1. Câu chuyện ma Công Giáo này nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện

Hôm 5 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, tường thuật câu chuyện nhan đề “This Catholic ghost story highlights the power of prayer”, nghĩa là “Câu chuyện ma Công Giáo này nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Một người đàn ông đã cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục và họ đã trả ơn cho anh ta bằng cách bảo vệ anh ta khỏi một kẻ muốn giết anh.

Người Công Giáo tin rằng những lời cầu nguyện của chúng ta có thể có tác dụng thực sự đối với các linh hồn trong luyện ngục, vì chúng ta kêu cầu lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa để rút ngắn thời gian thanh tẩy của họ.

Một câu chuyện ma Công Giáo nhắc lại luận điểm đó, kể lại việc một người đàn ông cầu nguyện hàng ngày cho các linh hồn trong luyện ngục như thế nào và họ đã giúp anh ta ra sao.

Câu chuyện được tìm thấy trong bộ sưu tập thời trung cổ được gọi là Truyền thuyết vàng, chứa nhiều truyền thuyết được truyền lại qua nhiều thế kỷ.

Có một người đàn ông luôn luôn đi qua nghĩa trang, đọc kinh De profundis, tiếng Việt gọi là kinh Vực Sâu cho tất cả các linh hồn. Và một lần anh ta bị bao vây bởi những kẻ thù của mình. Khi chạy trốn, anh ta đã nhảy vào nghĩa trang. Và họ đã theo anh, với ý định giết anh. Vào lúc đó, những kẻ muốn giết anh bị một ảo giác như thể tất cả các xác chết sống dậy, và mỗi người cầm một vũ khí trong tay để bảo vệ người đàn ông đó, khiến họ vô cùng sợ hãi và chạy trốn.

Câu chuyện nghe hơi giống một bộ phim kinh dị thời hiện đại, với những người chết trỗi dậy từ ngôi mộ của họ để đánh đuổi một nhóm côn đồ.

Tuy nhiên, câu chuyện nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện đối với các linh hồn trong luyện ngục và cách họ thực sự đánh giá cao những lời cầu nguyện của chúng ta. Họ sẽ đền đáp cho chúng ta những lời cầu nguyện đó khi họ có thể, quan trọng nhất là khi họ lên đến Thiên Đàng. Vào thời điểm đó, những linh hồn này sẽ được kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa và đến lượt họ, họ sẽ cầu bầu cho chúng ta, kêu cầu ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa xuống trên chúng ta.


Source:Aleteia

2. Báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong tổng giáo phận Munich của Đức bị trì hoãn

Một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức không thể được công bố trước tháng Giêng năm 2022.

Westpfahl Spilker Wastl, công ty luật biên soạn báo cáo, đã thông báo về sự chậm trễ vào ngày 3 tháng 11, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.

Công ty luật Munich nói rằng sự chậm trễ là do “những phát hiện mới thu được trong quá khứ gần đây” cần phải được “đánh giá chuyên sâu”.

Tiêu đề chính thức của nghiên cứu là “Báo cáo về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ, cũng như các nhân viên khác, ở Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1945 đến năm 2019”.

Báo cáo sẽ trình bày từ năm 1977 đến năm 1982, thời kỳ mà Đức Bênêđíctô XVI lãnh đạo tổng giáo phận, cũng như nhiệm kỳ của Hồng Y Reinhard Marx, người đã giữ chức tổng giám mục của Munich và Freising từ năm 2007.

Công ty luật đã đưa ra một báo cáo vào năm 2010 về việc xử lý các trường hợp lạm dụng chưa bao giờ được công bố của tổng giáo phận.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với CNA Deutsch vào ngày 4 tháng 11: “Việc xuất bản hoàn chỉnh báo cáo đầu tiên không được lên kế hoạch. Báo cáo mới bao gồm giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2019 “

Westpfahl Spilker Wastl trước đây chịu trách nhiệm biên soạn một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong Tổng giáo phận Köln.

Vào tháng Giêng năm 2019, tổng giáo phận Köln đã ủy quyền cho công ty luật kiểm tra các hồ sơ nhân sự liên quan từ năm 1975 trở đi để xác định “những thiếu hụt cá nhân, hệ thống hoặc cơ cấu nào phải chịu trách nhiệm trong quá khứ đối với các vụ lạm dụng tình dục được che đậy hoặc không bị trừng phạt một cách nhất quán”.

Sau khi các luật sư tư vấn cho tổng giáo phận nêu lên những lo ngại về “những thiếu sót về phương pháp luận” trong nghiên cứu, Đức Hồng Y Woelki đã ủy quyền cho chuyên gia luật hình sự có trụ sở tại Köln, là Giáo sư Björn Gercke viết một báo cáo mới, được công bố vào tháng Ba.

Hành động của Đức Hồng Y Woelki ngăn chặn báo cáo ban đầu là đúng. Ngài lo ngại rằng một linh mục sau khi tên tuổi bị đưa lên báo chí như một kẻ lạm dụng tình dục thì sau này dù có được minh oan, danh dự của vị linh mục ấy cũng không hoàn toàn được khôi phục. Tuy nhiên, người ta cáo buộc rằng ngài chặn lại báo cáo ban đầu là vì trong báo cáo ấy có nhắc đến ngài. Thật ra không phải như thế. Sau cuộc thanh tra tông tòa do Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan tiến hành, Tòa Thánh cho biết cả hai báo cáo không hề nhắc gì đến Đức Hồng Y Woelki. Trước đó, ngài đã phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích - cả trên các phương tiện truyền thông Đức và từ các đại diện của Giáo hội địa phương - vì đã không công bố báo cáo gốc.

Hồng Y Marx đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5, đề nghị từ chức nhằm gây áp lực buộc Đức Thánh Cha cách chức Đức Hồng Y Woelki nhưng đã thất bại.

Đức Hồng Y Woelki hiện đang “nghỉ phép”, nhưng sẽ trở lại lãnh đạo tổng giáo phận vào đầu Mùa Chay 2022.

Tổng giáo phận Munich, ở Bavaria, miền nam nước Đức, có từ năm 739 sau Chúa Giáng Sinh, phục vụ hơn 1.7 triệu người Công Giáo tại 758 giáo xứ, trên tổng dân số 3.8 triệu người.

Kể từ năm 1945, bắt đầu giai đoạn được đề cập trong báo cáo, tổng giáo phận đã được lãnh đạo bởi các Đức Tổng Giám Mục Michael von Faulhaber, Joseph Wendel, Julius Döpfner, Joseph Ratzinger, Friedrich Wetter và Reinhard Marx.


Source:Catholic News Agency

3. Guernsey loại bỏ đề xuất về luật phân biệt đối xử có thể dẫn đến việc đóng cửa các trường Công Giáo

Hôm 2 tháng 11, Quốc hội của hòn đảo đã bỏ phiếu về cái gọi là “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử: dựa trên (i) Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng và (ii)Xu hướng Tình dục”. Những người đề ra Pháp lệnh này cho biết nó nhằm mục đích bảo đảm rằng những người xin việc được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng hoặc khuynh hướng tình dục.

Trong 5 năm đầu, Pháp lệnh sẽ chỉ áp dụng cho “các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các trường tôn giáo.” Sau đó, nó sẽ được áp dụng đại trà.

Trong một lá thư đề ngày 23 tháng 10, Đức Cha Philip Egan than phiền rằng chính sách mới “đặt tất cả các trường Công Giáo ở Guernsey vào tình trạng bị đe dọa.” Các bậc phụ huynh khi gởi con đến trường Công Giáo mong mỏi con họ được giáo dục đức tin Công Giáo. Nếu hiệu trưởng và các thầy cô giáo không ủng hộ và không truyền bá đức tin Công Giáo thì trường Công Giáo có khác gì các trường công lập.

Trên sàn Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đã chỉ ra rằng “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử” thực ra là nhằm phân biệt đối xử một cách tinh quái chống lại Giáo Hội Công Giáo.

Các nhà lập pháp ở Guernsey đã bỏ phiếu bác bỏ “Pháp lệnh” quái đản này, và ủng hộ việc duy trì hiện trạng trên hòn đảo, nghĩa là các trường Công Giáo có thể yêu cầu hiệu trưởng phải là người Công Giáo.

Đức Cha Philip Egan, Giám Mục giáo phận Portsmouth, có lãnh thổ bao gồm Guernsey, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Sáu rằng ngài “rất biết ơn” các quan chức địa phương đã hợp tác lắng nghe những mối quan tâm của giáo phận.

Ngài cho biết: “Quyết định này giúp các bậc cha mẹ có thể tự tin tiếp tục chọn các trường Công Giáo cho con em mình và hưởng lợi từ di sản của quan hệ đối tác với Guernsey đã có từ 150 năm nay”.

Guernsey, một hòn đảo ở eo biển Anh, là một quốc gia có chủ quyền nhưng phụ thuộc Vương quốc Anh. Khoảng 63,000 người sống trên đảo, nơi có ba nhà thờ Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo trước đây đã xung đột với các nhà lập pháp ở Guernsey về các động thái đưa ra luật hỗ trợ tự tử và tự do hóa phá thai.


Source:Catholic News Agency