Tiền và Chúa, cách hành xử của người ki-tô hữu

(Suy niệm Chúa nhật 25 thường niên C – Lc 16, 1-13)

Không ai không biết đến tiền, không ai không cần đến tiền và không ai không bị cám dỗ bởi đồng tiền. Vì tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là lọng để che thân, là cái cân của công lý, có tiền là hết ý. Hoặc có tiền phú quý giàu sang, không tiền lắm kẻ cơ hàn điêu linh – Có tiền lắm kẻ chung tình, không tiền nó đá cho mình quay lơ – Có tiền kẻ đợi người chờ, không tiền bạn hữu thờ ơ chẳng nhìn – Có tiền thăm được họ hàng, không tiền cô bác bàng hoàng chơi vơi – Có tiền thoả thích ăn chơi, không tiền làm toát mồ hôi cả ngày – Có tiền sáng xỉn chiều say, không tiền bụng đói suốt ngày nằm phơi – Có tiền dạo phố xe hơi, không tiền nằm ngủ chao ôi đói lòng – Có tiền cưới vợ gả chồng, không tiền thì cả tơ hồng không se – Có tiền anh nói em nghe, không tiền anh nói em chê anh nghèo – Không tiền cuộc sống gieo neo, không tiền cam phận tèo teo một mình.”

Vì đặt đồng tiền trên hết, vì xem đồng tiền là quan trọng nên đôi khi nhiều người đã sẵn sàng bất chấp tất cả để kiếm/ chiếm đoạt/ sở hữu cho được đồng tiền dẫn đến những toan tính, những mưu mẹo, những luồn lách, những gian trả, những kỹ xảo, những lừa lọc, những bất công, ngay cả chấp nhận bán rẻ lương tâm, chà đạp nhân phẩm và giết chết chính mình và tha nhân. Quả thật, vì tiền bạc mà nhiều cá nhân, nhiều gia đình, cộng đoàn, tập thể, tổ chức và nhà nước,…bị tan nát và sụp đổ. Nói đến đây, có bài thơ của ai đó đã viết thế này:

Độc ác chi mi lắm rứa tiền,

Mi làm nhân loại hóa ra điên,

Mi tô mặt nạ đen thành trắng,

Mi khiến nhân tình thẳng hóa xiên,

Mi đạp luân thường vô một xó,

Mi xua nhân nghĩa dẹp đôi bên

Mi lùa thế giới đâm nhau mãi,

Ác nghiệt chi mi lắm rứa tiền.

Thật vậy, có tiền chắc gì đã hạnh phúc và bình an. Điều quan trọng là mỗi người cần biết sử dụng đồng tiền và tìm kiếm đồng tiền cho phù hợp trong cuộc sống hằng ngày. Vì biết rằng,

Có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm.

Có tiền, ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian.

Có tiền, ta có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ.

Có tiền, ta có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến thức.

Có tiền, ta có thể đến khám bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe tốt.

Có tiền, ta có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng.

Có tiền, ta có thể mua được máu nhưng không mua được cuộc sống.

Có tiền, ta có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu.

Nơi bài đọc I đã nhấn mạnh đến lối sống bất xứng của con cái Israel. Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn của họ chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabat chóng qua để làm chuyện đó. Họ tin Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến việc họ phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân. Điều này chúng tỏ họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm. Bên cạnh đó, tác giả Amos cho chúng ta thấy Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiền bạc mà mua người cơ bần. Đức Chúa lên án những cách thức làm tiền bất chính, đối xử bất công với tha nhân hay lỗi đức công bằng: kiểu sống buôn bán điêu ngoa qua việc họ “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ”. Cái đấu có thể làm nhỏ lại bằng cách bóp méo, quả cân có thể nặng thêm bằng cách hàn thêm chì dưới đáy, cán cân cũng có thể làm lệch bằng cách sửa lại vị trí thăng bằng. Họ coi trọng đồng tiền hơn nhân phẩm con người bằng cách “ dùng tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ”. Họ sống thái độ lường gạt ngang qua việc họ có thể để trong thùng chứa những lúa gạo tốt bên trên, trong khi bên dưới toàn lúa nát gạo mục.

Nơi bài Tin Mừng (Lc 16, 1-13) nêu bật tính khôn khéo của tên đầy tớ bất lương khi xử sự với đồng loại để mời gọi sự cần thiết và khôn khéo trong việc sử dụng của cải thiêng liêng đối với con cái sự sáng, hay mỗi ki-tô hữu chúng ta.

Cách hành xử của người quản gia bất lương: Ngay từ đầu, trình thuật đã cho chúng ta biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một con người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản gia này có thể rất khôn lanh, nhưng không trung tín, vì anh ta bị tố cáo là đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (cc.1-2). Vì là người quản gia khôn lanh, nên ông ta biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quan gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (cc.3-4). Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để thu phục nhân tâm. Quả thật, ông chủ nhận ra sự khôn lanh của tên quản lý đã qua mặt ông để làm lợi cho nó cách hợp pháp. Ông chủ khen cách cử xử của người quản lý bất lương, chứ không khen tư cách hay phẩm chất của hẳn ta. Cũng vậy, Đức Giê-su không khen tên đầy tớ bất lương, nhưng khen sự khôn lanh của anh ta khi đối xử với đồng loại. Như vậy, ngay cả kẻ bất lương còn biết cách hành xử khôn khéo cho chính mình và tương lai của mình, phương chỉ những người ki-tô hữu càng phải khôn khéo để sống tốt, tích trữ những của cải thiêng liêng cho cuộc sống mai hậu của mình!

Mặt khác, Đức Giê-su nhấn mạnh đến vấn đề làm tôi hai chủ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (c.13). Chúng ta nên nhớ rằng không thể đam mê và kiếm tìm vật chất hay tiền của mà lại có chỗ hiện diện cho Thiên Chúa nơi cõi lòng của chúng ta. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó (Lc 12, 34). Vì thế,“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,. còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33). Cho nên, đừng vì đam mê của cải vật chất mà đánh mất giá trị con người, giá trị thiêng liêng, đó là sự sống đời đời. Quả thật, Thánh Phao lô đã nhắn gửi chúng ta qua ông Timothê trong bài đọc II: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1 Tm 2,5-6). Chỉ có Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô mới đem lại ơn cứu độ cho con người, chứ tiền bạc – vật chất chỉ là phương tiện, dụng cụ trợ giúp chúng ta trên đường lữ hành trần gian. Nó không là ông chủ nhưng là nô lệ của con người, vì thế, đừng ai vì nó mà đánh mất linh hồn, đánh mất sự sống vĩnh cửu. Hãy chọn Chúa là gia nghiệp đời đời của chúng ta. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương