Theo Aleteia (https://aleteia.org/2022/02/10/breaking-news-vatican-observatory-astronomer-finds-new-member-of-the-solar-system/), một nhà thiên văn học của Tòa Thánh, cùng với các đồng nghiệp của ngài, đã tìm ra một thành viên mới của thái dương hệ xoay quanh phía ngoài hành tinh Neptune. “Vật xuyên Neptune” (trans-neptunian object, gọi tắt là TNO) này nay được đặt tên là “2021 XD7”. Nó được khám phá đầu tiên bởi Cha Richard Boyle, S.J. ngày 3 tháng 12, 2021, sử dụng Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến (Advanced Technology Telescope - gọi tắt là VATT) tại Mt. Graham ở Arizona (Hoa Kỳ).

Nhà thiên văn học và vật lý học thiên thể người Lithuania, Kazimieras Černis, đã phân tích các dữ kiện của khám phá. Peter Veres thuộc Trung tâm Tiểu Hành tinh của Liên hiệp Thiên văn học Quốc tế đã tính toán qũy đạo của vật thể này, sử dụng các quan sát được linh mục Boyle thu thập trong thời gian qua.

Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến Vatican tại Mt Graham, Arizona


Veres cũng là cựu sinh viên của Trường Mùa Hè của Đài Thiên Văn Vatican dành cho các nhà thiên văn trẻ chuyên nghiệp, được tổ chức thường xuyên tại trụ sở chính của Đài tại Castel Gandolfo gần Rome. Ông dự trường này hồi năm 2007.

Qũy đạo của TNO 2021 SD7 (Trắng) so với các quỹ đạo của Neptune (dương),Uranus (xanh) và Saturn (vàng)


TNO đầu tiên, Pluto (thoạt đầu được phân loại là hành tinh nhưng nay được coi như hành tinh lùn – dwartf planet), được khám phá năm 1930. Giống như Pluto, TNO 2021 XD7 có một qũy đạo lệch tâm, khá nghiêng so với các qũy đạo của trái đất và các hành tinh khác của thái dương hệ. Qũy đạo này đem thiên vật này gần mặt trời hơn khoảng cách với Neptune (gấp 30 lần khoảng cách trái đất với mặt trời) nhưng lại đem nó ra xa hơn hai lần khỏi mặt trời. 2021 XD7 cần tới khoảng 3 thế kỷ để hoàn tất một vòng xoay quanh mặt trời. Vì khoảng cách xa như thế, người ta ít biết về nó, nhưng chắc chắn nó nhỏ hơn cả Pluto, một thiên thể chỉ bằng phần nhỏ của vệ tinh của trái đất.

Qũy đạo của TNO 2021 XD7 (trắng) nghiêng đáng kể so với các qũy đạo của trái đất và các hành tinh khác


Viễn kính Kỹ thuật Tân tiến của Vatican cũng được biết dưới tên Viễn kính Alice P. Lennon, được xây dựng trong thập niên 1990 dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Các viễn kính cũ hơn của Đài Thiên văn Vatican, đặt tại Castel Gandolfo, đã trở nên ít hữu dụng hơn đối với các nghiên cứu thiên văn học, do ô nhiễm ánh sáng ở Rome.

VATT là một viễn kính cỡ trung bình, với “Kỹ thuật Tân tiến”, có ý nói đến việc nó là viễn kính đầu tiên được xây dựng bằng cách sử dụng các phương pháp khai phá đầu tiên do Đại Học Arizona khai triển. Sử dụng các phương pháp này, Phòng Thí nghiện R.F. Caris của Đại Học đã giúp xây dựng một số các viễn kính lớn nhất thế giới, trong đó, có Viễn kính Magellan Khổng lồ hiện đang được xây dựng.

Cha Boyle sử dụng viễn kính với máy ảnh “VATT4k” của nó khi ngài tìm ra TNO 2021 XD7. Đây là máy ảnh thiên văn học được thiết kế đặc biệt cho các cuộc thăm dò trắc quang (đo ánh sáng) và để quan sát các thiên thể mờ nhạt. Nó hoạt động một cách tương tự như máy ảnh kỹ thuật số và máy ảnh điện thoại di động, nhưng nó được tối đa hóa để đạt được độ nhậy đáng kể.

Trong những năm gần đây, VATT đã phải đương đầu với nạn cháy rừng, các hạn chế do COVID, và ngay cả vụ xâm lăng của sâu bướm nhưng khoa học vẫn tiếp tục với chiếc viễn kính!

Đài Thiên văn của Tò Thánh tại Mt Graham, Arizona (Hoa Kỳ)