NỘI DUNG

I. Tia sáng:
v TÌNH YÊU
v CUØC SÐNG


II. Thư giãn:
MUỐI IỐT "DỎM"
ÐẢM ÐANG
TẠI ẢNH
THANH LỊCH
PHÂN BIỆT
THÔNG MINH
ÐÀN BÀ


III. Chuyện vui suy niệm:
CÁCH CHỮA CHÁY KỲ DIỆU

IV. Chuyện ngụ ngôn:
KẺ BẤT CHÍNH

V. Hẹn bạn trên đỉnh thành công:
KHÔNG DÙNG SẼ MẤT

VI.Tình yêu - hôn nhân - gia đình :
TÍNH TỰ ÁI - KẺ THÙ CỦA HẠNH PHÚC GIA ÐÌNH

VII. Những người thích đùa - AZIT NEXIN :
KHÔNG THỂ THÀNH NGƯỜI

TIA SÁNG :
Tình yêu thường làm hư hỏng những tâm hồn trong trắng mà cũng thánh hoá những tâm hồn hư hỏng (Danh ngôn Tây Ban Nha)
CUỘC SỐNG, DÙ DÀI ÐẾN ÐÂU, BAO GIỜ CŨNG NGẮN NGỦI.
E. Galindo.

20 hay 100 năm, nào có thấm gì so với hàng tỷ tỷ năm của vũ trụ.

Cuộc sống của tôi chẳng qua cũng chỉ như một năm ánh sáng trong không gian. Cuộc đời tôi ngắn ngủi, thêm một lý do để ta đừng chất chứa những của cải
tạm bợ và đừng đeo đuổi những cái hay hư nát và giết chết... Hãy tìm kiếm

niềm vui bằng cách chu toàn những bổn phận làm người đối với tha nhân theo như kế hoạch của Thiên Chúa. Ðối với kẻ tìm cách sống hữu ích, trong
Nước Chúa, thì thời gian đâu có quan trọng. Ðàng khác, muốn xây dựng

hạnh phúc cho kẻ khác, cũng cần phải có những giây phút nghỉ ngơi lành mạnh mới có thể phục vụ tốt hơn. Lạy Chúa, xin ngăn bước đường con, một khi con không đi tìm cái chính yếu.
THƯ GIÃN:
MUỐI IỐT "DỎM"
Một chàng liến thoắng quảng cáo trước đám đông:

Muối iốt thử nghiệm trên 4 người (3 người bị bướu cổ và 1 người không bị bướu cổ) ăn liên tục trong một tuần, với liều lượng tăng dần. Kết luật cuối cùng cho thấy...

Một khách hàng nhanh miệng: - Tất cả đều khát nước!

ÐẢM ÐANG
Trong bữa cơm của cặp vợ chồng mới cưới. Người chồng hốt hoảng kêu:

Trời! Sao nồi canh lại đen sì thế này?

Vợ ngây thơ đáp:

- Em làm theo sách dạy nấu ăn đấy! Trong đó, họ dạy: khi nào canh sôi thì cho 3 thìa "cà phê"... muối vào...

TẠI ẢNH
Mồng bảy Tết, hai bà bạn rủ nhau đi cân thử. Bà nọ khoe với bà kia:

Tôi lên được hai ký! Còn chị lên bao nhiêu?
Tôi thì ngược lại! Mất hai ký!
Sao chị không lên mà xuống?
Vì sắp nhỏ nhà tôi đứa về nội, đứa về ngoại ăn Tết hết chị à!

Vậy chị càng rảnh rang ăn ngủ, sao lại sụt ký?
- Tại ảnh có cho tôi được ngủ nghê gì đâu! - ?!

THANH LỊCH
Chúc mừng cậu đoạt giải học sinh thanh lịch, phải khao tụi này một chầu đấy!

- Ðược thôi, chúng "mày" theo "tao", phen này tụi mình phải "tẹt ga". Ngồi quán "mụ" Béo hay "con" Gù?

PHÂN BIỆT
Một buổi chiều như mọi buổi chiều khác trong gia đình, con trai chợt hỏi bố: Bố ơi, phân biệt lao động trí óc và lao động chân tay có khó lắm không ạ?

- Dễ thôi con yêu ạ. Mẹ con đang băm, chặt, xào, nấu trong bếp kia là lao động chân tay. Còn bố ngồi đây cố nghĩ ra lời khen tặng cho những món ăn đó, tức là lao động trí óc.
THÔNG MINH
Dịp "Về Nguồn" kỷ niệm 30 năm nhập chủng viện của một lớp đi tu, trong bữa ăn tối tại nhà một cha trong lớp. Một thành viên trong lớp gốc nông dân cảm thấy đói cồn cào sau một ngày vất vả. Anh đã xơi bốn năm chén cơm mà bụng vẫn còn lưng lửng. Muốn ăn thêm nhưng anh lại ngồi xa nồi cơm, đưa chén xin nữa thì ngại hết cơm. Anh nghĩ ra một cách thật tế nhị. Anh cầm cái chén dơ lên cao vừa nghiêng về phía chị ngồi đầu nồi vừa nói :

- Anh chị em có để ý không, năm nay vú sữa nhà cha Sở được mùa, quả nào quả nấy to bằng cái chén này này. Chị ngồi đầu nồi hiểu ý. Chị liền cầm cả cái nồi cơm to cũng úp ngược và dơ lên trả lời: Ồ, anh không biết đâu, trong vườn cha Sở còn có những quả Bí Ngô to bằng cái nồi này này.

Nhìn thấy nồi cơm đã hết, anh bạn liền đặt chén và …chùi mép !!!
ÐÀN BÀ
Một linh mục trẻ từ Mỹ bay qua xứ Kanguru thăm một linh mục bạn. Thấy trong nhà bạn đủ mọi thứ đàn: đàn Piano, đàn Guitare, đàn tranh, đàn bầu

Linh mục khách tỏ vẻ thán phục nói với gia chủ: Ðúng là nhạc sĩ, cậu đánh được nhiều thứ đàn thế à? Gia chủ đắc chí cười khanh khách: Ðã là nhạc sĩ, đàn nào mà chẳng biết đánh. Linh mục khách khiêu khích: Nói xạo, tớ dám chắc có một loại đàn cậu chưa hề biết đánh và có lẽ cũng chưa từng học.

Gia chủ tự ái cao tới nóc nhà gân cổ lên cãi: Tớ đánh cá với cậu cái gì cũng được, ngoại trừ loại đàn nào tớ chưa từng thấy, thì tớ chịu thua, còn cậu đưa bất cứ đàn nào tớ cũng sẽ đánh cho cậu coi.

- Tớ cũng cá với cậu là loại đàn này cậu không biết đánh, mặc dù cậu vẫn thấy hằng ngày.

- Vậy là đàn gì?

- Ðàn ... Bà.

- Trời, đàn này thì chịu thua ! ! !

CHUYỆN VUI SUY NIỆM :
CÁCH CHỮA CHÁY KỲ DIỆU
(Góp nhặt 6, 178 hãy tỉnh thức đợi mùa chay)

Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi, cả đời chưa hề thấy ánh sáng văn minh. Ngày kia, ông ta được đưa xuống thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã phải giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được những người chung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động thị dân về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố nào đó, người dân miền núi nhìn về ngọn lửa đang bốc cao ở một góc trời rồi trở lại giường ngủ tiếp. Khi trở về làng, ông ta báo cáo với các vị chức sắc trong bộ lạc.

- Người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu. Khi có hoả hoạn, người ta chỉ đánh trống và ngọn lửa được giập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền hồ hởi sai người đi mua đủ loại trống về phát cho dân chúng trong bộ lạc. Chẳng bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng. Tin chắc sự hiệu nghiệm ở những cái trống, tất cả mọi người trong làng đều đem trống ra khua inh ỏi. Họ tin chắc rằng tiếng trống sẽ xua được thần lửa. thế nhưng, ngọn lửa vẫn cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác, trước cái nhìn và bất lực của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc, nghe diễn tiến của cơn hoả hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng.

- Các người thật là ngây ngô. Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa ư? Không phải thế đâu. Tại thành phố người ta đánh trống để thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia vào cuộc chữa cháy, chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tự tắt đi đâu. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu không ngừng gọi con người tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. Sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu kêu mời là một sự tỉnh thức tích cực, đòi hỏi lao tác và đấu tranh.

Thức tỉnh là thái độ cơ bản của ngườI Kitô Hữu. Toàn bộ Thánh Kinh là một lời mời gọi tỉnh thức. Tỉnh thức, vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa đang đến. Ngài đến trong từng phút giây của cuộc sống. Ngài đến qua từng sự kiện, từng biến cố. Ngài đến nơi mỗi con người. Tỉnh thức để nhận ra Ngài, và nhất là để đáp trả cách tích cực tiếng gọi của Ngài. Tiếng gọi ấy không chỉ vang lên trong những lúc cầu kinh ở nhà thờ, mà còn vang lên giữa chợ đời, giữa những tiếng ồn ào của cuộc sống, trong tiếng khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh. Mong sao cuộc sống đức tin của chúng ta không chỉ là những tiếng trống khua inh ỏi trong bốn bức tường của nhà thờ, mà phải được thể thiện bằng những gặp gỡ Thiên Chúa qua lòng tín thác vào tình yêu quan phòng của Ngài, và qua những hành động cụ thể của yêu thương đối với mọi người anh em.

IV. CHUYỆN NGỤ NGÔN:
KẺ BẤT CHÍNH
Nước Sở có một ông hai vợ. Vợ cả và vợ lẽ đều đẹp, đều xinh. Anh láng giềng ghẹo người vợ cả, người vợ cả giận và mắng cho một trận. Anh láng giềng lại ghẹo người vợ kế.

Người vợ kế bằng lòng và đi lại. Không bao lâu ông có hai vợ chết. Anhláng giềng muốn tính cuộc vuông tròn lại giạm hỏi người vợ cả. Có kẻ hỏi rằng: "Người vợ cả trước đã mắng anh, người vợ lẽ vẫn thường tư tình với anh, sao bây giờ anh lại định lấy người vợ cả?" Anh ta đáp: "Lúc nàng còn là vợ người, thì tôi muốn nàng là kẻ tư tình với mình, lúc nàng đã là vợ tôi, thì tôi thích nàng không tư tình với ai cả. Kẻ trước đã tư tình với tôi, thì rồi ai cũng tư tình được, thiên hạ cũng là chồng nó được. Cho nên bây giờ tôi không lấy nó".

V. HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG :

47. KHÔNG DÙNG SẼ MẤT
Có một ông chủ, trước khi đi xa đã gọi đầy tớ đến phát cho người thứ nhất 1 nén vàng, người thứ hai 2 nén, người thứ ba 5 nén, để họ tuỳ cơ sử dụng. Khi trở về, ông gọi người lãnh 5 nén đến hỏi xem anh ta đã làm gì với 5 nén ấy. Người này đáp đã dùng 5 nén ấy sinh lợi thành 5 nén khác.

Chủ liền bảo: Ðược lắm, anh là người tốt lành và trung tín, đã khéo biết sử dụng những gì mình có, nên ta sẽ cho anh thêm. Người nhận được 2 nén cũng sinh lợi thêm được 2 nén khác nên cũng được khen thưởng như vậy. Ðến lượt người nhận được một nén thì y trả lời: Thưa ông, tôi có mỗi một nén trong khi những người khác được gấp mấy lần tôi. Vả lại tôi biết ông là người hà khắc và độc ác, chuyên gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát nên tôi đã đem chôn nén bạc ông giao cho chắc ăn rồi. Ông chủ mới mắng y: "Anh là người đầy tớ bần tiện và lười biếng". Ðoạn lột luôn nén vàng của y trao cho người đã sinh lợi cả vốn lẫn lời 10 nén. Bây giờ nhiều người đã kêu ca: "Người giàu lại giàu thêm nghèo khó lại mất đi".

Ðời sống cũng y như vậy đấy, nên bạn hãy cố sử dụng những gì mình có để chúng được tăng thêm và bạn được tưởng thưởng. Nhiều người thiếu tự tin vì cho rằng những tiêu chuẩn hoàn hảo quá xa vời không sao đạt tới được. Ðây chính là nguyên nhân thứ sáu khiến ta mất tự tin.

Vì nghĩ như vậy nên khi thất bại, mà chắc chắn là họ sẽ thất bại, những người ấy không bao giờ tha thứ cho mình cả. Họ tự nghĩ nếu mình không hoàn hảo được ắt là mình tồi tệ nhất. Vì vậy, khi thất bại, họ đinh ninh ngay mình là người tệ nhất. Ý nghĩ này tác động đến mọi lĩnh vực cuộc sống mà là nguyên nhân chủ yếu khiến họ bất mãn với nghề nghiệp, bất bình trong việc dạy dỗ con cái và bất hạnh trong đời sống hôn nhân...

Vì một người tự coi mình tồi tệ nhất tất sẽ không sao tin mình "xứng đáng" với một công việc tốt, một gia đình tốt, hoặc bất cứ điều gì đáng giá được. Lược qua tất cả những nguyên nhân làm mất lòng tự tin ấy bạn sẽ không lấy làm lạ khi thấy quá nhiều người mắc phải chứng bệnh phổ thông và truyền nhiễm này. May mà bạn đang cố gắng vùng lên. Chương tới chúng tôi sẽ đào sâu thêm những biểu hiện của sự mất tự tin, nhờ đó, bạn sẽ nhận ra một số lỗi cư xử mà trước đây bạn không hề ngờ chúng là kết quả của nó. Phải nhận ra được chúng bạn mới có thể đối phó một cách hiệu quả hầu có thể hiểu biết hơn trong khi sống và làm việc với người khác. Khi đã nhận ra vấn đề và đương đầu với nó một cách phấn khởi và tự tin thì chiến thắng đã ở sẵn sàng trong tay rồi, bạn ạ.

VI. TÌNH YÊU-HÔN NHÂN-GIA ĐÌNH:
TÍNH TỰ ÁI - KẺ THÙ CỦA HẠNH PHÚC GIA ÐÌNH
Kim Phương
Ðôi khi, trong ý thức và suy nghĩ, ta đã lầm lẫn giữa hai khái niệm lòng tự trọng và tính tự ái mà thực ra chúng hoàn toàn trái nghịch nhau. Lòng tự trọng là sự tự tôn trọng chính bản thân mình trên cơ sở biết rõ mình ở vị trí nào, cần gì, muốn gì và được thể hiện ra bằng thái độ, hành động với ý thức tôn trọng xung quanh. Ngược lại, tính tự ái là sự tự đề cao mình, cho rằng người khác không thể hiểu được tầm "quan trọng" sự hiện diện của mình và vì thế thái độ và hành động thể hiện một ý thức xem thường xung quanh.

Cuộc sống gia đình, ngay từ những ngày đầu mới hình thành đã là sự kết hợp không đơn giản giữa hai cá tính, hai giới tính, hai hoàn cảnh sống, hai phương pháp giáo dục... hầu như hoàn toàn khác nhau.
Vì thế, sẽ khó có được sự hoà hợp thực sự nếu một trong hai người hoặc cả hai người có tính tự ái. Tính tự ái làm cho người ta thường không bằng lòng với những xử sự của người kia đối với mình, cảm thấy mình bị xem nhẹ trong khi mình đã "cho" người kia rất nhiều. Tính tự ái làm cho cuộc sống tinh thần luôn không được thoải mái vì cứ bị dày vò bởi có cảm giác bị đánh mất mình hay bị xem nhẹ, và vì thế xung đột sẽ dễ xảy ra, một chuyện khó chịu nhỏ cũng là cái cớ dẫn đến cãi vã. Những xung đột kiểu này, dù nhỏ cũng chính là những vết rạn đầu tiên cho ngôi nhà hạnh phúc vừa mới được xây lên. Tính tự ái có thể bỏ được không? Hoàn toàn có thể, nếu ta đã xây dựng gia đình trên cái nền tảng là tình yêu. Ta đã yêu người ấy, tự nguyện xây dựng hạnh phúc với người ấy tức là đã công nhận ta cần có sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời ta, vậy thì tại sao ta còn tiếc sự hy sinh của bản thân để đem đến niềm vui cho người ấy.

Sự kết hợp của hai người trong tình yêu được xây dựng trên cơ sở cùng cho và cùng nhận chứ đâu phải một phía, vì thế nên xử sự và biểu hiện thái độ,
tình cảm sao cho người bạn đời có thể cảm nhận được vai trò, ý nghĩa của mình trong cuộc sống chung. Xung đột là khó tránh khỏi trong cuộc sống chung. Nhưng sau mỗi lần xung đột, trước tiên hãy nhận về phần mình cái lỗi đã không giữ được sự ôn hoà khi tranh luận. Sự nhận lỗi chân thành này cho ta điều kiện để chấp nhận cái lý của người kia và thấy mình còn vô lý ở chỗ nào. Khi cả hai cùng tự nhìn nhận lại mình thì tính tự ái sẽ dần không còn chỗ trong quan hệ giữa hai người. Người hay tự ái sẽ khó giữ được sự tự trọng vì sự không thoả mãn tức thời sẽ dễ dấn đến thái độ, lời nói, hành động thiếu cân nhắc, từ đó lại có thể sinh ra sự thiếu tôn trọng người khác. Tự đề cao mình tất nhiên không bao giờ là hay ho. Cần phải biết tôn trọng những gì ta có cũng như tôn trọng những gì người khác có mà ta chưa có. Hạnh phúc gia đình sẽ thêm bền vững nếu ở đó mọi người biết tự trọng và biết tôn trọng.
(Thanh Niên ngày 29/8/1997, trang 11)

VII. NHÖÕNG NGÖÔØI THÍCH ÑUØA -AZIT NEXIN :
KHÔNG THỂ THÀNH NGƯỜI
Trong bọn tôi chỉ cần có một kẻ nào đó hoài nghi kêu lên rằng : “ Không thể được, anh em ơi, lũ chúng ta không thành người được !” là lập tức mọi người gật đầu tán thưởng. “Đu - u - úng ! Chí phải, chỉ chí phải, không thể thành người ! …” Và không bói đâu ra một người phản bác. “ Sao lại thế ! Phải tự trọng chứ !”

Hồi còn trẻ, có một lần, dạo ấy tôi vào quãng hai mươi nhăm tuổi, bầu nhiệt huyết còn sôi sục, tôi đã cả gan chống lại luận thuyết đó.

Lần ấy tôi đi tàu thuỷ ra đảo Hoàng Nam. Trên tàu bỗng có một người đàn ông đứng tuổi càu nhàu một mình, đến hung thần cũng không hiểu vì sao tự nhiên lại thế.

- Xin lỗi các người, làm sao chúng có thể thành người được !

Mọi người có mặt trong phòng lúc ấy đều gật đầu đồng ý
Riêng tôi thì nóng mắt cự lại :

- Sao lại không thành ?! Còn thành thế nào nữa !…Dứt khoát là thành ! … Mà còn thành những người làm chấn động địa cầu là khác !

Mọi người trong phòng khách tuồng như ăn ý với nhau từ trước, đồng thanh kêu ầm lên :

- Bậy nào, bậy nào, không thể thành người được !…

- Chúng ta còn lâu mới đuổi kịp thiên hạ !

- Chúng ta không thể thành người được !

Được mọi người hỗ trợ, ông già kia bớt nóng :

- Nghe thấy chưa, con ? …Các vị đây đều nhất trí ủng hộ tôi đấy. Như thế nghĩa là quả thật chúng ta không thành người được. Con xem có ai buộc các vị kêu lên như thế đâu.

- Thành người ! …Nhất định sẽ thành người ! - Tôi lập lại.

Ông già cười nhạt :

- Đó, con vừa nói : “ Nhất định sẽ thành người” Chữ “sẽ” có nghĩa là truớc đây và bây giờ chưa thành người chứ sao.

Từ bấy đến nay bao nhiêu năm trôi qua mà lúc nào tôi cũng băn khoăn. “ Vì sao chúng ta không thành người được

Lần đi tù mới đây đã mở cho tôi đôi mắt cuối cùng tôi đã tìm ra câu đáp.

Trong tù tôi bị nhốt vào một khám lớn của tù chính trị. Quanh tôi là cả một Xã Hội trí tuệ : các nhà doanh nghiệp nổi tiếng, các nhân sĩ lỗi lạc, các ngài tỉnh trưởng, các quan đốc học, các cựu nghị sĩ, các chính khách xuất chúng, các vị đại thần, các bậc kỹ sư, các bác sĩ danh vang toàn cõi. Hầu hết những người này đến đỗ đạt tận
châu Âu, châu Mỹ, đã từng xuất dương và biết đến vài ba thứ tiếng.

Mặc dù cách nhìn đời của tôi và họ còn khác xa nhau, nhưng trước hết là nhờ có họ mà tôi hiểu ra được rất nhiều điều về cái sự tại sao chúng ta không thành người được.

Những ngày tiếp người nhà, tôi được nghe toàn những tin xấu : lúc thì gia đình tôi không trả được tiền nhà, lúc thì chịu tiền ông chủ quán nước, và biết bao câu chuyện dằn vặt khác nữa. Tôi thấy nặng nề, ủ dột.

Tệ hơn nữa là tôi có mặc cảm tuyệt vọng .

Bây giờ chỉ còn một lối thoát : phải lập tức ngồi viết tiểu thuyết. May ra có một tờ báo nào chịu đăng tải thì tôi kiếm được ít tiền. Nội dung cuốn sách đó tôi cũng đã thí nghiệm từ lâu.

Đã quyết là làm, tôi bèn đi kiếm một cây bút máy, một xấp giấy rồi ngồi chéo khoeo trên giường mà viết. Không được lãng phí thời giờ ! Phải chấm dứt chuyện trò bá láp hoặc ngồi không nghĩ vơ nghĩ vẩn.

Chưa viết được mười dòng thì một vị phạm nhân đầu óc sáng láng đến gần tôi :

- Chúng ta không thể thành người được ! - Vị ấy tuyên bố ngay - Quyết không, quyết không !

Tôi nín thinh.

- Anh nói sao, tôi nghe nào ? Vị ấy gặng - Tôi đã ăn học ở Thuỵ Sĩ, sáu năm làm việc ở Bỉ.

Rồi ông ta kể lể dài dòng và cặn kẽ về cuộc sống ở hai nước đó. Tôi phải rầu rĩ bị quấy quả đột nhiên, nhưng biết làm sao được. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn xuống, cố ý cho ông ta hiểu rằng tôi rất bận và mong ông ta đứng dậy. Than ôi ! Bạn tôi nào có biết phán đoán. Ông ta cứ thế mà nhớ đâu nói đấy.

- Bên ấy, anh sẽ thấy không ai không cầm sách vở. Một người Thuỵ Sĩ hoặc một người Bỉ có được vài phút rỗi rãi là họ mở sách ra ngay. Đi ô tô, đi tàu hoả, chỗ nào cũng đọc. Mà giá anh thấy họ trong nhà cũng thế ! Lúc nào cũng đọc, đọc và đọc …

- Chà, ghê thật, ghê thật ! - Tôi ngắt lời ông với hy vọng ông ấy tha cho tôi nhờ.

- Ghê hẳn đi chứ lỵ ! - ông ta nói tiếp - đâu bây giờ anh cứ thử nhìn những người quanh đây xem. Ai cũng nhận mình là trí thức mà không có ai cầm sách cả. Không, bạn thân mến của tôi ơi, chúng ta không thành người được.

- Ông nói quả đúng,- tôi đồng ý.

Tôi vừa nói thế, ông ta liền hăng tiết lên gấp hai lần và lại tiếp tục câu chuyện người Bỉ, người Thuỵ Sĩ đọc sách mọi nơi mọi lúc.
Đến giờ ăn trưa. Chúng tôi cùng đứng lên.

- Chúng ta không thành người được. Bây giờ anh đã rõ vì sao như thế chưa ? - ông ta hỏi.

- Rõ, - tôi đáp

Thế là tôi mất đứt nửa ngày để nghe một bài giảng về lòng hiếu sách của người Thuỵ Sĩ và cả người Bỉ.

Nuốt vội vàng mấy hạt cơm trưa tôi lại leo lên giường viết sách. Tờ giấy trên đầu gối, cây bút trong tay, tôi vừa ngồi vừa nghĩ.

Chưa viết được một chữ lại một người quen bước đến :


- Anh làm gì vậy ?

- Tôi viết tiểu thuyết.

- ở đây viết không ra cái gì đâu. Anh này ngộ thật … Anh đã ở châu Âu lần nào chưa ?

- Không, tôi chưa bao giờ ra khỏi đất Thổ.

- Tiếc quá ! Thế thì anh phải đi châu Âu mới được. Sống bên đó, được tận mắt nhìn thấy mọi vẻ sinh hoạt là điều rất thú vị. Những chuyến đi ấy làm con người mở rộng được tầm mắt. Tôi đã đi hầu khắp châu Âu, có lẽ không nước nào không có vết chân tôi. Lâu nhất là thời kỳ tôi ở Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển. Ở các nước đó mọi người tôn trọng nhau hết sức. Thậm chí người ta không nói to để khỏi phiền người bên cạnh. Còn ở nước ta, anh xem ! Muốn thủng hai màng nhĩ ! Có lúc tôi muốn chợp mắt một tý, muốn đọc hoặc viết một tý, tôi thiếu gì việc phải làm hả anh, thế mà cũng không được. Ồn như vỡ chợ thế này thì anh không viết tiểu thuyết được đâu. Không thể viết được.

- Ồn như vỡ chợ tôi cũng viết được. Tôi chỉ không viết được khi bị người khác lải nhải bên tai mà thôi.

- Bạn thân mến ơi, nhưng được yên tỉnh thì thích hơn biết mấy. Có phải thế không ? Mà họ có quyền gì quấy rầy anh kia chứ ? Họ có thể nói nhỏ được quá đi chứ. Ở Đan Mạch, Thụy Điển. Hà Lan không có ai bất lịch sự như thế bao giờ. Dân chúng người ta tân tiến vì biết tôn trọng lẫn nhau.

Ông ta cứ nói lảm nhảm hết chuyện này chuyện khác, lôi ra trăm thứ dẫn dụ để minh hoạ cho trình độ lịch thiệp và giáo dục của người châu Âu.

Tôi cúi xuống mặt giấy và bắt đầu viết. Nói đúng hơn là tôi làm ra bộ viết. Hẳn như thế là bất nhã. Nhưng tôi còn biết làm sao khác được ?

- Đừng hoài công vô ích, - ông bạn lại nói, - không viết được gì đâu.

Viết thế anh chỉ làm hỏng đầu óc. Nước Thổ chứ có phải châu Âu đâu. Anh có biết một người dân châu Âu thì phải thế nào không ? Trước hết là phải có lòng tôn trọng người bên cạnh mình. Còn ta thì sao ? Bạn thân mến của tôi ơi, chính vì lẽ đó mà chúng ta không nên người được đâu. Không, chẳng thể nào được.

Chắc ông ta chưa chịu kết thúc ngay. Nhưng may quá, luật sư của ông ta đến cứu nguy cho tôi.

Sợ rằng có người khác đến ám, tôi cúi gầm hẳn mặt xuống.

Vừa viết được hai dòng, lại một ông bạn cùng xà lim bước đến.

- Chúc anh thành công ! - ông ta nói,

- Cám ơn Bác, - tôi đáp

Ông ta ngồi xuống giường tôi nói :

- Còn xa chúng ta mới thành những người chân chính.

Tôi không hé răng nửa lời hòng chặn đứng câu chuyện ngay từ khởi thủy.

- Anh đã sang Mỹ bao giờ chưa ? - ông ta hỏi.

- Chưa.

- Tiếc thật ! Anh được ở bên đó vài tháng anh sẽ thấy ngay vì sao chúng ta lạc hậu thế này. Người Mỹ đâu có như ta, họ không thích tán gẫu. Bên họ có câu “ Time is money” - “ Thời gian là tiền bạc”, Người Mỹ chỉ đến với anh khi có việc. Họ nói vài câu cần thiết rồi đi làm việc khác. Còn nước Thổ ta thì sao ? Cứ lấy chúng ta ra mà xem. Chúng ta đang làm gì ? Ở Mỹ như thế thì đừng có hòng. Chính vì vậy mà họ tân tiến.

Tôi thở dài liên tiếp, lòng thầm mong ông ta hiểu cho rằng tôi rất bận và mong ông ta đi đi cho rồi. Nhưng ông ta cứ tiếp tục khoa đại ngôn như chẳng hề hám chuyện gì cả.

Đến giờ ăn tối, trước khi cáo lui, ông ta bảo :

- Chúng ta không thành người được ! Đúng thế. Cứ cái lối sa đà trò chuyện thế này thì chẳng có bao giờ nên người .

- Bác nói thật chí lí, - Tôi đáp.

Khoắng vội cho xong bát cơm tôi quay về làm việc. Tiểu thuyết ! Phải viết tiểu thuyết.

- Cái chính là phải lao động. Những việc khác là phụ, - Tôi bỗng nghe có tiếng ngoài nói.

Ngẩng đầu lên tôi thấy một bạn cùng khám đứng cạnh.

- Theo anh thì sao ?, - Anh ta hỏi và ngồi xuống giường bên.

- Ai dám tranh luận chuyện đó ? Lao động cần quá đi chứ, - Tôi đáp.

- Bố mẹ tôi giáo dục tôi theo tinh thần nước Đức… Tôi giận đến tím ruột.

Còn anh bạn thì sôi nổi tiếp tục :

- Tôi tốt nghiệp trường Li - xê ở Xtăm - bun rồi sang Đức học đại học, sau đó tôi lại làm việc ở bên ấy nhiều năm. Người Đức chả có ai ăn không ngồi rồi cả. Còn bên ta thì thế nào ? Cứ lấy tất cả những người trong khám này ra làm bằng mà xem. Không không chúng ta không thể thành người được. Còn lâu chúng ta mới thành những người chân chính.

Tôi hiểu ra : ban ngày người ta không cho tôi viết tiểu thuyết. Cố viết, tôi chỉ giết chết thần kinh của mình mà thôi. Bây giờ chỉ còn nước đợi đến đêm cho mọi người đi ngủ cái đã.
Anh bạn không mời mà đến của tôi lại thao thao về đất nước Đức.

- Ở Đức mà ngồi không ăn bám là điều sỉ nhục. Người Đức dù bị số phận xua đuổi đến đâu đi nữa cũng không bao giờ chịu ngồi bó gối, thế nào họ cũng phải tìm được một việc gì đó để làm. Một lẽ đương nhiên là không thể không

lao động được. Còn đây là một dẫn chứng phản diện : chúng ta đã nằm đây được mấy tháng rồi, thử hỏi có ai làm gì hay không ? Đụng đến chuyện ấy là người ta lấy làm lạ : trong tù thì làm gì được ! Một người trí thức nước Đức sẽ không nói như vậy. ông ta sẽ ngồi viết hồi ký, viết báo, lo nghĩ công việc của mình hoặc đọc sách báo. Tóm lại, ông ta không có chơi bời phí phạm. Còn chúng ta thì sao ? Anh muốn nói gì thì nói, chúng không thể thành người được.

Đến tận nửa đêm anh ta mới về. Bây giờ có thể làm việc được rồi. Không ai còn đến ngồi quấy phá và lên lớp cho tôi về chuyện để lý do khiến chúng ta không nên người được.

Chao ôi, tôi đã lầm to : lại có người đến. Người này đã lăn lộn nhiều năm bên Pháp. Ông ta khe khẽ thì thầm sợ phiền đến giấc ngủ mọi người. Theo lời ông người Pháp là người biết làm việc ra trò, nghỉ ngơi và vui chơi ra trò, dân tộc đó không bao giờ lẫn lộn thời gian làm việc với thời gian nghỉ ngơi. Rồi ông ta khuyên tôi không nên làm việc quá nửa đêm như thế.

- Bây giờ anh đi ngủ đi, sáng mai đầu óc tỉnh táo anh lại tiếp tục viết : Bên nước ta mọi thứ cứ lùng nhùng với nhau : lao động, nghỉ ngơi, giải trí không ra cái gì cả. Lúc nghỉ thì mình làm việc, giờ làm việc thì lại muốn nghỉ. Đấy, cứ bảo tại sao chúng ta không biết làm việc cho có năng xuất. Không bao giờ chúng ta thành người được đâu. Không bao giờ.

Lúc ông ta đi, thì tôi cũng không còn sức để viết được nữa. Hai mí mắt tôi cứng lại, tôi lăn ra ngủ vùi.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, lúc chưa ai dậy, và bắt tay vào việc.

Có một người cùng khám mà tôi rất kính nể vừa đi ngoài về.

Thấy tôi, ông ta bước lại.

- Mọi thứ ở bên Anh không có như bên ta, - ông ta nhận xét, - Anh đã ở bên Anh bao giờ chưa ?

- Chưa ạ.

- Anh cứ hình dung anh đang ở bên ấy và đang đi tàu. Người cùng phòng với anh suốt nửa ngày không thèm nói câu nào. Bên ta mà thế thì lại bảo : “ Cái thằng kênh kiệu ! Mặt lạnh như tiền”. Nhưng đó có phải tại người ta lạnh lùng và kênh kiệu đâu. Đó là người ta rất có ý thức và rất tế nhị. Biết đâu anh không thích nói chuyện với người ta thì sao. Còn có gì mà người ta làm phiền đến anh ! Còn bên ta thì sao ? Anh ta có quen anh hay không ? Anh đang bận hay đang rỗi, mặc ! Anh ta cứ mở miệng tán phét. Chính vì thế mà chúng ta chẳng bao giờ thành người được cả.

Tôi vò nát tờ giấy trên đầu gối, quẳng xuống gậm giường và nhét bút vào túi.

Thế là hết … Thế là tiêu tan cái mộng viết tiểu thuyết của tôi. Phải, trong tù tôi không viết được gì cả. Nhưng nhà tù đã mở ra cho tôi chân lý trăm ngàn lần quý hơn cuốn sách thai nghén kia. Tôi đã hiểu ra vì sao chúng ta không thể thành người được.

Bây giờ chỉ cần một người nào đó đứng bên tôi bảo rằng : “Không, chúng ta không thể thành người được ! …” thì lập tức tôi giơ tay hô lớn :

- Tôi biết lý do rồi.

Tôi trưởng thành hẳn lên .