6. DƯƠNG ĐẮC SỬA VĂN

Dương Đắc đã khuyên bảo học trò khi viết văn chương thì tránh dùng lời lẽ khuôn sáo cũ.

Không lâu sau đó, ông ta viết một bài văn mẫu và nói:

- “Phủ duy bệ hạ vạn đức cửu hoàng ﹝韭皇﹞ ” (1) .

Học trò là Trịnh Tấn lập tức xin được chỉ giáo, nói:

- “Không biết lúc nào thì được bán rau hẹ đây﹝韭黃﹞?”

Thế là Dương Đắc cười lớn, đổi lại câu nói khuôn sáo cũ này.

(Quy điền lục)

Suy tư 6:

“Khuôn sáo cũ” là câu nói được người khác lập đi lập lại nhiều lần nên quên mất ý nghĩa, chẳng hạn như: đạt chỉ tiêu, đạt thành tích trăm phần trăm; nhưng cũng có những câu nói “khuôn sáo cũ” mà đầy ý nghĩa như: cám ơn và xin lỗi.

Có những khuôn sáo cũ dạy cho trẻ em là biết nói cám ơn; có những khuôn sáo cũ dạy cho thanh niên là sống lễ phép lịch sự, có những khuôn sáo cũ dành cho người lớn là sống đứng đắn, có những khuôn sáo cũ dành cho người già là sống gương mẫu, bởi vì những khuôn sáo cũ ấy đều hợp thời từ xưa đến nay.

Có một vài người Ki-tô hữu cho rằng thánh lễ là khuôn sáo cũ, lập đi lập lại nhàm chán, cho nên họ không muốn tham dự, thế là linh hồn họ mãi mãi đói lương thực hằng sống; và có người cho rằng lần hạt Mân Côi là khuôn sáo cũ của đàn bà con nít, thế là họ mù tịt về vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a trong Giáo Hội qua kinh Mân Côi; lại có người nói ngắm Đàng Thánh Giá là khuôn sáo cũ quá hình thức bên ngoài, thế là họ bỏ qua những dịp cùng cộng đoàn thực hiện lại đường thương khó với Đức Chúa Giê-su...

“Khuôn sáo cũ” tự nó không phải là xấu hoặc không hay, nhưng xấu tốt là do người sử dụng nó có tâm tình thành thật hiểu biết hay không mà thôi.

(1) 九皇 đọc âm là”jiu huáng” nghĩa là “cửu hoàng”; 韭黃 cũng đọc âm là “jiu huáng” nghĩa là “hẹ vàng”, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info