Hôm Thứ Sáu, 25 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ quan ngại của ngài đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Đây được xem là diễn biến chưa từng có về mặt ngoại giao. Thông thường, để bày tỏ sự phản đối, chính quyền sở tại sẽ đưa công hàm đến Đại sứ quán hay trong trường hợp nghiêm trọng hơn thì triệu tập đại sứ đến Bộ Ngoại Giao để bày tỏ sự bất mãn của mình.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Giáo Hoàng đã dành hơn nửa giờ tại đại sứ quán.

Ông Bruni nói: “Đức Thánh Cha đã bày tỏ mối quan tâm của mình về chiến tranh,” nhưng từ chối cho biết các chi tiết về chuyến thăm hoặc nội dung cuộc trò chuyện.

Ông Bruni cũng không bình luận về một báo cáo của các phương tiện truyền thông Á Căn Đình cho rằng Đức Giáo Hoàng, 85 tuổi, đã đề nghị Vatican đứng làm trung gian hòa giải., Theo phóng viên thông tấn xã TASS của Nga thường trú tại Rôma Đại sứ Nga Aleksandr Avdeyev, đã phủ nhận điều này.

Avdeyev nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng cuộc họp kéo dài khoảng 40 phút và Đức Giáo Hoàng bày tỏ “quan ngại sâu xa” về tình hình nhân đạo ở Ukraine.

Đại sứ nói rằng Đức Giáo Hoàng “kêu gọi bảo vệ trẻ em, bảo vệ những người bệnh tật và đau khổ, và bảo vệ mọi người.”

Khi được Reuters liên lạc để đưa ra bình luận, đại sứ quán Nga cho biết đại sứ không có mặt.

Chuyến thăm của một Đức Giáo Hoàng đến đại sứ quán để bày tỏ sự phản đối với đại sứ trong thời điểm xung đột là chưa từng có trong ký ức sống động.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 14 tháng 2, trước cuộc xâm lược, đại sứ Ukraine tại Vatican, Andriy Yurash, cho biết Kiev rất mong Vatican đứng làm trung gian hòa giải xung đột.

Trong một tuyên bố vào hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết Tòa thánh hy vọng rằng những người nắm giữ vận mệnh của thế giới trong tay họ sẽ có một “tia sáng lương tâm”.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi tiến hành cuộc tấn công lớn nhất của một quốc gia chống lại quốc gia khác ở Âu Châu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Đức Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình ở Ukraine trước cuộc xâm lược hôm thứ Năm. Ngài đã tuyên bố Thứ Tư tới, 2 tháng Ba, Thứ Tư Lễ Tro, là ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine.

Hôm thứ Sáu, Tòa Thánh cũng cho biết rằng Đức Phanxicô sẽ không thể chủ sự các buổi lễ Thứ Tư Lễ Tro vì cơn đau cấp tính ở đầu gối của ngài. Ngài cũng sẽ phải bỏ qua một chuyến đi đến Florence vào Chúa Nhật này để bế mạc khóa họp của 58 giám mục và 65 thị trưởng từ khoảng 30 quốc gia Địa Trung Hải, vùng biển được coi “là cái nôi của nền văn minh,” nhưng ngày nay đã trở thành biểu tượng cho những vết thương của toàn thế giới.”

Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Giêrusalem của Công Giáo nghi lễ Latinh, đang tham dự cuộc họp tại Florence, đã được tờ Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia đình Kitô, hỏi về thái độ im lặng của Đức Thượng Phụ Kirill của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa.

Ngài nói:

“Họ không im lặng, trên thực tế họ đứng về phía Putin. Chúng ta sẽ nhìn xem thái độ tai hại này sẽ đi đến đâu. Trong mọi trường hợp, các tôn giáo không thể tự mình giải quyết hết các vấn đề. Xã hội dân sự được tạo thành từ tư tưởng tôn giáo, xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị. Những điểm này cần có sự hội tụ, điều này đúng trong mọi bối cảnh mà các tôn giáo có sức nặng trong việc định nghĩa bản sắc và trong việc hình thành văn hóa.”

Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng Thượng Phụ Kirill đã không làm việc mà ông ta phải làm là ngăn chặn bàn tay của kẻ xâm lược.
Source:Reuters