1. Truyền thông Tòa Thánh tiếp tục quan ngại về tình hình tại Việt Nam

Hôm thứ Bẩy, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài nhan đề “Letter to the authorities: the Archdiocese of Hanoi calls for respect for religious freedom”, nghĩa là “Thư gửi chính quyền: Tổng giáo phận Hà Nội kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Giáo Hội Công Giáo tại thành phố Hà Nội đã gửi thư khiếu nại khẩn cấp đến các cấp lãnh đạo, các giới hữu trách, chính quyền cấp tỉnh và cấp quốc gia, yêu cầu “Ủy ban nhân dân” tỉnh Hòa Bình tôn trọng quyền tự do tôn giáo và các hoạt động mục vụ của đồng bào Công Giáo trên địa bàn tỉnh. Báo cáo gửi cho Fides có chữ ký của Cha Anphongsô Phạm Hùng, Chánh Văn phòng Toà Tổng Giám mục.

Bức thư cho biết có liên quan đến sự việc đáng tiếc xảy ra vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 20 tháng 2, khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên, đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, thuộc miền Tây Bắc Việt Nam. Vào thời khắc Rước lễ, hai người vào nhà thờ, lấy micro trên bục giảng và ra lệnh cho những người tham dự thánh lễ giải tán. Theo báo cáo được gửi cho Fides, những người này là Phạm Hồng Đức, Bí thư Chi Bộ Vụ Bản và Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.

Tổng Giáo phận Hà Nội cho rằng: “Đây là hành vi thiếu tôn trọng, lạm quyền, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do tôn giáo, quyền hành đạo của giám mục, linh mục và giáo dân, bôi nhọ nghi thức Thánh Thể. là phụng vụ thiêng liêng và quan trọng nhất đối với đức tin của người Công Giáo. Cử chỉ này là không thể chấp nhận được ở một đất nước mà pháp quyền chiếm ưu thế; nó đã khơi dậy sự phẫn nộ và nỗi đau của những người tham dự cũng như tất cả những ai nhìn thấy những hình ảnh trên mạng và mạng xã hội”. Tuyên bố của Giáo hội tại Hà Nội cũng đã được gởi đến tất cả các tín hữu của Tổng Giáo phận.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên xin “cầu nguyện để những khó khăn về thực hành đức tin của các Linh mục và giáo dân trong tỉnh Hòa Bình mau chóng được giải quyết.”.

Hòa Bình là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích 4,595.2 km2, tổng dân số khoảng 854 nghìn người thuộc sáu dân tộc Mường, Kinh (Việt), Thái, Dao, Tày, Mông. Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 21,000 giáo dân, một phần thuộc Giáo phận Hưng Hóa và một phần thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Trong số 11 giáo xứ trực thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, có giáo xứ Vụ Bản, nơi có 450 giáo dân được Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Liêm coi sóc mục vụ.
Source:Fides

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đáp lại Lời kêu gọi Cầu nguyện và Ăn chay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho Ukraine

Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố về Ukraine:

“Thay mặt cho các giám mục anh em của tôi, tôi lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc cầu nguyện và nhịn ăn để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trong lúc khó khăn này, chúng ta kêu cầu lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa hướng dẫn đôi chân nhân loại chúng ta đến con đường bình an (Lc 1: 78-79). Mong những lời cầu nguyện của chúng ta, cùng với những người trên khắp thế giới, giúp hướng dẫn những người đang tiến hành chiến tranh hãy chấm dứt đau khổ phi nghĩa và khôi phục hòa bình. Lạy Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con”.
Source:USCCB

3. Đức Thánh Cha Phanxicô hứa với nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine: 'Tôi sẽ làm mọi thứ có thể' để giúp chấm dứt xung đột

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ địa phương hôm thứ Sáu rằng ngài sẽ làm mọi thứ có thể để giúp chấm dứt xung đột Ukraine.

Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, có trụ sở tại thủ đô Kiev của Ukraine, vào cuối buổi chiều thứ Sáu ngày 25 tháng 2. Thư ký của Đức Tổng Giám Mục Ukraine đang ở Rôma cho biết như trên.

“Trong cuộc điện đàm, Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến tình hình ở thành phố Kiev và nói chung trên toàn lãnh thổ Ukraine. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Đức Tổng Giám Mục rằng: 'Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được'“.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk dự kiến sẽ đến thành phố Florence của Ý để tham gia một cuộc họp của các giám mục từ các quốc gia xung quanh Biển Địa Trung Hải. Nhưng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục đã hủy chuyến đi để ở lại với đàn chiên của mình.

Trang web Il Sismografo đưa tin quân Nga đang tiến vào Kiev. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã cùng với những người khác trú trong một hầm trú ẩn dưới Nhà thờ Phục sinh ở Kiev để tránh các đợt không kích.

Trong cuộc điện đàm, Đức Giáo Hoàng đã hỏi thăm về các linh mục và giám mục tại các khu vực đang có giao tranh gay gắt giữa các lực lượng Ukraine và Nga.

Đức Thánh Cha cảm ơn Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo phương Đông hiệp thông hoàn toàn với Rôma, vì sự gần gũi của hàng giáo phẩm và anh chị em tín hữu với người dân Ukraine.

“Đặc biệt, Đức Giáo Hoàng ca ngợi quyết định ở lại giữa người dân và phục vụ những người khó khăn nhất, thậm chí còn cung cấp tầng hầm của Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Kiev để làm nơi trú ẩn cho mọi người”.

Trước khi gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, trong một hành động bất chấp các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh vào sáng thứ Sáu để phản đối cuộc xâm lược của Nga và bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến.

Ngài đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay để hòa bình vào Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng Ba.

Đức Giáo Hoàng bảo đảm với Đức Tổng Giám Mục Shevchuk về sự gần gũi, ủng hộ và những lời cầu nguyện của ngài cho Ukraine. Ngài cũng gửi lời chúc phúc đến những người dân Ukraine đang đau khổ.
Source:Catholic News Agency

4. Cập nhật tình hình tại Ukraine

Cập nhật tình hình từ những người Công Giáo ở Ukraine giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình đang phát triển ở đó. Chiến tranh ảnh hưởng đến các thành phố như thế nào?

Khi Nga đưa chiến tranh đến Ukraine, các linh mục đang phục vụ tại các thành phố bị tấn công của Ukraine cung cấp thêm báo cáo về những gì các ngài thấy trên mặt đất trong thừa tác vụ của các ngài.

Nhiều người đang hỏi: tình hình ở các vùng khác nhau của đất nước như thế nào? Điều gì tiếp theo cho những nỗ lực mục vụ của Giáo hội được thực hiện ở đó? Những linh mục này giúp chúng ta hiểu rõ hơn.

LVIV - “Chúng tôi sẽ không rời con cái của chúng tôi!”

“Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi không thể bỏ mặc những khu vực này, ngôi nhà, hoặc những đứa trẻ tàn tật của chúng tôi. Họ chỉ có chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem tình hình sẽ phát triển như thế nào”, các cha dòng Chúa Quan Phòng từ Lviv viết trong một thông báo đăng trên trang web của cộng đoàn.

“Cuộc tấn công vẫn tiếp tục trên khắp đất nước, còi báo động phòng không đã vang lên từ sáng. Chúng tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ, nhưng tôi nghĩ rằng sân bay có thể bị đánh bom vì điều đó đã xảy ra ở các thành phố khác ở Ukraine, có nguy cơ xảy ra ở các thành phố khác nữa”. Cha Egidio Montanari báo cáo. Cộng đồng của ngài có sự tham gia của hai linh mục dòng Chúa Quan Phòng và một chủng sinh đến từ Kiev. Người chủng sinh này chỉ có nửa thùng nhiên liệu, nửa đường hết xăng phải bỏ xe đi bộ và được cộng đoàn ở Lviv đón trên xa lộ.

Tình hình tại Charków - “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi các mẹ và người nghèo!”

Các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng cũng quyết định ở lại Ukraine với trách nhiệm của họ. “Sáng nay, các Nữ tu dòng Tiểu muội Bác ái Truyền giáo đã tìm cách thiết lập liên lạc với các chị em ở Kharkiv, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc tấn công của Nga, và ở Korotycza gần đó,” bản tin của cộng đoàn viết.

Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan không nhưng họ đều chọn ở gần các bà mẹ, trẻ em và những người nghèo mà họ chăm sóc.

“Chị Kamila ở Kharkiv báo cáo rằng trong đêm họ bị đánh thức bởi những tiếng nổ súng. Tình hình rất bấp bênh. Đức Hồng Y đã yêu cầu các chị em dòng Chúa Quan Phòng từ cả hai cộng đồng tập trung ở Korotycza vì ở đó an toàn hơn. Các chị em ở đó có tầng hầm mà họ có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp nguy hiểm. Các chị em thuộc tỉnh dòng Ba Lan được hỏi liệu họ có muốn trở lại Ba Lan hay không nhưng họ đều chọn ở lại để tiếp tục phục vụ.”

Tình hình tại Mariupol - “Chúng tôi không còn biết chạy đi đâu?”

“Tiếng nổ đã được nghe thấy vào buổi sáng, điều này gây ra sự hoảng loạn. Nhưng các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu người dân không được hoảng sợ. Điều này rất khó. Tuy nhiên, trong thành phố, sự hoảng loạn là điều hiển nhiên. Có những hàng chờ khổng lồ tại các trạm xăng và ga đường sắt. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đi đâu đây? Bạn không thể rời khỏi thành phố một cách dễ dàng, thiết quân luật đang có hiệu lực. Tất cả chúng tôi đều lo lắng” Cha Paul Tomaszewski, một linh mục dòng Thánh Phaolô, nói với Đài phát thanh Vatican.

“Ngoài trận chiến còn có trận địa thông tin, trận địa tuyên truyền. Người ta nói rằng xe tăng được bố trí ở thành phố của chúng tôi, ở Donetsk, họ nói rằng lá cờ của nước cộng hòa ly khai đã bay trên thành phố. Nhưng bây giờ nó là bình thường, yên bình, các hoạt động của thành phố vẫn diễn ra như thường lệ. Mọi người biết rằng mỗi dãy căn hộ đều có một số loại hầm trú ẩn, chủ yếu là ở các tầng hầm, rất khó để tìm được một nơi trú ẩn thực sự. Tôi mời mọi người đến nhà thờ, ai có thể thì hãy đến, chúng tôi sẽ cầu nguyện”.

Tình hình tại KOLOMYJA – Thánh lễ đông nghẹt

“Chúng tôi được đánh thức sáng nay bằng máy bay đang bay qua thành phố,” Cha Michal Machnio, cha sở của giáo xứ Thánh Ignatius Loyola ở Kolomyia thuộc tổng giáo phận Lviv, đã báo cáo trong một cuộc phỏng vấn với Radio Plus. Cha sở, là một linh mục của Giáo phận Radom, thông báo rằng một sân bay cách thành phố 60 km (gần 40 dặm) đã bị đánh bom. Sân bay quân sự ở Kolomyia cũng bị cháy.

“Đó là một tình huống khó khăn cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày. Chúng tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi hát những lời cầu xin mỗi ngày sau khi thánh lễ. Chính quyền thành phố yêu cầu anh chị em bình tĩnh. Nếu không có nhu cầu, anh chị em nên ở nhà. Ngoài ra, các sơ đã đóng cửa trường mẫu giáo mà họ điều hành”, vị linh mục nói thêm.

Tôi không có ý định bỏ đi, tôi đang ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cuối cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.

“Có một số lượng lớn người bất thường trong thánh lễ sáng hôm nay. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng, nhưng mọi người đều cố gắng giữ bình tĩnh. Mọi người đang mua nhiều thứ hơn ở cửa hàng vì họ không biết ngày mai sẽ ra sao. Tôi xin những lời cầu nguyện rằng Ukraine sẽ không còn bị xâm lược”, cha Machnio nói. Vị linh mục tuyên bố rằng ngài sẽ không rời giáo xứ của mình. “Tôi không rời đi, tôi sẽ ở lại nơi tôi đang ở. Đây là những gì tôi đã quyết định. Tôi sẽ ở lại cho đến cùng, bất kể hoàn cảnh như thế nào.”

Tình hình tại Kiev - “bảo vệ Mình Thánh Chúa”

“Vào buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi một vụ nổ, có thể là từ hướng Boryspol - cách chúng tôi khoảng 30 km (khoảng 18 dặm). Chúng tôi quyết định cùng với những người bạn của mình chuẩn bị di tản. Chúng tôi muốn bảo đảm các thiết bị có giá trị nhất từ studio truyền hình và đưa nó đi theo hướng Lviv; chúng tôi cũng cần bảo bảo đảm Mình Thánh Chúa. Tôi mang theo tài liệu tiếng Ba Lan và một số nhu yếu phẩm để phòng trường hợp chúng tôi phải trốn trong các trại tạm trú,” Cha Błażej Gawliczek, người làm việc cho đài truyền hình Công Giáo EWTN ở Kiev tường thuật trong một cuộc phỏng vấn với Sunday Guest.

“Bạn không thể nhìn thấy quân đội trên đường phố, nhưng có một sự náo động rất lớn. Một trong những người bạn của tôi đã ra ngoài cửa hàng để mua thức ăn và đổ xăng cho chiếc xe của anh ấy - có những hàng dài không thể tưởng tượng được tại các trạm xăng,và ở các cửa hàng. Tại thời điểm này, chúng tôi nhận được tin rằng quân Nga đã tiến vào vùng Chernihiv, cách Kiev 150 km (90 dặm) về phía bắc. Thành thật mà nói - đã lâu rồi tôi không cảm thấy sợ hãi và hoang mang như thế này. Trước đó tôi đã phần nào đánh giá thấp mối đe dọa này của Nga, nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo lắng vô cùng,” vị linh mục cho biết thêm.
Source:Aleteia