Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, Chúc Giáng Sinh vui vẻ!

Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo ra thế giới và là Đấng mang lại ý nghĩa cho lịch sử và cuộc hành trình của nhân loại, đã hóa thành nhục thể và đến ở giữa chúng ta. Người đến như một lời thì thầm, như tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, để lấp đầy với sự ngạc nhiên tâm hồn của mỗi người nam nữ đang mở lòng ra đón nhận mầu nhiệm này.

Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn thực hiện một cuộc độc thoại, nhưng một cuộc đối thoại. Vì chính Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, là đối thoại, là sự hiệp thông vĩnh cửu và vô hạn của tình yêu và sự sống.

Qua mầu nhiệm ngự đến của Chúa Giêsu, qua biến cố Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm, bước vào thế giới của chúng ta, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường gặp gỡ và đối thoại. Thật vậy, chính Ngài đã thể hiện con đường đó nơi chính mình, để chúng ta có thể nhận ra và làm theo, trong sự tin tưởng và hy vọng.

Thưa anh chị em, “thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên nhẫn của nhiều người quảng đại, những người giữ cho gia đình và cộng đồng gắn kết lại với nhau?” (Fratelli Tutti, 198). Trong thời kỳ đại dịch này, chúng ta ngày càng nhận ra điều này rõ nét hơn. Năng lực của chúng ta đối với các mối quan hệ xã hội đã bị thử thách rất nhiều; ngày càng có xu hướng rút lui, tự mình làm tất cả, ngừng nỗ lực trong việc gặp gỡ người khác và làm việc cùng nhau. Ở cấp độ quốc tế cũng vậy, có nguy cơ né tránh đối thoại, cuộc khủng hoảng phức tạp này có nguy cơ dẫn đến việc đi đường tắt thay vì khởi hành trên con đường đối thoại lâu dài hơn. Tuy nhiên, chỉ những con đường đó mới có thể dẫn đến cách giải quyết xung đột và mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả mọi người.

Thật vậy, ngay khi sứ điệp về sự Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ, nguồn mạch của hòa bình đích thực, đang vang lên trong lòng chúng ta và trên toàn thế giới, chúng ta vẫn tiếp tục phải chứng kiến vô số các cuộc xung đột, khủng hoảng và bất đồng. Những điều này dường như không bao giờ kết thúc; và chúng ta giờ đây thậm chí hầu như chẳng còn để ý đến chúng. Chúng ta đã quá quen với chúng đến nỗi những bi kịch to lớn giờ đây đang trôi qua trong thầm lặng; chúng ta có nguy cơ không nghe thấy tiếng kêu đau đớn và xót xa của rất nhiều anh chị em chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ đến người dân Syria, những người trong hơn một thập kỷ đã trải qua một cuộc chiến dẫn đến biết bao những nạn nhân và cơ man không kể xiết những người phải di dời. Chúng ta hãy nhìn vào Iraq, quốc gia vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau một cuộc xung đột kéo dài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của trẻ em vang lên từ Yemen, nơi một thảm kịch to lớn, bị mọi người coi thường, đã âm thầm diễn ra trong nhiều năm, gây ra cái chết mỗi ngày.

Chúng ta cũng hãy nhớ lại, những căng thẳng tiếp diễn giữa người Israel và người Palestine kéo dài mà không có giải pháp, với những hậu quả chính trị và xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta cũng không thể quên Bêlem, nơi Chúa giáng trần, nơi đang trải qua nhiều khó khăn cũng vì hậu quả kinh tế của đại dịch, ngăn cản những người hành hương đến thăm Thánh Địa và ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Chúng ta hãy nghĩ đến Li Băng, đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, đi kèm với những điều kiện kinh tế và xã hội hết sức khó khăn.

Vậy mà, giữa đêm đen, hãy nhìn xem! Dấu chỉ của hy vọng! Hôm nay đây, “Tình yêu dịch chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradiso, XXXIII, 145), như Dante nói, đã hóa thành nhục thể. Ngài đến trong hình dạng con người, Ngài chia sẻ hoàn cảnh của chúng ta và Ngài đã phá vỡ bức tường thờ ơ của chúng ta. Trong cái lạnh của đêm, Ngài dang rộng đôi tay nhỏ bé của mình về phía chúng ta: Ngài đang cần tất cả mọi thứ, nhưng Ngài đến để cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy cầu xin Người sức mạnh để cởi mở đối thoại. Vào ngày lễ này, chúng ta hãy khẩn cầu Ngài khơi dậy trong lòng mọi người niềm khao khát hòa giải và tình huynh đệ. Bây giờ chúng ta hãy hướng về Người trong lời cầu nguyện.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, xin ban hòa bình và hòa giải cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin nâng đỡ tất cả những người cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ; xin Chúa an ủi người dân Afghanistan, những người trong hơn bốn mươi năm qua đã bị thử thách nặng nề bởi các cuộc xung đột khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước.

Lạy Vua của tất cả các dân nước, xin giúp các nhà hữu trách chính trị mang lại hòa bình cho các xã hội bị xáo trộn bởi căng thẳng và xung đột. Xin nâng đỡ người dân Miến Điện, nơi mà sự bất khoan dung và bạo lực thường xuyên nhắm vào cộng đồng Kitô Giáo và những nơi thờ phượng, đang làm u ám khuôn mặt hiền hòa của dân tộc đó.

Xin Chúa hãy là nguồn ánh sáng và hỗ trợ cho tất cả những ai tin tưởng và nỗ lực, bất chấp mọi trở ngại, để tiến tới gặp gỡ và đối thoại. Ở Ukraine, xin Chúa chặn đứng những đợt bùng phát mới của một cuộc xung đột đang kéo dài.

Lạy Hoàng tử của Hòa bình, xin hãy giúp Ethiopia một lần nữa tìm thấy con đường hòa giải và hòa bình thông qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn trong đó đặt nhu cầu của người dân lên trên hết. Xin hãy lắng nghe lời khẩn cầu của những người sống ở vùng Sa mạc Sahara, những người đang trải qua sự bạo tàn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xin Chúa hãy ghé mắt nhìn đến các dân tộc trong các quốc gia Bắc Phi, bị dày vò bởi sự chia rẽ, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế. Xin Chúa xoa dịu nỗi đau của nhiều anh chị em chúng con, những người đang phải hứng chịu các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan và Nam Sudan.

Thông qua đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và giá trị văn hóa của mỗi con người, và các giá trị của tình đoàn kết, xin cho hòa giải và chung sống hòa bình có thể thịnh hành trong trái tim các dân tộc Mỹ Châu.

Lạy Chúa, xin hãy an ủi các nạn nhân của bạo lực nhắm vào phụ nữ, đang gia tăng trong thời kỳ đại dịch này. Xin Chúa mang đến hy vọng cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị bắt nạt và lạm dụng. Xin thể hiện sự an ủi và ấm áp với người cao tuổi, đặc biệt là những người cảm thấy cô đơn nhất. Xin mang lại sự thanh thản và hiệp nhất cho các gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái họ và là cơ sở của cấu trúc xã hội.

Lạy Chúa, Đấng-ở-cùng-chúng-con, xin ban sức khỏe cho người ốm yếu và truyền cảm hứng cho tất cả những người nam nữ thiện chí tìm kiếm những cách tốt nhất có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và những ảnh hưởng của nó. Xin Chúa mở rộng cánh cửa nhiều tâm hồn để bảo đảm rằng dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết - và đặc biệt là vắc xin - được cung cấp cho những người cần đến chúng nhất. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đã quảng đại cống hiến hết mình để chăm sóc các thành viên trong gia đình, những người bệnh tật và những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng con.

Lạy Hài Nhi Bêlem, xin cho nhiều tù nhân quân sự và dân sự trong chiến tranh và các cuộc xung đột gần đây, và tất cả những ai bị giam giữ vì lý do chính trị, có thể sớm trở về nhà. Xin đừng để chúng con thờ ơ trước tình cảnh thê thảm của những người di cư, tản cư và tị nạn. Đôi mắt của họ cầu xin chúng con đừng nhìn theo hướng khác, đừng tỉnh bơ trước tình nhân loại phổ quát, nhưng thay vào đó hãy biến câu chuyện của họ thành của riêng chúng con và lưu tâm đến hoàn cảnh của họ. [1]

Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu trở nên xác phàm, xin khiến chúng con chú ý đến ngôi nhà chung của chúng con, nơi đang chịu đựng sự bất cẩn mà chúng con thường đối xử với nó. Xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chính trị đạt được các thỏa thuận hiệu quả, để các thế hệ tương lai có thể sống trong một môi trường tôn trọng sự sống.

Anh chị em thân mến, giữa muôn vàn nan đề của thời đại chúng ta, niềm hy vọng vẫn chiếm ưu thế, “vì một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta” (Is 9: 6). Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi sơ sinh, chỉ có khả năng khóc và cần sự giúp đỡ về mọi thứ. Người muốn học cách nói, giống như mọi đứa trẻ khác, để chúng ta có thể học cách lắng nghe Thiên Chúa, Cha của chúng ta, lắng nghe nhau và đối thoại như anh chị em.

Lạy Chúa Kitô, được sinh ra vì chúng con, xin dạy chúng con đi bên cạnh Chúa trên con đường hòa bình.

Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ!

[1] Xem Diễn từ tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng”, Mytilene, ngày 5 tháng 12 năm 2021.
Source:Holy See Press Office