Phải Chăng Ngôi Sao Giáng Sinh Là Một “Vinh Quang Shekinah”?

Phúc Âm theo thánh Mát-thêu kể rằng:

“Ðức Giêsu đã sinh ra tại Bê-lem xứ Giuđêa, thời vua Hêrôđê, thì này: những đạo sĩ tự phương Ðông đến Giêrusalem hỏi rằng: "Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Ðông và chúng tôi đến bái yết Ngài." Nghe vậy, vua Hêrôđê trở nên hoảng hốt và cả dân thành Yêsusalem cũng vậy. Ông cho triệu tập các thượng tế và ký lục của dân mà hỏi họ cho biết: Ðức Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ thưa: "Tại Bêlem xứ Giuđêa, vì đã được tiên tri chép thế này: "Và ngươi, Bêlem, đất thuộc Giuđa, hẳn ngươi không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Giuđa, vì tự ngươi: sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh, Đấng sẽ chăn dắt Israel dân Ta". Bấy giờ Hêrôđê bí mật cho mời các đạo sĩ mà hỏi kỹ về thời gian ngôi sao xuất hiện, rồi sai họ đi Bêlem và bảo: "Các ông hãy đi dò hỏi tường tận về Hài-nhi; và khi đã tìm thấy, thì hãy báo lại cho trẫm, để trẫm cùng đi bái yết Ngài". Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi, và này ngôi sao họ đã thấy bên trời Ðông đi trước họ cho đến khi dừng lại trên nơi có Hài nhi. Thấy ngôi sao, họ rất mừng rỡ, hân hoan. Và vào nhà, họ thấy Hài-nhi cùng Maria mẹ Ngài, và họ phục mình xuống bái yết Ngài; đoạn mở tráp báu họ dâng Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.” (Mát-thêu 2:1-11).

Đã có nhiều cố gắng giải thích, cách khoa học, về ngôi sao Giáng Sinh, có ba tư tưởng sẽ được thảo luận ở đây. Thứ nhất: Một vài học giả cho rằng “ngôi sao” này là một sao chổi, một vật thể có truyền thống đi liền với những điều quan trọng đã xảy ra trong lịch sử, như sự sinh ra của các ông vua. Tuy nhiên, các tài liệu thiên văn về sao chổi đã không ghi nhận có ngôi “sao tua” nào xuất hiện vào khoảng thời gian của Chúa giáng sinh. Sao chổi Halley đã xuất hiện vào năm 11 BC, nhưng mãi đến khoảng giữa các năm 6 BC và 4 BC Chúa Giêsu mới giáng trần. Tính theo sự chính xác của lịch sử, vì đã có sự lầm lẫn về thời gian của sự kiện Chúa giáng trần trong lịch Gregorian, hiện đang được hầu hết nhân loại sử dụng.

Thứ hai: Một số học giả khác lại tin rằng ngôi sao Giáng Sinh là sự hội tụ của các hành tinh trong bầu trời đêm. Vì các hành tinh xoay quanh mặt trời với những khoảng cách và tốc độ khác biệt nên thỉnh thoảng dường như chúng đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, sự hội tụ của nhiều hành tinh trông không giống một nguồn ánh sáng như đã được diễn tả trong Kinh Thánh. Hơn nữa, việc hội tụ của các hành tinh đã xảy ra khá thông thường và không có gì đặc biệt. Đã có sự đến gần nhau giữa sao Thổ và sao Mộc (Jupiter and Saturn) vào năm 6 BC, nhưng một hội tụ gần hơn nữa của hai ngôi sao này đã xảy ra vào năm 66 BC, quá xa đối với năm Chúa giáng sinh.

Trong lễ Noel năm 2020, người ta đã nói về cuộc hội tụ của hai sao Thổ và Mộc, và gọi đó là “ngôi sao Giáng Sinh”. Sự hội tụ giữa sai sao này xảy ra cứ khoảng mỗi 20 năm, lần trước đây đã xảy ra vào năm 2000. Tuy nhiên, sự hội tụ này đã không đồng đều, năm 2020, hai sao đã đến gần với nhau nhất kể từ năm 1623.

Thứ ba, có người cho rằng ngôi sao giáng sinh là kết quả của một vụ bùng nổ của một ngôi sao (Supernova). Một số ngôi sao trong vũ trụ đã mất quân bình và phát nổ, điều này tạo nên một vùng ánh sáng lớn. Nhưng các tài liệu thiên văn đã không ghi nhận có cuộc sao bùng nổ nào vào khoảng thời gian sinh nhật của Chúa. Cả ba lời giải thích kể trên về ngôi sao giáng sinh đều không phù hợp với truyện Chúa Cứu Thế giáng trần đã được tiên tri trong sách Dân Số (24:17) hay ghi nhận trong Mát-thêu (2:1-11).

Có hai chi tiết đáng chú ý trong đoạn Phúc Âm theo thánh Mát-thêu: Thánh sử kể rằng chỉ có các Vua (Magi) nhìn thấy ngôi sao mà thôi. Tuy nhiên, nếu có sao chổi, sao hội tụ hay sao bùng nổ thì tất cả mọi người trên trái đất đều có thể nhìn thấy. Kế đến, ngôi sao Giáng Sinh đã đi trước các Magi và trực tiếp dẫn họ từ Đông sang Tây, để vào đất Do Thái. Rồi từ Giêrusalem đến Bêlem (Bethlehem), đó là một quãng đường dài khoảng 10 km, theo trục Bắc-Nam. Nhưng, tất cả những vật thể tự nhiên trong vũ trụ, được nhìn thấy từ trái đất, đều di chuyển từ Đông sang Tây, do ảnh hưởng chiều quay của địa cầu, vậy tại sao ngôi sao Giáng Sinh lại đi từ Bắc xuống Nam? Cũng khó mà tưởng tượng một nguồn sáng tự nhiên lại có thể dẫn con người đến một ngôi nhà đặc biệt nào đó.

Như vậy, người ta chỉ có thể kết luận rằng, sự xuất hiện của ngôi sao Giáng Sinh không thể giải thích bởi khoa học (trong tầm hiểu biết giới hạn của con người). Đó là một nguồn sáng SIÊU NHIÊN VÀ NHẤT THỜI. Dù sao, cuộc giáng trần lần thứ nhất của Chúa Cứu Thế đã là một thời của các phép lạ. Chúa đã thường dùng những nguồn sáng thiêng liêng và đặc biệt để hướng dẫn dân của Ngài, như “vinh quang của Chúa” đã tràn ngập “Nhà Chầu” (Tabernacle) trong sách Xuất Hành (40:34-38), như “vinh quang của Chúa” trong đền thờ (1 Các Vua 8:11). Ánh sáng “lạ” cũng chiếu soi trên thánh Phaolô khiến ngài ngã xuống đất (Tông Đồ Công Vụ 9:3).

Những dấu chỉ hữu hình minh chứng sự hiện diện của Chúa, như đã nói ở trên, được gọi là “Shekinah Glory” (Vinh quang Shekinah) hay “Nơi Chúa ngự”. Nguồn sáng đặc biệt này là một biểu hiện hữu hình của Đấng Thánh Vương trên các tầng trời.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)