Giáng Sinh mùa Covid-19, Giáng Sinh của một Giáo Hội Hiệp Hành

Gợi ý suy niệm Thánh lễ Đêm (Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)

Lễ Giáng sinh năm nay đến với thế giới và riêng tại Việt Nam có màu tím buồn, vì dịch bệnh do Corona virus vẫn lan tràn khắp nơi. Tuy nhiên lễ Giáng Sinh năm nay cũng đến trong một biến cố quan trọng của Giáo Hội: Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 với chủ đề: Hướng đến một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Vì thế tôi gọi lễ Giáng sinh năm nay là “Giáng Sinh mùa Covid-19, Giáng sinh của một Giáo Hội Hiệp Hành”. Tôi xin chia sẻ vài tâm tình khi đón mừng kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa Giáng Thế năm nay với một bầu khí khác hẳn với mọi năm.

1. Giáng sinh mùa Covid-19

Giáng Sinh năm nay không tưng bừng, nhộn nhịp, không nhiều điện màu. Có nơi không có hang đá bên ngoài, chỉ có một hang đá nhỏ bên trong nhà thờ. Phần trang trí bên ngoài cũng hạn chế tối đa. Có lẽ và hầu chắc nhiều nơi cũng không có phần Hoạt cảnh Canh thức hay Diễn nguyện trước giờ lễ như mọi năm trước. Vì bệnh dịch các em đâu có tập trung được mà tập dợt. Ca đoàn thì tập hát vội vàng vì có biết là có lễ đâu mà tập. Nhiều người hỏi tôi năm nay có lễ đêm không cha? Tôi trả lời, có chứ nhưng có lẽ không cử hành ngoài trời được vì có thể chưa được tập trung đông người có chăng là ở trong nhà thờ nhưng số người có lẽ cũng hạn chế. Tất cả đều là “có lẽ” và “có thể”.

Giáng sinh năm nay về giữa lúc con người trên thế giới đảo điên vì bệnh dịch covid-19, qua đó mầu nhiệm tự hạ của Con Thiên Chúa càng sáng tỏ hơn. Thư Do Thái diễn tả việc Con Thiên Chúa đến trần gian trong khiêm hạ vâng phục: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ, con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10, 5-10). Có khi trước đây ta mừng lễ nặng hình thức bên ngoài nhiều hơn là nội tâm. Nên chi đại dịch Covid-19 đến làm ngưng hết mọi hoạt động bên ngoài, để ta mừng Chúa Giáng Sinh với lòng đạo đức sâu xa hơn, sống đức tin trưởng thành hơn, tiết kiệm hơn và không quá lãng phí. Trận đại dịch vừa qua làm ta phải nghĩ lại, những phí tổn to lớn của chúng ta dành cho cuộc lễ trước đây có khi nhiều quá chăng? Khi chứng kiến cảnh hàng triệu người trên thế giới chết vì dịch bệnh Covid-19; nhiều người phải dùng máy trợ thở cố níu kéo từng giây để sống. Ta mới thấu hiểu được sự sống Thiên Chúa ban cho nhân loại cao quý là dường nào. Ta mới biết quý trọng sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta; biết quý trọng sự sống của các thai nhi và đừng giết chết nó. Khi chứng kiến cảnh con người đau thương tang tóc, sống trong sự nơm nớp sợ hãi, cô lập, khép kín, cách ly, thiếu thốn, đói khát, bị kiểm soát, mất tự do. Ta mới hiểu được “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”,mà Con Thiên Chúa mang đến cho con người trong đêm Giáng Sinh cao quý như thế nào. Khi chứng kiến cảnh hàng đoàn người tháo chạy về quê đói lã, mệt nhọc, mất việc, trắng tay. Ta mới biết thương xót, cảm thông và chia sẻ tình người với anh chị em mình.

Có khi ca đoàn năm nay tập hát vội vàng nhưng lại hát hay hơn mọi năm. Bởi vì mọi người đều tập trung vì lâu lắm mới được hát lại sợ hát sai!!! Còn mọi năm tập kỹ, tập nhiều đến lễ thì mệt mỏi hát lơ là ỷ lại. Có khi hang đá năm nay đơn sơ hơn nhưng lại có nhiều người cầu nguyện khẩn thiết hơn. Vì đại dịch kéo dài thiếu vắng thánh lễ nên nhiều người ước ao xưng tội và chịu lễ, nhiều người khát khao thánh lễ và ước ao được rước Chúa hơn.

+ Mừng lễ Giáng Sinh năm nay trong bầu khí lo âu của mùa dịch vẫn còn. Có lẽ Chúa muốn chúng ta phải trở về đúng nghĩa của nó: Lễ hội của niềm tin tôn giáo chứ không phải lễ hội đời. Thờ phượng Thiên Chúa, kính mừng Ngôi Lời Nhập thể trong chiều sâu nội tâm của lòng đạo đức; trong thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm tự hạ thẳm sâu của Con Thiên Chúa; trong sự sám hối chân thành vì tội lỗi của mình và một quyết tâm hoán cải triệt để con người cũ để trở nên con người mới như lời rao giảng sám hối của Thánh Gioan Tẩy giả trong mùa vọng thứ ba. Mừng chúa Giáng Sinh trong thinh lặng, bình an của cõi lòng thiện tâm chứ không dừng lại ở những ồn ào náo nhiệt bên ngoài.

2. Giáng Sinh là lễ Con Thiên Chúa đến “hiệp hành” với con người

Chúa Giêsu Giáng Sinh trong hoàn cảnh đơn sơ, khiêm hạ, nghèo khó, âm thầm trong đêm vắng, không ai biết chỉ có mấy chú mục đồng…

Tin Mừng thánh Luca ghi lại sự kiện đêm Giáng Sinh, chúng ta đọc thấy có ba lần cụm từ: Chúa Giêsu được “đặt nằm trong máng cỏ” được nhắc lại. Lần thứ nhất khi thánh Giuse đưa Đức Mẹ về thành Belem để khai sổ bộ: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 1, 6-7). Lần thứ hai khi Thiên Thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 1, 10-12). Lần thứ ba khi các mục đồng theo lời của các Thiên Thần hối hả đi về Belem để tìm xem sự việc xảy ra: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 1, 16)

Hình ảnh “hài nhi vấn tả đặt nằm trong máng cỏ” cho thấy sự đơn sơ, nghèo khó của con Thiên Chúa. Hình ảnh này trước hết nói đến Chúa làm người như chúng ta. Một em bé được vấn tả là cung cách của những em bé con nhà nghèo. Ngày xưa các bà mẹ thường chuẩn bị những tả lót hình tam giác để quấn cho em bé mới sinh. Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng được mẹ quấn tả khi còn nhỏ. Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ, chỉ vài từ thôi Tin mừng còn nói đến sự nghèo khó, khiêm hạ của Con Thiên Chúa, Ngài đến đồng hành sẻ chia sự thiếu thốn nghèo hèn với con người.

Mừng lễ Giáng sinh trong bối cảnh của một thế giới đầy đau thương, một bầu khí ảm đạm, một tương lai tối đen mịt mờ do dịch bệnh, nhiều người mất việc, nhiều cơ sở kinh doanh phá sản, nhiều người hiện đang sống bấp bênh, trẻ em vẫn chưa đi học lại được. Chúng ta mới thấu hiểu Lễ Giáng Sinh là lễ của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến “hiệp hành” với con người; cùng đi với con người; cùng đau thương, chịu thiếu thốn với con người; cùng hành trình với đoàn người trong cơn đại dịch, tất tưởi rời thành phố trốn chạy về quê trong sợ hãi, đói khát, mệt nhọc. Có khi đùm túm nhau hai vợ chồng, đứa con nhỏ cùng chú chó trên một chiếc xe đạp chạy mấy trăm cây số về đến miền Tây, hay miền trung. Trên Thập giá, Con Thiên Chúa đã đồng hành với nỗi đau đớn cùng cực của những người trong cơn dịch bệnh khó thở, hấp hối. Với những người bị cách ly, tù đày, bị bỏ rơi; với những cái chết mỗi ngày trên khắp thế giới.

3. Giáng sinh của một Giáo Hội hiệp hành

Chính vì Con Thiên Chúa đến hiệp hành với con người, Giáo Hội cũng mời gọi mọi thành phần dân Chúa theo chân Thầy Chí Thánh cùng “cất bước hành trình”. Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thứ 16 mời gọi gợi ý trong Tài liệu chuẩn bị: “Trong Giáo hội và ngoài xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một nẻo đường. Trong Giáo hội địa phương của chúng ta, ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình”? Ai là những người dường như xa cách hơn? Là những người đồng hành, chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào? Các nhóm và cá nhân nào vẫn còn ở bên lề?” (Cẩm nang THĐ - câu hỏi số 1).

+ Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Ta cảm nhận được Thiên Chúa đã đến với con người, hiệp hành với con người. Giúp cho ta hồi tâm sâu xa cách sống của mình trong Giáo hội và ngoài xã hội cùng kiểm tra lại hành trình đức tin của mình. Chúng ta có sát cánh đồng hành với anh chị em không? Ai là người bị chúng ta loại trừ? Xa cách? Trong cơn đại dịch vừa qua và hôm nay cách sống của ta có khác trước không? Dịch bệnh mang đến nỗi nghi kỵ, sợ hãi, xa cách, co cụm hay dịch bệnh làm cho ta quảng đại, chia sẻ, dấn thân hơn.

(Rất nhiều câu chuyện cảm động trong đại dịch Covid-19 nói đến tinh thần hiệp hành, dấn thân chia sẻ. Câu chuyện sau đây là một ví dụ. Em sv Huỳnh Quang Phú quê BRVT năm cuối trường ĐHBK SG, ở KTX bị nhiễm F0 vào ngày 7/8. Trong phòng em bị sốt, rồi ho nhiều, mất cảm giác với mùi vị, được đưa đến khu cách ly Q.10. Ở đây em được chăm sóc, mỗi ngày có người đem cơm và cho uống thuốc. Trong 2 tuần ở điểm cách ly tập trung, Phú có nhiều đêm khó thở. Có 2 đêm khó thở vào lúc 2 giờ sáng, em ngồi dậy hít thở theo các bài tập trong tài liệu mà trường gửi, sau 30 phút em thấy đỡ và ngủ được. Với phương pháp đó, em giúp cho những người cùng phòng hít thở khi họ khó thở trước khi bác sĩ đến đưa họ đi thở oxy. Sau khi trãi qua những ngày điều trị và tự điều trị, test PCR lần thứ tư thì chỉ số âm tính và được trở về KTX, được khỏi bệnh em đăng ký vào tổ tình nguyện viên ở lại để giúp các bệnh nhân Covid-19 tại p7, Q10. Em viết trong thời gian điều trị, đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều tình nguyện viên khác. “Mình đã gặp hai tình nguyện viên rất vui vẻ. Thật sự trước khi đi cách ly tập trung, mình đã nung nấu dự định đi tình nguyện. Lý do đơn giản là mình rất thích làm những việc mang ý nghĩa giúp đỡ mọi người, làm những công việc theo tiếng gọi con tim mình” ).

Kính chúc cộng đoàn lễ Giáng Sinh đặt biệt năm nay nồng ấm tình yêu Chúa và sự bình an ấm áp trong thâm sâu cõi lòng do Ngôi Lời Thiên Chúa ban tặng. Một lễ Giáng Sinh trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Xã hội thoát khỏi dịch Covid-19 để mọi người được sống bình an khỏe mạnh. Các em được đến trường trở lại; những người bệnh được lành; mọi người vui vẻ sum họp. Nếu như trong đời sống xã hội đòi hỏi chúng ta cần phải thích ứng với hoàn cảnh mới, thì trong đời sống thiêng liêng Chúa còn đòi chúng ta phải “chứa rượu mới của Tin mừng trong những chiếc bình mới” (x. Lc 5, 38). Như thế mừng lễ Chúa Giáng sinh là dịp ta phải thay đổi tận căn để đón nhận ơn cứu độ Chúa ban, và hướng đến ngày Chúa Quang Lâm như trong Thư của Thánh Phaolô gửi cho Titô trong bài đọc hai: “chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2, 11-13) Amen.

L.m. G.B. Trương Đình Hà

21/12/2021