Tại thị trấn nơi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô được tổ chức với các nghi lễ và đám rước đã có từ rất xa xưa. Theo truyền thống, Đức Thượng phụ La tinh của Giêrusalem có chuyến thăm đặc biệt đến Bethlehem và chủ sự một số cử hành đặc biệt tại đây.

Trong các năm trước đại dịch coronavirus, chỉ một số ít người may mắn mới được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina để tham dự các cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ lúc nửa đêm. Hàng ngàn người hành hương khác phải tập trung ở bên ngoài Quảng trường Máng Cỏ.

Năm nay thì khác, sau khi biến thể Omicron bùng phát, Israel ra lệnh đóng cửa biên giới với thế giới nên gần như không có du khách nào đến được Bethlehem. Chính vì thế, mọi người được vào bên trong Nhà thờ Thánh Catêrina tham dự thánh lễ nửa đêm.

Mọi người ở Bethlehem cũng như các thị trấn và làng mạc xung quanh đều biết khi nào sáng ngày 24 tháng 12 sẽ đến. Tiếng trống ồn ào của hàng chục nhóm hướng đạo sinh diễu hành báo hiệu một niềm vui đón chờ Giáng Sinh.

Trưa ngày 24 tháng 12, Đức Thượng phụ nghi lễ La-tinh của Giêrusalem, là Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, đi xe từ Giêrusalem thẳng xuống phía Nam để đến Bethlehem. Đoạn đường này chỉ có 9.5km nhưng ngài phải đi mất 25 phút vì phải trải qua nhiều đồn bót của quân Do Thái. Giêrusalem thuộc lãnh thổ Israel nhưng Bethlehem lại thuộc Palestine.

Đức Thượng Phụ đã dừng chân tại Tu viện Chính thống Hy Lạp Mar Elias, nơi ngài gặp tu viện trưởng và thị trưởng Beit Jala. Ngài trao đổi lời chúc Giáng Sinh với hai vị trên trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Vào lúc 1:30 chiều, Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa long trọng tiến vào Bethlehem, đánh dấu sự khởi đầu của mùa Giáng Sinh tại Thánh Địa.

Sau lời chào mừng của cha xứ, Đức Thượng Phụ cử hành Kinh Chiều Một diễn ra lúc 4 giờ chiều tại Nhà thờ Thánh Catêrina.

Sau giờ Kinh chiều Một, các tu sĩ Dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa dẫn đầu một cuộc rước đến Hang Chúa Giáng Sinh và đến Hang Thánh Giuse.

Khi các lễ kỷ niệm tiếp tục diễn ra bên trong, quảng trường Máng Cỏ phía trước Vương cung thánh đường Chúa Giáng Sinh chật kín các tín hữu địa phương. Những năm trước còn có đông đảo những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới.

Vào lúc nửa đêm, Thánh lễ được cử hành tại Nhà thờ Thánh Catêrina. Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, cũng như đại diện của Chính quyền Palestine và các đại sứ từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:


Anh chị em thân yêu nhất,

Thưa Tổng thống,

Thưa Thủ tướng,

Thưa các vị đại biểu và các vị khách quý,

Xin Chúa ban bình an cho các bạn!

Lễ Giáng Sinh năm nay chắc chắn vui hơn năm ngoái. Hôm nay các tín hữu tràn ngập nhà thờ của chúng ta và thành phố đang mừng lễ. So với Giáng Sinh năm ngoái, lượng người tham gia đông hơn rất nhiều và đây là một tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, vẫn còn thiếu một phần quan trọng để niềm vui được trọn vẹn. Chúng ta rất nhớ những người hành hương, những người trong năm thứ hai liên tiếp không thể ở bên chúng ta, do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, với thời gian kéo dài hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng ta cầu nguyện cho họ và đồng thời mong mỏi những lời cầu nguyện của họ, để tất cả những điều này có thể sớm kết thúc và thành phố Bêlem có thể một lần nữa đầy ắp những người hành hương, như đặc thù của nó. Chúng ta cũng cầu nguyện rằng niềm vui có thể trở lại với nhiều gia đình sống nhờ vào các cuộc hành hương và những người, vì đại dịch này, đã mất việc làm hơn hai năm nay qua và đang sống trong hoàn cảnh ngày càng khó khăn. Chúng ta hy vọng rằng với các hành động chính trị phối hợp chung, Giáo Hội và các công ty lữ hành, địa phương và quốc tế, chúng ta có thể tìm ra những cách an toàn để tiếp tục hoạt động này, bất chấp đại dịch. Điều này thực sự là cần thiết!

Tôi muốn cảm ơn Chúa và tất cả những người đã tạo điều kiện cho một số thành viên trong cộng đồng Kitô của chúng ta từ Gaza đến được Bêlem và ở với chúng ta ngày hôm nay. Năm nay, việc giành cho họ cơ hội để ăn mừng với chúng ta đã trở nên đơn giản hơn. Đó là một dấu hiệu tích cực dù nhỏ, nhưng quan trọng, mà tôi rất biết ơn.

Bây giờ chúng ta hãy đến với lễ Giáng Sinh và lễ kỷ niệm của mầu nhiệm tuyệt vời này.

Sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô trong hang đá Bêlem đã thay đổi lịch sử nhân loại. Ngày nay, mầu nhiệm Giáng Sinh cũng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chúng ta và mở ra những triển vọng mới ngay cả khi bóng tối dường như quá mạnh. Làm sao để có thể được như thế?

Để trải nghiệm Giáng Sinh, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa nói.

Để gặp gỡ Chúa Giêsu, hôm nay cũng như vậy, chúng ta phải cho phép mình được hướng dẫn bởi tiếng nói của các chứng nhân của Người, của các sứ giả của Người. Trên thực tế, có rất nhiều tiếng nói trong Phúc âm nói về Chúa Giêsu, nhưng không phải tất cả đều dẫn đến Ngài. Chúng ta cần nhận ra tiếng nói đích thực để có thể đạt được niềm vui trong lễ Giáng Sinh.

Đức Maria thành Nazareth đã nghe tiếng sứ thần và lời Người loan báo và đón Chúa Giêsu (Lc 1,26-38). Sau Đức Maria, Thánh Giuse (Mt 1,20-22) cũng đã vâng theo tiếng sứ thần, vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình: chính hai vị là những người giúp cho công cuộc cứu độ được thực hiện. Các Mục đồng (Lc 2: 8) cũng là những chứng nhân đã chào đón lời các thiên thần loan báo “Vinh quang Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới đất cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14); tương tự như vậy các nhà Đạo sĩ, Ông Simeon và Anna và nhiều người khác.

Tuy nhiên, trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta cũng gặp những nhân vật như Hêrôđê sợ hãi trước tin Vua mới ra đời (Mt 2: 2-3). Chúng ta nghe nói về những nhà thông thái ở Giêrusalem, những người biết những lời tiên tri về Chúa Giêsu, nhưng không biết làm thế nào để chấp nhận những lời ấy (Mt 2: 4-5). Vì thế mới có thảm kịch những trẻ thơ vô tội bị giết... Tóm lại, chúng ta cũng có những ví dụ trái ngược, những người từ chối tiếng nói của các chứng nhân và chung cuộc là từ chối chấp nhận Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta phải có khả năng phân biệt nên nghe tiếng nào, nếu chúng ta thực sự muốn nhận ra “Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô, Đức Chúa” (Lc 2:11).

Để tìm thấy Chúa Giêsu, cần phải tin cậy một người biết Ngài và người sẽ giúp chúng ta đến gần Ngài. Lắng nghe một chứng nhân đáng tin cậy cũng cho phép chúng ta nhìn theo một cách mới, mở ra cho chúng ta một cách đọc khác về thực tế. Để có thể lắng nghe, chúng ta cần một trái tim bằng xương bằng thịt, một trái tim ngoan ngoãn, dám để cho mình bị thương bởi tha nhân. Chúng ta cần một trái tim biết yêu thương.

Hôm nay, chúng ta cũng như Đức Maria, Thánh Giuse, những Mục đồng và các nhà Đạo sĩ, đang tụ họp tại hang đá Bêlem để kỷ niệm Lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy của chúng ta.

Bây giờ tôi muốn chúng ta tự hỏi mình đâu là tiếng nói đè nặng hoặc giải phóng cuộc sống của chúng ta, đâu là tiếng nói định hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và xã hội dân sự. Những lời nào đang vang vọng trong trái tim của những người trẻ tuổi của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, trong ngôi nhà của chúng ta? Trong thời điểm khẩn cấp về sức khỏe và khủng hoảng chính trị kéo dài như hiện nay, nhiều tiếng nói khác nhau vang lên trong các gia đình: một số làm xói mòn niềm tin, lấy đi hy vọng, dập tắt tình yêu. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói khác, đáng khích lệ hơn, có khả năng nhìn xa trông rộng và hướng đến tương lai. Hôm nay chúng ta đang nghe những chứng nhân nào? Trong năm vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng cũ và mới đang thách thức chúng ta, chúng ta đã đi theo tiếng nói nào?

Đây không phải là một câu hỏi sáo rỗng. Tại Babylon của những thông báo, tuyên bố và những lời tiên tri hiện đại, đến qua nhiều phương tiện truyền thông, chúng ta cần tìm kiếm và nhận ra tiếng nói dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và đến với ơn cứu rỗi, mở ra trái tim hy vọng. Trong cuộc sống của chính mình, chúng ta cần những chứng nhân đáng tin cậy, những người giúp chúng ta tìm thấy con đường dẫn đến Bêlem, những người khuyến khích chúng ta nhìn thấy tương lai một cách tự tin, những người biết cách nhìn và cho phép chúng ta nhìn thấy điều tốt đang phát triển chứ không chỉ những điều dữ và những nỗi đau, tuy đang hiện hữu thật đấy, nhưng không thể là tiêu chí duy nhất của chúng ta để đánh giá tình hình hiện tại. Sẽ là thiếu đức tin nếu chúng ta chỉ hạn chế mình trong việc tố cáo những cái ác và không dấn thân gì cả trong việc lên kế hoạch và xây dựng về một tương lai tốt đẹp với niềm hy vọng. Đức tin và đức cậy không thể tách rời nhau: chúng cần thiết cho nhau. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có nằm trong số những người bị tê liệt vì sợ hãi, hay ngược lại, chúng ta đã dành chỗ cho tiếng nói của Thánh Linh, Đấng luôn mở ra cho chúng ta những chân trời mới. Chúng ta đã trao niềm tin cho những chứng nhân nào? Bởi vì, suy cho cùng, đây là điều chúng ta cần: đó là xây dựng lại niềm tin giữa chúng ta, tin tưởng vào tương lai, của chúng ta và con cái chúng ta, tin tưởng vào khả năng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, cả trong đời sống dân sự và trong Giáo Hội.

Thực tế, đầu tiên trong số tất cả các chứng tá là Giáo Hội. Trước hết, chúng ta phải tham vấn Giáo Hội, và nhìn vào thực tại của chúng ta qua Giáo Hội, tức là qua đôi mắt của những người gìn giữ và làm chứng cho ân sủng cứu rỗi trên thế giới.

Vậy thì những tiếng nói nào đã vang lên trong giáo phận Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem của chúng ta? Điều nào chúng ta muốn làm vang dội trong trái tim của chúng ta? Những tiếng nói ấy có phải là tiếng nói của niềm hy vọng được sinh ra ở Bêlem không? Đó có phải là tiếng nói của một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ đến mức nó có thể nhìn ra ngoài sự dữ hiện tại và khiến chúng ta nhận ra công việc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không?

Tôi nghĩ trước hết là giọng nói vang lên ở Síp, giọng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm của ngài đến vùng này của giáo phận chúng ta. Đảo Síp, một quốc gia cũng bị chia cắt bởi những bức tường, do xung đột chính trị và tôn giáo, được đánh dấu bằng những vết thương kéo dài hàng thập kỷ, tự nó tập hợp những mâu thuẫn làm khuấy động Địa Trung Hải, nơi tập trung các cuộc tranh giành quyền lực và lợi ích to lớn về nguồn năng lượng, nhưng cũng là nơi chúng ta chứng kiến thảm kịch của hàng ngàn người tị nạn, chạy trốn chiến tranh và đau khổ, và những người tìm nơi ẩn náu trên hòn đảo trong khi ở lại mà không có triển vọng cho tương lai của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của sự kiên nhẫn, kiên nhẫn không có nghĩa là trì trệ, nhưng luôn sẵn sàng đối với hành động không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần, sử dụng thời gian của chúng ta để đánh giá cao việc lắng nghe và chào đón những người không giống chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói lắng nghe có nghĩa là dành không gian cho người kia; khi làm như vậy, chúng ta chào đón Chúa Giêsu. Đây là một chỉ dẫn quan trọng về phương pháp luận cho toàn thể Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta, được khởi xướng trong cuộc hành trình đồng nghị do chính Đức Giáo Hoàng mong muốn, với chủ đề căn bản chính là lắng nghe và hiểu biết đối phương.

Tại Jordan, nơi năm nay đánh dấu 100 năm thành lập Vương quốc Hashemite, không thiếu những tiếng nói lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, trầm trọng thêm do đại dịch và xung đột khu vực đã kéo hàng triệu người tị nạn mới chạy đến Vương quốc này. Chưa hết, Nhà nước này, dù bị đánh dấu bởi rất nhiều khó khăn, vẫn dạy cho các nước thuộc thế giới thứ nhất thế nào là liên đới và chào đón. Hơn thế nữa, trong thời kỳ thống trị bởi chủ nghĩa bè phái chính trị và tôn giáo này, Jordan không ngại tham gia vào các cuộc đối thoại tôn giáo và chính trị, và lập kế hoạch cho tương lai của mình. Vì vậy, cầu mong đó cũng là một Giáng Sinh đầy hy vọng và an ủi cho Giáo Hội Jordan của chúng ta, để Giáo Hội có thể tiếp tục lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, và không sợ hãi về tương lai, nhưng vẫn cởi mở và chào đón, sống động và đầy tính tôn giáo, các sáng kiến mục vụ và xã hội.

Ở Israel cũng không thiếu những tiếng nói khác nhau. Những tiếng nói đáng lo ngại về sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là vào tháng 5 năm ngoái, trong một cuộc xung đột khác với Gaza, đã xảy ra một cách đau đớn. Tôi nói điều này đặc biệt liên quan đến cuộc khủng hoảng lòng tin đặc biệt là giữa người Ả Rập và người Do Thái, cả hai nhóm công dân, cả hai cư dân của cùng một thành phố. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cách tiếp cận thụ động để cùng tồn tại là chưa đủ, phải thúc đẩy sự chung sống. Nó luôn là kết quả của một mong muốn chân thành và thực tế, được xây dựng một cách cụ thể. Nhiệm vụ của chúng ta, của Giáo Hội, là học hỏi và thúc đẩy sự lắng nghe, giúp nhận ra và cổ vũ những tiếng nói của sự hiệp thông, chào đón và tôn trọng, trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Trong nước không thiếu tiếng nói của mọi người, các phong trào, hiệp hội cam kết thúc đẩy sự chung sống, tôn trọng và chào đón lẫn nhau. Giáng Sinh cũng là dịp để công nhận và đánh giá cao những người biết cách xem đối phương như một món quà từ Thiên Chúa.

Và cuối cùng, chúng ta không thể không nghĩ đến Palestine của chúng ta, đất nước mà chúng ta thấy chính mình ngày nay. Chúng ta có thể nói gì về đất nước này, luôn chờ đợi một tương lai hòa bình dường như không bao giờ đến? Giọng nói đau đớn của dân tộc này thực sự là một tiếng kêu thảm thiết, chói tai. Một dân tộc cần được trải nghiệm công lý, muốn biết tự do, mệt mỏi với việc chờ đợi được phép sống tự do và có phẩm giá trên chính mảnh đất của mình và trong ngôi nhà của chính mình, không muốn chỉ sống bằng những giấy phép mà giờ đây là cần thiết để có thể ra, vào, làm việc hoặc những hoạt động khác. Điều cần thiết không phải là nhượng bộ, mà là quyền, và chấm dứt những năm tháng bị chiếm đóng và bạo lực, với tất cả những hậu quả nặng nề của chúng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng nói chung, cần phải tạo ra những mối quan hệ mới, trong đó không phải là sự ngờ vực mà là sự tin tưởng lẫn nhau.

Hậu quả của tình trạng mệt mỏi này có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi. Do đó, có vẻ như những tiếng nói đang được lắng nghe nhiều nhất là những tiếng oán giận, thành kiến, hiểu lầm, nghi ngờ, sợ hãi và mệt mỏi. Đáng tiếc là những tiếng nói này thường xuất hiện trong những bài diễn thuyết của chúng ta và tìm được không gian trong lòng nhiều người. Nhưng nó không nhất thiết phải theo cách này! Một Kitô Hữu không thể chấp nhận được những tiếng nói như thế!

Tôi phải nói rằng bằng cách gặp gỡ những người trong cộng đồng của chúng ta, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi đã học được thuật ngữ “resilence” - “khả năng phục hồi” bao gồm cụ thể những gì. Đến thăm cộng đồng của chúng ta ở Gaza vài ngày trước, tôi đã biết, trên thực tế, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, những hoàn cảnh thực sự khó khăn, người ta vẫn có thể nhường chỗ cho tình yêu thương, tình đoàn kết và niềm vui. Tôi đã gặp những người biết cách tích cực và xây dựng và những người, mặc dù nhận thức được những khó khăn to lớn mà họ đang sống, nhưng không bao giờ ngừng tin tưởng rằng điều gì đó tốt đẹp có thể được thực hiện cho bản thân và cho người khác, mà không nuôi dưỡng cảm giác thù hận và độc ác. Tôi tin chắc rằng đây là những người đã xây dựng một cách cụ thể Vương quốc của Thiên Chúa ở giữa chúng ta và rằng mỗi ngày, không chỉ ngày nay, họ sống đúng tinh thần của Lễ Giáng Sinh: đó là tạo không gian bên trong mình cho Đấng là Nguồn sống đích thực và trở thành người tràn đầy cuộc sống đó.

Qua Giáo Hội, chúng ta đã đặt câu hỏi về đời sống dân sự của mình. Chúng ta muốn kết thúc bằng cách đề cập đến Giáo Hội, và hỏi Giáo Hội câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra khi bắt đầu suy tư này: ngày nay chúng ta nghe tiếng Chúa ở đâu và bằng cách nào? Trong thế giới bị xâu xé và chia cắt của chúng ta, một Hài Nhi được sinh ra từ hai nghìn năm trước có thể thực sự mang lại hòa bình cho ngày hôm nay không? Câu trả lời của Giáo Hội vẫn như mọi khi, nhưng luôn luôn mới: Giáo Hội loan báo cho chúng ta rằng ơn cứu rỗi được mang đến cho chúng ta chính xác qua Hài nhi ngây thơ và không có khả năng tự vệ đó, và rằng vâng, Đấng Toàn năng được biểu lộ chính xác trong hình thức mong manh và yếu ớt đó. Qua các Bí tích, mỗi ngày, Giáo Hội dạy chúng ta rằng nếu không có cái nhìn, ánh mắt biết cách vượt ra ngoài dấu chỉ, vẻ bề ngoài, thời gian và cái chết, chúng ta sẽ không biết cách thực sự đọc được thực tại của thế giới này của chúng ta. Đúng là, cái ác không bao giờ ngừng hoành hành trên cuộc đời của những người yếu đuối và khó tự vệ nhất, nhưng con đường dẫn đến hòa bình đã được đánh dấu, và đó vẫn là con đường của chúng ta ngày nay. Trong Hài Nhi đó, Tình yêu đi vào thế giới, và Tình yêu ấy vẫn còn mãi trong từng khoảnh khắc của lịch sử, đó là một cuộc phiêu lưu bất tận và thực sự có thể thay đổi mọi thứ. Giáo Hội ngày nay vẫn mời gọi chúng ta nhìn nhận mầu nhiệm đang tiếp tục hiển hiện giữa chúng ta: tại Síp, Jordan, Israel, Palestine và khắp thế giới.

Chúng ta đã bắt đầu bằng cách nói rằng để trải nghiệm Giáng Sinh, cần phải lắng nghe tiếng nói của Chúa. Chúng ta kết luận bằng cách nói thêm rằng giọng nói đó đang chờ những người nghe và chờ đợi một phản hồi cá vị.

Giáng Sinh là một lời kêu gọi cá vị cho mỗi chúng ta ở đây ngày hôm nay, cũng như cho bất kỳ tín hữu nào trên thế giới. Đó là lời kêu gọi cho những người trẻ, cho các gia đình, cho người già, cho công nhân, cho người bệnh, cho tù nhân, cho những người cai trị. Nghe tiếng Chúa có nghĩa là nhận ra và chào đón Ngài trong từng phần nhỏ của Vương quốc mà chúng ta gặp trên đường! Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta hôm nay một lần nữa chào đón tiếng nói của Ngài như Đức Trinh Nữ Maria đã làm. Mẹ đã nhận được một một lời loan báo và đã phản hồi; phản ứng của Mẹ đã mang lại Sự sống cho thế giới. Như xưa thế nào, thì ngày nay cũng thế, Thiên Chúa không chỉ hoạt động trực tiếp trên thế giới, mà Ngài còn làm như vậy thông qua sự tham gia của chúng ta.

Ở Gaza, tôi đã gặp những người làm đúng như vậy: họ lắng nghe và nói vâng với Chúa. Một số người trong số họ đã thành lập gia đình, những người khác đáp lại ơn gọi tu trì, tất cả họ đều tận tâm phục vụ Chúa và những người khác với niềm vui. Giống như câu trả lời của Mẹ Maria, những phản ứng của họ trước tiếng nói của Chúa là nguồn sống cho rất nhiều người khác.

Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng như Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, như các Mục đồng và như các Đạo sĩ, có thể đáp lại Chúa Giêsu một cách khiêm tốn, chúng ta có thể tìm thấy nơi Ngài ý nghĩa trong hành động của chúng ta. Vì chúng ta là những chứng nhân rằng khi Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, thì trái đất sẽ nhận được Bình an. Wulida al Masih! Alleluia!

† Pierbattista Pizzaballa

Thượng phụ La tinh của Giêrusalem


Sau Thánh lễ, một cuộc rước long trọng của các linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em tín hữu tiến đến Hang động Chúa Giáng Sinh. Đức Thượng Phụ ẵm trên tay ngài Chúa Hài đồng. Khi đến nơi ngài kính cẩn đặt Chúa Hài đồng vào trong máng cỏ.


Source:Latin Patriarchate of Jerusalem