THẦN HỌC XÁC THÂN của ĐGH Gioan Phaolô II

CHƯƠNG 7: HÔN NHÂN

Bài 3

Một trong những mầu nhiệm sâu xa của hôn nhân chính là sự kiện vợ chồng trở nên ‘một thịt một xương.’ Thế nhưng, họ vẫn là hai cá nhân. Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô dường như thừa nhận khía cạnh ‘một xương thịt’ của hôn nhân khi nói rằng người chồng là đầu của người vợ. Cùng khía cạnh ấy cũng được áp dụng cho Chúa Kitô, Đấng là ‘đầu của Hội Thánh,’ nhưng Ngài cũng là một ‘người chồng.’ Khi nghiên cứu về kiểu loại suy của Thánh Phaolô, ta cần phải ghi nhớ hai nét đặc trưng vừa nói, tức là, ‘một xương thịt’ mà vẫn là cô dâu-chú rể. “Trong một ý nghĩa nào đó, tình yêu làm cho ‘cái tôi’ của người này trở thành ‘cái tôi’ của người kia: ‘cái tôi’ của người vợ, qua tình yêu, trở thành ‘cái tôi’ của người chồng. Thân xác là sự diễn đạt của ‘cái tôi’ ấy.” “Là đối tượng tình yêu phu thê của người chồng, người vợ trở thành ‘một xương thịt’ với người chồng: trong một nghĩa nào đó, người vợ trở thành chính xương thịt của người chồng.” Với một cái nhìn dễ gây sửng sốt, ĐGH còn khẳng định rằng ‘sự tùng phục chồng’ nơi người vợ, trước hết và trên hết, mang ý nghĩa là một ‘cảm nghiệm tình yêu’ trong đời sống lứa đôi. Hiển nhiên là, nếu chấp nhận lối giải thích này, việc tùng phục của người vợ còn là kết quả của cam kết tình yêu hàm chứa trong hôn ước.

“Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh.” (Eph. 5:28-29) Trong đoạn văn này, hiển nhiên Thánh Phaolô lại một lần nữa nhấn mạnh đến sự phối hợp ‘một xương thịt’, thế nhưng, trong ngữ cảnh này, điểm mấu chốt là cách thức người chồng ‘chăm sóc’ ‘thân xác mình,’ nghĩa là, thân xác của vợ mình. Những dòng này giúp ta thấu hiểu, ít là một cách tổng quát, phẩm giá của thân xác và bổn phận luân lý phải chăm sóc nó sao cho tốt đẹp. Trong sự phối hợp ‘một xương thịt,’ tình yêu được diễn đạt phần nào qua việc cả hai vợ chồng chăm sóc thân xác của nhau.

Sau khi đã nhấn mạnh đến việc chăm sóc thân xác, Thánh Phaolô, trong câu 5:31, trưng dẫn đoạn sách Sáng Thế 2:24: “Bởi thế, người đàn ông lià cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Qua đoạn văn này, ĐGH nhìn thấy rõ sự liên kết giữa Mạc Khải của Thiên Chúa trong sách Sáng Thế qua Ađam và Evà với mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Do bởi hôn nhân, được Thiên Chúa thiết lập ngay từ buổi hừng đông của cuộc tạo dựng, đã mạc khải phần nào tình yêu của Chúa Ba Ngôi, và hôn nhân có thể so sánh với sự phối hợp của Chúa Kitô với Hội Thánh, thế nên, hiển nhiên là có một mối liên kết giữa mạc khải của tình yêu Thiên Chúa qua hôn nhân với mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. “Thánh Phaolô làm nổi bật sự liên tục giữa giao ước kỳ cựu nhất mà Thiên Chúa đã thiết lập khi xây dựng hôn nhân trong chính công trình tạo dựng, với giao ước cuối cùng, trong đó, sau khi đã yêu thương và phó mình cho Hội Thánh, Chúa Kitô đã kết hợp với Hội Thánh theo cách thức của đôi vợ chồng. Sự liên tục trong sáng kiến cứu độ này của Thiên Chúa đã cấu thành nền tảng chủ yếu cho kiểu loại suy kỳ diệu hàm chứa trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô.” Thiên Chúa tự biểu lộ qua Ađam và Evà, một cách cá biệt, bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa, và qua cuộc hôn phối của họ, là phản ảnh của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa hoàn tất mạc khải này nơi Chúa Kitô, Đấng đã ‘cưới lấy’ Hội Thánh: Chúa Kitô và Hội Thánh là một, và tạo nên một thân thể ‘mầu nhiệm,’ nghĩa là một nhân vị mầu nhiệm.

Hình ảnh cuộc hôn phối giữa Chúa Kitô và Hội Thánh trong Êphêsô tiếp nối kiểu loại suy được nói tới trong Isaia 54:4-10: “Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ; chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời goá buạ. Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt, chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn, ‘Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?’ Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì long thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi phán như vậy. Ta cũng sẽ làm như thời Nôê: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu. Núi có dời có đỗi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.” Trong đoạn này, Thiên Chúa tự coi mình như người chồng, còn Israel như người vợ. Tuy nhiên, ĐGH viết: “Kiểu loại suy về tình yêu vợ chồng và về hôn phối chỉ xuất hiện khi ‘Tạo Hoá’ và ‘Đấng Thánh của Israel’ trong bản văn của Isaia được mạc khải như là ‘Đấng Cứu Chuộc.” Đấng Cứu Chuộc, theo Tân Ước, chính là Chúa Kitô. ĐGH ghi nhận rằng lúc khởi đầu thư Ephêsô, thánh Phaolô nói đến tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như một ngưòi cha. Trong thư Êphêsô câu 1:3, thánh Phaolô nhìn nhận rằng Thiên Chúa và Thân Phụ của Chúa Giêsu Kitô “đã thi ân giáng phúc cho ta, trong Đức Kitô, để được hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” Thuỡ ban đầu, Thiên Chúa yêu thương như một ngưòi cha. Nhưng rồi, trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc, tình yêu ấy lại mang tính cách của đôi vợ chồng, bởi vì tình yêu ấy được mạc khải trong và qua thân xác loài người, trong và qua thân xác của Chúa Kitô. Cũng như Ađam và Evà đã biểu lộ một chút gì đó của tình yêu Thiên Chúa, thì trong Chúa Con nhập thể, ta thấy tình yêu Thiên Chúa được mạc khải trong xác thịt, và vì thế, một cách nào đó, tình yêu của người cha được biến đổi và hoàn tất bằng tình yêu của Chúa Kitô mang tính cách của đôi vợ chồng, được mạc khải trong và qua một thân xác loài người. Hình ảnh mà Isaia nói đến được đào sâu thêm và làm sáng tỏ thêm khi ta tìm cách thấu hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong Tân Ước. Chỉ trong Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc mà tình yêu mang tính cách vợ chồng của Thiên Chúa mới được nhìn thấy rõ ràng. Chính Chúa Kitô đã làm thành hữu hình điều vẫn hằng ẩn dấu nơi Thiên Chúa. Thân xác Ngài chính là một chỉ dấu mạc khải điều vô hình. Mà một chỉ dấu mạc khải thực tại vô hình không gì khác hơn là bí tích vậy.

Thế nhưng tính cách ‘vợ chồng’ trong tình yêu của Chúa Kitô không chỉ bắt nguồn từ tính liên tục giữa chỉ dấu hữu hình của thân xác loài người nơi Chúa Kitô và nơi Ađam và Evà, vốn diễn đạt thực tại ẩn dấu của Thiên Chúa, mà còn bởi vì tình yêu của Chúa Kitô thì ban phát ân sủng, ân sủng thánh hóa, và sự thánh thiện. Ađam và Evà đã được ‘tuyển chọn’ trong Chúa Giêsu Kitô trước khi có thế gian. Ađam và Evà, với tư cách là cặp vợ chồng tiên khởi đã được ‘ban phúc’ trước khi xẩy ra nguyên tội, và Chúa Kitô phục hồi lại ân sủng cho ta sống sau khi phạm tội. “Đối ứng lại cuộc hôn phối của cặp vợ chồng tiên khởi, như một chỉ dấu của việc ban phúc siêu nhiên cho con người trong bí tích Tạo Dựng, chính là cuộc hôn phối, hay đúng hơn, loại suy của cuộc hôn phối, giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, như là chỉ dấu ‘kỳ diệu’ căn bản của việc ban phúc siêu nhiên cho con người trong bí tích Cứu Chuộc.” ĐGH còn viết thêm rằng: “Vì thế, cái mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa--cái mầu nhiệm mà ‘từ thuở ban đầu’ trong bí tích Tạo Dựng đã trở thành một thực tại hữu hình qua sự phối hợp của cặp vợ chồng tiên khởi trong bối cảnh hôn nhân--mầu nhiệm ấy, trong bí tích Cứu Chuộc, trở thành một thực tại hữu hình của sự phối hợp bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, điều mà tác giả thư Êphêsô trình bầy như là cuộc hôn phối của đôi vợ chồng.” Tính cách ‘vợ chồng’ trong tình yêu của Chúa Kitô, một cách chủ yếu, chính là nền tảng làm cho mầu nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa trở thành hữu hình trong và qua thân xác con người, và một cách thứ yếu, là nền tảng cho việc ban phúc mà Chúa Kitô đã hoàn tất so với việc ban phúc của ông bà nguyên tổ chúng ta. Có thể nói rằng việc làm thành hữu hình, trong và qua thân xác, điều ẩn dấu từ muôn thuở ở nơi Thiên Chúa chính là ‘phương tiện’ của bí tích Tạo Dựng (cuộc hôn nhân giữa Ađam và Evà) và của bí tích Cứu Chuộc (Chúa Kitô). Hiệu quả của bí tích Tạo Dựng và hiệu quả của bí tích Cứu Chuộc chính là phúc lành cho nhân loại.

Hôn nhân, như ĐGH viết, chính là bí tích nguyên thủy bởi vì phương pháp và hiệu quả của nó được canh tân và tiếp nối trong bí tích Cứu Chuộc và trong sự hiện diện liên tục của nó qua Hội Thánh. Được xây dựng trên kiểu loại suy so với bí tích Tạo Dựng (hôn nhân Ađam và Evà), có thể nói rằng Hội Thánh chính là hiền thê của Chúa Kitô bởi vì, như một’xương thịt’ với Chúa Kitô, Hội Thánh mạc khải Thiên Chúa và thông ban ân sủng cho nhân loại. Hôn nhân, trong bí tích Tạo Dựng, đã là nền tảng cho cách thức Thiên Chúa làm việc trong thế gian.

Hôn nhân cũng là một trong bẩy bí tích bởi vì Chúa Kitô đã nâng phép lành này--vốn nguyên tội cũng không tước đoạt được-lên hàng một trong bẩy bí tích để cho tất cả mọi người có thể sống hôn nhân theo cách thức nó đã được tạo tác ‘tự thuở ban đầu.’ Ân sủng mà bí tích hôn phối mang lại sẽ giúp cho đôi vợ chồng thắng vượt được các vết thương tội lỗi và yêu thương nhau như Ađam và Evà đã yêu nhau trong Vườn Địa Đàng trước khi tội lỗi thâm nhập thế gian. “Tính lăng loàn đã tô đen chân trời nội quan và làm tâm hồn u mê trước đam mê dục vọng như thế nào, thì ‘đời sống theo thần khí’ (tức là ân sủng bí tích hôn phối) cũng cho phép con người, dù nam hay nữ, tìm lại được sự tự do chân chính của quà tặng, cùng với ý thức vế ý nghĩa hôn phối của thân xác trong nam tính cũng như nữ tính của nó.” Sống theo thần khí, nghĩa là, sống trong ân sủng, vợ chồng sẽ có khả năng yêu thương đúng nghĩa, và nhờ cùng ân sủng này, sẽ có hy vọng thiên quốc, trong và nhờ Chúa Kitô. Nhờ lòng quảng đại của Chúa, họ còn có khả năng đem lại sự sống mới cho những con người mới vốn sẽ lan tràn mặt đất này và, nếu Chúa muốn, lan cả đến Thiên Quốc nữa. Bậc làm cha mẹ cũng sẽ hưởng được niềm vui nhìn thấy con đàn cháu đống trên thế gian này, và tràn niềm hy vọng cho chúng được sống với Chúa (và với mình) trên thiên đàng muôn thuở.

Chỉ dấu của bí tích hôn phối được tạo thành bởi thiện ý của đôi vợ chồng, qua hôn ước, là tự hiến cho nhau, trong và qua nam tính hay nữ tính của mình. Yếu tố ‘thể chất’ của bí tích hôn phối chính là thân xác của hai người. Máu thịt của họ, như là quà tặng lẫn cho nhau, có thể được sánh với nước trong bí tích Thánh Tẩy hoặc như bánh và rượu trong bí tích Thánh Thể.

Thân xác họ nói một ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ của tự hiến hỗ tương. Nếu ngôn ngữ này diễn đật chân lý, tức là khi họ trao thân cho nhau, trong và qua thể xác mình, thì lúc đó vợ chồng đang sống bí tích: thân xác họ trở nên chỉ dấu hữu hình của một thực tại nội tâm. Nếu ngôn ngữ của thân xác họ diễn đạt một sự sai quấy, thì lúc đó họ đang ‘nói dối.’ Ngoại tình chính là khi vợ chồng đang nói dối bằng thân xác mình, khi một trong hai hoặc cả hai vợ chồng đang ‘nói lên’ lời tự hiến qua chính thân thể mình với một người không phải là vợ hay chồng mình. “Sự thủy chung vợ chồng chính là chân lý, còn ngoại tình là phi-chân lý, một thứ ‘ngụy biện của ngôn ngữ xác thân’…Có thể nói rằng yếu tố căn cơ của hôn phối như một bí tích chính là ‘ngôn ngữ xác thân’ trong khía cạnh chân lý của nó. Chính bởi phương cách đó mà chỉ dấu bí tích được cấu thành.”



(còn tiếp)