Thánh Lễ Cung Hiến Bàn Thờ Mới, Làm Phép Tượng và Nguyện Đường Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Phan Thiết

Sáng ngày 11.5.2022, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM TGP Huế, Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Gm Chính tòa Gp Phan Thiết, Chủ tịch UB Giáo sĩ – Chủng sinh trực thuộc HĐGMVN; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Gm chính Tòa Gp Đà Nẵng, Chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGMVN; Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, Giám mục phó Giáo phận Bắc Ninh; Fr. Rafal, đặc trách các nữ tu Cát Minh trên toàn thế giới, thư ký riêng của Cha Bề trên Tổng quyền đến từ Rôma; Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Tổng Đại diện Gp Phan Thiết; Cha Giuse Trần Hòa Hưng, Đại diện Giám mục Đặc trách tu sĩ của TGP Sàigòn; quí Cha Quản hạt, và khoảng 150 cha trong và ngoài giáo phận đã đến dâng thánh lễ cung hiến nguyện đường Dòng Kín Cát Minh Phan Thiết tại Thôn Lập Đức, Xã Tân Lập, Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận. Quý Mẹ Bề Trên và các Nữ tu của các Đan viện Cát Minh tại Việt Nam, các Tu sĩ nam nữ và các Chủng sinh, cùng đại diện các giáo xứ trong giáo phận hiệp thông cầu nguyện.

Xem Hình

Hôm nay, một ngày thật đáng nhớ, hân hoan vui mừng và hạnh phúc cho toàn thể Đan sĩ thuộc Đan viện Cát Minh và toàn thể Giáo phận Phan Thiết.

- Niềm vui có được Đan viện mới, khang trang và đủ điều kiện để làm nơi sống đời đan tu kết hiệp với Thiên Chúa Tình yêu.

- Niềm vui có được Ngôi Nguyện đường ấm cúng đẹp xinh là trái tim của Đan viện để chiêm niệm, cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ mỗi ngày.

- Niềm vui vì với Đan viện mới này, Giáo phận Phan Thiết như có một lá phổi mới tràn đầy sức sống, hoạt động liên lỉ cung cấp dưỡng khí cầu nguyện cho Giáo phận được bình an và luôn phát triển trong thánh ý Chúa. Có lần Đức cố Giám mục Nicôla đã ví von: “Giáo phận Phan Thiết sống khỏe mạnh là nhờ bởi hai lá phổi của sự chiêm niệm và cầu nguyện để hít lấy bầu khí thánh thiêng từ Thiên Chúa. Lá phổi thứ nhất là Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy, lá phổi thứ hai là Đan viện Cát Minh Phan Thiết.”

- Hạnh phúc vì Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phan Thiết từ nay sẽ bước sang một trang sử mới đánh dấu sự ổn định và trưởng thành của Đan viện sau 22 năm đầy sóng gió.

- Hạnh phúc biết bao vì được đón tiếp: Đức Tổng Giám Mục, quí Đức cha, quí Cha, quí Phó tế, quí Đan sĩ, Tu sĩ Nam nữ, Chủng sinh, quí Khách khắp nơi về đây để cùng với Đan viện dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong ngày Làm phép Tượng, Nguyện đường và Cung hiến Bàn thờ mới. Đây là ngày lễ trọng đại đối với Đan viện, qui tụ đủ mọi thành phần dân Chúa trong một bầu khí vừa trang trọng, thánh thiêng nhưng cũng tràn đầy hân hoan vui mừng của ngày kết thúc công trình xây dựng với sự âm thầm liên lỉ cầu nguyện, sự quảng đại đóng góp; những hy sinh, gian lao vất vả của bao người.

Đúng 9giờ, quí cha đồng tế đứng dọc hai bên hành lang nhà khách Bêtania và đón đoàn rước gồm Fr. Rafal, quí Đức cha, Đức TGM tiến về cổng Đan viện. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ sự làm phép Tượng Thánh cả Giuse và Tượng Hai Cha Con Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Sau đó đoàn rước tiến vào nguyện đường. Ca đoàn Hội Dòng MTG Phan Thiết ngân vang bài ca nhập lễ “Về Nhà Chúa”.

Khi cộng đoàn an toạ, Cha dẫn lễ trân trọng giới thiệu quý Đức cha và quý cha đồng tế. Sau đó, một Nữ tu đại diện Đan viện Cát Minh đọc “Lược sử Hình thành Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phan Thiết”.

Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế khởi sự thánh lễ. Ngài làm phép nước và rảy nước thánh trên cộng đoàn, sau đó xướng Kinh Vinh Danh và lời nguyện nhập lễ.

Sau bài Tin Mừng (Mt 16, 13-19), Đức cha Giuse giảng.

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Ngày hôm nay, một người con của Giáo phận Phan Thiết là Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phan Thiết được chính thức giới thiệu với toàn thể Cộng đoàn dân Chúa.

Theo ngôn ngữ bình dân, có thể nói hôm nay là “ngày lễ thôi nôi” của Đan Viện Cát Minh Phan Thiết, khi được giới thiệu với mọi người trong nước, ngoài nước, trong giáo phận và ngoài giáo phận.

Trong gia đình Giáo phận Phan Thiết có 5 Cộng đoàn Dòng tu nữ, được ví như 5 người con gái:

- Chị Hai là Dòng MTG Phan Thiết, được thành lập tại Gp. Phan Thiết ngày 29.10.1983.

- Chị Ba là Dòng Phúc âm Sự sống, được thành lập năm 2003.

- Chị Tư là Tu đoàn Nữ Bác Ái Chúa Kitô Tôi tớ, được thành lập ngày 19/12/2004.

- Và 18 ngày sau, vào ngày 28/12/2004, Tu đoàn Nữ Thừa Sai Thánh mẫu, được thành lập.

- Và cuối cùng cô Út Dòng Nữ Cát Minh Phan Thiết, được chính thức thành lập tại Phan Thiết, nhưng vẫn còn thuộc về Nhà Mẹ là Đan Viện Cát Minh Sài Gòn.

Vào ngày 17/01/2022 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng đã chuẩn y để một nhóm chị em trở về sống chính thức tại Cơ sở mới của Đan viện Cát Minh Phan Thiết.

Qua các Bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, Lời Chúa dẫn chúng ta đi vào trong linh đạo của các Nữ Đan sĩ Cát Minh.

Trước hết, với bài đọc 1 trích từ sách Cv 2, 42-47, ba đặc tính của cộng đoàn Giáo hội sơ khai đang được họa lại cách sống động nơi cộng đoàn các nữ tu Dóng Kín với 4 đặc điểm: nghe lời giáo huấn của các tông đồ - hiệp thông với nhau – siêng năng tham dự lễ bẻ bánh là Thánh Thể - và cầu nguyện không ngừng.

Thực vậy, đặc tính nổi bật của Đan viện Cát Minh là cầu nguyện. Cộng đoàn dành rất nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện hằng ngày.

Và cùng với cầu nguyện là tham dự Thánh Thể, ngoài thánh lễ, giờ cầu nguyện của cộng đoàn được cử hành trong nhà nguyện, trước Thánh Thể.

Về giờ ăn, cộng đoàn cũng thinh lặng, nghe đọc sách, lắng nghe những giáo huấn của Giáo hội.

Và cuối cùng là sự hiệp thông trọn vẹn của các thành viên trong cộng đoàn. Khi khấn trọn gia nhập Dòng Kín, người nữ tu sẽ hoàn toàn lìa bỏ gia đình lìa bỏ cuộc sống bên ngoài, để sống trọn vẹn trong Đan viện. Hình ảnh nội cấm của Đan viện, như tấm song ngăn cắt ở tại nhà nguyện này, là một minh họa cho việc hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa trong cộng đoàn Đan viện.

Thêm vào đó, bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất của thánh Phêrô 1Pr 2, 4-9, trình bày hình ảnh ngôi nhà Giáo Hội được xây lên từ những viên đá sống động là các tín hữu. Thánh Phêrô huấn dụ: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô.”

Những nữ tu Dòng Kín, bề ngoài xem ra như “tách rời” khỏi những sinh hoạt xã hội, tách rời khỏi những sinh hoạt tông đồ mục vụ của Giáo hội, nhưng bên trong họ đang hiệp thông thật sâu đậm với Giáo hội và cả xã hội.

Sự hiệp thông với Giáo hội qua hình ảnh các viên đá xếp vào nhau, những viên đá âm thầm ở góc nhà không ai thấy, không ai để ý, những vẫn luôn liên kết với những viên đá khác, để ngôi nhà được vững chắc.

Người nữ tu Dòng Kín, tuy âm thầm ở trong 4 bức tường… nhưng luôn hiệp thông với Giáo Hội, với thế giới… chia sẻ những vui, buồn… những thành công tiến bộ, những thất bại, lo lắng… Tới đây, tôi nhớ lại một câu chuyện về sự hiệp thông này:

Năm 2020, bắt đầu dịch Covid tràn vào Việt Nam… tình hình bị cách ly, phong tỏa… Cơ sở Dòng Kín này đang xây dựng, làm thế nào đây, vì không thể ặp gỡ, bàn bạc về công trình, sơ Thanh phụ trách công việc xây dựng của nhà dòng nói với tôi: xin Đức cha cho họp trực tuyến qua mạng, với chương trình Zoom Meeting… Tôi nghe giật mình: “các sơ Dòng Kín cũng biết sử dụng trực tuyến, online với Zoom Meeting à?”

Và buổi họp “trực tuyến đầu tiên” về xây dựng đã thực hiện: tôi ở Tòa Giám mục Phan Thiết, sơ Thanh ở Dòng Kín Sài Gòn, kiến trúc sư ở Bình Dương, cha Dũng ở Hiệp Đức…

Đây cũng là buổi họp trực tuyến đầu tiên của tôi tại Phan Thiết. Sau đó suốt 2 năm qua, tôi đã tổ chức hơn 150 buổi họp trực tuyến: tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm, các buổi họp ban tư vấn, ban môi trường, buổi thường huấn cho các nữ tu, huấn luyện hiệp hành, đào tạo giáo lý viên…

Cách thức họp trực tuyến với chương trình Zoom chỉ là một minh họa về sự quan tâm, tương quan giữa Dòng Kín và thế giới… nhưng sâu xa hơn chính là sự yêu thương, quan tâm các các sơ đối với mọi người qua lời cầu nguyện. Như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã xác định: trong lòng Giáo hội, con là tình yêu…

Bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, với động cơ là tình yêu đối với Thiên Chúa và con người, các nữ tu Dòng Kín đang chia sẻ với những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn của con người hôm nay.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Dòng Kín, đã được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, đứng ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê, vị truyền giáo nổi tiếng.

Ở trong nội cấm của 4 bức tường Dòng Kín Lisieux, nhưng bằng tình yêu được lồng trong lời cầu nguyện, Têrêsa đã nâng đỡ tất cả đời sống của con người và đời sống của Giáo hội.

Giáo phận Phan Thiết hôm nay rất vui và thấy được ân sủng của Thiên Chúa đang bao bọc, nâng đỡ, hướng dẫn Giáo phận qua lời cầu nguyện âm thầm và liên lỉ của người con gái út này.

Kính thưa cộng đoàn,

Một chia sẻ cuối cùng đó là về nghi thức làm phép nhà nguyện và cung hiến bàn thờ mà chúng ta sắp cử hành.

Trước hết, việc xức dầu cung hiến nói lên niềm tin, niềm phó thác của cộng đoàn tín hữu: dâng lên Thiên Chúa bàn thờ này, nhà thờ này, để xin Chúa chúc lành, che chở và ủi an.

Tâm hồn của chúng ta xúc động khi thấy Đức Giám Mục đổ dầu lai láng trên bàn thờ (bàn thờ chính là Chúa Kitô toàn thể: gồm đầu và thân thể của Chúa Kitô là Giáo hội). Bàn thờ, nơi chúng ta tế lễ và dâng Mình và Máu Chúa Kitô lên Thiên Chúa được xức dầu hiến thánh. Nơi đây, hương trầm nghi ngút, ánh sáng bừng lên như nhắc rằng: mọi lễ vật chúng ta dâng lên trong niềm vui hay trong nước mắt sẽ trở nên như hương thơm bay lên tôn nhan Thiên Chúa và đời sống đức tin của chúng ta phải luôn chiếu tỏa.

Kính thưa cộng đoàn,

Trong thánh lễ cung hiến bàn thờ và làm phép nhà nguyện của Đan viện Cát Minh Phan Thiết hôm nay, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã chọn nơi này để hiện diện giữa dân Người, chọn nơi này để sống với dân người, chọn nơi này để gặp gỡ, yêu thương, chăm sóc, ban phát, nuôi dưỡng và đồng hành với dân Người trong hành trình tiến về quê hương mới.

Đồng thời hôm nay còn là dịp để chúng ta tạ ơn Giáo hội, Mẹ Thánh thiện của chúng ta, đạ chọn nơi này, qua cộng đoàn của các Nữ tu Dòng Kín, để làm bằng chứng hùng hồn về sự hiện diện của Giáo hội trong trần thế, để làm dấu chỉ của ơn cứu rỗi cho nhân loại, và để làm một cứ điểm quan trọng cho Giáo hội thực hiện sứ vụ đem Tin mừng đến cho muôn dân.

Cuối cùng hôm nay còn là dịp để mỗi người chúng ta cảm ơn nhau, cảm ơn các vị ân nhân đã hỗ trợ và cùng với chúng ta xây dựng nên ngôi nhà nguyện và cơ sở Đan viện Cát Minh này.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Thánh Giuse bổn mạng của Đan viện và thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, xin Chúa tiếp tụv hường và chúc lành cho Đan viện Cát Minh này, để nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của các sơ, Giáo hội Việt Nam và đặc biệt Giáo phận Phan Thiết sẽ đón nhận được muôn phúc lành của Thiên Chúa. Amen.

Tiếp sau Kinh tin Kính, Đức cha Giuse chủ sự Nghi Thức Cung hiến Bàn thờ mới. Nghi thức gồm 3 phần:

Phần thứ nhất: Tâm tình cầu nguyện với Kinh Cầu Các Thánh với lời khẩn nguyện xin Đức Maria và các thánh trên trời hợp dâng lời cầu nguyện của cộng đoàn lên Thiên Chúa nhờ liên kết với Đức Giêsu Kitô.

Tiếp đến là nghi thức niêm ấn hài cốt bảy vị Thánh Tử Đạo VN dưới Bàn thờ. Đây là nghi thức phụng vụ có truyền thống lâu đời trong Giáo hội. Nghi thức này là một hành vi mô phạm tuyệt vời, mời gọi mỗi người chúng ta bước theo các thánh tử đạo, hiến dâng đời mình cho tình yêu Chúa và anh em, như cách thế hoàn hảo nhất để nên một với hiến lễ thập giá của Đấng tử đạo tiên khởi là Đức Giêsu được cử hành mỗi ngày trên bàn thờ này.

Các Phó tế Cung nghinh Thánh tích của Bảy vị Thánh Tử đạo Việt Nam đến trước Bàn thờ và Đức cha Giuse niêm ấn.

1. Thánh Philipphê Phan Văn Minh, sinh 1815 tại Cái Mơn – Vĩnh Long, là một Linh mục thông thái và thánh thiện, bị xử trảm ngày mồng 3/07/1853 tại Ðình Khao – Vĩnh Long.

2. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, sinh 1813 tại Biên Hòa, là một thương gia và người có công rất lớn trong việc thành lập Đan viện Cát Minh Sài Gòn 1862, bị xử trảm ngày 11/05/1847 tại Chợ Ðũi – Sài Gòn.

3. Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, sinh năm 1826 tại Họ Búng – Bình Dương, là một linh mục nhiệt thành hết mình phục vụ đoàn chiên. Ngài tử đạo ngày 31/7/1859 tại Châu Đốc – An Giang

4. Thánh Tôma Trần Văn Thiện, sinh 1820 tại Quảng Bình, là một Chủng sinh, bị xử giảo ngày 21/09/1838 tại Nhan Biều – Quảng Trị.

5. Thánh Jean Louis Bonnard – Hương, sinh năm 1824 tại Lyon nước Pháp, là Linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, truyền giáo tại Giáo phận Tây Đàng Ngoài, tử đạo ngày 01/5/1852 tại Nam Định.

6. Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang, sinh năm 1832 tại Thái Bình, là một thầy Giảng thánh thiện và nhiệt tâm, tử đạo 06/12/1861 tại Hải Dương.

7. Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, sinh 1781 tại Thanh Hóa, là một giáo dân đạo đức, một người mẹ gương mẫu trung kiên giữ vững niềm tin, bị bắt và chết rủ tù ngày 12/7/1841 tại Nam Định.

Với 7 Thánh tích của 7 vị Thánh Tử đạo được niêm ấn dưới Bàn thờ là hương hoa của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội Việt Nam đang kết hiệp với Hy tế của Đức Kitô.

Phần thứ hai: Nghi thức chính yếu bao gồm Lời nguyện Cung hiến và Xức dầu Bàn thờ mới. Trước hết, ĐGM long trọng đọc Lời nguyện Cung hiến, nài xin Chúa Thánh Thần đến thánh hóa Bàn thờ. Xin Người ban muôn ân phúc dư tràn xuống trên tất cả những ai đến nơi đây tham dự nghi thức phụng vụ và tôn thờ Chúa.

Tiếp đến là Nghi thức Xức dầu Bàn thờ. Việc xức dầu luôn đi đôi với việc trao ban Thánh Thần. Đức Giám Mục đổ dầu 5 nơi trên Bàn thờ: Ở giữa và bốn góc Bàn thờ, biểu tượng cho 5 thương tích nơi thân xác Chúa Giêsu trên Thập giá, là hy tế mà từ nay được cử hành trên Bàn thờ này mỗi ngày, đặc biệt trong ngày Chúa nhật. ĐGM sẽ xoa dầu khắp mặt Bàn thờ, biến tảng đá này thành biểu tượng Thân thể Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần.

Phần thứ ba: Nghi thức Diễn nghĩa bao gồm xông hương, phủ khăn và thắp sáng Bàn thờ. Trước hết là nghi thức xông hương Bàn thờ. Từ đây, trên Bàn thờ này, hy lễ tinh tuyền của Con Chiên hiệp với cuộc đời và lời nguyện của đoàn dân thánh như hương thơm dâng về Thiên Chúa Cha và mong được lan toả luôn mãi. Tiếp đến là Nghi thức phủ khăn và Thắp sáng Bàn thờ. Bàn thờ được phủ khăn và đốt nến. Ánh sáng tượng trưng cho Chúa Kitô là ánh sáng soi chiếu muôn dân. Nhờ tham dự vào hy tế dâng trên Bàn thờ các tín hữu sẽ được soi sáng để sống theo khuôn mẫu Chúa Kitô.

Nghi thức Cung hiến Bàn thờ mới đã kết thúc. Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện Hiệp lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh có đôi lời với Đan viện và cộng đoàn dân Chúa. Ngài trao Phép Lành Toà Thánh cho Đan Viện.

Kế đến, Sr Bề trên Đan viện Cát Minh bày tỏ tâm tình với Đức TGM, quí Đức Cha, quí Cha, quí Tu sĩ Nam nữ, quí Ân nhân cùng quí Khách.

Tiếp đến, Đức cha Giuse, vị cha chung của Giáo phận Phan Thiết, có lời cám ơn đối với Cộng đoàn dân Chúa.

Cuối cùng cha Rafal có những tâm tình chia sẻ trong ngày hồng ân này.

Cộng đoàn hoà cùng hát bài ca tạ ơn Te Deum. Những tấm hình lưu niệm quý Đức cha và quý cha đồng tế.

Bữa tiệc thân mật trong khuôn viên Đan Viện rộng thoáng.

Năm thánh 2.000, Đức cố Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã mời gọi các Nữ tu Dòng Kín về Phan thiết lập cộng đoàn tại địa bàn Giáo xứ Hiệp đức. Thời gian dọc dài 16 năm chuẩn bị cũng lắm gian lao, nhiều vất vả mới có được bước khởi đầu.

Đến ngày 16.4.2016, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, đã đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nguyện đường Dòng Kín Cát Minh Phan Thiết.

Từ khi về nhận trách nhiệm tại Giáo phận Phan thiết (12.12.2019), tiếp nối những nguyện vọng và tinh thần của những vị tiền nhiệm, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã ưu ái quan tâm nâng đỡ và trực tiếp hướng dẫn xây dựng để hoàn tất công trình Đan Viện như hôm nay.

Năm 2022, Dòng Cát Minh hân hoan mừng kỷ niệm 480 năm (1542-2022) ngày sinh của cha thánh Gioan Thánh Giá, 460 năm (1562-2022) Đan Viện Cát Minh Cải Tổ đầu tiên được thành lập, 440 năm (1582-2022), Mẹ thánh Têrêxa Avila qua đời và 400 năm (1622-2022) Mẹ được Giáo Hội tuyên phong hiển thánh. Đan viện Cát Minh Sài gòn vừa bế mạc năm thánh kỷ niệm 160 năm (27/6/1862-2022) được thành lập.

460 năm sau kể từ ngày thành lập Đan viện Cát Minh Thánh Giuse đầu tiên tại Avila (Tây Ban Nha), một Đan Viện mới được thành lập trong muôn ngàn Đan viện rải rác khắp toàn thế giới và là Đan viện thứ 11 của Dòng Cát Minh Chân Trần ở Việt Nam, Đan viện mang tên: Cát Minh Thánh Giuse Phan Thiết. Được nuôi dưỡng từ Đan viện mẹ - Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Sài gòn vừa mới kỷ niệm 160 năm thành lập, hôm nay Đan Viện Cát Minh Phan Thiết được hình thành như dấu chứng của tình yêu tín trung mà Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ trên Giáo Hội Việt Nam.

Ơn gọi Dòng Cát Minh là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Các nữ đan sĩ sống kết hiệp thân tình với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và sự mật thiết với Đức Maria. Cầu nguyện và chiêm niệm các thực tại thần linh. Thực hành các lời khuyên Phúc Âm. Cộng đoàn huynh đệ nhỏ, được thiết lập trên nền tảng cô tịch, nguyện gẫm và khó nghèo triệt để. Do vậy, việc tông đồ của Dòng Cát Minh là thuần tuý chiêm niệm hệ tại ở cầu nguyện và hy sinh với Giáo Hội và cho Giáo Hội, không có các hình thức hoạt động bên ngoài. Đúng theo lý tưởng Mẹ Thánh Têrêxa, Đấng cải tổ Dòng, các nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm hướng về Giáo Hội trong sự hài hoà giữa bầu khí cô tịch và thinh lặng, lấy lòng mến Chúa làm trung tâm và lấy tình bác ái huynh đệ hiệp với sự từ bỏ quảng đại theo tinh thần Phúc Âm làm quy luật.

Thánh Kinh luôn ca tụng vẻ đẹp núi Cát Minh, nơi tiên tri Êlia đã chiến đấu bảo vệ niềm tin của dân Israel đối với Thiên Chúa hằng sống. Ở đó, bên dòng suối mang tên của Vị Tiên Tri, bắt đầu từ thế kỷ XII trở đi, một số đan sĩ đã đến lập Dòng và xây cất một nguyện đường kính nhớ Mẹ Thiên Chúa và đã xin Giáo Chủ Giêrusalem một quy luật để sống. Chính vì thế mà họ được gọi là đan sĩ Dòng Đức Trinh Nữ Maria Núi Cát Minh. Các đan sĩ này đã chọn Đức Maria làm quan thầy, chẳng những cho thánh đường mà còn cho cả cộng đoàn, coi Người như Mẹ và gương mẫu hướng dẫn đời sống tu trì. Lễ này được cử hành đó đây từ thế kỷ XIV, lần hồi đã lan rộng ra cả Dòng ở khắp nơi như biểu hiện lòng tri ân của con cái trong Dòng về bao phúc lộc mà Mẹ Thiên Chúa đã ban cho gia đình Cát Minh của Người.

Nhờ sự hiệp nhất trong bác ái, các nữ đan sĩ luôn sống vui tươi và bình an trong Tình Yêu Chúa. Mỗi ngày sống kết hiệp thâm sâu hơn với Thiên Chúa trong tình thân hữu với Đức Kitô và Mẹ Maria. Cuộc sống hàng ngày thầm lặng đơn sơ bé nhỏ. Đời sống cầu nguyện chiêm niệm và hy sinh được nối kết với một tình yêu lớn lao dành cho Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn. Sống đời đan tu, thầm lặng mà sâu lắng trong chiêm niệm và hy sinh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An