1. Các vụ nổ được báo cáo ở 3 khu vực của Nga giáp Ukraine
Các nhà chức trách địa phương, và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, đã đưa tin về các vụ nổ vào sáng sớm thứ Tư, tại ba khu vực của Nga giáp với Ukraine.
Thứ nhất là vụ cháy kho đạn ở Belgorod: Vụ nổ đã xảy ra sau vụ cháy kho đạn ở làng Staraya Nelidovka, cách biên giới Ukraine khoảng 16 km về phía bắc, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết trên Telegram hôm thứ Tư. Ông nói thêm rằng “không có thương vong trong số dân thường.”
Thứ hai là các vụ nổ ở Kursk: Tại khu vực Kursk, người dân “nghe thấy tiếng nổ”, vào khoảng 2:45 sáng theo giờ địa phương. Thống đốc, Roman Starovoyt, cho biết các chi tiết xung quanh các vụ nổ vẫn đang “được làm rõ”, nhưng nói rằng, không có thương vong hoặc thiệt hại nhân mạng.
Theo Starovoyt, Các vụ nổ ở Kursk xảy ra chỉ hai ngày, sau khi hai máy bay không người lái của Ukraine bị các đội phòng không Nga bắn hạ ở làng Borovskoye trong khu vực.
Thứ ba là tiếng nổ lúc bình minh ở Voronezh: Hai tiếng nổ lớn đã được người dân ở khu phố Shilovo của thành phố Voronezh của Nga nghe thấy lúc 4:40 sáng, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS, dẫn nguồn từ nhà chức trách.
“Một đội phòng vệ dân sự và ứng phó khẩn cấp và một đội của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, hiện đang ở nơi xảy ra vụ việc. Một quan chức của Ủy ban điều tra sắp đến”, một quan chức dân phòng và khẩn cấp của quận nói với TASS.
Voronezh nằm cách biên giới Ukraine khoảng 320 km và là một trung tâm giao thông và quân sự chính.
Các quan chức Nga đã nhiều lần cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới, vào các kho nhiên liệu và cơ sở quân sự. Những tuyên bố này đã bị các cơ quan chính phủ Ukraine bác bỏ, cho là nhằm khơi dậy “tình cảm chống Ukraine”.
CNN không thể xác nhận độc lập rằng không có thiệt hại nào đối với các tòa nhà dân cư hoặc không có thương vong dân sự sau vụ nổ hôm thứ Tư.
2. Vùng Belgorod của Nga nâng mức độ cảnh báo khủng bố lên cao nhất sau vụ nổ kho đạn
Khu vực Belgorod, sát biên giới với Ukraine, đang mở rộng tình trạng an ninh ở mức độ cao nhất cho đến ngày 10 tháng 5, theo một thông báo được công bố trên trang web của chính quyền địa phương.
Tình trạng an ninh màu vàng - đã được áp dụng kể từ ngày 10 tháng 4 - là mức cảnh báo cao thứ hai, vì theo các nhà chức trách Nga, đã có thông tin đầy đủ cho thấy khả năng thực sự của một hành động khủng bố từ phía Ukraine.
Chính quyền khu vực đang yêu cầu công dân trong khu vực không tham gia các cuộc tụ tập đông người và phải mang theo giấy tờ tùy thân khi ra ngoài. Lệnh cấm đốt pháo cũng được ban bố.
Việc nâng cấp mức độ cảnh báo đã xảy ra sau khi một đám cháy bùng phát hôm thứ Tư tại một kho đạn ở làng Staraya Nelidovka, cách thành phố Belgorod khoảng 10 dặm về phía nam. Không rõ ngọn lửa đó bắt đầu như thế nào, nhưng một số cơ sở quân sự trong khu vực đã bốc cháy hoặc phát nổ kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Nga cáo buộc Ukraine phải chịu trách nhiệm về một số vụ cháy và nổ trong ngày thứ Tư và trong quá khứ tại các cơ sở quân sự của Nga.
3. Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công các vị trí của Nga trên đảo Zmiiny, đánh vào sở chỉ huy
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công vào các vị trí của đối phương trên đảo Zmiiny, đánh trúng một sở chỉ huy, và phá hủy hệ thống hỏa tiễn đất đối không Strela-10.
“Trong ngày 27 tháng Tư, quân đội của chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu trên biên giới đã tái chiếm được. Kẻ thù cố gắng tiến về vùng Mykolayiv, gần các làng Tavriyske, và Nova Zoria, nhưng không thành công, bị tổn thất đáng kể và phải rút lui.”
“Trong vùng tác chiến Biển Đen, lực lượng của Ukraine đã gây thiệt hại cho các vị trí của quân Nga trên đảo Zmiiny. Một đài chỉ huy bị bắn trúng, và hệ thống tên lửa đất đối không Strela-10 bị phá hủy. Tổn thất của quân Nga đang được làm rõ”
“Trong khi đó, hạm đội đối phương đã được định dạng lại và nhỏ hơn”.
“Tổn thất của quân Nga trong ngày qua tổng cộng là 16 quân nhân, 1 xe tăng và 4 xe, trong đó có 2 xe thiết giáp.”
Theo ghi nhận, ba tên lửa hành trình đã được bắn vào khu vực Odessa hôm thứ Ba, đánh trúng cây cầu bắc qua Cửa sông Dniester. Không có thương vong được báo cáo. Giao thông bị hạn chế một phần. Công việc trùng tu đang được tiến hành.
4. Ba Lan bắt gián điệp Nga và Belarus
Chính phủ Ba Lan đã đưa ra một tuyên bố, theo đó, họ đã bắt giữ “một công dân của Liên bang Nga, và một công dân của Belarus tham gia vào các hoạt động gián điệp ở Ba Lan” và một tòa án đã “ra lệnh tạm giam họ trong ba tháng”.
Tuyên bố nói:
Những người đàn ông bị bắt giữ vào ngày 21 và 22 tháng 4, đã bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho cơ quan mật vụ Nga. Tài liệu do cơ quan phản gián quân đội, gọi tắt là SKW, thu thập, chỉ ra rằng một người Nga, và một người Belarus, hoạt động cho tình báo Nga chống lại Ba Lan, đã thực hiện việc do thám các hoạt động của Lực lượng vũ trang Ba Lan, bao gồm cả sự hiện diện của quân đội ở khu vực biên giới Ba Lan và Belarus.
5. Tổng thống Zelensky: Nga đang cố gắng gây mất ổn định khu vực thông qua việc chiếm đóng khu vực ly khai ở Moldova
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đang cố gắng gây bất ổn khu vực thông qua hoạt động quân sự tại khu vực ly khai Transnistria của Moldova.
“Đây chỉ là một trong những bước đi của liên bang Nga. Điều này đang xảy ra để gây mất ổn định khu vực và đe dọa Moldova”, Zelensky nói khi được một nhà báo hỏi trong cuộc họp báo chung ở Kyiv với Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới Rafael Mariano Grossi.
Ông nói: “Điều này nhằm cảnh cáo Moldova không được ủng hộ Ukraine.”
Trong những ngày gần đây, Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga bắn tên lửa, và tiến hành các hoạt động ở Transnistria.
Khi được hỏi về số lượng quân Nga hiện diện tại Transnistria, tổng thống Zelensky cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đang “chuẩn bị sẵn sàng và không sợ hãi” để đối phó với một mặt trận mới trong cuộc xâm lược quân sự.
“Liên quan đến một số quân nhân Nga thường xuyên hiện diện trên lãnh thổ Transnistria bị chiếm đóng tạm thời - điều này đã xảy ra trong nhiều, nhiều năm. Chúng tôi biết họ đang trong tình trạng báo động, chỉ chờ lệnh, “ tổng thống Zelensky nói.
6. Đức đã đồng ý gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Đây là lý do tại sao điều đó lại quan trọng
Bộ Quốc phòng Đức thông báo hôm thứ Ba đã đồng ý giao xe tăng phòng không cho Ukraine. Đây là một động thái nhấn mạnh sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này, trong việc cung cấp trợ giúp quân sự cho Ukraine.
Cam kết chuyển giao hệ thống phòng không Gepard đã được Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht công bố, trong cuộc họp của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ Không quân Hoa Kỳ Ramstein ở Đức.
“Chúng tôi đã quyết định ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine với các hệ thống phòng không... đó chính là những gì Ukraine cần hiện nay để bảo đảm không phận từ mặt đất,” Lambrecht nói trong cuộc họp.
Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng này cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Các hệ thống Gepard đã bị loại bỏ dần ở Đức vào năm 2010.
Ban đầu, Đức phản đối các lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho Kyiv, chỉ đồng ý cung cấp trợ giúp nhân đạo và thiết bị y tế. Cách tiếp cận đó phù hợp với chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Đức là không cung cấp vũ khí sát thương cho các vùng có chiến sự.
Chỉ vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine, chính phủ mới của Đức khi đó đã đồng ý đưa chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí vào thỏa thuận liên minh của mình.
Nhưng đối mặt với áp lực từ các đồng minh và công chúng Đức, chính phủ buộc phải thay đổi các quy tắc. Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ bắt đầu chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine, mặc dù tại thời điểm đó, ông khăng khăng gọi chúng là “phòng thủ”.
Ông cũng tuyên bố Đức sẽ bắt đầu bơm thêm tiền vào các lực lượng vũ trang của mình.
Khoản đầu tư đầu tiên như vậy đã được xác nhận công khai vào tháng trước khi Đức tuyên bố sẽ mua 35 máy bay chiến đấu F-35A do Mỹ sản xuất.
7. Video máy bay không người lái mới cho thấy các phương tiện quân sự và lực lượng của Nga trên đường phố Bucha rải rác các thi thể dân sự
Bất chấp việc Nga liên tục phủ nhận trách nhiệm cho bất kỳ cuộc tàn sát nào ở Bucha, một vùng ngoại ô bên ngoài Kyiv, các phương tiện quân sự và lực lượng của Nga đã được nhìn thấy trên đường phố Bucha gần các thi thể dân sự, video máy bay không người lái mới được cung cấp cho CNN đã cho thấy điều đó.
CNN đã xác định vị trí địa lý và xác nhận tính xác thực của video, được quay bởi một máy bay không người lái vào ngày 12 và 13 tháng 3. CNN không nêu tên cá nhân quay video vì lo ngại về sự an toàn của họ.
Một phương tiện quân sự của Nga được nhìn thấy đang đậu tại một ngã tư trong đoạn video từ ngày 13 tháng 3. CNN đã xác định được ba vật thể trong video - ngay phía dưới đường từ chiếc xe quân sự - chính là những thi thể được nhìn thấy trong video từ ngày 1 tháng 4 và vệ tinh hình ảnh do Maxar Technologies chụp ngày 18/3.
Video bổ sung từ máy bay không người lái từ ngày 13 tháng 3 cho thấy một phương tiện quân sự khác của Nga đang di chuyển xa hơn trên đường phố, theo hướng của các thi thể.
Trong đoạn video ngày 12 tháng 3, một số binh sĩ Nga được nhìn thấy xung quanh một chiếc xe quân sự đậu bên ngoài một ngôi nhà, chỉ cách các thi thể trên đường phố vài mét. Không rõ họ đang làm gì ở ngôi nhà.
CNN đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi ngay lập tức.
Các quan chức Nga – bao gồm người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin Dmitry Peskov và Ngoại trưởng Sergey Lavrov - đã nhiều lần tuyên bố rằng các video và hình ảnh vệ tinh cho thấy các thi thể ở Bucha là giả.
Đoạn video bằng máy bay không người lái này là bằng chứng đầu tiên xuất hiện từ Bucha cho thấy các phương tiện và quân đội Nga hoạt động trên đường phố, nơi các thi thể được lực lượng Ukraine tìm thấy khi họ tái chiếm thị trấn vào ngày 1 tháng 4.
Những hình ảnh xuất hiện từ Bucha sau khi lực lượng Nga rút lui đã thu hút sự phẫn nộ lớn từ cộng đồng quốc tế. Nó cũng khiến một số nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gọi những hành động tàn bạo diễn ra ở Bucha là tội ác chiến tranh.
8. Bộ năng lượng Bulgaria cho biết Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria bắt đầu từ thứ Tư
Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom đã nói với công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria rằng họ đã ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ thứ Tư, Bộ năng lượng Bulgaria cho biết trong một tuyên bố.
Bulgaria hiện là quốc gia thứ hai, sau Ba Lan, phải đối mặt với lệnh cấm vận khí đốt của Nga bắt đầu từ thứ Tư sau khi họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Bộ năng lượng nói rằng thủ tục thanh toán mới do Nga đề xuất không tương thích với hợp đồng hiện có cho đến cuối năm nay và gây ra “rủi ro đáng kể” cho Bulgaria.
Bộ năng lượng cho biết phía Bulgaria đã “hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình và đã thực hiện tất cả các khoản thanh toán được yêu cầu theo hợp đồng này một cách kịp thời, cẩn trọng và phù hợp với các quy định song phương.”
Các cơ quan chính phủ Bulgaria đã thực hiện các bước để thực hiện các thỏa thuận thay thế cho việc cung cấp khí đốt tự nhiên và giải quyết tình hình.
Bộ cho biết thêm: “Hiện tại, không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng đối với việc tiêu thụ khí đốt ở Bulgaria.