Chúa Nhật 20 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay. Bài Tin Mừng của Phụng Vụ ngày hôm nay là một lời mời gọi hãy sám hối.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng:

“Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này:

“Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’

Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Chúng ta đang ở trọng tâm của hành trình Mùa Chay, và bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng việc trình bày về Chúa Giêsu, khi Ngài đưa ra bình luận về một số tin tức trong ngày. Trong khi ký ức về mười tám người đã chết khi một ngọn tháp đổ sập xuống họ vẫn còn sống động, người ta kể cho Ngài nghe về một số người Galilê mà Philatô vừa mới giết (x. Lc 13: 1). Và có một câu hỏi dường như đi kèm với những sự việc bi thảm này: ai là người chịu trách nhiệm cho những sự kiện khủng khiếp ấy? Có lẽ những người đó tội lỗi hơn những người khác và Thiên Chúa đã trừng phạt họ? Đây là những câu hỏi cũng xuất hiện ngày hôm nay. Khi tin xấu đè nặng lên chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực trước sự dữ, chúng ta thường tự hỏi mình: liệu đó có phải là sự trừng phạt từ Thiên Chúa không? Có phải Ngài đã gây ra một cuộc chiến tranh hay một đại dịch để trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của chúng ta không? Và tại sao Chúa không can thiệp?

Chúng ta phải cẩn thận: khi sự dữ đè nặng lên chúng ta, chúng ta có nguy cơ mất đi sự sáng suốt của mình và, để tìm ra câu trả lời dễ dàng cho những gì chúng ta không thể giải thích được, chúng ta xoay qua đổ lỗi cho Thiên Chúa. Và do đó, thói quen rất xấu là sử dụng những lời báng bổ xuất phát từ điều này. Chúng ta thường quy những tai ương và bất hạnh của chúng ta trên thế giới cho Ngài, Đấng luôn để chúng ta tự do và do đó không bao giờ can thiệp áp đặt, mà chỉ đề nghị; Người không bao giờ sử dụng bạo lực nhưng trái lại Ngài đau khổ cho chúng ta và với chúng ta! Thật vậy, Chúa Giêsu từ chối và phản đối mạnh mẽ ý tưởng đổ lỗi cho Thiên Chúa về những điều bất hạnh của chúng ta: những người bị Philatô giết và những người chết khi tháp đổ xuống họ không có lỗi gì hơn những người khác, và họ không phải là nạn nhân của một Thiên Chúa tàn nhẫn và báo thù, một Thiên Chúa như thế không hề tồn tại! Sự dữ không bao giờ có thể đến từ Thiên Chúa bởi vì “Ngài không đối xử với chúng ta như chúng ta đáng tội” (Tv 103: 10), nhưng theo lòng thương xót của Ngài. Đây là phong cách của Chúa. Ngài không thể đối xử với chúng ta bằng cách khác. Ngài luôn đối xử với chúng ta bằng lòng thương xót.

Thay vì đổ lỗi cho Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần nhìn vào bên trong mình: chính tội lỗi đã tạo ra sự chết; sự ích kỷ của chúng ta có thể làm tan vỡ các mối quan hệ; những lựa chọn sai lầm và bạo lực của chúng ta có thể gây ra cái ác. Tại thời điểm này, Chúa đưa ra giải pháp đích thực, đó là sự hoán cải: Ngài nói: “nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13: 5). Đó là một lời kêu gọi khẩn thiết, nhất là trong thời gian Mùa Chay này. Chúng ta hãy chào đón lời mời gọi ấy với một trái tim rộng mở. Chúng ta hãy từ bỏ điều ác, chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi đã quyến rũ chúng ta, chúng ta hãy mở lòng đón nhận luận lý của Tin Mừng vì nơi tình yêu và tình huynh đệ ngự trị, thì sự dữ không còn sức mạnh nào nữa!

Nhưng Chúa Giêsu biết rằng việc hoán cải không hề dễ dàng, và Ngài muốn giúp chúng ta ở đây, vì đã có quá nhiều lần chúng ta lặp lại những lỗi lầm và lặp lại cùng một tội lỗi. Chúng ta có thể trở nên chán nản, và đôi khi cam kết làm điều tốt của chúng ta dường như vô ích trong một thế giới mà cái ác dường như thống trị. Vì vậy, sau lời kêu gọi của mình, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta bằng một dụ ngôn kể về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải ghi nhớ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa mà Ngài dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh an ủi về cây vả không kết trái đúng mùa, nhưng nó không bị chặt. Ngài cho nó thêm thời gian, thêm một cơ hội khác. Tôi thích nghĩ rằng một cái tên đẹp dành cho Chúa có thể là “Chúa của những cơ hội khác”: Chúa luôn cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn, luôn luôn. Lòng thương xót của Ngài là như vậy đó. Đây là cách Chúa làm việc với chúng ta. Ngài không cắt đứt tình yêu với chúng ta. Ngài không ngã lòng hay mệt mỏi trao ban cho chúng ta sự tin cậy của Ngài bằng sự dịu dàng. Thưa anh chị em, Chúa tin tưởng vào chúng ta! Chúa tin cậy chúng ta và đồng hành với chúng ta bằng sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn của Chúa với chúng ta. Ngài không nản lòng mà luôn truyền cho chúng ta niềm hy vọng. Thiên Chúa là Cha và chăm sóc anh chị em như một người cha. Là người cha tuyệt vời nhất, Ngài không nhìn vào những thành quả anh chị em chưa đạt được, nhưng nhìn đến những thành quả anh chị em vẫn có thể làm được. Ngài không theo dõi những thiếu sót của anh chị em nhưng Ngài khuyến khích tiềm năng của anh chị em. Ngài không chăm chăm vào quá khứ của anh chị em mà tự tin đặt cược vào tương lai của anh chị em. Điều này là do Thiên Chúa ở gần chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, Ngài gần gũi với lòng thương xót và sự dịu dàng. Bằng cách này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta: gần gũi, thương xót và dịu dàng.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria với tràn đầy hy vọng và lòng can đảm, và khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát được hoán cải.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Thật không may, cuộc xâm lược bạo lực chống lại Ukraine không dừng lại, một cuộc tàn sát vô nghĩa, trong đó mỗi ngày đều có sự lặp lại của những vụ tàn sát và sự tàn bạo. Không có lời biện minh nào cho điều này! Tôi cầu xin tất cả những người có liên quan trong cộng đồng quốc tế hãy thực sự cam kết chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này.

Tuần này, hỏa tiễn và bom lại rơi xuống dân thường, người già, trẻ em và bà mẹ mang thai. Tôi đã đến gặp những đứa trẻ bị thương đang ở đây, ở Rôma này. Một em bị mất một cánh tay; một em bị thương ở đầu... những đứa trẻ vô tội. Tôi nghĩ đến hàng triệu người tị nạn Ukraine, những người phải chạy trốn bỏ lại tất cả mọi thứ, và tôi cảm thấy vô cùng đau đớn cho những người thậm chí không có khả năng trốn thoát. Biết bao ông bà, những người ốm đau, nghèo khổ phải ly tán với gia đình, bao trẻ em và những người mỏng manh bị bỏ rơi dưới làn bom đạn mà không thể nhận được sự giúp đỡ và tìm được sự an toàn ngay cả trong những hầm trú ẩn của các trận không kích. Tất cả điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó cũng báng bổ vì nó đi ngược lại sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt là chống lại cuộc sống con người không có khả năng tự vệ, vốn phải được tôn trọng và bảo vệ, không được loại bỏ, và điều này phải là ưu tiên hàng đầu hơn bất cứ chiến lược nào! Chúng ta đừng quên đó là sự tàn ác vô nhân đạo và báng bổ! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho những người đang đau khổ.

Tôi cảm thấy an ủi khi biết rằng những người bị bỏ lại dưới bom đạn không thiếu sự gần gũi của các vị chủ chăn của họ, những người trong những ngày tang thương này đang sống Phúc Âm của tình bác ái và tình huynh đệ. Tôi đã nói chuyện với một số người trong số họ qua điện thoại trong những ngày này, họ gần gũi với dân Chúa. Cảm ơn các anh chị em thân mến vì chứng tá này và sự hỗ trợ cụ thể mà anh chị em đang can đảm trao ra cho rất nhiều người đang tuyệt vọng! Tôi cũng nghĩ đến vị Tổng Giám Mục mới được bổ nhiệm làm Sứ thần, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người từ đầu cuộc chiến đã ở lại Kiev cùng với các cộng sự viên của mình và cùng với sự hiện diện của ngài, hàng ngày tôi gần gũi với những người Ukraine tử đạo. Chúng ta hãy gần gũi với dân tộc này, chúng ta hãy đón nhận họ bằng tình cảm, bằng sự cam kết và lời cầu nguyện cụ thể. Và làm ơn, chúng ta đừng quen với chiến tranh và bạo lực! Chúng ta đừng mệt mỏi khi chào đón họ với sự hào phóng như chúng ta đang làm bây giờ, không chỉ trong trường hợp khẩn cấp, mà còn trong những tuần và những tháng tới. Như anh chị em biết, lúc đầu chúng ta làm tất cả những gì có thể để chào đón tất cả mọi người, nhưng sau đó chúng ta có thể quen với nó, và tâm hồn của chúng ta dịu lại một chút, và chúng ta quên điều đó đi. Chúng ta hãy nghĩ đến những người phụ nữ và trẻ em này, những người trong thời gian không có việc làm, phải chia tay chồng, sẽ bị truy lùng bởi những con 'kên kên' của xã hội. Làm ơn, chúng tôi hãy bảo vệ họ.

Tôi mời gọi mọi cộng đoàn và tất cả các tín hữu hiệp nhất với tôi vào Thứ Sáu ngày 25 tháng Ba, Lễ Truyền Tin, cho Hành động Trọng thể Hiến dâng nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, để Mẹ là Nữ Vương Hòa bình, có thể giúp chúng ta có được bình an.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Madrid, nhóm quốc tế “Agorà degli abitanti della terra”, các bác sĩ và nhân viên cấp cứu của Dịch vụ Cấp cứu 118, Rinnovamento Carismatico Cattolico “Charis” – là tổ chức duy nhất được chính thức công nhận là “Charis”, không ai khác - và các thành viên của Phong trào Focolarê. Tôi chào ca đoàn Piccolo Coro dell'Antoniano di Bologna với ban nhạc từ Polizia di Stato, ca đoàn “Ensemble Vox Cordis” của Fornovo San Giovanni, ca đoàn “San Vincenzo Grossi” của Pizzighettone, những người trẻ tuyên xưng đức tin của Angera, Sesto Calende e Ternate, cuộc hành hương của Giáo phận Asti, và các tín hữu từ Venice và Sassari.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành, bữa trưa ngon miệng, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana