1. Quân Nga tung lính Dù vào chiến trường Izium, cả 9 đợt tấn công đều thất bại
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày qua, Lực lượng Phòng không của Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt 15 mục tiêu đường không của đối phương.
“Vào ngày 28 tháng 4 năm 2022, quân xâm lược Nga tăng cường các cuộc không kích, tấn công bằng hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển. Năm hỏa tiễn loại Kalibr và Kh đã bị bắn hạ trong ngày qua. Quân Nga còn tăng cường thêm nhiều máy bay không người lái trên không phận Ukraine, nhưng bị hệ thống phòng không của ta tiêu diệt thành công. Có 9 máy bay không người lái bị bắn trúng, cụ thể là 7 máy bay không người lái Orlan-10 và 2 máy bay không người lái không xác định.”
Tại Khu vực Kharkiv, đơn vị hỏa tiễn phòng không của Không quân Ukraine đã bắn rơi thêm một chiếc máy bay tiêm kích Su-34 của Nga.
Tại khu vực Izium, quân Nga đưa một lực lượng lính Dù thiện chiến nhằm quyết chiếm cho được khu vực này. Trong ngày 28 tháng 4, quân đội Ukraine đã đẩy lùi 9 đợt tấn công của đối phương, phá hủy 6 xe tăng Nga.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:
“Vào ngày 28 tháng 4 năm 2022, Tập đoàn quân JFO đã đẩy lùi thành công 9 đợt tấn công của quân Nga. Đặc biệt, quân trú phòng Ukraine đã phá hủy 6 xe tăng Nga, 1 hệ thống pháo, 12 xe thiết giáp, 1 xe cơ giới và 1 súng phòng không.
Các đơn vị phòng không Ukraine cũng bắn rơi 1 máy bay địch, 1 hỏa tiễn hành trình và 5 máy bay không người lái.”
Quân đội Ukraine đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của đối phương trong khu vực trách nhiệm của Cụm tác chiến và chiến thuật phía Đông vào thứ Năm, ngày 28 tháng 4, 42 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Quân đội Ukraine cũng đã phá hủy ba xe tăng, hai xe chiến đấu bộ binh và các thiết bị khác.
2. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói: Các cuộc tấn công hỏa tiễn gần đây vào Kyiv nói lên rất nhiều về thái độ của Nga đối với các thể chế toàn cầu
Quân Nga đã phóng hỏa tiễn vào Kyiv trong lúc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đang thăm Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra nhận định sau:
Các cuộc tấn công hỏa tiễn gần đây của Nga vào các thành phố của Ukraine đã chứng minh rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, cũng như cho thấy thái độ thực sự của Nga đối với các thể chế toàn cầu.
Tuyên bố liên quan được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đưa ra trong một bài phát biểu trên video với quốc dân đồng bào.
“Các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Ukraine - Kyiv, Fastiv, Odessa và các thành phố khác - một lần nữa chứng minh rằng chúng ta không thể lơ là. Chúng ta không thể nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc. Chúng ta vẫn phải chiến đấu. Chúng ta vẫn phải đuổi những kẻ xâm lược ra ngoài”
Hôm thứ Năm, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã có chuyến thăm tới Ukraine để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng thành phố Kyiv.
“Năm hỏa tiễn. Và điều này nói lên rất nhiều điều về thái độ thực sự của Nga đối với các thể chế toàn cầu. Về những nỗ lực của giới lãnh đạo Nga nhằm làm bẽ mặt Liên Hiệp Quốc và mọi thứ mà Tổ chức này đại diện. Do đó, đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ.”
Ngoại trưởng Ukraine cũng gọi cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv là “hành động man rợ khủng khiếp”
Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine, đã gọi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vàp Kyiv là một “hành động man rợ khủng khiếp”
Các quan chức Ukraine đã lên án vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào đêm thứ Năm tại Kyiv, mà theo họ xảy ra khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đang kết thúc chuyến thăm đến thủ đô Ukraine.
Theo ông Zelenskiy, điều quan trọng là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã đến thăm Borodianka, Vùng Kyiv và tận mắt chứng kiến những gì quân xâm lược Nga đã làm ở đó.
“Hàng trăm thành phố và hàng trăm cộng đồng của Ukraine đã trải qua điều tương tự như Borodianka và Bucha. Quân đội Nga ở Ukraine đã phá hủy mọi thứ một cách có ý thức và không nghi ngờ gì, họ đã mưu toan lật nhào trật tự toàn cầu được xây dựng sau Thế chiến thứ hai. Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các công ước quốc tế, các tuyên bố, quyền của người dân và các quốc gia… Tất cả mọi thứ mà lẽ ra bảo đảm tự do và an ninh trên thế giới đã bị phá hủy bởi các hành động gây hấn của Nga”.
Do đó, vấn đề quan trọng trong cuộc hội đàm giữa tổng thống Zelenskiy và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là làm thế nào để ngăn chặn sự xâm lược của Nga.
“Và đây không chỉ là câu hỏi về Ukraine, số phận của chúng ta. Đây là câu hỏi về số phận của Liên Hiệp Quốc, số phận của luật pháp quốc tế, số phận của nhiều quốc gia - và không chỉ các nước láng giềng của Nga, những người có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của tham vọng hiếu chiến của Mạc Tư Khoa.”
Trong các cuộc hội đàm, hai bên đặc biệt chú ý đến việc cứu người dân Ukraine khỏi Mariupol.
“Tôi tin rằng với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc, có thể tổ chức một công cuộc di tản. Ukraine đã sẵn sàng cho các bước này. Nhưng phía Nga cũng cần phải xem xét vấn đề này mà không có thái độ giễu cợt và hãy thực sự làm theo những gì đã họ đã tuyên bố.”
Theo lời của Nga, Mạc Tư Khoa tuyên bố họ đã ngừng bắn ở Mariupol.
“Nhưng các cuộc ném bom vào những người bảo vệ thành phố vẫn tiếp tục. Đây là một tội ác chiến tranh của quân đội Nga theo đúng nghĩa đen trước toàn thế giới. Việc Nga pháo kích vào Mariupol không dừng lại ngay cả khi Tổng thư ký LHQ đang tổ chức đàm phán ở Mạc Tư Khoa.”
Xin nhắc lại rằng, trong quá trình đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã thảo luận về nhân quyền và tự do ở Ukraine và việc mở cửa nhà máy Azovstal ở Mariupol.
3. Trung đoàn Azov tuyên bố: Chừng nào chúng ta còn ở đây và tổ chức phòng thủ, Mariupol không phải là của họ
Quân đội Ukraine tại thành phố Mariupol bị bao vây sẽ chiến đấu miễn là họ có thể, mặc dù tình hình rất khó khăn.
Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Trung đoàn phó Azov, Đại úy Sviatoslav Palamar trong một cuộc phỏng vấn với Reuters
“Chừng nào chúng ta còn ở đây và phòng thủ thành phố thì thành phố này không phải của họ,” Palamar nói.
Theo lời của ông, chiến thuật tấn công của Nga ở Mariupol liên tục thay đổi.
“Chiến thuật bây giờ giống như một cuộc bao vây thời trung cổ. Chúng tôi bị bao vây, họ không còn tung nhiều lực lượng để phá vỡ tuyến phòng thủ của chúng tôi. Họ đang tiến hành các cuộc không kích.”
Đại úy Palamar từ chối cung cấp chi tiết chính xác về các hoạt động, bởi vì họ có thể giúp đỡ kẻ thù. Ông cho biết sẽ không nói quân phòng thủ còn lại bao nhiêu lương thực và đạn dược, nhưng cho biết họ vẫn còn hàng trăm chiến binh.
“Tất nhiên tài nguyên của chúng tôi không phải là vô hạn, và chúng đang ngày càng giảm dần theo từng ngày chiến đấu căng thẳng. Tình hình rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu.”
Ông cho biết họ có hơn 500 chiến binh bị thương, một số trong tình trạng nghiêm trọng.
Palamar cho biết thêm: “Chúng tôi không có điều kiện để chữa trị cho họ, để thực hiện một ca phẫu thuật thực sự khó khăn.. Thuốc men đang cạn kiệt, băng bó và thức ăn, nước uống.”
Theo lời của ông, hàng trăm thường dân cũng đang ở trong nhà máy Azovstal.
“Chúng tôi mang thức ăn cho thường dân và kiểm tra sức khỏe của họ, nhưng chúng tôi không thể ở lại với họ vì những lý do rõ ràng: kẻ thù có thể bày ra một hành động khiêu khích và nói rằng… Chúng tôi đã trốn sau thường dân”
Theo Đại úy Palamar, một khi dân thường ra ngoài, những người bị thương và người chết nên được đưa đến các vùng do Ukraine kiểm soát, và bảo đảm lối đi an toàn cho quân Ukraine.
Đại úy Palamar nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine không tính đến việc đầu hàng và bị bắt làm tù binh.
Theo Đại úy Palamar, “Nếu chúng tôi đầu hàng, chúng tôi sẽ bị giết trong những điều kiện hết sức dã man và nhục nhã. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất có một bên thứ ba mà trong quá trình đàm phán có thể bảo đảm chúng tôi thoát ra khỏi Azovstal”.
Theo lời của ông, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel có thể hoạt động như các bên thứ ba.
Theo Palamar, Trung đoàn Azov ở Mariupol bao gồm đại diện của các sắc tộc khác nhau, bao gồm người Nga, người Bulgari, người Tatars ở Crimea, người Hy Lạp, người Do Thái, v.v.
Palamar kêu gọi thế giới cảnh giác với mối đe dọa từ Nga và ngừng mềm mỏng với Mạc Tư Khoa.
“Tôi hy vọng thế giới giờ đây nhận ra sai lầm của mình... Mọi thứ mà binh lính của chúng tôi làm ở đây - không chỉ ở Mariupol, mà trên lãnh thổ Ukraine - chúng tôi tin rằng chúng tôi đang cứu không chỉ Ukraine, mà còn cả Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Moldova và Georgia.”
Xin nhắc lại rằng cuộc xâm lược vũ trang của Nga đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất ở thành phố Mariupol. Hơn 1.000 dân thường và quân nhân Ukraine, trong đó có khoảng 500 người bị thương, vẫn còn trong nhà máy Azovstal ở Mariupol. Phía Ukraine yêu cầu Nga ngay lập tức bảo đảm hành lang nhân đạo từ nhà máy.
4. Quân đội Ukraine tăng cường an ninh ở biên giới với Transnistria
Quân đội Ukraine đang tăng cường an ninh tại biên giới của họ với Transnistria, một khu vực do Nga hậu thuẫn ở Moldova, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Năm.
“Lực lượng phòng thủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu đã đề ra để bảo vệ Odessa và toàn khu vực Odessa. Ngoài ra, đặc biệt, chúng tôi đã tăng cường bảo vệ biên giới quốc gia với cái gọi là Transnistria, nơi các hành động khiêu khích của Nga tiếp tục nhằm tạo ra một số nguyên nhân gây căng thẳng cho thành phố Odessa và khu vực Odessa nói chung.”
Đầu tuần này, một loạt vụ nổ không rõ nguyên nhân đã xảy ra ở các khu vực của Transnistria mà Ukraine mô tả là một hành động khiêu khích có kế hoạch của các cơ quan an ninh Nga. Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ những tuyên bố mà bà ta gọi là “giật gân” theo đó Nga chuẩn bị một cuộc tấn công bằng cách sử dụng quân đội đóng quân trong khu vực, cũng như lính nghĩa vụ từ Transnistria.
5. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở các hành lang di tản ở Mariupol: “Hàng nghìn dân thường cần được hỗ trợ cứu sống”
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm thứ Năm kêu gọi mở các hành lang di tản ở thành phố Mariupol của Ukraine, nói rằng thành phố bị bao vây là một “cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng.”
“Ngày nay người dân Mariupol đang rất cần một cách tiếp cận như vậy. Mariupol là một cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng,” ông Guterres nói ở Kyiv, tại cuộc họp báo cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
“Hàng nghìn dân thường cần được hỗ trợ cứu sống. Nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc y tế hoặc bị hạn chế khả năng vận động, họ cần một lối thoát ra khỏi cảnh tận thế này.”
Ông António Guterres đã gặp tổng thống Zelenskiy và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba vào hôm thứ Năm sau chuyến thăm Mạc Tư Khoa, nơi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Ba.
Ông Guterres trích dẫn cuộc gặp của ông với Putin và nói rằng Tổng thống Nga đã đồng ý “về nguyên tắc” đối với sự tham gia của Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế trong việc di tản dân thường tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.
Ông Guterres nói thêm rằng ông đã có “cuộc thảo luận căng thẳng” với Putin để biến việc di tản khỏi Mariupol thành hiện thực.
Trong một thông điệp gửi tới người dân Ukraine, Guterres nói rằng ông muốn họ biết rằng “thế giới nhìn thấy các bạn, nghe các bạn và ngưỡng mộ sự kiên cường và quyết tâm của các bạn”.
“Tôi cũng biết rằng lời nói đoàn kết là chưa đủ. Tôi ở đây để đáp ứng các nhu cầu trên thực địa và mở rộng quy mô hoạt động.”
Ông nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “đã không làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn và chấm dứt cuộc chiến này” và thất bại là “nguồn gốc của sự thất vọng, chán chường và tức giận”.
Trong cuộc họp báo với Guterres, Zelenskiy cho biết ông tin rằng sứ mệnh của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ có hiệu quả trong việc di tản dân thường ở Mariupol.
“Điều quan trọng là ông tổng thư ký đã nêu vấn đề di tản dân thường khỏi Mariupol,” tổng thống Zelenskiy nói, “Ukraine sẵn sàng có các cuộc đàm phán ngay lập tức về việc di tản người dân khỏi nhà máy thép, cũng như bảo đảm việc thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.”
Tổng thống Zelenskiy cũng cho biết, “Chúng tôi tin rằng một phần nhiệm vụ của Tổng thư ký sẽ có hiệu quả và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc này trong bất kỳ vấn đề nào có thể.”
Trước đó, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc đã đến thăm thị trấn Borodianka và “bày tỏ sự buồn bã khi nhìn thấy các tòa nhà bị phá hủy ở đó”
Ông ấy nói thêm rằng chiến tranh là một điều phi lý trong thế kỷ 21. Chiến tranh là ác quỷ. Và khi một người nhìn thấy những tình huống này, trái tim của chúng ta tất nhiên sẽ ở lại với các nạn nhân,
6. Tổng thư ký NATO tuyên bố hỗ trợ Ukraine bao lâu cuộc chiến còn kéo dài
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, Jens Stoltenberg hôm thứ Năm cho biết liên minh sẵn sàng hỗ trợ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga trong một cuộc chiến có thể “kéo dài nhiều tháng và nhiều năm”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Tổng thống Nga Putin để chấm dứt chiến tranh bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, cung cấp hỗ trợ kinh tế cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và chúng tôi cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài,” Stoltenberg cho biết trong một Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels.
“Tình huống ở Ukraine là một tình huống rất khó lường và mong manh. Nhưng hoàn toàn có khả năng cuộc chiến này sẽ kéo dài và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.”
Stoltenberg cũng nói rằng các đồng minh NATO đang chuẩn bị giúp Kyiv cải tiến một “số trang thiết bị cũ từ thời Liên Xô lên các hệ thống và vũ khí tiêu chuẩn hiện đại hơn”, nhưng nói thêm rằng nó sẽ “đòi hỏi nhiều đào tạo hơn.”
Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu Châu bao gồm Hà Lan và Pháp gần đây đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine các loại pháo, vũ khí tầm xa, để giúp tự vệ trước Nga.
Đức cho biết họ sẽ cung cấp xe tăng phòng không cho Ukraine, vì nước này cố gắng xoa dịu những lời chỉ trích rằng chính phủ đã chậm cung cấp thiết bị quân sự cho đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết họ sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine bằng cách cung cấp “đào tạo và bảo trì”.
Baerbock nói thêm rằng Đức đã chọn không công khai tất cả các loại vũ khí mà nước này đã gửi tới Ukraine trước đó. “Chúng tôi đã cung cấp vũ khí chống tăng, Stingers và nhiều loại vũ khí khác mà chúng tôi chưa nói trước công chúng,” ngoại trưởng nói.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã ủng hộ Vương quốc Anh gửi máy bay chiến đấu và các loại vũ khí hạng nặng khác trong một bài phát biểu quan trọng vào thứ Tư.
7. Biden: Bình luận của Nga về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là “vô trách nhiệm”
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng những bình luận của Nga về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là “vô trách nhiệm.”
Ông nói: “Không ai nên đưa ra những bình luận vu vơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc khả năng cần thiết phải sử dụng chúng.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói rằng răn đe hạt nhân là “quan điểm chính của Nga”, nhưng ông nói thêm “mối nguy hiểm là nghiêm trọng, là có thật, không thể coi thường”.
Ông Biden cũng nói rằng “không đúng” khi Mỹ và NATO đang trong một cuộc chiến tranh với Nga thông qua Ukraine - và những tuyên bố của Nga về một cuộc chiến ủy nhiệm như thế chỉ là “cách giải thích cho sự thất bại của họ” ở Ukraine.
“Chúng không đúng sự thật”, Biden nói hôm thứ Năm khi một phóng viên hỏi về cáo buộc của Ngoại trưởng Lavrov rằng NATO đang sử dụng Ukraine như một đại diện trong cuộc chiến chống lại Nga. Chính Nga là nước khởi đầu cuộc chiến, nhưng giờ đây họ cố tuyên truyền rằng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu sử dụng Ukraine để tấn công họ.
“Những gì họ tiến bước thực sự khiến tôi quan tâm, bởi vì điều đó cho thấy sự tuyệt vọng mà Nga đang cảm thấy trước sự thất bại nặng nề của họ trong việc thực hiện những gì họ đã đặt ra ban đầu.
Tôi nghĩ rằng những gì họ nói không phản ánh sự thật nhưng phản ánh sự thất bại của họ, và vì vậy thay vì nói rằng người Ukraine được trang bị một số khả năng để chống lại lực lượng Nga, họ phải nói với người dân của họ rằng Hoa Kỳ và tất cả NATO đang tham gia vào việc tiêu diệt quân đội và xe tăng của Nga, v.v.”
Khi được hỏi sau đó về khả năng gây hấn của Nga đối với NATO và các đồng minh, ông cho biết Mỹ đã “chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra”.