VŨ KHÚC MẶT TRỜI - SUN DANCE

Ảnh của Lm. Trần Cao Tường, tại thánh địa của sắc dân Hohokam cách đây gần 2 ngàn năm trong sa mạc Arizona.



Hình khắc trên vách đá hang động Picture Rocks diễn tả một đoàn người đeo lông chim cùng cầm tay nhau múa nhảy chung quanh một vòng xoáy trôn ốc bên cạnh những con nai và con chiên rừng: vòng xoáy trôn ốc diễn tả hành trình đi tìm tâm điểm đời sống. Có thể đây là một nghi thức của vũ khúc mặt trời (sun dance) hay vũ khúc phượng hoàng (eagle dance) như còn thấy ngày nay ở những sắc dân Navajo hay Hopi.

VŨ KHÚC MẶT TRỜI - SUN DANCE

Đã vào sa mạc Arizona mấy lần rồi mà lần ở lâu nhất trọn tháng 3 năm 2000, tôi mới biết lều tĩnh tu (hermitage) của tôi nằm ngay bên cạnh hang động có khắc hình lên vách đá (petroglyphs) của dân Da Đỏ từ lâu đời để lại. Vì thế địa điểm này gọi là Picture Rocks ở xa xa trong sa mạc về hướng tây của thành phố Tucson. Đây là hang động dưới chân rặng núi Tucson trên dốc đèo Kontzen, trước đây cả một ngàn rưởi năm sắc dân Hohokam đã chọn làm thánh địa. Hang động này ở vào một vị thế rất đẹp, ngay cạnh một dòng suối. Từ lều tôi ở chỉ phải đi bộ chừng năm phút là tới. Trong những giờ thinh lặng tôi đã tìm đến đây nhiều lần để nhìn kỹ những hình khắc trên đá, và nhất là để chiêm ngưỡng mà hòa mình vào nhịp sống của lớp dân này qua những nét diễn tả của họ. Vì đối với họ, hình khắc vẽ hay những điệu múa nhảy không phải chỉ là những biểu diễn nghệ thuật hay mua vui, mà trên hết là những nét diễn lên một qui trình, một nghi thức, một công thức hóa giải, trị liệu hay thăng hoa con người.

Hình khắc trên vách đá hang động Picture Rocks diễn tả một đoàn người đeo lông chim cùng cầm tay nhau múa nhảy chung quanh một vòng xoáy trôn ốc bên cạnh những con nai và con chiên rừng. Nhà nghiên cứu về biểu tượng của dân Da Đỏ là Alex Patterson đã cho biết: vòng xoáy trôn ốc diễn tả hành trình đi tìm tâm điểm đời sống. Có thể đây là một nghi thức của vũ khúc mặt trời (sun dance) hay vũ khúc phượng hoàng (eagle dance) như còn thấy ngày nay ở những sắc dân Navajo hay Hopi. Không ngờ những sắc dân sống cách đây cả trên ngàn năm mà đã có những kinh nghiệm tâm linh cao độ như vậy.

Trong những vũ khúc nghi lễ trên, mọi người tham dự đều đeo áo lông chim và đội mũ kết bằng lông chim trên đầu. Họ ý thức rất rõ ràng sự giới hạn của sức con người nên cần phải được khai mở để nối vào một sức sống cao hơn. Sức sống thần linh siêu việt lại được diễn tả một cách cụ thể nơi một vật biểu, như vật biểu chim phượng, một loại chim thần, điều này thật giống nét văn hóa người Việt mình. Vì thế mà họ hóa trang thành như chim phượng. Ngay cả ống sáo thổi của họ cũng được trang trí kết lông chim giống y như một con chim phượng đang bay lên.

Khai mạc lễ nghi, họ đánh trống và thổi sáo để làm trống tâm ra mà hòa vào một nhịp sức sống chung cho thần nhập. Shaman là những vị đã đạt cảm nghiệm tâm linh thường dẫn đầu những vũ điệu lễ nghi này. Họ có thể đạt được những phút xuất thần khi vượt ra khỏi được xác thân giới hạn của con người mà hóa thân thành như một con chim phượng đang tung cánh bay lên trong một chiều kích mới của ý thức. Đây chẳng phải là một điều rất đáng chú tâm cho những nhà nghiên cứu về tâm lý hay phụng vụ sao? Đây mới là vũ phụng vụ theo đúng nghĩa, là một qui trình biến đổi hóa thân, có sức chữa bệnh hay mọc cánh thăng hoa con người.