Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập các trại định cư tại Miền Nam Việt Nam:

NHỮNG CUÔC DI DÂN BÀNH TRƯỚNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1955-2005) thành lập các trại định cư tư tại miền Nam Việt Nam, ông Trần Vinh, một cộng tác viên thường trực của Vietcatholic cống hiến độc giả loạt bài Những Cuộc Di Dân Của Dân Tộc Việt Nam. Phần I tác giả sơ lược những cuộc di dân thời nhà Lý đến triều đại nhà Nguyễn. Phần II tác giả nói đến cuộc di cư năm 1954 vào miền Nam và vai trò của các linh mục trong việc thiết lập các trại định cư. Phần III tác giả nói về thành quả của một trại định cư. Đây là một vấn đề lịch sử rất mới và quan trọng mà từ trước tới nay chưa được giới viết sử để ý tới. Ước mong đề tài mà tác giả Trần Vinh nêu ra ngày hôm nay sẽ được các vị có quê quán tại các trại định cư, nhất là một số linh mục mà ngày xưa đã có công gầy dựng nơi ăn chốn ở cho đồng bào di cư này, tham gia công tác ghi lại lịch sử các địa danh mà một thời chỉ là đồng hoang cỏ cháy, nay biến thành những nơi trù phú, thịnh vượng như Cái Sắn, Hố Nai, Gia Kiệm v.v...)

Từ cổ chí kim, lịch sử nhân loại đã ghi lại biết bao nhà chinh phục vĩ đại, những tướng lãnh kiệt xuất với những chiến công lẫy lừng: nào Alexandre Đại Đế, nào Thành Cát Tư Hãn, nào Napoléon, nào Hitler, v.v.. Song lịch sử cũng chứng minh những chiến thắng quân sự khủng khiếp như sấm sét bão tố ấy thường chỉ tồn tại nhất thời, rồi cũng mau tan biến lụi tàn. Đang khi đó, những cuộc bành trướng bằng di dân, xâm thực xem ra có vẻ âm thầm hơn, ít hào quang chiến thắng hơn, nhưng kết quả lại bền bỉ lâu dài mãi mãi. Sự xuất hiện các nước Hoa Kì, Canada, Úc, Tân Tây Lan....là những chứng minh hùng hồn.

Những sự kiện trong lịch sử nước ta cũng minh chứng điều đó: Năm 1075, biết được nhà Tống bên Tầu đang chuẩn bị xâm lăng nước ta, triều nhà Lí đã sai danh tướng Lí Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh thẳng vào các châu Khâm, Liêm, Ung, Nghi, Bạch thuộc nhà Tống (tức vùng lãnh thổ Quảng Đông, Quảng Tây, Qúy Châu, Hồ Nam ngày nay). Sau khi đốt phá các kho lương thực, vũ khí, thành trì, cầu cống và tiêu diệt các đạo tân binh nhà Tống, quân ta đã rút về nước. Đây là chiến thắng Bắc phạt duy nhất trong lịch sử nước nhà, đã gây tổn thất nặng nề về quân sự và nhất là về chính trị, khiến quân nhà Tống bớt phần kiêu căng, hiếu chiến.

Tuy chiến công lừng lẫy như thế đó, song ta đã không trụ được thành, không giữ được đất, đành phải lui binh. Bởi quân không có dân cũng như cá không có nước, làm sao có thể tồn tại lâu dài được?

Đang khi đó trong cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc, ta thấy đã không chủ yếu tiến hành tốt đẹp bằng những chiến thắng quân sự cho bằng yếu tố di dân lập nghiệp, tức là cuộc xâm thực tiệm tiến, thầm lặng, lâu dài trong hòa bình, nhưng vô cùng vững chắc. Ở đây sức bền dân, bền đất đã đóng vai trò quan trọng quyết định.

I. VIỆT-CHIÊM TRANH HÙNG: NƯỚC CHIÊM THÀNH BI XÓA TÊN TRÊN BẢN ĐỒ

Theo Việt Nam Sử Lược, nước Chiêm Thành nằm ‘từ quận Nhật Nam vào cho đến Chân Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến đất Nam Việt bây giờ’. Đời Hán, người Trung Hoa gọi nước này là huyện Tượng Lâm. Cuối đời Hán, đổi thành nước Lâm Ấp. Lâm Ấp ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Họ là giống dân quật cường. Trong suốt một ngàn năm ta bị Tầu chia thành các quận để đô hộ thì Lâm Ấp cũng chịu chung số phận nhưng họ đã nhiều lần khởi nghĩa chống ách đô hộ Tầu. Chẳng những thế, theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, ngay từ Đông Hán (năm 102) trở đi, người Lâm Ấp cứ năm ba năm lại vào đánh phá, cướp của và giết dân Việt. Đến đời nhà Đường bên Tầu, nước Lâm Ấp đổi thành Hoàn Vương quốc và lại sang đánh phá phía Bắc, rồi chiếm giữ luôn châu Hoan, châu Ái (nhà Đường đổi nước ta thành 12 châu: Thanh Hóa là Ái châu; Nghệ An là Hoan Châu và Diễn Châu). Do đó, năm 808, nhà Đường đem quân chinh phạt Hoàn Vương quốc. Hoàn Vương phải chạy lui xuống phía Nam và lấy quốc hiệu là Chiêm Thành. Bởi vì nước ta bị Tầu đô hộ một ngàn năm cho nên trong suốt thời gian này hầu hết mọi việc đối phó với Chiêm quốc đều do lực lượng bảo hộ Tầu đảm trách.

Đến năm 938, Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một ngàn năm bị Tầu đô hộ mở ra thời tự chủ cho nước ta. Một khi nước Việt giành được quyền tự chủ đã mau chóng trở thành một nước có văn hiến, có tổ chức chính quyền và quân đội vững mạnh. Nếu như nước Chiêm hiểu được tại sao giống Việt bị đô hộ chính trị một ngàn năm mà không hề bị đồng hóa thì phải mau chấm dứt tính hiếu chiến và theo đường lối chính trị ngoại giao khôn khéo thì hai nước Việt - Chiêm đã có thể vẫn cùng tồn tại. Trên thực tế nước Chiêm vẫn tiếp tục gây hấn, cho nên bắt buộc nước Việt sẽ thế chân nước Tầu tranh hùng với nước Chiêm và cuối cùng đã xóa tên Chiêm quốc trên bản đồ. Thật vậy, theo Việt Nam Sử Lược: ‘Vua Đại Hành phá được quân nhà Tống rồi, định sang đánh Chiêm Thành, vì lúc vua Đại Hành lên ngôi, có sai sứ sang Chiêm Thành, bị vua nước ấy bắt giam sứ lại. Đến khi việc phía Bắc đã yên, vua Đại Hành đem binh sang đánh báo thù (982)’ (trang 97). Song có lẽ mối hiềm thù dân tộc sâu xa nhất đối với dân tộc Việt là việc quân Chiêm, dưới quyền chỉ huy của vị vua anh dũng là Chế Bồng Nga, đã phục kích giết chết vua Dụ Tông của Đại Việt (1377), rồi sau đó 3 lần tàn phá kinh thành Thăng Long. Có thể nói lúc ấy, quân Chiêm ra vào nước ta như vào chỗ không người! May sao trong chiến dịch đánh ra Đại Việt năm 1389-1390, do bị chỉ điểm nên chiến thuyền của Chế Bồng Nga đã bị quân Đại Việt tập trung bắn phá và đã giết được ông. Từ đây bắt đầu thời tàn lụi của Chiêm quốc.

Sơ lược tiến trình thôn tính Chiêm Thành:

1. Năm 1069, vua Lí Thánh Tông đánh chiếm 3 châu Địa Lí, Ma Linh và Bố Chính (đất Quảng Bình, Quảng Trị). Sau đó Chiêm Thành chịu triều cống nhưng vẫn nhiều lần khởi binh đòi lại đất.

2. Năm 1301, vua Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chế Mân dâng 2 châu Ô, Lí làm sính lễ. Năm 1307, vua Anh Tông thu nhận 2 châu Ô, Lí và đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu (vùng đất Huế).

3. Năm 1402, Hồ Hán Thương đánh chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi)

4. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh, hạ kinh đô Chà Bàn, bắt vua Chiêm, lấy đất tới Thạch Bi Sơn (Tuy Hòa).

5. Năm 1653, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) tiến sâu vào Nam và lập thêm 2 phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh).

6. Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt vua Chiêm, chiếm đất Bình Thuận. Tới năm 1697, lấy nốt Phan Rí, Phan Rang, đổi thành Yên Phúc và Hòa Đa. Từ nay, kể như nước Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ.

Điểm có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình Nam tiến thôn tính Chiêm Thành đó là: thời gian gần 4 thế kỉ đầu, kể từ thời nhà Lí tới nhà Hồ, tuy bờ cõi nước ta có mở rộng về phương Nam, nhưng chưa chú trọng việc di dân khai khẩn, mới chỉ đóng quân bảo hộ, thu thuế và bắt phải triều cống, còn hạ tầng nội trị vẫn để cho người bản xứ phụ trách.

Có lẽ âm mưu thực dân thôn tính đất đai đúng nghĩa chỉ được triệt để thi hành từ thời nhà Hồ. Hồ Quý Li lên ngôi năm 1400. Bắt chước nhà Trần, ngay cuối năm đó ông truyền ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên làm thái thượng hoàng, nhưng ông vẫn đóng vai tích cực trong việc trị nước. Triều nhà Hồ có những cải cách tiến bộ về nhiều phương diện. Riêng về công cuộc Nam tiến, vào năm 1402, sau khi chiếm được đất Chiêm Động, Cổ Lũy, nhà Hồ cho làm con đường thiên lí từ Tây đô Thanh Hóa vào tới Hoá Châu. Chia đất Chiêm Động, Cổ Lũy ra làm 4 châu, đặt các chức quan cai trị và di dân vào chiếm ngụ, thời bình thì cầy cấy làm ăn, khi hữu sự thì sung quân ngũ đánh giặc.

Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư thì chính sách mộ dân Việt vào khai khẩn Của nhà Hồ rất ưu đãi song cũng rất nghiêm khắc, buộc phải thích tên nơi đến ở vào tay, coi như không có thể trở về được nữa. Đối với nguời Chiêm (tầng lớp ưu tú trong xã hội), ai muốn đi thì cho đi, ai ở lại cho làm quan. Người Chiêm không có tên họ, Hồ Qúy Li ban họ Đinh cho những người chịu hàng phục (đến thời Lê Thánh Tông còn bắt người Chiêm nào không có họ phải lấy một họ trong số các họ của người Việt để làm sổ hộ tịch). Ngoài việc mở mang đường xá, họ Hồ còn cho đào sông rạch để tiện việc vận chuyển. Nhờ vậy, đất Thuận Hóa đã trở nên một vùng đất phú thịnh, bắt đầu đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử nước Việt. Đối với vận mệnh Chiêm Thành, để mất đất Hóa Châu dân Hời khó lòng giữ được nước. Không may nhà Hồ sớm để mất nước vào tay quân Minh xâm lược cho nên hậu thế dễ quên đi công nghiệp di dân, khai khẩn đất đai rất quan trọng của triều đại ngắn ngủi này.

(Còn tiếp)