Lúc 11g sáng thứ Năm, 2 tháng 12, Đức Thánh Cha đã khởi hàng từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến quốc đảo Síp, tiếng Anh là Cyprus. Máy bay đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh đón tiếp Đức Thánh Cha tại Sân Bay Quốc Tế Larnaca.

Cùng đi với Đức Thánh Cha trong chuyến bay kéo dài 3 giờ từ Rôma trên chiếc máy bay A320 của hãng hàng không mới ITA Airways của Ý, có 77 nhà báo, trong đó có 7 nhà báo đến từ Síp và Hy Lạp. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào và cảm ơn vì sự đồng hành của họ. Đức Thánh Cha nói: “Đó là một hành trình đẹp, và chúng ta cũng sẽ chạm vào một số vết thương. Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể chào đón tất cả các thông điệp mà chúng ta sẽ tìm thấy”

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đi trên máy bay của hãng hàng không mới ITA Airways. Trước đây, tất cả các vị Giáo Hoàng đều dùng máy bay của hãng hàng không Alitalia bắt đầu hoạt động từ năm 1946. Chẳng may là Alitalia thua lỗ nặng nề. Theo các báo cáo của Bộ Kinh tế và Tài chính Italia, trong thời gian từ năm 1974 đến 2014, là khoảng thời gian Alitalia nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của chính phủ, chính quyền Ý đã phải tốn khoảng 7.4 tỷ euro trang trải các thâm hụt của hãng hàng không này. Vì thế, tháng Ba, năm ngoái, Ý rất muốn bán hãng hàng không này cho Trung Quốc, bất chấp những chống đối của dân chúng. Tuy nhiên, kế hoạch của họ bất thành. Do hậu quả của đại dịch coronavirus, không chỉ Alitalia mà hầu hết tất cả các hãng hàng không trên thế giới đều rơi vào tình trạng thê thảm. Trung Quốc lợi dụng tình hình này đã trả một giá rẻ mạt. Vào ngày 10 tháng 10 năm ngoái 2020, chính phủ Ý đã ký một nghị định cho phép hãng hàng không được tổ chức lại với tên gọi ITA Airways, với ít máy bay hơn, ít nhân viên hơn.

Chiếc máy bay của Đức Giáo Hoàng đã đáp xuống Sân bay Larnaca của Síp lúc 3 giờ chiều, dừng lại trước “Nhà ga dành cho các nguyên thủ quốc gia”.

Về địa danh Larnaca này, có một chi tiết rất đáng chú ý. Chương 11, Phúc Âm theo Thánh Gioan trình bày với chúng ta về biến cố Chúa Giêsu cho thánh Lagiarô chết 4 ngày sống lại. Theo truyền thống, thánh Lagiarô sau đó đã là Giám Mục tiên khởi của thành phố Larnaca này.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sứ thần Tòa thánh tại Síp, Đức Tổng Giám Mục Tito Yllana, người trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi, đã lên các bậc thềm để chào đón Đức Thánh Cha bên trong máy bay. Chờ đợi Đức Thánh Cha trên thảm đỏ trên đường băng dưới chân bậc thang là Chủ tịch Quốc Hội, Annita Demetriou, đi cùng với 3 trẻ em trong trang phục truyền thống, các em đã tặng ngài những bó hoa chào đón. Có mặt tại sân bay quốc tế Larnaca còn có một số chức sắc của Giáo hội. Sau khi đoàn quân danh dự của Síp trỗi lên một bản nhạc chào đón dành cho quốc khách, Đức Giáo Hoàng và Chủ tịch Quốc Hội đã giới thiệu các thành viên trong hai phái đoàn.

Tháng 7 năm 2006, hòn đảo trở thành một thiên đường an toàn cho những người Li Băng tị nạn vì cuộc xung đột giữa Israel và quân du kích Hezbollah. Một nhóm trẻ em cầm cờ Li Băng và hô vang bằng tiếng Anh, “Hoan hô Đức Thánh Cha Phanxicô, chào mừng ngài đến với Síp! Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng con yêu mến ngài! Đức Thánh Cha Phanxicô, hãy cầu nguyện cho Li Băng!”

Có mặt trên đường băng còn có nhiều trẻ em cầm cờ của Vatican và Síp, các em hò reo: “Chúng con yêu mến Đức Thánh Cha”. Một người trong số họ cầm biểu ngữ có dòng chữ, “Đức Thánh Cha Phanxicô, biểu tượng của hòa bình”.

Không có bài phát biểu nào ở sân bay nhưng Đức Giáo Hoàng và Bà Demetriou đã nói chuyện một lúc bên trong nhà ga. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đi trên một chiếc Fiat để vượt một quãng đường 50 km đến Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc ở thủ đô Nicosia. Đó là trụ sở của Tổng giáo phận Công Giáo Maronite của Síp, nơi ngài sẽ nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên và các hiệp hội tông đồ và các phong trào của Síp.

Đây là chuyến thăm thứ hai của một vị Giáo hoàng đến Síp sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI vào năm 2010. Khẩu hiệu trong chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đảo Địa Trung Hải này là “An ủi nhau trong đức tin”, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi cho Timothêo. Sách Tông Đồ Công Vụ giải thích rằng tên của Thánh Banaba có nghĩa là “đứa con của sự an ủi”.

80% trong số 850,000 người dân Síp theo Kitô Giáo, với số người theo Công Giáo là 38,000 người, tương đương khoảng 4.47% dân số. Người Hồi giáo chiếm 2%. Đại đa số người Síp tự nhận mình là Chính thống giáo Hy Lạp. Nhiều người Công Giáo ở đây có nguồn gốc từ những Thập tự quân đã định cư ở đó sau khi Giêrusalem thất thủ vào thế kỷ 12.

Thánh Phaolô đã dừng chân ở Síp vào thế kỷ đầu tiên sau Chúa Giáng Sinh và đã cải đạo cho thống đốc La Mã của hòn đảo Sergius Paulus.

Tuần trước, Đức Thánh Cha đã công bố một thông điệp video cho người dân Síp và Hy Lạp, trong đó ngài đã thiết lập giai điệu cho chuyến thăm của mình. Ngài nói:

Kính gửi các anh chị em Síp và Hy Lạp, kaliméra sas! Chào buổi sáng tốt lành!

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta và tôi đang chuẩn bị hành hương đến những vùng đất của các bạn tráng lệ, được chúc phúc bởi lịch sử, văn hóa và Phúc âm! Tôi đến với niềm vui, đúng hơn nhân danh Phúc Âm, theo bước chân của những nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên, đặc biệt là các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba. Thật là tốt khi trở về nguồn cội và điều quan trọng là Giáo hội phải khám phá lại niềm vui của Tin Mừng. Chính với tinh thần đó tôi đang chuẩn bị cho cuộc hành hương đến các suối nguồn này, và tôi xin mọi người giúp tôi chuẩn bị với những lời cầu nguyện của họ.

Nhờ gặp gỡ các bạn, tôi sẽ có thể làm dịu cơn khát của mình tại những suối nguồn của tình huynh đệ, là điều rất quý giá vào thời điểm chúng ta vừa mới bắt đầu một hành trình đồng nghị toàn cầu. Có một “ân sủng đồng nghị”, một tình huynh đệ tông đồ mà tôi rất ao ước, và vô cùng kính trọng: đó là hy vọng được viếng thăm các vị Tổng Giám Mục kính mến Chrysostomos và Hieronymos, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống địa phương. Là anh em trong đức tin, tôi sẽ có ân sủng được anh chị em đón nhận và gặp gỡ anh chị em nhân danh Chúa Bình an. Hỡi anh chị em Công Giáo thân mến, tôi đến với anh chị em, những người tụ họp trong xứ ấy thành từng đàn chiên nhỏ mà Chúa Cha hết sức yêu thương dịu dàng và Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành đã lặp lại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32). Tôi đến với tình cảm là mang đến cho anh chị em sự cổ vũ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Đến thăm các bạn cũng sẽ cho tôi cơ hội để uống từ những suối nguồn cổ kính của Âu Châu: Síp, là tiền đồn trên lục địa của Thánh Địa Giêrusalem; Hy Lạp, quê hương của nền văn hóa cổ điển. Nhưng ngay cả ngày nay, Âu Châu cũng không thể bỏ qua Địa Trung Hải, vùng biển đã chứng kiến sự truyền bá Tin Mừng và sự phát triển các nền văn minh vĩ đại. Địa Trung Hải [chữ Đức Thánh Cha dùng là Mare Nostrum là tiếng Latinh, nghĩa là là Biển của chúng ta, đó là tên người La mã gọi Địa Trung Hải] nối liền rất nhiều vùng đất, mời gọi chúng ta cùng nhau chèo thuyền, không bị chia rẽ khi theo đuổi những con đường riêng biệt của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn đòi hỏi những nỗ lực và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên diện rộng.

Biển, nơi đón nhận nhiều dân tộc, với những bến cảng rộng mở nhắc nhở chúng ta rằng nguồn sống chung nằm ở sự chấp nhận lẫn nhau. Ngay bây giờ tôi đã cảm thấy được chào đón bởi tình cảm của các bạn và tôi cảm ơn những người đã chuẩn bị cho chuyến thăm của tôi trong một thời gian. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người, trong những năm gần đây và cho đến tận ngày nay, đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo, đổ bộ lên bờ lục địa và những nơi khác, và không gặp được lòng hiếu khách nhưng là sự thù địch và thậm chí là sự bóc lột. Họ là anh chị em của chúng ta. Bao nhiêu người đã mất mạng trên biển! Ngày nay biển của chúng ta, Địa Trung Hải, là một nghĩa trang lớn. Là một người hành hương đến những nguồn suối của nhân loại, tôi sẽ đến Lesvos một lần nữa, tin chắc rằng những nguồn mạch của sự sống chung sẽ nảy nở trở lại trong tình huynh đệ và sự hòa nhập cùng nhau. Không có cách nào khác và với tầm nhìn này, tôi đến với các bạn.

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi rất mong được gặp tất cả các bạn, tất cả các bạn! Không chỉ tất cả những người Công Giáo! Tôi cầu xin Đấng Tối Cao chúc phúc cho tất cả các bạn, khi tôi mang đến trước mặt Người ngay cả bây giờ khuôn mặt và những kỳ vọng của các bạn, những lo lắng và hy vọng của các bạn. Na íste pánda kalá! Cầu mong bạn luôn khỏe mạnh!

Sau cuộc đón tiếp này, vào lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite.
Source:Vatican News