1. Truyền thông Công Giáo quốc tế nêu lên những uẩn khúc trong cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Asia-News, cơ quan thông tin của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có bài nhan đề “Kon Tum: cattolici vietnamiti chiedono la verità sull'omicidio di p. Thanh”, nghĩa là “Kon Tum: người Công Giáo Việt Nam đòi hỏi sự thật về cái chết của Cha Thanh”.

Bài báo viết như sau:

Vào một đêm trước Tết Nguyên đán, Cha Trần Ngọc Thanh đã bị đâm khi đang thi hành Bí tích Hòa giải. Những nghi ngờ về một động cơ liên quan đến các vấn đề tâm thần: cộng đồng Kitô giáo địa phương đang kêu gọi công lý trong một vụ án gần như hoàn toàn bị phớt lờ trong nước. Vụ giết người diễn ra tại một khu vực truyền giáo, nơi có nhiều nhóm sắc tộc cùng sinh sống.

Sau khi linh mục Dòng Đa Minh Trần Ngọc Thanh bị sát hại, cộng đồng người Việt tại địa phương đang đòi hỏi sự thật về lý do của vụ sát hại, bày tỏ sự buồn bã trước sự đưa tin ít ỏi của giới truyền thông về một sự kiện nghiêm trọng như vậy tại Việt Nam.

Vào ngày 29 tháng Giêng, trước Tết Nguyên Đán, cha Thanh đang ngồi giải tội ngay sau thánh lễ buổi tối tại giáo xứ Đăk Mót thì bị một người có vũ khí xông vào và dùng dao đâm chết. Theo cảnh sát địa phương, kẻ tấn công là một người bị bệnh tâm thần có tên Nguyễn Văn Kiên.

Thông tin chi tiết đã được VietCatholic News đưa tin trong những ngày gần đây. Trong khi một số ít tín hữu còn có mặt trong nhà thờ đang bỏ chạy, thì người phụ trách ca đoàn, thầy Phan Văn Giáo, người ở phía đối diện của nhà nguyện, đã tìm cách ngăn chặn kẻ tấn công và đè anh ta xuống đất với sự giúp đỡ của các giáo dân khác, trước khi anh ta có thể thực hiện một vụ thảm sát. Thầy Giáo sau đó đã sắp xếp đưa linh mục Thanh đến bệnh viện, nhưng linh mục đã chết vì vết thương ở đầu vào khoảng 11 giờ 30 tối hôm đó.

Khu vực diễn ra sự kiện bi thảm này là một khu vực truyền giáo mà sự hiện diện của Giáo Hội vẫn còn trong thời kỳ đầy những khó khăn. Năm 2018, Cha Thành đã được bổ nhiệm quản nhiệm Giáo xứ Đăk Mót, thuộc giáo phận Kon Tum, thuộc miền Trung Việt Nam. Bản thân nhà nguyện, nơi cũng tổ chức các buổi cử hành Thánh Thể, rất nhỏ và chỉ có thể chứa một số ít tín hữu. Tòa giải tội nằm bên cạnh một căn phòng nhỏ.

Phần lớn cộng đồng tôn giáo địa phương thuộc dân tộc Sedang, trong khi kẻ tấn công, Kiên, thuộc dân tộc Kinh, là dân tộc đa số ở Việt Nam. Kiên cho biết anh theo đạo Công Giáo, nhưng hiếm khi đến tham dự Thánh lễ, các nguồn tin địa phương cho biết. Theo VietCatholic News, vụ giết người đã được tính trước. Tuy nhiên, luật sư Lê Quốc Quân cho rằng cần điều tra sâu để xác định Kiên thực sự bị rối loạn tâm thần hay có động cơ khác thực hiện vụ giết người.

Anh nói: “Truyền thông trong nước đang rầm rộ đưa tin về những sự việc nhỏ nhặt như cái chết của chú mèo Trấn Thành, một nghệ sĩ hài nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đáng lo là vụ án mạng nghiêm trọng như vậy vẫn chưa tìm ra được chỗ đứng trong các kênh tin tức chính thức”. Anh kết luận: “Lương tâm của các tín hữu đang yêu cầu và đòi hỏi phải lên tiếng, nói lên sự thật để mọi người hiểu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề và công lý được thực hiện trong trường hợp này”.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Việt Nam nói rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Nhưng một số người Công Giáo Việt Nam lo sợ rằng vụ giết người có thể nhằm mục đích cảnh báo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Vụ giết người hầu như không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát, và Giáo hội đã phải chịu áp lực chính trị nặng nề ở Việt Nam. Theo một tin đồn lan truyền trong làng nơi xảy ra án mạng, Nguyễn Văn Kiên, người đàn ông bị tạm giữ tại hiện trường và bị buộc tội giết người, đã cảnh báo mẹ anh ta rằng nếu bà ấy đi lễ, “sẽ có người phải chết”. Điều này cho thấy vụ giết người đã được tính toán trước.
Source:Asia News

2. Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại

Hôm mùng 4 Tết Nhâm Dần, 4 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại. Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Anh chị em thân mến,

Trước hết, cho phép tôi được chào, với tình cảm và sự kính trọng, Đại Giáo Trưởng Ahmed Al-Tayyeb, người mà chính xác ba năm trước tại Abu Dhabi, cùng với tôi đã ký Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Sự Chung sống. Trong những năm này, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau như những người anh em với nhận thức rằng, trong khi tôn trọng nền văn hóa và truyền thống của riêng mình, chúng tôi được kêu gọi xây dựng tình huynh đệ như một bức tường thành chống lại hận thù, bạo lực và bất công.

Tôi cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng chúng tôi trên con đường này: Sheikh Mohammed bin Zayed vì sự cam kết kiên định của ông trong vấn đề này; Ủy Ban Cấp Cao Về Tình Huynh Đệ Nhân Loại vì các sáng kiến đa dạng mà Ủy ban đã thúc đẩy ở các khu vực khác nhau trên thế giới; và Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, giúp chúng ta có thể kỷ niệm ngày Quốc tế thứ hai của tình huynh đệ nhân loại hôm nay. Lòng biết ơn của tôi cũng xin gửi đến tất cả các tổ chức dân sự và tôn giáo ủng hộ sự nghiệp cao cả này.

Tình huynh đệ là một trong những giá trị cơ bản và phổ quát, cần thiết cho những mối quan hệ cơ bản giữa các dân tộc, để những người đau khổ hoặc thiệt thòi không cảm thấy bị loại trừ và lãng quên, nhưng được chấp nhận và nâng đỡ như một phần của gia đình nhân loại. Chúng ta là anh chị em của nhau!

Trong tinh thần huynh đệ tương trợ và chia sẻ, tất cả chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy nền văn hóa hòa bình khuyến khích phát triển bền vững, khoan dung, hòa nhập, hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời, không phụ thuộc vào nơi ở và cách chúng ta sống, màu da, tôn giáo, nhóm xã hội, giới tính, tuổi tác, điều kiện kinh tế hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta. Tất cả chúng ta đều khác nhau nhưng đều bình đẳng, và lần đại dịch này đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Hãy để tôi nói lại một lần nữa: chúng ta không thể được cứu một mình!

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời và nhân danh Thiên Chúa, chúng ta là tạo vật của Ngài phải thừa nhận rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Là những tín hữu từ các truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta có một vai trò nhất định. Vai trò đó là gì? Thưa: là giúp anh chị em chúng ta ngước mắt lên trời và hướng lời cầu nguyện lên cùng Chúa. Chúng ta hãy ngước mắt lên trời, vì ai lấy lòng chân thành thờ phượng Thiên Chúa thì cũng yêu thương người lân cận mình. Tình huynh đệ làm cho chúng ta cởi mở với Cha của tất cả mọi người và cho phép chúng ta coi những người khác như anh chị em của mình, chia sẻ cuộc sống, hỗ trợ lẫn nhau, yêu thương và hiểu biết người khác.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời. Bây giờ là thời điểm thích hợp để hành trình cùng nhau, các tín hữu và tất cả những người có thiện chí. Đừng đợi đến ngày mai hoặc một tương lai bất định. Bây giờ là thời điểm thích hợp để cùng nhau hành trình: các tín hữu và tất cả những người có thiện chí, hãy cùng nhau. Đây là một ngày tốt để mở rộng bàn tay, để kỷ niệm sự hiệp nhất của chúng ta trong sự đa dạng - hiệp nhất, chứ không đồng nhất, hiệp nhất trong sự đa dạng - để nói với các cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sống rằng thời kỳ huynh đệ đã đến. Tất cả phải cùng nhau, vì điều cốt yếu là phải sống đoàn kết với nhau. Vì lý do này, tôi nhắc lại, bây giờ không phải là lúc để thờ ơ: hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Điều này không phải là cường điệu; đó là sự thật! Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Chúng ta thấy điều này trong các cuộc chiến tranh nhỏ, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hiện đang diễn ra cục bộ, khi các dân tộc bị tiêu diệt, khi trẻ em đói khát, khi cơ hội học hành của họ bị giảm thiểu… Đó là sự hủy diệt. Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã.

Đây không phải là thời gian cho sự quên lãng. Mỗi ngày, chúng ta cần nhớ những gì Thiên Chúa đã nói với Tổ Phụ Ápraham: rằng ngước mắt lên trời, ông sẽ nhìn thấy lời hứa của con cháu mình, tức là chính chúng ta (x. Họp mặt liên tôn tại Đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Một lời hứa cũng đã được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta: đó là một tình huynh đệ rộng lớn và tươi sáng như các vì sao trên trời!

Anh chị em thân mến, thưa Đại Giáo Trưởng!

Con đường huynh đệ còn dài và nhiều thử thách, đó là một con đường khó khăn, nhưng nó là cái neo cho sự cứu rỗi cho nhân loại. Chúng ta hãy chống lại nhiều dấu chỉ đe dọa, những thời khắc tăm tối và các não trạng xung khắc với tình huynh đệ; và chấp nhận người khác và tôn trọng căn tính của họ, mời họ tham gia một cuộc hành trình chung. Không phải tất cả đều giống nhau, nhưng là anh chị em, mỗi người đều có cá tính riêng, và sự độc đáo của mình.

Tôi cảm ơn tất cả những ai hành động với niềm xác tín rằng chúng ta có thể sống trong hòa thuận và hòa bình, ý thức được sự cần thiết của một thế giới huynh đệ hơn, vì tất cả chúng ta đều là tạo vật của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau.

Tôi cảm ơn tất cả những người sẽ tham gia hành trình huynh đệ của chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người dấn thân vì hòa bình và đáp ứng cụ thể các vấn đề và nhu cầu của những người rốt cùng nhất, những người nghèo và những người không có khả năng tự vệ. Quyết tâm của chúng ta là sát cánh bên nhau, “tất cả là anh chị em”, để trở thành những nghệ nhân hiệu quả của hòa bình và công lý, trong sự hài hòa của những khác biệt và sự tôn trọng bản sắc của mỗi bên. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến bước trên con đường của tình huynh đệ này! Cảm ơn anh chị em.
Source:Holy See Press Office