Trong khi đó, trên Catholic World Report ngày 12 tháng 8, Tiến sĩ Larry Chapp, giáo sư triết học hưu trí của Đại Học DeSales gần Allentown, Pennsylvania, lên tiếng phê phán các nhà thần học xét lại đã hạ giá học thuyết Tôma khi ve vãn hệ tư tưởng hiện đại và dùng những bài thuốc lang băm (nostrums) của nó chống lại Giáo Hội nhất là trong nền thần học luân lý.



Thực ra, tác giả không đề cập chi tới học thuyết của Thánh Tôma nhưng nhấn mạnh tới nhận định của Henry de Lubac khi đọc The Church: Paradox and Mystery [Giáo Hội: Nghịch lý và Mầu nhiệm] của học giả này. Nhận định đó như sau: cuộc cải cách thực sự duy nhất của Giáo hội xảy ra khi Thiên Chúa cho xuất hiện các vị thánh phù hợp với thời đại. De Lubac cho rằng không thể đoán trước những loại thánh nào được Chúa Thánh Thần cho xuất hiện trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, de Lubac nói rằng có một số điều chúng ta có thể nói một cách dứt khoát về thế nào là thánh và thế nào không phải là thánh, trong mọi thời đại.

Theo ngài, một vị thánh không phải là một “thiên tài tôn giáo” cầm chịch một loại “óc sáng tạo” của phái Montanist tìm cách “vượt qua Tin Mừng” bằng những công trình xây dựng mới đầy canh tân phản ảnh các khẩu hiệu của thời nay và hạ giá tất cả những gì trước đây như chỉ là sự chuẩn bị cho một thời đại khai sáng mới. Và, như de Lubac nói, "Nếu họ đạt được những điều lớn lao, thì không phải là nhờ những khảo luận về lòng dũng cảm dám làm." (174). Không khó để nhận ra trong những lời này, một sự chế giễu được che đậy mỏng manh đối với tất cả những trò láo khoét nhằm được khen ngợi, cho rằng “Thiên Chúa đang làm một điều mới mẻ” trong khi thực tế những gì được họ đề xuất chẳng có gì mới mẻ cả, nhưng chỉ là những khu vườn tạp nham được trang điểm thành "lối sống giác ngộ".

Ở đây, chúng ta hãy nói thẳng: trong cả thời của de Lubac lẫn thời của chúng ta, luôn có cảnh cao ngạo của nhà thần học hoặc tu sĩ Công Giáo cấp tiến, những người phản đối công khai các giáo huấn của Giáo hội về bất cứ vấn đề nóng hổi nào, và là những người được coi như “những anh hùng” gan dạ và “can đảm” dám đứng lên chống lại Giáo hội “lạc hậu”. Điều này được de Lubac nói rõ rằng không có gì giống như Chúa Kitô, hoặc can đảm, hoặc có dấu thánh giá và được thánh hóa khi cố gắng giành cho được sự ca ngợi của thế gian bằng cách nhắc lại như vẹt các bài thuốc lang băm của hệ tư tưởng thời đại và sử dụng chúng chống lại Giáo hội. Những kẻ phản bội văn hóa không phải là các thánh và Giáo hội đã có đủ những thứ này rồi. Xin cám ơn qúy vị!

Tương tự như vậy, loại can đảm giả tạo này cũng được tìm thấy trong một số loại người theo phái duy truyền thống, như de Lubac nói, “nhượng bộ nhu cầu con nít muốn có an toàn bằng cách bám vào truyền thống của Giáo hội” theo những cách không thực sự trung thành với nó nhưng thay vào đó sử dụng nó như một cấu trúc ngẫu thần của trí tưởng tượng riêng mình. Vị thánh ngày nay không bao giờ được nhượng bộ trước cơn cám dỗ bè phái để chạy theo một kiểu hợp chất truyền thống (tradition-compound) với các phụng vụ chống đối bí mật (underground liturgies) riêng của nó và “các linh mục anh hùng”, những người được miêu tả một cách sai lầm như những người tử vì đạo.

Thí dụ, tôi từng chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã tăng sức một lần nữa cho những người trong Giáo hội tìm kiếm một cuộc cách mạng trong thần học luân lý của Giáo hội. Tôi cũng đã chỉ trích phương thức mục vụ của Traditionis Custodes. Nhưng chúng ta không thể đơn giản để một quyết định mục vụ bị coi là tồi của Đức Giáo Hoàng về vấn đề các nghi thức phụng vụ được phép làm chúng ta phát điên. Đức tin của chúng ta là vào Chúa Kitô và Giáo hội của Người, chứ không phải trong một hình thức đặc thù của phụng vụ. Và khi một hình thức đặc thù nào đó của phụng vụ được đề cao phần nào trên huấn quyền của Giáo hội, thì chúng ta cần phải gọi nó đúng như nó là: một ý thức hệ giáo hội thụt lùi gần như thờ ngẫu tượng.

Do đó, chủ nghĩa duy truyền thống không chỉ ra bất cứ con đường nào dẫn đến sự thánh thiện mà tôi có thể xác định ngoài sự kiện này là bất cứ nền phụng vụ tốt nào cũng có thể tạo ra các vị thánh khi nó là một phụng vụ được sinh động hóa bởi một đời sống đức tin cộng đồng sâu sắc trong một giáo xứ sôi động.

Sự can đảm thực sự của một sự thánh thiện chân chính phải bước theo con đường của Thập giá. De Lubac mượn một phép loại suy từ một số Giáo phụ, những vị đã ví sự thánh thiện của Giáo hội với độ sáng của mặt trăng, độ sáng của nó chỉ đơn giản phản chiếu sự vinh quang của ánh sáng chói lọi của Mặt trời. Tuy nhiên, đôi khi, độ sáng của mặt trăng suy yếu và thậm chí có thể bị che khuất hoàn toàn. Đối với Giáo Hội cũng vậy, vì Giáo Hội trải qua toàn bộ ác thời kỳ tối tăm trước khi ánh sáng của Chúa Kitô một lần nữa trở lại nhờ lòng nhiệt thành canh tân của các thánh. Ngài lưu ý, “Vào một số thời điểm nhất định, chứng tá của Giáo Hội có thể bị che khuất nhiều… nhưng chúng ta có sự bảo đảm rằng 'các vị thánh sẽ luôn xuất hiện.'” (30) Tuy nhiên, de Lubac than thở, “… trong thế kỷ này, Giáo hội là một Giáo hội trong cơn giẫy chết và chính trong cách này, Giáo hội được đổi mới, nhờ ngày càng đến gần hơn với Chúa Kitô, Người phối ngẫu của mình. Sau đó, Giáo Hội trở nên đồng nhất với Người đến nỗi Giáo Hội biến mất, có thể nói như thế, trong sự rực rỡ của mình. Rất gần với Mặt trời của mình, tức Chúa bị đóng đinh, chính trong bóng tối của Khổ Nạn mà Giáo Hội bắt đầu phát triển trở lại.” (30-31)

Nói cách khác, Giáo hội ngày nay đang trải qua một via crucis (đàng thánh giá) thanh tẩy qua các thập giá với những chiều kích chưa từng có và do đó cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là điều chúng ta nên thu mình lại vì sợ hãi mà là điều chúng ta nên nắm lấy như một cơ hội cho các thánh mới xuất hiện. Và việc theo đuổi sự thánh thiện này, bất luận có thất thường và không nhất quán và khó chịu đến đâu, phải liên hệ đến mỗi người trong chúng ta, hoặc ít nhất là hầu hết chúng ta. Trong một nền văn hóa tự do, phóng túng, dân chủ và — ta hãy đối mặt với nó — nền văn hóa đề phòng Giáo hội, giáo dân phải dẫn đầu vào lúc này. Bây giờ là thời điểm của giáo dân, thời điểm quan trọng của nó, “thời cấp cứu” [Ernstfall] của nó, và do đó loại thánh mà Giáo hội cần nhất ngày nay là các thánh giáo dân đang hoạt động trong thế giới.

Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng không phải vậy. Đó là yếu tính của Tin Mừng và nếu chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe nói tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, và nếu có vẻ chỉ là “chuyện chán phè” và “là bất cứ điều gì”, thì đã đến lúc phải thừa nhận rằng tẻ lạnh quả đã chiếm trọn Giáo hội ngày nay và khiến chính Tin Mừng trở thành nhàm chán, nếu không muốn nói là lười biếng.

Bây giờ không phải là lúc để chúc phúc cho chủ nghĩa hư vô tiềm ẩn ở tâm điểm nền văn hóa luận chiến đầy trống rỗng và tuyệt vọng kiểu buông thả của chúng ta, nhưng phải thách thức nó bằng cách bước vào nó trong tư cách những tay chơi tích cực không khuất phục trước nó... Trái lại, cố gắng chinh phục nó và trong diễn trình này, làm chứng công khai cho sự hiện diện của mầu nhiệm siêu nhiên và cánh chung vốn làm cho khả năng chống lại sự đồng hóa văn hóa của chúng ta trở nên khả hữu — và chỉ riêng điều này có thể khiến chúng ta thành “đáng lưu ý” như một sự khiêu khích hấp dẫn và to lớn.

Do đó, điều chúng ta đặc biệt không cần đến nhất ngày nay là “Chủ nghĩa Tôma tiêu chuẩn thấp” của nhóm các nhà thần học luân lý theo chủ nghĩa xét lại hiện nay, những người đã giản lược lời kêu gọi nên thánh như chỉ được ngỏ cùng một số ít người, đơn giản chỉ dành cho một nhóm ưu tú nào đó. Vì thế, đối với “hầu hết những con người bình thường”, họ mô tả con đường nên thánh như một cuộc đấu tranh cam go thậm chí chỉ để tuân theo những mệnh lệnh căn bản của luật luân lý, nên chúng ta phải dành đủ thứ “thông cảm mục vụ” khi “đồng hành” với họ trên "con đường biện phân" của họ. Tất cả điều này nghe có vẻ khá hay và biết quan tâm sâu sắc, nhưng trên thực tế, đó là một món rau trộn gồm các từ ngữ thông dụng vô nghĩa, tất cả đều được thiết kế để quảng bá một ý tưởng đơn giản: sự thánh thiện không dành cho những người bình thường...

Tôi nghĩ đến câu chuyện về “một thủ lãnh” trong Tin Mừng hỏi Chúa Giêsu: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 18:18). Và lúc đó, Chúa Giêsu gợi ý rằng đối với người này, chỉ tuân theo chủ nghĩa tối giản là sống các giới răn luân lý mà thôi không đủ - họ phải vượt quá điều này và, “hãy cho người nghèo tất cả những gì bạn có và sau đó theo tôi.” Nhưng người thanh niên trở nên rất buồn bã và từ chối lời đề nghị theo Chúa vì quá gắn bó với của cải. Lúc đó, Chúa Giêsu nói với người thanh niên (và như Luca nói thêm, trong khi “nhìn anh ta”) rằng người giàu có vào Nước Thiên Chúa là điều vô cùng khó khăn. Thực thế, Chúa Giêsu nói lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu tìm được sự sống vĩnh cửu. Đó là một cảnh nghiệt ngã mà hầu hết các Kitô hữu Hoa Kỳ đã tâm linh hóa một cách thái quá vì nó cắt quá sát xương cốt giàu có của chúng ta.

Nhưng hãy lưu ý những gì Chúa Giêsu không nói hoặc không làm. Người không nói với người thanh niên, “Này anh bạn, không sao đâu. Đừng lo. Không sao đâu. Chỉ cần cố gắng hết sức có thể trong những hoàn cảnh phức tạp của cuộc đời, dâng hiến cho Chúa những gì bạn có thể một cách quảng đại nhất ở thời điểm hiện tại trong giới hạn của những hoàn cảnh đó, và Thiên Chúa sẽ chấp nhận điều đó. Và bạn có thể có một lương tâm thanh thản về tất cả những chuyện đó." Nếu Chúa Giêsu nói một điều như vậy, thì hẳn đó là một thứ lòng nhân hậu hạ cố “tiêu chuẩn thấp” với giọng chú bác khoan dung trước sự dại dột của tuổi trẻ, chứ không phải là một kiểu nói khích lệ của lòng Chúa nhân hậu. Và cũng hãy lưu ý điều này Chúa Giêsu đã không đuổi theo người thanh niên để khuyên can thêm với anh ta. Người để anh ta đi sau khi nói thẳng vào mặt anh ta rằng sự giàu có của anh ta sẽ là thứ làm mất tinh thần của anh ta.

Đây cũng là trường hợp duy nhất trong các sách Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu đặc biệt kêu gọi ai đó đi theo Người và họ từ chối. Và điều đáng lưu ý, vì nó thường bị làm ngơ, là sự phân biệt giữa các điều răn và lời khuyên — rất quan trọng đối với Giáo hội sau này của sự thánh thiện đã bị giáo sĩ hóa — hầu như không tồn tại trong câu chuyện này. Chúa Giêsu liên kết sự cứu rỗi của người đàn này một cách rất trực tiếp vào lời kêu gọi theo đuổi con đường nên thánh vượt quá việc chỉ sống các giới răn đạo đức. Và đó là bởi vì, nếu chúng ta đọc câu chuyện này dưới ánh sáng của Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói rằng nếu bạn hiểu đúng những gì các điều răn đòi hỏi nơi chúng ta theo cách tối đa chứ không tối thiểu, thì bạn sẽ hiểu rằng luận lý bên trong của chúng đòi phải lao vào việc theo đuổi một sự thánh thiện cao hơn, để có thể chu toàn chúng một cách sâu sắc nhất.

Thật vậy, Người nhấn mạnh rằng lối sống duy tối thiểu tuân theo các điều răn, không có sự hoán cải bên trong của cõi lòng, thực sự không phải là sống các điều răn đích thực.

Tất nhiên, có chỗ dành cho lòng nhân hậu, sự kiên nhẫn, sự sáng suốt và sự đồng hành. Nhưng những đức tính này là những khoảnh khắc nằm trong nhiệm cục rộng lớn hơn của lòng tốt luân lý và thiêng liêng chứ không thay thế nó. Sự thật và lòng thương xót không thể mâu thuẫn nhau, và mô tả chúng như những cú đòn trong phép biện chứng “Luật-Tin Mừng” chỉ là thứ nhị nguyên thuyết của Marcion. Chúa Giêsu Kitô đã đặt tiêu chuẩn cao, nhưng sau đó Người cũng truyền lệnh cho chúng ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy và mở rộng lòng thương xót ngay cả với kẻ thù của chúng ta.

Chúng ta không thể làm cho Chúa Kitô đáng tin một lần nữa và chúng ta không thể phá vỡ xiềng xích bá quyền của cái “khung nội tại” đang nô dịch chúng ta nếu chúng ta biến mọi lựa chọn khó khăn mà chúng ta phải đối diện - những lựa chọn do Tin Mừng đòi hỏi - thành một “vùng xám” của “các hoàn cảnh phức tạp” nài van một kỳ vọng bị hạ thấp tiêu chuẩn. Rất dễ trở thành “bao gồm” khi bạn nghĩ rằng đã có bao giờ có chuyện “độc quyền” đâu.

Và chúng ta không thể làm cho sự vinh hiển siêu nhiên của Chúa Kitô hiện diện một lần nữa nếu chúng ta dâng hương thơm cho những vương quốc và quyền lực đã tạo ra tất cả những “hoàn cảnh phức tạp” đó ngay từ đầu. Sự “bao gồm” mà Chúa Kitô mang lại là sự bao gồm từ bên trên, chứ không phải từ bên dưới. Nó phá vỡ xiềng xích nội tại của chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy rằng tính thế giới đích thực duy nhất là thế giới được làm mới trong Chúa Kitô.

Và vì vậy, nhiệm vụ vui mừng của người tìm kiếm sự thánh thiện hiện đại là làm cho rõ ràng và đáng tin cậy một lần nữa những lời của Chúa chúng ta: “Này, Ta làm cho mọi sự nên mới mẻ”.