cùng tuổi với MiG-29, đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa sâu sắc. Điều này bao gồm việc thay thế thiết bị chính của nó: đó là một radar trên máy bay có thể nhìn xa và nhiều loại vũ khí – hỏa tiễn hành trình, hỏa tiễn dẫn đường có khả năng tấn công các mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước – mọi thứ đều có trong máy bay F-16. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những chiếc máy bay chiến đấu đa năng như vậy. MiG-29 do đối tác bàn giao cho ta không có cái này. Ở đó, một sự hiện đại hóa nhỏ của hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống định vị, hệ thống bạn-thù, và gần như thế. Nhưng chúng ta hiểu rằng đây là bước đầu tiên và chúng ta cảm ơn các đối tác vì sự hỗ trợ như vậy,” phát ngôn nhân nhấn mạnh.

Bình luận về vấn đề đào tạo phi công Ukraine, ông cho biết một số phi công đã hoàn thành khóa đào tạo lái F-16 nhưng việc chuẩn bị tài liệu kỹ thuật và kỹ sư để bảo trì F-16 cũng không kém phần quan trọng. Ihnat cho biết, việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng của các sân bay Ukraine cũng rất quan trọng.

Như đã đưa tin, Ba Lan và Slovakia có kế hoạch chuyển giao cho Ukraine 33 máy bay MiG-29. 20 trong số đó sẽ được Kyiv nhận từ Warsaw và 13 chiếc – từ Bratislava. Theo các báo cáo sơ bộ, Ba Lan và Slovakia đã cung cấp cho Ukraine 4 chiếc MiG-29.